Câu chuyện hôm nay
Lý luận văn học Việt Nam từ điểm nhìn toàn cầu hóa: nhìn lại, suy ngẫm và dự phóng
08:35 | 20/05/2009
I. Toàn cầu hóa và lý luận văn học: I.1. “Toàn cầu hóa” làm cho “thế giới trở nên phẳng” (Thomas F.Fredman). Lý luận văn học là một lĩnh vực khoa học nhằm cắt nghĩa, lý giải, khái quát văn chương, đặt trong khung cảnh đó, nó cũng được “thế giới hóa”, tính toàn cầu hóa này tạo nên một mặt bằng chung, hình thành một ngôn ngữ chung. Từ đó mới có sự đối thoại, tiếp biến học hỏi lẫn nhau giữa các nền lý luận của các châu lục, quốc gia tạo nên một thể thống nhất trong đa dạng.

I.2. Nền văn hóa mạng internet là phương tiện và cũng là “làn sóng văn minh thứ ba” làm cho lý luận văn học trở nên toàn cầu hóa này. Qua mạng, người ta tò mò, “bị sốc” vì cái khác mình, nhưng cũng từ đó kích thích sự tìm hiểu, nhận thức và cũng từ đó tự nhìn lại lý luận của mình. Một cú nhấp chuột mở ra một thế giới mới về lý luận văn học, biết thêm một ngoại ngữ mở ra một chân trời.

I.3. Toàn cầu hóa về kinh tế thúc đẩy sự giao lưu, tiếp biến, đối thoại trong văn hóa nói chung và trong lĩnh vực lý luận văn học nói riêng. Quốc gia nào, khu vực nào hội nhập sâu vào kinh tế, ắt cũng hội nhập sâu vào văn hóa và văn học. Ngoại ngữ và dịch thuật là những kênh tạo nên động lực của sự hiện đại hóa lý luận văn học.

II. Lý luận văn học Châu Âu và Bắc Mỹ - Tính chủ đạo, hệ quy chiếu tất yếu đối với LLVH thế giới:

Lý luận văn học Châu Âu và Bắc Mỹ ở thế kỉ vừa qua và những năm đầu XXI đạt được thành tựu lớn nhất trong tiến trình lịch sử của lĩnh vực khoa học này. Nó thực hiện các cuộc cách mạng trong lĩnh vực với sự đa dạng, phong phú các khuynh hướng, các trường phái, đề cập, tiếp cận mọi bình diện của văn học. Có thể nói ở phương Tây không chỉ có một thứ lí luận văn học đơn nhất, mà nhiều thứ lý luận văn học gắn với các quan điểm khác nhau. Có sự đa nguyên của Lý luận văn học, hoặc có thể nói các vấn đề của Lý luận văn học được nhìn từ đa quan điểm. Các quan điểm, các góc nhìn, các khuynh hướng này làm cho các vấn đề, các bình diện văn học hiện ra phức tạp hơn, nhưng cũng toàn diện hơn, đúng với bản chất của văn học hơn. Có thể nói các quan điểm, các khuynh hướng này đang đối thoại, tương tác, thâm nhập lẫn nhau, làm phong phú cho nhau. Thành tựu và những đặc trưng của lý luận phê bình Châu Âu và Bắc Mỹ đã và đang trở thành một khung quy chiếu tất yếu đối với các quốc gia và khu vực khác, khung quy chiếu này như tiêu chí để đảm bảo sự hiện đại hóa lý luận của các quốc gia khác mà hai trường hợp lý luận Trung Quốc và Nga là hai trường hợp tiêu biểu.

III. Lý luận văn học Trung Quốc và Nga hiện đại:

III.1. Lý luận văn học của hai quốc gia này trước đây vài thập niên đang còn ở trong thế biệt lập, khép kín nay đã vươn rộng, vươn xa, vươn sâu vào lý luận thế giới. Có một nỗ lực học hỏi tiếp biến phi thường bằng dịch thuật, tổng thuật, nghiên cứu các thành tựu lý luận Phương tây thuộc cộng đồng các nhà khoa học của lĩnh vực ở hai quốc gia này với những lăng kính riêng của họ nhằm xây dựng lý luận văn học hiện đại, kiểu Trung Quốc, kiểu Nga, cho nên việc tổng kết chúng sẽ tạo được bài học kinh nghiệm quý báu cho lý luận Văn học Việt Nam, nó vừa là “bộ lọc” giúp chúng ta đỡ lạc lối, đỡ mất thì giờ, nhanh chóng tìm được những đường nét lớn để đi.

III.2. Lý luận văn học Nga có 3 di sản lớn mà thế giới nể trọng và chúng ta cần khai thác, đó là Lý luận của trường phái “Hình thức chủ nghĩa Nga”, Lý luận văn học của Mikhaïl Bakhtine và nhóm của ông, Lý luận văn học theo khuynh hướng ký hiệu họclý thuyết thông tin của trường phái Tartou mà đại diện là I.Lotmann. Trong đó, chúng ta cần có những chuyên luận thật sâu về lý luận của Bakhtine, đặc biệt là xem lý thuyết về “tính đối thoại” của ông như là nguyên tắc để xử lý các lý thuyết văn học của Phương Tây.

III.3. Lý luận văn học hiện đại Trung Quốc có thể cung cấp những bài học, những mô hình cho chúng ta về sự tiếp thu thành tựu của lý luận đa dạng của thế giới trong tính đối thoại với các nguyên tắc của một chủ nghĩa Marx linh hoạt, uyển chuyển, cũng như khai thác lại di sản lý luận cổ điển Trung Quốc dưới góc nhìn hiện đại hoá.

IV. Lý luận văn học từ thời kỳ đổi mới của Việt Nam:

Lý luận văn học từ thời kỳ đổi mới của Việt cũng đang ở trong xu thế vận động của toàn cầu hóa, thế giới hóa, nó đang chứng tỏ sự hội nhập sâu của mình. Sự nhạy bén và khao khát cái mới cũng là một đặc điểm của giới khoa học, giới nghiên cứu và giảng dạy ở nước ta. “Chủ nghĩa hiện đại” và “chủ nghĩa hậu hiện đại”, “Thi pháp học”, “Tự sự học” (Trần thuật học), “lý thuyết Tiếp nhận”, “Văn học so sánh”, “Văn học huyễn tưởng, kỳ ảo”, “Phân tâm học-văn học”, “Lý luận về văn học nữ, cách viết nữ và nữ quyền”, “Văn hóa - văn học”... đang trở thành các “từ chìa khóa”, “từ then chốt”. Các lĩnh vực này đang thu hút cộng đồng nghiên cứu. Các bài viết nghiên cứu, phê bình gắn với các khái niệm và các lĩnh vực nói trên càng ngày càng nhiều, càng có chất lượng và càng hay hơn. Có thể nói lý luận văn học Việt đang cố vươn lên để định vị mình chung quanh mặt bằng trung bình của lý luận thế giới. Tuy nhiên có thể nói chúng ta tiếp biến chưa sâu, chưa tạo được nền tảng vững chắc để hiểu và tiêu hoá lý luận của thế giới. Chúng ta còn chưa có một kế hoạch dài hạn để dịch, giới thiệu sâu rộng lý luận của thế giới để tạo một bước chuyển mình khỏi tụt hậu một cách chắc chắn.

V. Về một nền lý luận văn học Việt Nam ở thế kỷ XXI:

V.1. Việc tổng kết 3 nền lý luận lớn của thế giới : Phương Tây hiện đại, Trung Quốc hiện đại, Nga hiện đại và việc nhìn lại lý luận văn học Việt Nam trong thời gian đổi mới vừa qua có tác dụng mở đường, dẫn đạo cho lý luận Việt Nam thế kỷ XXI vận động trong xu hướng toàn cầu hóa. Đó là một việc làm có ý nghĩa khoa học và thời sự sâu sắc.

V.2. Trước mắt để xây dựng được một nền lý luận văn học Việt Nam thế kỷ XXI cần phải khởi động một kế hoạch dịch và giới thiệu sâu khoảng 100 cuốn sách lý luận văn học của thế giới, trong đó cần dành 50 cuốn cho Phương Tây và 50 cuốn cho Trung Quốc và Nga hiện đại. Các cuốn sách này phải bao quát các lĩnh vực mà chúng ta cần quan tâm: Tự sự học, Ký hiệu học, Văn học so sánh, Lý thuyết tiếp nhận, Phân tâm học, Văn hoá - Văn học... Đặc biệt cần đi sâu hơn về Ký hiệu học nơi mà lý luận của chúng ta chưa vươn tới một cách có chủ định. Việc dịch thuật, giới thiệu và tổ chức hội thảo các cuốn sách quan trọng cần được sự tài trợ của Nhà nước, các Đại sứ quán, các Tổng công ty, các doanh nhân...

V.3. Cần có một phương pháp luận xử lý để liên kết hàng chục, hàng trăm thứ lý luận rải rác, biệt lập của thế giới. Phương pháp luận đó dựa vào “nguyên tắc đối thoại” của Bakhtine, phép biện chứng của Hégel và Marx, nguyên tắc “đa hệ thống” của Itaman Even-Zoha. Và một hệ vấn đề theo chúng tôi cần được xử lý dưới đây.

- Đầu tiên chúng ta cần xử lý mối quan hệ giữa Théorie littéraire (Lý thuyết học văn chương) và Théories de la littérature (Những lý thuyết văn chương), tức là mối quan hệ kép giữa l’un và le multiple (le littéraire và la littérature, tức là “Lý luận nền tảng, bản thể” và “các lý luận bộ phận hoặc tổng thể dưới đa học thuyết” theo Marc Angelnot, Jean Besnière, Dowe Fokkema), hoặc La métathéorie (siêu lý thuyết văn chương) và Les théories de la littérature (Những lý thuyết văn chương, theo Terry Eagleton), xác định một lý thuyết mang tính tổng thể bản thể luận về các lý thuyết và các lý thuyết có tính chất bộ phận và số nhiều.

- Sau đó chúng ta cần xử lý các mối quan hệ biện chứng giữa các “lý thuyết bên ngoài” và các “lý thuyết bên trong” (theo René Welled và Austin Warren). Các lý thuyết văn chương bên ngoài phải xuyên thấm “tính văn chương” của lý thuyết bên trong, ngược lại các lý thuyết bên trong vốn mang tính hình thức phải gắn kết với nội dung xã hội học, lịch sử và văn hoá để biến thành các kiểu sociopoétique (thi pháp xã hội học, theo Viala).

- Tiếp đến chúng ta cần liên kết các lý thuyết biểu hiện (expressive), các lý thuyết khách quan (objective), các lý thuyết mô phỏng (mimetic) và các lý thuyết thực dụng (pragmatic) (theo M.H.Abrams) với lý thuyết tiếp nhận của trường phái Constance và lý thuyết hồi ứng độc giả (Reader-reponse) của Mỹ thành một chỉnh thể hữu cơ xuyên thấu và có mối quan hệ biện chứng lồng vào nhau.

- Rồi chúng ta cần xử lý các lý thuyết normative (khởi đi từ chuẩn mực, quy phạm như của Lukacs và Adorno) và các lý thuyết descriptive (miêu tả khách quan thiên về quy nạp, theo Heide Göttner).

- Cuối cùng chúng ta cần xử lý các lý thuyết theo hệ hình lịch sử (kiểu Lanson đầu thế kỷ XX và trường phái lịch sử văn chương của R. Fayolle và H. Béhar cuối thế kỷ XX), mang tính “động”, và các lý thuyết sử dụng loại hình học (typologie, mang tính “tĩnh tại”) của các trường phái cấu trúc hình thức hoặc ký hiệu học cấu trúc nhân loại học của Pháp, tức là chúng ta tính đến tính biện chứng giữa loại hình và lịch sử, giữa tĩnh và động.

- Về lý thuyết “phản ánh luận” văn học của Lênin, chúng ta cần xử lý mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể sáng tạo gắn với tính thẩm mỹ và sự hư cấu mang cá tính sáng tạo của nhà văn. Cũng như chúng ta cần phối kết các lý thuyết phản ánh và các lý thuyết biểu trưng (symbol) đặc biệt của I.Lotmann trong mối quan hệ biện chứng lồng vào nhau.

V.4. Tóm lại, để xây dựng được một nền lý luận văn học Việt Nam không tụt hậu ở thế kỷ XXI, chúng ta cần xử lý trước hết phương pháp luận về các lý thuyết văn học một cách khoa học, và sau đó ngoài việc dịch thuật giới thiệu thì cần có nhiều chuyên luận sâu như của Huỳnh Như Phương về “chủ nghĩa hình thức”, Trương Đăng Dung về “văn bản và tác phẩm”, Phương Lựu về “chủ nghĩa Marx Phương Tây trong văn học”, Trần Đình Sử về “thi pháp học” và “tự sự học”, Đỗ Lai Thúy về “phân tâm học”, “văn hóa - văn học”, Trịnh Bá Đĩnh về “chủ nghĩa cấu trúc và văn học”, Nguyễn Văn Dân về “văn học so sánh”... và đồng thời cần dựng được bức tranh đa dạng về các lý thuyết văn học trong một chỉnh thể hữu cơ như là mối quan hệ biện chứng giữa “điểm” và “diện”.

BỬU NAM
(242/04-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng