Câu chuyện hôm nay
Phát triển đội ngũ trí thức ở Thừa Thiên Huế - NGUYỄN XUÂN HOA
09:26 | 17/04/2009
Trí thức trong bất cứ thời đại nào và ở đâu cũng là một nguồn lực quan trọng, là sức mạnh tinh thần nối kết truyền thống của dân tộc với thành tựu trí tuệ của thời đại. Khi nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức gắn kết được với sức mạnh cộng đồng thì xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngược lại, nguồn lực trí tuệ không được phát huy thì năng lực phát triển của xã hội sẽ bị suy thoái. Thừa Thiên Huế có một thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Đàng Trong và trở thành kinh đô của cả nước. Vì thế Huế đã từng là nơi hội tụ nhiều thế hệ trí thức tinh hoa của đất nuớc. Lớp trí thức lớn lên tại Thừa Thiên Huế có điều kiện tiếp cận với những thiết chế và sinh hoạt văn hoá, học thuật có tầm cở quốc gia (Quốc Tử Giám, Quốc Sử Quán, Hàn Lâm Viện, Thái Y Viện. Khâm Thiên Giám.. ), năng lực trí tuệ của trí thức ở kinh kỳ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, cả trên lĩnh vực tư duy sáng tạo và quản lý, thực hành.

Qua những biến động của thời cuộc, đặc biệt trong trận đụng đầu lịch sử giữa triều Nguyễn và thế lực thực dân xâm lược phương Tây, khi năng lực trí tuệ của tầng lớp vua quan cai trị không bắt kịp những tiến bộ của thời đại và khát vọng của nhân dân, không đủ sức bảo vệ được nền độc lập tự chủ của đất nước, kinh đô Huế bị rơi vào một thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng, đội ngũ sĩ phu trí thức ở Thừa Thiên Huế phân hóa thành nhiều mảng (chủ hòa-chủ chiến, hợp tác-từ quan). Một bộ phận trí thức ưu tú đã lựa chọn con đường từ bỏ vị thế được ưu đãi ở triều phủ để tham gia các phong trào Cần Vương, Văn Thân, Đông Du, Duy Tân, Quang Phục Hội,...

Trải qua những thời kỳ phát triển rồi phân hóa, có lúc suy thoái rồi phục hưng, nhưng trong nền tảng của nó, Thừa Thiên Huế vẫn là một trung tâm chính trị văn hoá sôi động, với một đội ngũ trí thức khá đa dạng, tiêu biểu cho năng lực trí tuệ một thời của đất nước, mà mãi đến sau nầy năm 1981 - ông A. M. Baw, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO khi đề cập về những giá trị truyền thống của cố đô Huế đã khẳng định:

“... Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc, mà còn là một cao điểm về tinh thần và là một trung tâm văn hoá sôi động.

Chính tại thành phố nầy, nơi mà những người dân đều nổi tiếng là bẩm sinh có một hồn thơ lai láng, nhạc cổ điển cũng như nhạc dân gian đã được phát triển. Quê hương của nhiều nghệ sĩ, trung tâm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, cố đô Việt Nam cũng đã là một trung tâm hoạt động văn hoá và khoa học. Y học và thiên văn học đã có sự phát triển đặc biệt ở đây. Và uy tín của các nhà bác học, học giả đã từ lâu lan truyền xa thành phố” (Phát biểu ngày 25-11-1981 của Tổng Giám đốc UNESCO tại Hà Nội “Vì công cuộc bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hoá của thành phố Huế” ).

Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra ở Thừa Thiên Huế như triều dâng thác đổ, góp phần quan trọng cùng với cả nước làm sụp đổ triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Huế từ một kinh đô tàn lụi trở thành cố đô của một đất nước vừa đứng lên giành độc lập. Đội ngũ trí thức ở Thừa Thiên Huế trải qua các đợt vận động cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1944-1945 đã hình thành một lớp trí trức mới với những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà khoa học trẻ, hợp cùng những sĩ phu yêu nước kỳ cựu, tạo thành một đội ngũ trí thức cách mạng, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết của tầng lớp trí thức, hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của đất nước, biến Huế trở thành một trung tâm chính trị văn hoá cách mạng sôi động của Việt Nam.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, trong thế trận của cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cách sinh”, đông đảo trí thức Huế đã có mặt trong các lực lượng đấu tranh vũ trang và hoạt động văn hoá kháng chiến. Trí thức là đội ngũ chủ lực tham gia xây dựng các cơ sở y tế, trạm xá, các trường học kháng chiến, các cơ xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí, các tờ báo “Giết Giặc” (1947), “Đánh Thắng” (1949), “Công Đoàn” (1949). “Chiến Đấu” (1950)... Một bộ phận trí thức từ Thừa Thiên Huế được điều động bổ sung cho trung ương và các tỉnh bạn, làm nòng cốt hình thành các trường trung học kháng chiến (Nguyễn Chí Diễu, Phan Đình Phùng...), đại học kháng chiến (Đại học Y, Đại học Sư phạm), các tổ chức Mặt trận Liên Việt và những hội đoàn cứu quốc.

Sau thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước còn tạm thời bị chia cắt, Thừa Thiên Huế trở thành vùng tiếp cận với khu vực giới tuyến tạm thời, chế độ Ngô Đình Diệm đã chủ trương biến Huế thành một trung tâm chính trị văn hoá giữ vai trò tiền đồn chống phá cách mạng và là sào huyệt đầu não của gia đình họ Ngô ở miền Trung. Một loạt các thiết chế quan trọng như Văn phòng Cố vấn chính trị của Tổng thống ở miền Trung, Tòa Đậi biểu Chính phủ và các Nha, Sở Trung nguyên Trung phần, Viện Đại học Huế,... được thành lập. Trong hoàn cảnh đối đầu trực tiếp với thế lực độc tài Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn, trí thức yêu nước ở Thừa Thiên Huế, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đã hình thành Phong trào Hòa Bình, xuất bản tập văn Ngày Mai để hướng dẫn dư luận, cổ vũ tình yêu quê hương đất nước, bày tỏ khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.

Từ trong lòng Đại học Huế, trong đội ngũ trí thức nội thành, phong trào trí thức, sinh viên, học sinh yêu nước, có sự lãnh đạo của tổ chức cách mạng đã phát triển nhanh chóng, kết hợp với các phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào Phật giáo, của tiểu thương, công nhân, nhân dân lao động... trở thành ngòi pháo xung kích trong phong trào đô thị ở miền Nam, làm khởi phát các phong trào đấu tranh chống Mỹ- Diệm, chống ngụy quyền Sài Gòn, được ghi nhận như một sự kiện lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bằng nhiều hình thức đa dạng (hội thảo, diễn thuyết, viết báo, đêm không ngủ, hát cho đồng bào tôi nghe, bãi khóa, đình công, tuyệt thực, biểu tình, từ chức tập thể, kháng cáo, kháng nghị...) văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên Thừa Thiên Huế đã tham gia đấu tranh bảo vệ văn hoá dân tộc, chống văn hoá đồi trụy, chống quân sự hóa học đường, đòi Mỹ rút quân, đòi quyền tự quyết dân tộc, đấu tranh đòi thi hành hiệp định Paris, đòi hòa bình, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa hợp dân tộc. Từ phong trào trí thức yêu nước ở Thừa Thiên Huế đã hình thành một đội ngũ những người cầm bút trẻ với những tờ báo đấu tranh (Quật Khởi, Lực Lượng, Việt Nam, Sinh Viên Huế, Tự Quyết, Mặt Trận Hòa Bình, Lập Trường, Chiến Đấu, Việt Nam Việt Nam, Tranh Thủ, Tiếng Gọi Sinh Viên, Tiếng Gọi Việt Nam, Thái Hòa, áo Trắng, Đại Dân Tộc...), những tác phẩm thơ, nhạc, họa “tranh đấu” tiêu biểu cho dòng văn học đấu tranh đô thị, được khai sinh từ “trận địa đường phố” ở miền Nam trước năm 1975.

Trong vùng giải phóng, một đội ngũ trí thức được đào tạo từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tuy chưa nhiều, nhưng đã có mặt trong các tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang, cùng với trí thức từ nội thành, chủ yếu là lực lượng sinh viên, giáo chức thoát ly tham gia kháng chiến, hình thành lớp văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức hoạt động trong các cơ quan dân vận, tuyên huấn, các tổ chức văn nghệ, báo chí, với các tờ báo Giải Phóng, Cờ Giải Phóng, Vùng Lên, Cứu Lấy Quê Hương,... hình thành một số tác phẩm, tác giả tiêu biểu cho dòng văn học vùng giải phóng Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh lực lượng trí thức tham gia hoạt động cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến, ở vùng bị tạm chiếm, trong vòng ảnh hưởng của những quan điểm chính trị từ phía các thế lực thống trị, cũng có một bộ phận trí thức mơ hồ, hoài nghi về cách mạng, thậm chí có những người đứng hẳn về phía chống phá cách mạng, đối lập với nhân dân. Nhưng phần đông trí thức Thừa Thiên Huế trong vùng bị tạm chiếm vẫn sống gần gũi với nhân dân, giữ tinh thần tự trọng, thái độ kẻ sĩ, biết hướng vọng về Tổ quốc, đồng bào, khi có điều kiện vẫn bày tỏ tinh thần ủng hộ độc lập, dân tộc. Một số trí thức vẫn miệt mài hoạt động đóng góp trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hoá.

Trong nhiều biến thiên của lịch sử, Thừa Thiên Huế, mà trung tâm là thành phố Huế vẫn giữ được vị thế là một thành phố văn hoá, thành phố của trí thức và học trò, là một môi trường văn hoá tương đối lành mạnh đủ sức đề kháng với những ảnh hưởng của văn hoá thực dân mới độc hại đồi trụy, là không gian nuôi dưõng và là môi trường văn hoá thích hợp cho các hoạt động giáo dục đào tạo đại học, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, báo chí giàu bản sắc truyền thống của dân tộc nhưng vẫn có khả năng hội nhập với đời sống văn hoá của thời đại.

Sau ngày Thừa Thiên Huế và miền Nam hoàn toàn giải phóng, thành phố Huế là nơi hội ngộ của lớp trí thức, văn nghệ sĩ từ nhiều nguồn: Ngoài lực lượng trí thức tại chỗ và từ các vùng giải phóng trở về, một số trí thức khá đông từ Hà Nội và các trường Đại học phía Bắc chuyển về Huế, trí thức và văn nghệ sĩ từ Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị chuyển đến sau ngày hình thành tỉnh Bình-Trị - Thiên... đã tạo ra một sắc thái đa dạng. Sự tập hợp trí thức từ nhiều nguồn, chưa có quá trình tiếp cận, hòa nhập, trong một bối cảnh khó khăn đặc biệt của thời kỳ 1975-1978, với một mô hình hành chính (tỉnh Bình Trị Thiên) và mô hình kinh tế chưa phù hợp, sau một thời gian náo nức phấn khởi của thời kỳ đầu giải phóng, dần dần nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp về kinh tế xã hội nẩy sinh, trong đó đội ngũ trí thức ở Thừa Thiên Huế có những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực: một số trí thức chuyển vào phía Nam, trở về Hà Nội, chuyển sang làm những nghề kiếm sống qua ngày, một số ít giao động nãn lòng, thậm chí tìm cách vượt biên, cá biệt có người tham gia hoạt động chống phá cách mạng. Đã có lúc có những nhận định Huế không còn là đất “tụ” của trí thức, ngược lại là đất “tán”. Vị thế của thành phố Huế, của Đại học Huế, của một trung tâm khoa học, giáo dục, trung tâm báo chí và sáng tạo văn hoá nghệ thuật tiêu biểu của miền Trung bị chao đảo, trên một số mặt lại tụt hậu xa so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; yếu kém hơn một số tỉnh và thành phố tương cận.

Trong quá trình đổi mới, đặc biệt từ khi lập lại tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay, tình hình đã có những chuyển biến tiến bộ. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đang làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng giao lưu quốc tế và hòa nhập với khu vực đang tạo ra môi trường thuận lợi cho người trí thức phát triển tài năng.

Đặc biệt vị thế trung tâm văn hoá du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo của Thừa Thiên Huế ngày càng được khẳng định. Sự kiện UNESCO công nhận di tích cố đô Huế, rồi Nh• nhạc cung đình Huế là di sản văn hoá nhân loại đã mở ra một thời cơ mới để Thừa Thiên Huế phát huy lợi thế so sánh. Đội ngũ trí thức trẻ ở khu vực Đại học Huế được tiếp tục bổ sung, năng lực trí tuệ của một bộ phận trí thức được nâng cao. Các thiết chế hoạt động khoa học, kinh tế, văn hoá, giáo dục, du lịch, đối ngoại được mở rộng, năng lực nghiên cứu, sáng tạo, thực hành khoa học của phần lớn trí thức được giải phóng khỏi những ràng buộc của cơ chế hành chính quan liêu cũ, nhiều yếu tố phát triển thuận lợi đang mở ra đối với trí thức ở Thừa Thiên Huế.

Đại học Huế qua thời kỳ củng cố đang tiếp tục phát triển theo mô hình Đại học khu vực, được trung ương xác định là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa cấp, có chất lượng cao, là đầu mối giao lưu khoa học và văn hoá miền Trung, là một môi trường thuận lợi cho sinh hoạt của trí thức Huế.

Bệnh viện trung ương Huế là một trong ba bệnh viện lớn nhất nước, là Trung tâm y tế chuyên sâu ở miền Trung, có nhiều chuyên khoa chuyên sâu, là cơ sở thực hành, phối hợp đào tạo tất cả các chuyên khoa cho khu vực 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Đội ngũ cán bộ văn hoá, văn nghệ sĩ, trí thức khoa học hoạt động trong các chuyên ngành văn hoá nghệ thuật, khoa học và công nghệ có bước phát triển mới.

Cơ cấu kinh tế Thừa Thiên Huế đang chuyển đổi theo hướng phát triển dịch vụ công nghiệp và nông nghiệp toàn diện. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã hình thành được một hệ thống cơ sở công nghiệp, tuy chưa lớn, nhưng đã tạo ra một khối lượng hàng hóa có khả năng đứng được ở thị trường (Công ty Dệt Huế, Nhà máy bia Huế, Nhà máy Xi măng LuksVaxi, Nhà máy men Frit, Nhà máy thực phẩm Huế... ). Khu công nghiệp Phú Bài, Khu đô thị mới Chân Mây-Lăng Cô và một số tiểu khu công nghiệp làng nghề đang được triển khai. Hoạt động du lịch đã phát huy được lợi thế của một cố đô có di sản văn hoá thế giới, có các vùng du lịch cảnh quang sinh thái đa dạng. Thừa Thiên Huế ngày càng được khẳng định là một trung tâm du lịch quan trọng, một thành phố Festival của Việt Nam. Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thế kỷ XXI có triển vọng được khơi dậy và phát triển. Đây là môi trường thuận lợi để trí thức hoạt động, phát huy tài năng.

Vị thế của Huế với lợi thế so sánh là cố đô của Việt Nam, một vùng văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống, nơi có di sản văn hoá thế giới, một trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế chuyên sâu ở miền Trung... đang tạo ra những lợi thế về đối ngoại, giao lưu hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho trí thức Huế tiếp cận với những thông tin và tiến bộ mới của thế giới.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thừa Thiên Huế vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn và một số hạn chế cơ bản. Nhìn tổng thể, đây còn là một tỉnh nghèo. Và quan trọng hơn, với nhiều khó khăn phải giải quyết, Thừa Thiên Huế chưa thực sự rũ bỏ được những ràng buộc cố hữu để chuyển mình, trở thành một tỉnh năng động, một vùng đất trọng hiền đ•i sĩ, có chính sách chăm chút ươm mầm nuôi dưỡng những tài năng của đất nước quê hương.

Và càng quan trọng hơn, đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế trước những khó khăn cụ thể của cuộc sống, phần đông chưa có điều kiện tự nhận thức lại mình để lựa chọn một hướng hoạt động nhằm phát triển tài năng của mình phù hợp với điều kiện đặc thù của Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh đó, theo chúng tôi, nổi lên có mấy vấn đề cần phải lưu ý:

-Thừa Thiên Huế có ưu thế của một trung tâm văn hoá du lịch, nhưng lại thiếu thích ứng về hoạt động kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, kể cả hoạt động kinh tế nhằm khai thác lợi thế văn hoá du lịch cũng thiếu năng động, hiệu quả không cao. Có một sức ỳ trong xu hướng hoạt động ở Thừa Thiên Huế, phần đông người dân làm việc cần cù nhưng ngại lao vào những lĩnh vực kinh doanh, đầu tư phát triển sản xuất. Thanh niên có xu hướng nghiêng về các lĩnh vực khoa học nhân văn, nhiều người muốn làm công chức bàn giấy hơn làm cán bộ kỹ thuật kinh doanh. Trí thức ở Thừa Thiên Huế cũng có xu hướng đi vào giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn, sáng tác văn học nghệ thuật nhiều hơn đi vào tổ chức ứng dụng công nghệ, tổ chức kinh doanh. Sở trường của trí thức Huế là tư duy sáng tạo và nghiên cứu cơ bản. Năng lực thực hành và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ quản lý không nổi trội. Các thiết chế giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Huế cũng nặng về khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, nhẹ về khoa học công nghệ, quản lý kinh tế tài chính... Đây là một hiện tượng mất cân đối mà nếu không có giải pháp điều chỉnh phù hợp thì dễ dẫn tới tình thế Thừa Thiên Huế mất dần vị trí của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có tính thời đại. Trí thức Thừa Thiên Huế khó giữ được ưu thế của đội ngũ tiêu biểu cho trí tuệ của thời đại mới. Ngược lại, dễ lún sâu vào tình huống những trí thức nghèo, sống an bần lạc đạo. Tầng lớp trí thức trẻ được đào tạo về các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật buộc phải xa quê, tìm đến những trung tâm phát triển kinh tế kỹ thuật, nhân tài sẽ hao hụt dần.

-Ngay trên lĩnh vực có ưu thế, nếu thiếu các chính sách phù hợp, Thừa Thiên Huế có khả năng sẽ chỉ là một trung tâm văn hoá truyền thống đặc sắc. Vai trò một trung tâm báo chí, trung tâm sáng tạo văn học nghệ thuật, trung tâm hoạt động âm nhạc, sân khấu sôi động, trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học của miền Trung mà Huế đã từng nắm giữ hàng trăm năm, kể cả những năm chiến tranh ác liệt sẽ chuyển đến một vùng đất khác nếu ở đó có những điều kiện kinh tế thuận lợi và lãnh đạo địa phương có một quyết tâm cao để đầu tư phát triển văn hoá. Hiện tượng nói trên có những dấu hiệu đang chuyển động (?)

-Thừa Thiên Huế được cả nước thừa nhận là một trung tâm văn hoá du lịch quan trọng. Chúng ta đang phấn đấu để Thừa Thiên Huế thực sự là một trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế chuyên sâu ở miền Trung... Nhưng về mặt chính sách, Thừa Thiên Huế chưa hoạch định rõ những chính sách cụ thể của một trung tâm văn hoá. Sau 30 năm giải phóng quê hương, chúng ta chưa có, dù trên trang giấy những thiết chế về một làng báo chí, văn nghệ sĩ, một trung tâm sinh hoạt văn hoá cho trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, v.v... thậm chí một chính sách khuyến khích để trí thức văn nghệ sĩ tự lo liệu về nhà ở nhằm an cư, có môi trường sinh hoạt thuận lợi theo đặc thù của nghề nghiệp. Đầu tư cho các công trình giáo dục, khoa học, văn hoá thường rất chậm, thiếu một quyết tâm cao.

-Về chính sách cán bộ, Thừa Thiên Huế chưa thật sự có một chính sách về bồi dưỡng lực lượng trí thức. Nhiều khuôn mặt trí thức, văn nghệ sĩ có tài ở Huế chưa được nhìn nhận, đối xử như những khuôn mặt trí thức tiêu biểu, dẫn đến tình thế Huế dần dần trống vắng những khuôn mặt có tầm trên các lĩnh vực khoa học, văn hoá nghệ thuật cấp quốc gia. Nhiều cơ chế khoa học của trung ương (ủy ban Biên tập Tự điển Bách khoa Toàn thư, các Hội đồng Khoa học chuyên ngành cấp quốc gia) không có khuôn mặt trí thức ở Thừa Thiên Huế, mà trong thực tế không phải Huế không có nhưng tự ta nhìn nhận, đánh giá chưa đúng. Mặt khác, những chính sách nhằm chuẩn bị đội ngũ trí thức trẻ chậm được xây dựng, Thừa Thiên Huế hoàn toàn thiếu chính sách khuyến khích, gây men cho trí thức trẻ đến với công nông, nhân dân lao động, đến với thực tiễn sản xuât... Đáng lo ngại là chính cách cán bộ chưa chuẩn xác trong một số lĩnh vực đã dẫn đến hiện tượng vô tình dung dưỡng sự yếu kém về mặt tri thức, làm cho giới trí thức e ngại, xa lánh, không tạo được uy tín để tập hợp lực lượng.

Đi liền với việc xây dựng thực lực của địa phương, Thừa Thiên Huế cần mở rộng các mối quan hệ hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực và với cả nước, cần phát huy quan hệ Hà Nội-Huế-thành phố Hồ Chí Minh, quan hệ Bình Trị Thiên, Khu IV, quan hệ đối ngoại, kết nghĩa, hợp tác quốc tế để mở rộng tầm hoạt động và tạo thế hợp tác cho đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế. Mọi xu hướng khép kín đều bất lợi, trước hết là tự hạn chế sức mạnh của một trung tâm, nhất là trung tâm văn hoá.

“Đổi mới là sự nghiệp văn hoá và trí tuệ”, “Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hoá”. Những luận điểm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu ra trong tác phẩm “Văn hoá và Đổi mới” cũng như quan điểm của Ban chấp hành TW Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc xác định “Văn hoá là sự nghiệp của quần chúng, do Đảng lãnh đạo, trong đó trí thức giữ vai trò quan trọng” càng làm rõ vai trò của trí thức trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Là một trung tâm văn hoá, trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học, vấn đề tạo điều kiện thuận lợi, hạn chế những khó khăn để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế càng là một vấn đề lớn, vấn đề xây dựng nguồn lực trí tuệ để phát triển đất nước, quê hương.

NGUYỄN XUÂN HOA
(201/11-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng