Câu chuyện hôm nay
Nhìn lại quá trình đô thị hoá ở Thừa Thiên Huế
10:13 | 13/04/2009
Thừa Thiên Huế là thủ phủ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của cả nước dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn, nay là cố đô, một trong những trung tâm văn hoá và du lịch quan trọng của Việt Nam , trải qua quá trình đô thị hoá, vừa mang dấu ấn của một đô thị cổ phương Đông, vừa có đặc trưng của một đô thị mới. Để góp phần định hướng phát triển và tổ chức quản lý vùng đất nầy, một trong những việc cần làm là nên soát xét lại kết quả của quá trình đô thị hóa để lựa chọn những giải pháp quản lý phù hợp.

I. ĐÔI  ĐIỀU VỀ ĐỊA DANH  VÀ TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH

Có một vấn đề bên lề, nhưng cần thiết phải đề cập trước, đó là cần hiểu đúng nội dung địa danh Thừa Thiên Huế trước khi nói về Thừa Thiên Huế.

1/ Địa danh Thừa Thiên Huế dùng để chỉ một đơn vị hành chính mới được sử dụng gần đây. Địa danh hành chính truyền thống của vùng đất nầy là châu Hoá, Thuận Hoá, Phú Xuân.

- Khi châu Ô, châu Lý trở thành lãnh thổ của Đại Việt (1306), vua Trần Anh Tông đã đổi tên châu Lý (chủ yếu là Thừa Thiên Huế hiện nay) thành châu Hoá, châu Ô thành châu Thuận. Qua nhiều thời kỳ, địa danh hành chính chỉ chung vùng đất nầy là Thuận Hoá (phủ Thuận Hoá thời Minh thuộc, lộ Thuận Hoá thời Lê Lợi, thừa tuyên Thuận Hoá thời Lê Thánh Tông, xứ Thuận Hoá thời Lê Trịnh...)

- Từ khi Nguyễn Phúc Thái dời phủ chúa về Phú Xuân (1688), đặc biệt sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua ở Phú Xuân (1788) thì từ một địa danh hành chính cấp tổng, Phú Xuân trở thành địa danh hành chính của đô thành.

- Khi tổ chức lại hệ thống hành chính cả nước, Gia Long đã hình thành khu vực Ngũ Quảng, vùng đất Thừa Thiên Huế hiện nay là dinh Quảng Đức, thuộc về kinh sư, nằm giữa hai dinh hữu trực Quảng Bình, Quảng Trị và hai dinh tả trực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Địa danh hành chính Quảng Đức tồn tại trong vòng 30 năm (1802-1832) không để lại một dư âm đáng kể.

2/ Huế là địa danh văn hoá xuất hiện rất sớm để chỉ vùng đất châu Hoá cũ. Thừa Thiên là địa danh hành chính chỉ chung khu vực Thừa Thiên Huế hiện nay mới xuất hiện từ thế kỷ XIX (1832) khi Minh Mạng đổi dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên.

- Chưa ai xác định từ Huế xuất hiện bao giờ. Nhiều người cho rằng Huế là biến âm của từ Hoá (châu Hoá). Trong tự dạng Hán Nôm, hai từ Huế và Hoá đều viết giống nhau. Căn cứ tư liệu thư tịch hiện có thì từ Huế viết bằng chữ cái Latin đã có từ thế kỷ XVII, khi Alexandre de Rhodes viết về “Province de HOA” và “kehue”(Kẻ Huế) để nói về thủ phủ của chúa Nguyễn.

- Trong ngôn ngữ thông thường, chúng ta vẫn dùng từ Huế khi nói về vùng đất (xứ Huế), con người (người Huế), sản vật (nón Huế, guốc Huế... ), sinh hoạt văn hoá (ca Huế...) mang tính đặc trưng của vùng đất Thừa Thiên.

- Tương tự như thế, câu hò “Đất Thừa Thiên trai hiền, gái lịch...” cũng chỉ chung cả vùng đất và trai, gái Thừa Thiên Huế hiện nay.

3/ Huế được sử dụng làm địa danh hành chính bắt đầu từ năm 1899 khi Pháp thành lập thị xã Huế, nhưng địa giới và quan hệ giữa các tổ chức hành chính Thừa Thiên và Huế có những điểm rất đặc thù:

- Thị xã Huế (Centre urbain de Hué) được Pháp phê chuẩn thành lập ngày 30-8-
1899, ngày 12-12-1929 được nâng thành thành phố Huế (Commune de Hué), địa giới hành chính chỉ gồm các phường nằm ngoài kinh thành. Như vậy, có thời vùng đất Thừa Thiên Huế hiện nay đã cùng một lúc có ba tổ chức hành chính gồm kinh sư do Đề đốc Kinh thành của triều đình trông coi, phủ Thừa Thiên có Phủ Thừa, Phủ Doản và thành phố Huế đứng đầu là Đốc lý thành phố do Công sứ Pháp ở Thừa Thiên kiêm nhiệm (Résident Maire). Qua từng thời kỳ tuy có điều chỉnh, nhưng cơ bản mô hình nầy vẫn tồn tại từ 1899 đến tháng Tám 1945.

Sau Cách mạng tháng Tám, thị xã Huế được tổ chức lại thành tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên, bao gồm cả khu vực kinh thành cũ. Khi Pháp tái chiếm, đơn vị hành chính thị xã Huế và tỉnh Thừa Thiên vẫn được giữ lại.

- Năm 1956, Ngô Đình Diệm ban hành Dụ 37A cải tổ nền hành chính, Huế là thành phố (về sau đổi lại là thị xã), ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, nhưng tỉnh lỵ Thừa Thiên vẫn đặt tại Huế. Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên kiêm chức Thị trưởng thành phố Huế, có một phó Tỉnh trưởng. Toà hành chính tỉnh đóng chung với Toà Thị Chính. Mô hình nầy tồn tại đến năm 1975 với một thành phố có ba quận, hệ thống ty sở gồm Văn phòng Toà Thị Chính, Trung tâm Huấn luyện và Tu nghiệp và 6 Ty Hành chính, Nội an và Quân vụ, Tài chính, Kinh tế, Công chánh, Kiến thiết ngang cấp với các Ty của tỉnh Thừa Thiên. Các lĩnh vực khác (giáo dục, thông tin, y tế, thuế vụ, nông nghiệp, điền địa...) do các Ty của tỉnh Thừa Thiên phụ trách.

Trong kháng chiến, từng thời kỳ có tổ chức Tỉnh Uỷ Thừa Thiên lãnh đạo các phong trào Huế và các huyện, có lúc Thành Uỷ Huế được nâng lên ngang cấp với Tỉnh Uỷ Thừa Thiên lãnh đạo ba quận nội thành và ba huyện Hương Trà, Phú Vang, Hương Thuỷ, có thời kỳ Bí thư Tỉnh Uỷ kiêm Bí thư Thành Uỷ.

4/ Từ những đặc điểm đó, có thể nói Thừa Thiên Huế là một địa danh hành chính cấp tỉnh mới hình thành thời kỳ 1975-1976. Hai địa danh Thừa Thiên và Huế đều chỉ chung một vùng đất. Thừa Thiên không  phải chỉ riêng khu vực các huyện ngoài thành phố. Huế thực chất là địa danh văn hoá của cả vùng Thừa Thiên. Khi được chuyển hoá thành địa danh hành chính thì địa giới hành chính của Huế cũng chưa ổn định, xu hướng chung là Huế được mở rộng dần theo không gian đô thị hoá của vùng đất Thừa Thiên Huế. Khái niệm phân biệt Thừa Thiên là vùng các huyện và Huế là vùng thành phố là ngược với truyền thống và xu thế phát triển của vùng đất nầy.

II/  QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HOÁ Ở THỪA THIÊN HUẾ .

1/ Thời kỳ đô thị hoá đầu tiên diễn ra ở Thừa Thiên Huế ít ra phải sau khi biên giới Đại Việt được mở rộng đến Phú Yên (1471), Thuận Hoá không còn thường xuyên đối đầu với chiến tranh. Tình thế hoà bình cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI đã tạo điều kiện để thành Hoá Châu, thủ phủ của vùng Thuận Hoá phát triển theo dạng đô thị hoá tập trung dân cư phi nông nghiệp và toả rộng ảnh hưởng từ ngã ba Sình đến dọc bờ Bắc sông Bồ.

Dương Văn An trong Ô Châu Cận Lục (lời tựa viết năm 1555) đã mô tả về Hoá Châu: “ ... xóm làng trù phú, xuân sang thì mở hội bơi trãi, gái lịch trai thanh thì hạ tới bày cuộc đấu thăm, dập dìu rộn rã nơi chốn ca múa. Có người có của, theo thói theo lề... Cách ăn uống thì hoang phí vô cùng... Xóm hoa nội biếc, đất tốt dân đông, chợ nọ cầu kia, vật hoa người quý đều bày la liệt ở hai bờ nam bắc, huyện nha, phủ thự đều đối nhau ở hai bờ tả, hữu Linh giang”. Trung tâm thành Hoá Châu là “một toà thành trăm nhẫn sừng sững như đám mây dài”, “phía hữu con sông ấy la liệt những nha môn, trường học, đô thừa phủ”.

2/ Sau 1626 chúa Nguyễn dời thủ phủ từ Quảng Trị vào Phước Yên, có thời là  Bác Vọng (Huyện Quảng Điền) nhưng với thời gian quá ngắn, hai thủ phủ mới vẫn bám theo trục sông Bồ, chưa tạo được những đô thị mới. Phải đến giai đoạn phủ chúa dời lên Kim Long (1635), đô thành Phú Xuân được thành lập (1744) thời kỳ đô thị hoá lần thứ hai ở Thừa Thiên Huế lại diễn ra, chuyển địa bàn từ thành Hoá Châu ở gần ngã ba Sình về phía Nam mà trung tâm là khu vực Kim Long-
Phú Xuân-Dương Xuân- Phủ Cam, toả rộng ảnh hưởng trên vùng nam bắc sông Hương, nối với cảng Thanh Hà, đặt nền móng cho việc đô thị hoá ở mức hoàn chỉnh hơn của kinh đô triều Nguyễn sau nầy.

Kết quả đô thị hoá lần nầy đã hình thành một hệ thống các công trình kiến trúc đô thị, hệ thống dân cư kinh thành và vùng phụ cận, với những thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hoá tư tưởng, nghệ thuật... của một thủ phủ Đàng Trong. Các tác gia đã đến Kim Long, Phú Xuân như Alexandre de Rhodes, Thích Đại Sán, Pierre Poivre, Jean Koffler, Lê Quý Đôn đã nhận xét về Kim Long - Phú Xuân ở thế kỷ XVII, XVIII như một nơi phồn hoa đô hội:

Lê Quý Đôn trong đoạn mô tả ở Phủ Biên Tạp Lục đã liệt kê hàng chục điện, đài, các, tạ. đình, hiên...  và vẽ phát bộ mặt của đô thành Phú Xuân năm 1775 với các chi tiết cấu trúc đô thị khá hoàn chỉnh: “Trên thì phủ thờ Kim Long, giữa thì cung phủ hành lang, dưới thì nhà cửa ở phủ Ao. Ở thượng lưu và bờ Nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, ở thượng lưu và hạ lưu chính dinh nhà quân bày như bàn cờ. Những nhà của thủy quân lại ở đối ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc thì ở các xã Hà Khê, Thọ Khương trên thượng lưu. Nhà vườn của các công hầu quyền quý thì chia bày ở hai bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân cùng hai bờ con bên hữu phủ Cam. ở thượng lưu, hạ lưu phía trước chính dinh thì phố chợ liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảnh tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi”.

Quanh đô thành Phú Xuân, quá trình đô thị hóa đã hình thành thêm những phường thợ thủ công mà Lê Quý Đôn đã liệt kê khá phong phú:

“Ba xã Sơn Điền, Dương Xuân, Vạn Xuân sau phủ Cam có 150 thợ dệt, làm các mặt hàng vóc, sa, lãnh, gấm, trừu. Vùng Dương Nỗ, Đồng Di, Quân Lễ sản xuất vải nhỏ, An Lưu dệt lụa, Quảng Xuyên dệt mũ, làm hoa rồng phượng, vạn thọ, bát bửu. Đốc Sơ làm giấy, Phò Trạch dệt chiếu đệm, thuyền buồm. Dã Lê làm mui thuyền, mui kiệu, Ngư Võng làm lọ sành, La Khê, Tri Lễ làm bánh, Vu Lai nấu rượu, Việt Dương, Phù Lai, Tây Thành làm men rượu, Phường Đúc đúc soon đồng, vạc, nồi, xanh, chân đèn. Võng Trì đúc cuốc, mai, rìu, búa. An Lưu mài khí giới. Mậu Tài làm dây thau, dây thép. Phú Bài luyện sắt. Nam Phổ, Phù Âu đãi vàng. Diêm Trường, Phụng Chính, Hà Thanh làm ruộng muối...  Long Hồ, Tân Quán, Tân Mỹ nấu đường trắng, đường đen”.

Sản xuất hàng hóa phát triển đã mở rộng thị trường địa phương và quan hệ buôn bán với nước ngoài, cả phương Đông và phương Tây (Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp). Phú Xuân trở thành một đô thành quy tụ thợ giỏi, nhân tài ở Đàng Trong và bắt đầu thu hút cả ngoại kiều.

- Một số người châu Âu có kỹ thuật giỏi đã đến Phú Xuân sinh sống (Jean de la Croix và con là Clémentin de la Croix làm nghề đúc đồng ở phường Đúc, các vị cố đạo kiêm thầy thuốc, nhà toán học, thiên văn đã làm việc ở phủ chúa, Từ Tâm Bá người châu Âu làm nghề sửa đồng hồ và kính thiên văn). Trên mười vị cao tăng người Trung Quốc đã đến lập chùa. Phố thị người Hoa đã phát triển ở cảng Thanh Hà, phố Lở Bao Vinh.

- Có những người như Nguyễn Văn Tú đã ra học nghề ở châu Âu về sửa chữa và làm được đồng hồ, truyền nghề cho cả nhà.

3/ Đô thành Phú Xuân đã đặt cơ sở để tiến tới hình thành kinh đô của cả nước, nhưng do những biến động khốc liệt (11 năm bị quân Trịnh chiếm đóng, 15 năm Tây Sơn phải tập trung giữ nước, chưa có điều kiện xây dựng kinh đô), đặc biệt là sau năm 1804 Gia Long lại cho phá bỏ đô thành cũ, điều chỉnh thế đất, thế sông để xây dựng kinh sư thì cấu trúc đô thị của Phú Xuân  bị thay đổi. Kinh thành Huế còn lại ngày nay chủ yếu là kết quả của thời kỳ đô thị hoá lần thứ ba diễn ra từ đời Gia Long, Minh Mạng và các đời sau.

Thành quả của thời kỳ nầy đã để lại một cố đô lịch sử với một tổng thể di tích khá hoàn chỉnh, gồm hằng trăm công trình kiến trúc thành trì, cung điện, dinh thự, lăng tẩm, phủ phòng, đền miếu, đình chùa, phố thị... dàn trải trên một vùng dân cư giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, được sắp xếp theo một ý đồ quy hoạch thống nhất, chặt chẽ, cân đối, hài hoà, thể hiện một bức tranh toàn cảnh, phản ánh khá trung thực cơ chế của triều đình nhà Nguyễn, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, mà nhiều công trình nghiên cứu đã đề cập và khái quát nhất có lẽ là nhận định của ông M. Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO:

“Thành phố Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị... Giữa lòng Huế, thành nội lịch sử là một mẫu mực về cấu trúc cân đối, mà hài hòa tự nhiên đến nổi người ta quên bàn tay con người đã tạo ra nó. Phía Nam, dọc theo hai bờ sông Hương là rải ra các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn. Là sản phẩm của những người dân lao động và những người thợ thủ công khéo tay nhất trong nước, những hệ thống kiến trúc ấy biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi một lăng vua, với tính cách riêng biệt độc đáo của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa... Tổ chức tượng trưng của các khoảng không gian khác nhau làm cho Huế trở nên thành phố của sự hài hòa tuyệt diệu, Huế thực hiện được sự tổng hợp đạo và đời trong kiến trúc, tổng hợp cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống hài hòa với thành phố trẻ ngày nay...”

Điều đặc biệt đáng lưu ý là với sự  nhạy bén thông thái, ông cựu Tổng giám đốc UNESCO đã nhìn ra được quy mô của kinh thành Huế mà có khi, những người gần gũi với Thừa Thiên Huế đã không hiểu nổi:

“Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai và chính như thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi yếu tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi”

Chính từ cái khung không gian đô thị mở rộng của Huế mà từ ngày trước,các vua triều Nguyễn đã xây dựng lăng tẩm của mình vươn đến Đình Môn, ngã ba Bàng Lãng, Dương Xuân, Cư Chánh, Châu Ê, có lăng còn được sử dụng như một cung điện thứ hai khi vua còn sống (Khiêm cung của Tự Đức). Trong hệ thống 85 phủ của các hoàng tử thuộc các hệ chính của triều Nguyễn, có đến 33 phủ nằm ngoài các phường đã mở rộng hiện nay. Phần lớn các “danh gia vọng tộc” và những người thợ thủ công, làm các ngành nghề dịch vụ lại sống thường xuyên ở khu vực Bao Vinh, Kim Long, Xuân Hoà, Vỹ Dạ, Nam Phổ, Ngọc Anh, Lại Thế, Nguyệt Biều, An Cựu... Vì thế, với kinh thành Huế, không thể dùng cách nhìn nội - ngọại thành kiểu đô thị tập trung thời hiện đại để xem các vùng trên là nông thôn, ngoại thành; ngược lại kết cấu hạ tầng, kiến trúc, dinh thự, phủ phòng, đình chùa, vườn nhà, thành phần dân cư cơ bản và sinh hoạt ở đó thực chất là của lớp quan lại, thị dân ở kinh thành. Những lăng tẩm, đền chùa, trường thi, phủ phòng ở vùng ven Huế thực chất là  một thành tố cấu trúc của đô thị cổ.

4/ Sau biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, Khâm sứ Pháp thực sự khống chế và kiểm soát chặt chẽ triều Nguyễn. Khu vực bờ Nam sông Hương với toà Khâm Sứ và doanh trại quân đội được mở rộng, hình thành dần "Khu phố Tây”, mở đầu thời kỳ đô thị hoá lần thứ tư trên vùng Thừa Thiên Huế theo hình thái đô thị mới đầu thế kỷ XX.

Năm 1899, cùng với việc thành lập thị xã Huế, chợ Đông Ba mới và cầu Trường Tiền được xây dựng xong, hai bờ sông Hương được nối lại, một đô thị mới đã hình thành mà khu vực xây dựng mới phần lớn tập trung bên bờ Nam sông Hương, một số cơ sở kết cấu của đô thị mới từng bước được tổ chức (1894 mở nhà thương, 1896 lập trường Quốc Học, 1900 lập trường Canh Nông Huế, 1903 mở khoá đào tạo đốc công công chánh người Việt, 1904 lập trạm quan sát khí hậu thời tiết, 1907 lập Công ty Kỹ nghệ và thương mãi Trung kỳ. Xây dựng hai nhà máy rượu tại phủ Cam và phường rượu An Thành, 1908 khai thác tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng, Huế - Quảng Trị - Đông Hà, 1911 thành lập công ty vôi Long Thọ, 1913 lập Viện Vệ sinh và Vi trùng học, 1919 lập nhà máy điện, 1933 khánh thành đường điện thoại Hà Nội - Huế - Đà Nẵng...)

Quá trình hình thành đô thị mới do Pháp kiểm soát tiếp tục phát triển, bên cạnh một kinh thành cổ kính được giao cho triều Nguyễn quản lý đã tạo được một tình thế đặc biệt là việc xây dựng mới  không xâm phạm thô bạo đến không gian kiến trúc và cảnh quan của đô thị cổ, một số khu vực xây dựng mới có tiếp thu truyền thống kiến trúc cũ và tạo được không gian chuyển tiếp, ít gây va chạm đáng tiếc.

Đặc biệt khi xây dựng đô thị mới, cả người Pháp và những người kế họ đã tiếp tục đặt Huế trong một không gian đô thị khá rộng. Những công trình quan trọng để thành phố phát triển đều mở ra ở khu vực xa trung tâm (nhà máy nước Vạn Niên, sân bay Phú Bài, cảng Thuận An, vùng nghỉ mát Cảnh Dương, Bạch Mã, ... ). Những nơi đó đã từng bước diễn ra quá trình đô thị hoá,  hình thành một số thị trấn mới, thúc đẩy quá trình đô thị hoá của vùng đất Thừa Thiên Huế. Việc hình thành một loạt tỉnh lộ nối liền Huế – Tây Thành – Sịa – Phong Lai (tỉnh lộ 5 cũ), Huế – Long Hồ – Ngọc Hồ (tỉnh lộ 6 cũ), Huế –A Lưới (tỉnh lộ 12 cũ), Huế – Chợ Mai – Phú Thứ – Phú Bài, Huế – Thuận An – Tư Hiền, Huế – Phú Mậu – Phú Thanh – Phú Tân... là mạch máu nối trung tâm thành phố với các thị trấn, huyện lỵ, các cụm kinh tế- văn hoá thành một thể thống nhất.

Với quy mô đó, ngay cả khi không còn là kinh đô, ở vùng tạm chiếm, đây vẫn là thủ phủ của miền Trung với Dinh Thủ hiến Trung Việt, Toà Đại biểu chính phủ Sài Gòn tại Trung nguyên Trung phần và là một trung tâm đại học sinh động của miền Nam. Đối với thế giới, vùng đất Thừa Thiên Huế mà địa danh văn hoá nổi bậc là Huế, với vị trí cố đô của Việt Nam đã có tính quốc tế, mà Atlas của hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ ghi địa danh của Việt Nam với ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

5/ Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là qua quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, bộ mặt đô thị ở Thừa Thiên Huế đang có bước chuyển biến tích cực. Sau những năm tháng dò dẫm, với không ít những bước đi vấp váp, Thừa Thiên Huế đã từng bước nhận thức lại về giá trị độc đáo của di sản kiến trúc đô thị Huế để tập trung bảo tồn và phát huy hệ thống di tích cố đô, gắn với chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên; đồng thời tiếp tục mở hướng phát triển đô thị mới về phía bờ Nam sông Hương, vươn rộng về hướng Phú Bài, Thuận An, Tứ Hạ và tập trung đầu tư cho khu đô thị mới Chân Mây – Lăng Cô, hình thành một chuổi các thị trấn, thị tứ ở Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Đa, Sịa... với một hệ thống kết cấu hạ tầng và giao thông đô thị nối các vùng xa về với thành phố Huế và trục quốc lộ IA. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng phát triển dịch vụ – công nghiệp và nông nghiệp toàn diện; thế mạnh về văn hoá du lịch, về kinh tế biển đang được đánh thức dậy. Vóc dáng của một trung tâm văn hoá du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo và y tế chuyên sâu ngày càng được khẳng định. Với sự hỗ trợ của trung ương, Thừa Thiên Huế đang chuyển mình để vươn đến trở thành một tỉnh có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, một thành phố Festival của Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 24-8-2005 Chính phủ Việt Nam đã chính thức có quyết định công nhận thành phố Huế là đô thị loại I của quốc gia, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình đô thị hóa ở Thừa Thiên Huế.

Tóm lại, qua năm thời kỳ đô thị hoá diễn ra trên các khu vực khác nhau, trải qua những biến động lịch sử trong khoảng 500 năm, có những thành tựu một thời đã bị xoá, có mặt chỉ là những nhân tố đang hình thành, nhưng kết quả chung nhất đã để lại trên vùng đất Thừa Thiên Huế một thành phố  lịch sử với những di sản kiến trúc - dù có bị mất mát nặng nề - vẫn mang tính hệ thống, còn lại duy nhất ở Việt Nam, thật sự phong phú cả về số lượng, loại hình và chất lượng nghệ thuật, hoà nhập, chuyển tiếp tự nhiên với một thành phố mới, rất trẻ ở đầu thế kỷ XX, đang có những nhân tố có khả năng tổ chức thành một trung tâm dịch vụ - văn hoá - du lịch đặc sắc ở vùng Đông Nam á, một trong những đô thị đặc thù của đất nước.

Tổng thể không gian đô thị chung của Thừa Thiên Huế, bao gồm cả thành phố trung tâm và các thị trấn, cả khung cảnh thiên nhiên và hệ thống cấu trúc dân cư đã có quá trình đô thị hoá một bước, nếu được tổ chức quản lý và định hướng phát triển phù hợp, hoàn toàn có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá theo hướng tiến tới hình thành một thành phố của thời kỳ hậu hiện đại trong những thập niên sau với hình thái đô thị không tập trung dân cư theo dạng công nghiệp hoá đơn thuần, có cấu trúc đô thị trung tâm gắn với hệ thống một chuổi những khu đô thị vệ tinh, xen kẻ với cảnh quan thiên nhiên, bố trí phù hợp các cụm dân cư công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nghiên cứu khoa học, khai thác, chế biến nông-lâm-hải sản... phù hợp với xu thế mới, tránh được bế tắt của những đô thị công nghiệp hoá tập trung đang trở thành mối lo của thế giới hiện đại.

NGUYỄN XUÂN HOA
(200/10-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng