Sau khi khởi nghĩa thành công thì cử ra một tổ chức mới gọi là UBND cách mạng lâm thời do cụ Tôn Quang Phiệt giữ chức Chủ tịch, tôi Phó Chủ tịch. UBNDCM lâm thời làm việc hơn một tháng thì Chính phủ có chỉ thị thành lập UB hành chính lâm thời các tỉnh trong toàn quốc. Tôi được đề cử giữ chức Chủ tịch, anh Hoàng Phương Thảo giữ chức Phó Chủ tịch, các anh Bửu Tiếp, Kinh Chi, Trần Thanh Chữ, Lê Tự Đồng là ủy viên.
Như vậy, UBHC lâm thời bắt đầu cuối năm 1945 đến cuối tháng 3/1946 mới có HĐND tỉnh. HĐND tỉnh bầu UBHC chính thức gồm: Hoàng Anh (Chủ tịch), cụ Hoàng Đức Trạch (Phó Chủ tịch), Lâm Mộng Quang (thư ký). Cho đến cuối năm 1946 chuẩn bị kháng chiến, Trung ương chỉ thị thành lập UB kháng chiến ở các tỉnh. Vì thế đồng chí Hà Văn Lâu Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân làm Chủ tịch UB kháng chiến và chủ tịch UBHC là tôi làm PCT UBKC. Khi mặt trận vỡ, lại một lần nữa chuyển đổi từ UBKC thành UB kháng chiến hành chính và tôi lại nhận chức Chủ tịch và cụ Hoàng Đức Trạch làm PCT, anh Bạch Văn Quế làm ủy viên.
Qua một thời kỳ hình thành và hoàn thiện bộ máy chính quyền của Thừa Thiên Huế, giúp việc cho cơ quan chính quyền có các bộ phận như: tài chính, bộ phận tiếp tế; bộ phận thông tin, tuyên truyền; bộ phận tư pháp.
Ngoài các thư ký lo các công việc chuyên sâu còn có một số anh chị em làm công tác văn thư, lo chuyển công văn đi, công văn đến, lo theo dõi điện thoại, nghe rađiô rồi tóm tắt lại để báo cáo v.v...Có thể nói công việc của cách mạng mỗi ngày một lớn mạnh phát triển, bên cạnh sự hình thành bộ máy chính quyền đã bắt đầu khởi nguồn cho một cơ quan, một bộ phận trợ lý đắc lực cho bộ máy hoạt động UBND tỉnh.
Hồi đó sự thật chưa có từ ngữ văn phòng, cơ quan văn phòng UBHCKC nhưng bây giờ kỷ niệm 60 năm Văn phòng UBND, các anh có hỏi nhiều về cán bộ văn phòng phục vụ, trợ lý đắc lực cho UB, tôi mới hồi tưởng lại những gì của thời kỳ ta tiếp quản dinh cơ của Nam triều Bảo Đại. Chính quyền ta đến văn phòng các bộ thì thấy bộ nào cũng soạn sẵn biên bản bàn giao đã có của bộ trưởng Nam Triều, nhân viên bảo vệ, văn phòng ký. Khi ta tiếp quản Nam Triều chúng ta đã làm một bước là vận động, khơi dậy lòng yêu nước của các bộ trưởng, các nhân viên quan trọng nên khi cướp chính quyền chúng ta không bị một xáo trộn nào cả. Ví dụ như ông Phạm Khắc Hoè, đổng lý triều đình được giao nhiệm vụ vận động Bảo Đại(1) giao nộp ấn kiếm cho chính phủ ta; một số cán bộ khác vận động Phan Tử Lăng(2) - Thống đốc bảo an Chính phủ đứng ra tự nguyện phục vụ Việt Minh (UBND thời đó); vận động ông Phan Anh(3) - Bộ trưởng Bộ Thanh niên cho người năm lực lượng thanh niên tiên tiến (lực lượng bán quân sự của Trần Trọng Kim) và sau này xây dựng dần thành lực lượng nòng cốt của ta. Tiếp thu kho của Nam Triều vỏn vẹn chỉ còn nửa triệu bạc và 60 thùng bạc nén (mỗi thùng 60 ký).
Nói tóm lại sau khởi nghĩa ta tiếp thu trọn vẹn tài sản của Nam Triều và dùng nhiều người đã từng phục vụ cho bộ máy Nam Triều quay trở lại phục vụ cách mạng một cách có ý nghĩa nhất. Ngoài lực lượng bảo vệ cho ta, khi tiếp quản Bộ Phủ thì đội nấu ăn phục vụ Nam Triều còn nguyên vẹn. Hàng ngày họ không đi chợ mà nhận lương thực, thực phẩm của ta để chế biến. Mỗi lần đến nhà ăn chúng tôi thường thấy toàn bộ đội ngũ nhà bếp này ăn mặc áo quần là lượt đứng sắp hàng thẳng tắp hai phía bàn ăn (có lẽ động tác này là cung cách họ quen trong phủ Khâm sứ). Có khác chăng trên bàn ăn bây giờ không phải là cao lương mỹ vị họ thường chưng mà là rau muống luộc, cá bằng chặn... lúc đầu nhiều người buồn cười nhưng rồi cũng thấy vui vui. Tuy nhiên việc này cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, trong những ngày ta mới cướp chính quyền.
Tóm lại toàn bộ cơ quan UB khởi nghĩa, rồi đến cơ quan hành chính lâm thời, UB kháng chiến hành chính và nhiều lực lượng khác đóng trong Nam Triều hoặc ở toà Khâm, toà Phủ Doãn cho đến cả chặng đường dài sơ tán từ Huế lên chiến khu Hoà Mỹ đều được bảo vệ cẩn mật, lo bữa ăn, chỗ ở chu đáo từ những tấm lòng cán bộ chuyên viên thư ký cho các Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ phục vụ văn phòng, điện đài, tổ nhà in, đồng bào tình nguyện cho đến cả đội ngũ phục vụ bộ máy Nam Triều trước đây đã hăng hái xoay sang phục vụ tận tâm cho bộ máy cách mạng mới hình thành trong thời kỳ trứng nước. Bộ máy giúp việc của chính quyền lúc đầu còn sơ sài, ít người. Càng về sau cùng với sự phát triển của cách mạng, bộ máy giúp việc ngày càng được hoàn thiện và nâng cao chất lượng, phục vụ có hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền của tỉnh.
Bây giờ tôi vẫn nhớ, những gương mặt, những con người yêu quý ấy, xa xưa cách đây đã 60 năm, tôi vừa biết ơn, vừa cảm phục và có thể coi đó như là ĐỘI NGŨ VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN của tỉnh ta đã hình thành bóng dáng từ thời kỳ khởi nghĩa năm 1945.
Hà Nội, 6/2005 VÕ MẠNH LẬP ghi (199/09-05)
------------------------ 1-Bảo Đại sau này là Tối cao cố vấn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà 2- Phan Tử Lăng sau này là cán bộ quân sự của ta 3- Ông Phan Anh sau này là Bộ trưởng Bộ ngoại thương của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà |