Câu chuyện hôm nay
Tủ sách gia đình ở Huế
15:04 | 01/10/2009
Ở Huế ngày xưa, người học trò nào cũng có một “Tủ sách Học trò” riêng tư cho mình và nhà nào cũng có một “Tủ sách Gia đình” để dùng chung trong nhà. Người Huế rất trọng học vấn, rất trọng sự hiểu biết nên rất trọng sách. Vì vậy, họ cất sách rất kỹ. Họ thường cất sách để làm kỷ niệm riêng tư cho mình về sau đã đành mà họ còn cất sách để dành cho đám đàn em con cháu của họ trong gia đình, dùng mà học sau nầy. Người Huế nào cũng đều cùng một suy nghĩ là ở đời, muốn vươn lên cao thì phải học và đã học thì phải cần sách. Đối với họ, sách quý là vậy. Lễ giáo Khổng Mạnh xưa cũng đã đòi hỏi mỗi người Huế thấy tờ giấy nào rớt dưới đất mà có viết chữ Hán “bên trên” là phải cúi xuống lượm lên để cất giữ “kẻo tội Trời”! Người xưa cũng như họ, không muốn thấy chữ nghĩa của Thánh hiền bị chà đạp dưới chân.


Khởi điểm của những “Tủ sách Gia đình” trong những ngôi nhà ở Huế là các “Tủ sách Học trò”. “Tủ sách Học trò” thường được manh nha ngay từ khi người học trò Huế còn ở lứa tuổi tiểu học. Thông thường, họ đã bắt đầu tập tễnh sưu tập các sách học vào những năm cuối cùng của bậc tiểu học, lúc mà họ đã khá đủ khôn lớn để phân biệt “cái giỏi” và “cái dốt” của mỗi người học trò. Họ biết phân biệt các “sách quý” cần cất giữ để làm của riêng hoặc để dành cho bầy em học sau nầy.  Lên đến trung học, họ sưu tập các sách đã được họ đánh giá như những “bí kíp”, những quyển đã một thời nhờ vào đó mà họ đã đứng nhất nhì trên bản vị thứ trong lớp. Đó là những bài luận văn súc tích hay ho mà họ đã được đọc hay là những quyển sách có lời giải hay về toán hay lý hoá,  thường là những sách “thuộc loại nhà nghề” có lời giải về hình học, lượng giác và nhất là các sách “Chỉ dành riêng cho Thầy Giáo” (Livres du Maitre) của nhà sách Vuibert bên Pháp. Ai cũng biết về toán và lý hoá, càng làm nhiều bài tập càng giỏi, càng dễ dàng áp dụng các công thức,  các phương trình một cách nhanh chóng. Vì thế, họ đã xem những quyển sách nầy như những “vật chí bảo” của họ vì những quyển sách đó đã một thời làm cho họ trở thành người học trò xuất sắc nổi tiếng trong lớp và cả ở trong trường. Vào thời còn nền giáo dục Pháp, học sinh lại còn sưu tập cả những bài luận văn xuất sắc cũng như những sách về văn chương lãng mạn Pháp mà họ ưa thích. Họ sưu tập các sách tình cảm như loại “Paul et Virginie” hay sưu tập tất cả những tác phẩm của từng nhà văn nổi tiếng của Pháp mà họ xem là thần tượng như Victor Hugo chẳng hạn. Đôi khi,  họ cũng để chen vào tủ sách của họ những sách loại tiêu khiển khác bằng tiếng Việt mà họ ưa thích như các sách của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn hay các quyển kiếm hiệp với những nhân vật phi phàm và tài ba như Kim Hồ Điệp, Ngọc Kỳ Lân hay những truyện trinh thám với các nhân vật như Đoan Hùng, Lệ Hằng. Lứa học trò về sau thì lại thích các sách kiếm hiệp kiểu mới của Kim Dung như Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ hay Lộc Đỉnh Ký chẳng hạn. Lứa tuổi học trò nầy là lứa tuổi mơ mộng với những ước muốn được làm kỳ nhân và anh hùng, được đem khả năng và đem tài nghệ của mình ra cứu người và giúp người. Với những tâm hồn lãng mạn khác trong lứa tuổi nầy thì họ sẽ sưu tập cho được những áng văn chương tuyệt tác của các văn sĩ, thi sĩ ngoại quốc, những bài thơ hay nổi tiếng của một thời đã qua và thường là thơ tình Pháp và thơ tình Việt. Các bài thơ hay của các thi sĩ Việt Nam của thời 1940-1945 đã được họ chép tay nguyên cả bài và truyền tụng cho nhau để đọc. Họ không tiếc công và tiếc sức để ngồi chép tay những bài thơ tình tứ hoặc những bản nhạc nổi tiếng đương thời. Bài thơ bất hủ của T.T.Kh cũng được họ đem ra ngâm nga và thổn thức, thông cảm cùng với tác giả về hoàn cảnh ngang trái của tình yêu. Họ rung cảm vì những câu thơ lãng mạn như “… Và từng thu chết, từng thu chết, vẫn giấu trong tim bóng một người”! Tất cả các sách học, các sách tiêu khiển hay các sách về thơ văn đó đã làm nên các “Tủ sách Học trò” ngày nào trong đời của mỗi người dân xứ Huế lúc còn cắp sách đến trường.

Hồi tiên khởi ở Huế, lúc chưa có giấy đẹp và mực tốt, người học trò Huế đã biết cách lấy trái mồng tơi màu tím bóp nát, đem ngâm với nước để làm mực viết. Buổi đầu, vào lúc thị trường trong nước khan hiếm do chiến tranh bên trời Tây, ngòi viết thép không có sẵn thì họ dùng “ngòi viết tre” vót nhọn, ký cóp viết chục hàng cho đến khi ngòi bút đã “rè” rồi thì họ lại phải “gọt lại” đầu nhọn cho thật sắc để chấm mực viết tiếp. Giấy không có sẵn thì họ dùng những tờ giấy viết cũ, đã dùng rồi, đem ra giặt sạch nhè nhẹ rồi phơi khô lên trên hàng rào cẩn để có thể dùng viết lên một lần nữa. Kỹ thuật giặt giấy để viết lại nầy đã trở thành một nghệ thuật cho các lớp học trò vào những năm 1940-1950 ở Huế. Vào thời mực khan giấy hiếm đó, “giặt giấy” và dùng “bút tre” đều là những nhu cầu khẩn thiết của những người học trò nhỏ xứ Huế. Ngay cả xà phòng dùng để giặt giấy cũng không có bao nhiêu khiến họ phải dùng đến cả “hột mát” của hàng cây dọc sông Gia Hội phía Hàng Đường hoặc dùng “trái bồ hòn” của các cây trồng dọc theo bờ sông Gia Hội phía Cầu Thanh Long để giặt vì những trái cây nầy đều có chứa chất “Saponin” của xà phòng.

Cũng vào những năm cuối thời kỳ 1946-1954 này, khi sách vở vô cùng thiếu thốn, học trò Huế thường phải ngồi chép lại các bài học từ sách mượn của bạn con nhà giàu. Có người chép lại cả quyển sách, nhất là các sách về Luận Văn hay ho. Cũng có nhiều người học trò Huế lãng mạn đã cong lưng ngồi chép tay lại các bản “nhạc và lời” của những bài hát hay do nhà sách “Tinh Hoa” ở phố Trần Hưng Đạo Huế in ra. Giá bán của những bản nhạc “tiền chiến” đó cũng không phải là rẻ. Những bản nhạc Tinh Hoa “tiền chiến” in vào hồi đó đến ngày nay đã trở thành những bản nhạc “sưu tập” (collectible) quý hiếm, khó tìm được để mua. Các bản nhạc chép tay đó thường được họ cất kỹ trong “Tủ sách Học trò” của họ, vì đó là một phần đời của họ. Cho là “của quý” nên khi thương ai, họ thường đem các bản nhạc chép tay nầy để đề tặng cho “người ta”, ngấm ngầm “cho người ta hiểu vì răng mà tui có đủ kiên nhẫn ngồi chép cho được như ri”. Ý họ cũng muốn thổ lộ nhắn khéo cho người ta biết là mình có đủ kiên nhẫn để “đợi mấy cũng được”, cũng vẫn có đủ kiên nhẫn để ngồi đợi người ta trả lời! Có nhiều người con trai Huế đã vì “mối tình đầu” của họ mà tự tay dùng giấy và bìa cứng để đóng một quyển sách dày xinh xắn, ghi chép đủ các bài thơ tình của các thi sĩ đương đại mà ngày nay chúng ta gọi là “thơ tiền chiến”. Một trong những người học trò xứ Huế lãng mạn xa xưa nầy là Tiến sĩ Trịnh Ngọc Răng, giáo sư Đại Học Huế vào những năm 1970. Họ còn ngồi vẽ nhẹ lên những trang giấy những bức hình nói lên tấm lòng của họ, có thể là con phượng và con công tượng trưng cho sự hoà hợp vợ chồng, có thể là con cọp hay con sư tử mà họ tự ví với mình hoặc các phong cảnh hữu tình trên thế giới mà họ thầm tự hứa là một ngày nào đó họ sẽ “đưa em đi coi cho biết”. Biết bao là kỷ niệm êm đẹp với những quyển vở tự tay ghi chép đó trong tủ sách của những người học trò xứ Huế của một thời đã qua! Họ còn dùng chiếc bàn chải đánh răng để “ria mực” trên ngọn lá hay cành hoa đã được ướp khô để tạo ra những hình ảnh đẹp đẽ trên các trang giấy nhẹ chép thơ. Công phu hơn nữa thì họ tìm cho ra một chiếc lá đẹp tượng trưng thơ mộng như lá cây “Mapple” biểu tượng của nước Canada với gợi ý “Ma Cabane au Canada” (Ngôi nhà nho nhỏ của chúng ta ở Canada) hay một cánh hoa đẹp như đóa hoa “Forget me not” (Đừng quên tôi) hay “Pensée” (Nghĩ tưởng đến tôi) hay “Mimosa” tượng trưng cho tình yêu êm đẹp của họ. Họ đem các thứ đó ép vào trong sách vở gối đầu giường một thời gian cho thẳng thớm rồi đem dán lên “quyển thơ” của mình để tặng cho người ta! Cảm động là thế và cái lãng mạn của lứa tuổi học trò của người Huế hồi xưa cũng là thế.

 Ngoài các sách vở quý học hành ra, các học sinh Huế thường cất kỹ các quyển “Dédicace” hàng năm của mình. Đó là những quyển mà các lứa học trò bây giờ gọi là quyển “Lưu Niệm”. Vào đầu một hai tháng cuối cùng của niên học trước khi bạn bè chia tay nhau đi nghỉ hè, các học sinh trung học thường có lệ trao tay các quyển “Dédicace” cho nhau để viết vài giòng lưu niệm. Họ sẽ viết thật hay cho bạn, nhắc lại những kỷ niệm đã cùng có với nhau, nhắc đến những đức tính sáng giá ở người bạn, hay nhắc đến tài đá kiện, tài đá banh, tài đôi “đồng xu vô lỗ” của bạn mình. Những kỷ niệm của nhau ghi trong quyển “Dédicace” nầy, trong tương lai sẽ gợi cho họ những hình ảnh của nhau một thời, lúc cùng chung sống và chung học với nhau dưới mái nhà trường. Người học trò nào cũng trân trọng các quyển “Dédicace” nầy, cũng sẽ đem ra đọc lại những giòng chữ thân yêu những lúc rỗi rãi về sau để nhớ đến người bạn tâm đầu ý hợp của một thời thơ ngây đã qua. Vì sinh kế hay vì gia biến, người bạn cũ có thể sẽ không bao giờ trở lại nhà trường để cùng học với nhau ở lớp trên sau mùa hè tựu trường. Đối với mỗi người, quyển “Dédicace” đó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, ẩn tàng rất nhiều tình cảm và kỷ niệm thời thơ ấu.  Cũng vì thế nên, một Giáo sư và là Hiệu trưởng cũ (1948-1951) của trường Khải Định ngày xưa, cũng đã cất kỹ các quyển “Dédicace” quý báu xa xưa của mình cho đến lúc qua đời ở tuổi trên tám mươi. Đó là Giáo sư Nguyễn Hữu Thứ.

Vì thế, học trò Huế xem “Tủ sách Học trò” của họ như là một “vật quý nhất đời”. Đối với họ, tất cả “gia tài điền sản” của họ chỉ là cái tủ sách. Họ thường mong muốn cất các quyển sách quý của mình trong những chiếc tủ kính của gia đình. Khi không có tủ sách thì họ tự thiết lập và làm lấy một “kệ sách thô sơ” kê sát bàn học bằng cách đặt sách lên trên vài tấm ván mộc chồng lên nhau trên những viên táp-lô sắp cao ở hai đầu kệ. Tuy đơn sơ nhưng cũng tiện lợi vì dễ lấy sách ra và cũng dễ đặt sách vào. Họ thường kê kệ sách của họ sát tường để cho tiện chỗ. Tuy nhiên lâu ngày, vì kê sát tường nên sách vở của họ cũng sẽ không cánh mà bay vì ẩm mốc của mưa lụt ở Huế xuyên qua tường, sẽ làm mục rữa các sách kỷ niệm một thời đó. Nhưng lúc đó thì họ cũng đã lớn và cũng đã có những dự tính khác.

Càng lớn lên thì cái tủ sách của người học trò Huế cũng lớn theo với tuổi tác của họ.  Với thời gian, số lượng những quyển sách trong “Tủ sách Học trò” xưa kia cũng sẽ giảm dần do các thế hệ đàn em con cháu đi sau của họ mượn dần để học. Tuy nhiên, dần dà tủ sách rồi cũng lại được giàu thêm với những quyển sách khác có trình độ cao hơn và là những món ăn tinh thần cần thiết cho tâm hồn của họ vào tuổi thành niên hơn. Lúc đó, “Tủ sách Học trò” xưa kia nay đã chính thức biến thành “Tủ sách Gia đình”. “Tủ sách Gia đình” của họ sẽ có thêm những sách dạy làm người, những sách về văn hóa cao siêu, những sách thuộc đủ các đề mục các ngành của một thư viện ngày nay như xã hội học, sử học, văn minh học hay triết lý tư tưởng; những sách mà họ cho là sẽ đem lại nhiều hiểu biết cho tất cả mọi người trong nhà. Nếu có thì giờ rảnh rỗi là họ “đi phố” tức đạp xe ra các tiệm sách “đọc chùa” và nếu gặp được quyển nào mà họ quá thích thú, họ sẽ dùng tiền dành bấy lâu để mua cho được sách đó đem về nhà, đặt trịnh trọng trong tủ sách của họ. Theo châm ngôn “Mỗi ngày một quyển sách” làm giàu cho tri thức của họ, với thời gian, họ sẽ tìm đọc cho được những quyển sách có giá trị của những tác giả nổi tiếng trên thế giới mà họ đã nghe nói. Với thời gian, dần dà họ sẽ không nỡ rời bỏ một vài quyển sách hay mà họ đã đọc và muốn lưu giữ trong tủ sách bên cạnh mình để tra cứu thêm. Và các quyển sách đó sẽ hiện diện trong “Tủ sách Gia đình” của họ từ đó. Chắc chắn họ sẽ biết cách lựa mua những quyển sách nổi tiếng một thời, những quyển sách của những tác giả có danh tiếng và cũng là những quyển sách hay mà ngày xưa họ đã không có cơ hội biết đến để mua đọc. Họ sẽ cố gắng tìm mua cho được những quyển sách hay nhưng đã không còn được in lại. Những quyển sách nầy sẽ trở thành những thứ sách quý hiếm mà nhiều người sưu tập khác muốn có mà chưa chắc đã có được. Vì thế, dần dà tủ sách của họ cũng sẽ có vài quyển sách quý và đó là “hột giống khởi đầu” (seeding) để họ sưu tập các sách quý hiếm khác. Bước đầu của những tủ sách quý hiếm phần lớn đều như thế và đó cũng thường là bước đầu của những “chuyên viên chơi sách xưa” (Bibliophile). Lâu ngày, họ cũng sẽ trở nên rành rõi hơn và sẽ biết được phương cách sưu tập các sách loại quý hiếm hơn. Họ sẽ tự khám phá ra được các nguyên lý về “nghề chơi sách”. Muốn có sách xưa hiếm và quý thì phải biết tốn tiền, phải biết trao đổi sách với người có dư bản, phải biết lựa mua sách cho đủ bộ, phải biết mua các sách có phiên bản in xưa nhất, phải biết mua các sách càng “còn tử tế chưa rách nát” càng tốt, các sách còn nguyên bản như mới (mint condition) lại càng tốt hơn v.v.. Họ sẽ trở thành nhà “chơi sách cổ”. Họ sẽ lựa một đề tài để sưu tập sách. Có người thích ngoại ngữ sẽ sưu tập các quyển Từ Điển xưa và nổi tiếng như Pháp-Việt, Việt Pháp,  hay chữ Nôm của những tác giả như Génibrel, Huỳnh Tịnh Của, Bonet, Béhaine, Theuret v.v.. Có người sẽ sưu tập các ấn bản xưa của các tác phẩm nổi tiếng như “Truyện Kiều của Nguyễn Du” với các bản khắc chữ Nôm của Liễu Vân Đường (1871), của Quan Vân Đường hay Thịnh Mỹ đường (1879), bản dịch ra tiếng Pháp của Michels (1884), của Trương Vĩnh Ký (1875), của Nordeman (1897), của Nguyễn Văn Vĩnh (1912), bản in giấy gió v.v. Nghề chơi sách luôn luôn đòi hỏi phải ra công tìm tòi các sách cũ để thâu lượm cho được để đem về xếp vào trong “Tủ sách Gia đình” của mình.  Nhìn tủ sách của mình có những quyển sách mà tủ sách nhà người ta không có sẽ là một hãnh diện to lớn dành cho những người có chí sưu tập sách quý. “Tủ sách Gia đình” nào ở Huế cũng muốn có một bộ thật đầy đủ của Tạp chí Nam Phong do ông Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm và chủ bút cách đây ngót ngét đã trên 100 năm. Tủ sách nào cũng muốn có một bộ “Bulletin Des Amis du Vieux Hue” (BAVH) của Cha Cố Cadìère hồi xưa ở Huế, cách đây cũng đã hơn 100 năm. Ngày nay tủ sách nào có được hai bộ sách nầy rồi thì “Tủ sách Gia đình” đó cũng đã trở nên một tủ sách nổi tiếng lắm rồi chứ nói chi đến phải có cả các bộ sách và các tạp chí khác như “Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême Orient” (BEFEO) hay “Bulletin de la Socíété des Études Indochinoises” (BSEI). Ngày nay (2008), khó lòng mà còn có được những bộ sách đầy đủ và toàn bích của những loại tạp chí một thời đó. Của quý thì bao giờ cũng rất hiếm. Ngày nay dù cho có tiền cũng không thể nào mua được những loại sách khảo cứu nầy. Quý hiếm là vậy nên người bán thường đòi giá rất cao. Cũng cần biết, theo học giả Vương Hồng Sển thì ngay vào năm 1955, cách đây hơn 50 năm, vào lúc di cư từ Bắc vào Nam đã có một bà goá phụ đưa cả bầy con dại di cư vào Saigon.  Bà nầy đã ra giá một bộ sách Nam Phong mà bà ta đem theo vào với một cái giá khá cao. Ai muốn mua bộ sách đó phải trả đủ tiền để bà ta có thể mua được “một căn nhà gần chợ Tân Định, đủ chỗ cho mấy mẹ con tôi ở”!

Chơi sách đã khó mà giữ sách lại càng khó hơn. Các Thư viện nổi tiếng ở Huế như Thư Viện Đại học Huế, Thư Viện của các trường Providence hay Pellerin ở Huế, Thư Viện Acceuil, kể cả Thư Viện Lầu Tàng thư, Thư Viện Khải Định nổi tiếng hồi xưa với các sách quý cất giữ kỹ càng trong những nhà lầu bê tông cốt sắt mà ngày nay cũng đều đã trống không. Các sách qúy đó đã bị mất và đã bị hủy hoại qua các biến cố như: tản cư 1945, lụt 1955, vụ Mậu Thân 1968, biến cố 1972, biến cố 1975 và nhất là “trận lụt để đời” năm 1999. Có lúc, các sách vở xưa bằng chữ Hán và các bản trình tấu của các quan có cả lời phê của các vua, viết trên giấy bản đặc biệt và cất giữ trong các thư viện nổi tiếng ở Huế đã được đem ra các chợ như chợ Bao Vinh chẳng hạn bày bán theo lối ve chai để làm giấy vấn thuốc hút. Có lúc, sách vở qúy của thư viện Đại Học cũng đã bị dân tị nạn ẩn tránh bom đạn trong tòa nhà Thư Viện vào thời kỳ Mậu Thân (1968) dùng thay củi để đốt nấu cơm. Có lúc, các sách xưa đã bị xem là tàn tích phong kiến (1945) hoặc đồi trụy (1975) và được đem ra đốt ở nơi công cộng để làm gương cho dân chúng Huế. Trong trận lụt 1999, tủ sách nổi tiếng của ông Hồ Tấn Phan ở Gia Hội phút chốc đã bị tan tành trong nước lụt. Bản gốc các sách xưa bằng giấy bổi đã biến thành những bó bột giấy gỡ không ra! Đó là chưa kể đền các vụ hư hại do chuột gặm nhấm, do mối mọt và do ẩm mốc. Tủ sách kê sát tường thường làm mồi cho ẩm mục do nước thấm qua tường. Các sách để trên tra thường làm mồi cho chuột gặm nhắm. Các sách cất kỹ trong rương hòm thường bị mối mọt ăn nguyên cả trang sách. Chơi sách ở Huế khó khăn lắm là vậy. Cất sách trong tủ mà gặp lúc trời lụt chuyền lên trên cao không kịp là xem như cả tủ sách bị hủy hoại. Chúng ta biết hàng năm ở Huế có bao nhiêu là trận lụt. Tháng bảy nước đã nhảy lên bờ. Mỗi năm, lụt đi lụt lại có nước vào nhà đếm không biết bao nhiêu lần. Gần cuối mùa lụt, lại còn lụt “Ôn tha mà bà khôn tha”. Rồi lại thêm cơn “lụt rửa bùn” cuối cùng thì xứ Huế cũng đã cận ngày Tết. Cho nên mới có câu hát bất hủ về thời tiết ở Huế “Trời hành cơn lụt mỗi năm” là thế! Biết kinh nghiệm nầy nên ngày nay, các tay chơi sách ở Huế đều để các tủ sách của mình xa tường để có một khoảng cách thông thoáng và thường cho quạt máy chạy sau lưng tủ để “đuổi bay” cái ẩm ướt. Có người chơi sách kỹ càng hơn thì cho một ngọn đèn điện thắp sáng trong tủ sách để sưởi sách, tránh ẩm ướt, tránh gián mọt và tránh chuột chạy bên trong. Bác sĩ Đoản Văn Quýnh với cả tủ sách lớn đầy các sách thuốc chữ Hán xưa của Cụ Trần Tiễn Hy để lại cũng đã phải sắp xếp như thế nầy để giảm thiểu các sự mất mát của tủ sách mình. Và nhà nào ở Huế cũng luôn luôn sẵn sàng “chồn đồ và chồn sách lên côi cao” mỗi khi có lụt.

 Sách quý của người Huế thường được sắp vào trong tủ gương có khoá, để ở giữa nhà và thường là ở căn trên, gần bàn học. Họ dùng tủ gương để trừ gián và mối mọt và cũng để đề phòng chuột leo vào gặm nhắm. Chân tủ còn được cẩn thận để trên bốn cái đọi đựng nước hoặc dầu hoả cho chuột hoặc gián và kiến không vào được bên trong tủ mà phá phách. Gương tủ cũng được che kín để không ai có thể đoán được bên trong cất sách gì để giảm thiểu tánh tò mò của bạn bè hay của bà con muốn xem sách hoặc muốn mượn sách. Đối với các vị sưu tập sách quý ở Huế thì điều tối kỵ của người chơi sách và sưu tập sách là cho người khác mượn sách của mình. Cho bạn mượn sách cũng như cho bạn mượn tiền, về sau thế nào cũng sẽ mất bạn. Thấy của ngon ai mà không thèm cũng như thấy sách hay, ai mà không muốn đọc. Người người đều muốn mượn. Mượn tiền để tiêu hay mượn sách để đọc, chắc chắn là người ta sẽ không bao giờ trả lại cho mình. Triết lý trong phương cách suy nghĩ của người chủ sách là vậy. Người Huế cũng đã có câu “Khi mượn thì ha,  khi trả thì hi” vì khi mượn sẽ vui mừng sung sướng nên cười “ha, ha” và khi trả thì giả bộ hỏi lại “hỉ, hả” ra chiều ngạc nhiên “Hỉ! Mượn khi mô?” hay “Hả, Mượn khi nào?”. Vì vậy, người khôn là người không cho mượn sách và là người chận ngay sự tính tò mò của những kẻ khác. Đừng để cho người ta biết nhà mình có sách quý. Từ chối không cho mượn sách có thể mất bạn nhưng thà mất bạn ngay lúc đầu mà mình sẽ không bị mất sách. Cho mượn sách thì rồi mình sẽ vừa mất sách và cũng vừa mất bạn. Dù cho bị bạn chửi là “Thằng bần tiện” cũng không nên lấy sách ra cho mượn. Triết lý bảo vệ tủ sách của mình là thế! Cũng vì thế mà có người đã khoá kỹ tủ sách mình đã đành mà còn cất kỹ các sách quý trong phòng ngủ để không cho ai thấy. Ngày nay cũng đã có người biết tẩy, đã mon men vào tận phòng ngủ của nhà bạn để xem sách và nói nhỏ nhẹ “Xin cho đến coi sách mỗi ngày”. Đó là chiến thuật “Coi sách trong phòng ngủ nhà người ta để người ta thấy bất tiện mà cho mượn sách đem về nhà”. Mượn về nhà mới có thể “thủ tiêu” quyển sách đó. Đó là đoạn đường “tịch thu sách” của bạn bè mà họ cần phải đi qua (Road map) thường là thế. Các chữ “thủ tiêu sách”, “tịch thu sách” đều là “cuỗm sách” và nếu nói nôm na ra thì đó là một cách “cướp sách nhẹ nhàng”. Người phương Tây gọi là “Pirating”. Bạn bè chơi với nhau thường biết tính nhau nên vì thế, người Huế nào cũng cất sách quý của họ rất kỹ. Họ đành lòng bị chúng bạn thân chửi bới là “đồ bần tiện” hay “đồ ích kỷ hại nhân” nhưng sẽ nhất quyết không cho bạn mượn sách! Chuyện “cho mượn sách sẽ mất sách” là chuyện đã đành rồi mà dù cho có gặp người giữ chữ “Tín” như Khổng tử sống lại đi nữa, cũng không nên cho mượn sách của mình. Lý do là có nhiều người coi quyển sách mượn không quý bằng sách của mình nên khi đọc sách, họ “tha hồ gạch đít” dày đặc cả các trang sách, làm như để cho người ta biết là mình đã đọc qua sách đó. Chưa hết! Có người còn viết cả “lời bình” ngoài viền sách, phê bình đoạn nầy viết được hay viết dở rồi lại còn chấm dấu than, dấu hỏi liên tiếp hai ba cái cho rõ ý tứ của mình chê bai ra sao. Thật hết nước nói. Có người dùng cả chỗ trống trên đầu sách để quệt qua quệt lại nhiều hàng “Zigzag chữ Chi” để thử mực cây bút nguyên tử trước khi viết xuống các lời bình phẩm “vô giá” của mình! Gặp đoạn hay ho gay cấn, họ không muốn cho ai ai cũng đọc được các tình tiết tâm đắc mà mình đã cảm nhận nên có người đã nhẫn tâm “ngang xương” xé một vài tờ trong sách để hòng “triệt” các người đọc đến sau. Ngày nay, những ai đi thuê sách truyện để đọc cũng thường gặp vấn nạn nầy. Đến những đoạn gay cấn, khúc mắc của câu chuyện trong sách là y như rằng đã có người chơi thâm, xé ra vài tờ để không cho người sau đọc, đúng theo tâm lý của những người “Việt Nam Xấu Xí”, không muốn cho ai cùng sướng, nói theo kiểu “không lẽ để cho hắn sướng hê răng” của những “Người Huế Xấu Xí” khác. Để kết luận, không cho mượn sách là phải”!

 Nói đến các Tủ sách Gia đình thì cũng phải nói đến những thư viện lớn xưa kia tại Huế.  Hồi xưa, Huế là đất Đế Đô nên ngoài các tủ sách lớn của các cơ quan của Nam Triều như Tàng Thơ Viện, Quốc Sử Quán, Quốc Tử Giám, của Tòa Khâm, của các trường như Providence, Pellerin hay của các Nhà Dòng như Dòng Thiên An, Dòng Chúa Cứu Thế, Thư Viện Acceuil v.v.. còn có các tủ sách của tư nhân, của các quan, hay trong các Phủ Đệ đồ sộ và phong phú cũng không kém. Tuy nhiên, sau 1946 thì các thư viện công cũng như tư nầy không còn tồn tại bao nhiêu.

Trước 1975, Thư Viện Viện Đại Học Huế được xây dựng từ 1960, cũng khá đồ sộ nhưng đến chiến cuộc Mậu Thân năm 1968 thì thư viện nầy đã hầu như bị tiêu hao hoàn toàn. Thư Viện Acceuil cũng đã đóng cửa. Thư viện Dòng Thiên An là một thư viện lớn với những tư liệu độc đáo, thừa hưởng từ những tặng phẩm của các thành viên của tổ chức “Bạn Huế Xưa” (Amis du Vieux Hue) như của Cha cố Cadìère, của bác sĩ Sallet, của gia đình Cosserat v.v. Nhưng tiếc thay, cũng vào năm Mậu Thân 1968, Thư Viện Thiên An nầy cũng đã làm mồi cho ngọn lửa chiến tranh và bị thiêu hủy hoàn toàn. Tất cả các mất mát về tư liệu chưa được công bố nầy khó có thể tìm lại được. Vào những năm 1980 và 1990 đã có những cố gắng của nhiều người làm văn hoá trong nước và ngoài nước để nối tiếp hoạt động của hội “Bạn Huế Xưa”. Từ Pháp, Thái Văn Kiểm cũng đã khởi xướng lập lại Hội “Amis du Vieux Hue” để có thể in lại tập “Bulletin Des Amis Du Vieux Hue” (BEFEO) dành cho giới tra cứu về Huế và cũng để quảng bá tiếp các tư liệu mới về Huế theo đúng đường lối của Hội ngày xưa. Đến nay (2008), hậu thân của Hội nầy cũng đã cho ra được nguyên bản Tập San “Bulletin des Amis du Vieux Hue” với đầy đủ các số ngày xưa trên dĩa DVD và cũng đã cho in lại tập “Arts de Hue” của hội nầy hồi xưa.

Trước 1975, Tủ sách Gia đình của giáo sư Phan Văn Dật cũng đã được tiếng là khá lớn. Nhưng sau năm 1975 thì thư viện tư nhân nầy cũng đã tiêu tan với ngày tháng. Tuy nhiên, ngày nay các Tủ sách Gia đình của các con dân khác tại Huế vẫn còn nhiều cái khá nổi tiếng. Trước hết, phải kể đến là tủ sách của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, của giáo sư Nguyễn Hữu Châu Phan và của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân v.v.. Tủ sách gia đình của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan gồm phần lớn các văn bản bằng chữ Hán viết trên giấy bổi hồi xưa đã bị lụt 1999 dâng lên thình lình, không kịp đưa lên cao nên đã bị hư hại rất nhiều. Các văn bản chữ Hán bằng giấy bổi đã dính với nhau gỡ không ra. Có quyển giấy bổi đã hoá thành một cục bột giấy, một “magma”, dính sát vào nhau thành một khối giấy bổi, không ra hình thù gì và chắc chắn không thể nào cứu gỡ ra được nữa, cho dù có dùng đến phương pháp “gỡ sách” tân tiến theo kỹ thuật mới nhất ngày hôm nay của người Đức. Một giải pháp giữ gìn sách dành cho các nhà chơi sách ở Huế mà chúng tôi thấy có vẻ khả thi là Thư Viện Chính của Huế “vui lòng” để dành một khoảng không gian cao ráo tại cơ sở của Thư Viện cho các nhà chơi sách Huế đem các sách quý của mình đến cất giữ khi cần.

 Tủ sách gia đình của giáo sư Nguyễn Hữu Châu Phan là một tủ sách được thiết lập từ đời cụ thân sinh là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính và được nối tiếp do giáo sư Châu Phan. Vì tủ sách nầy để trong nhà ở tại khu cao ráo nên các sách trong thư viện đã được bảo quản rất tốt. Cũng nhờ vào thư viện nầy tra cứu mà tạp chí “Nghiên Cứu Huế” cũng do giáo sư Châu Phan làm chủ bút đã được tồn tại qua nhiều số liên tiếp. Tủ sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân được xây dựng sau năm 1975 cũng là một thư viện lớn và cùng với thư viện của giáo sư Nguyễn Hữu Châu Phan là hai thư viện đã nhận được giải thư viện lớn nhất của Huế trong ngày Hội Sách Báo tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008.

Và như vậy, chúng ta thấy “Tủ sách Học trò” và “Tủ sách Gia đình” là những nét văn hoá rất đặc biệt của những con người Cố đô Huế thời trước. Chúng ta có thể nói không ngoa là người ta có thể đánh giá được trình độ giáo dục và văn hóa của dân chúng một địa phương qua sự hiện diện của những tủ sách gia đình cũng như qua sự hiện diện của những Thư Viện công cộng lớn nhỏ khác trong địa phương đó. Ngày nay tại Huế chỉ còn một thư viện “lớn nhất Huế”, thoát thai từ Thư Viện Đại Học Huế ngày xưa. Thư Viện nầy được xây dựng trên phần đất của Thư Viện Đại Học Huế và tòa nhà với kiến trúc thật đẹp năm xưa, trước là trụ sở của Đông Dương Ngân Hàng ở Huế về sau làm Thư Viện Đại Học Huế, thì đã bị san bằng để xây dựng tòa nhà mới hiện nay. Sách vở của Thư viện lớn nhất ở Huế nầy ngày hôm nay cũng có thể có nhiều sách nhưng chắc chắn khó lòng mà có được các bộ sách quý hiếm như của Thư viện Đại học Huế trước đây. Các sách quý của Thư viện Đại Học Huế đã bị hư hao, mất mát nặng nề qua những biến động của thời cuộc tại Huế. Thư viện Đại Học Huế ngày nay đã được xây dựng thành một Trung Tâm Học Liệu mới cho Huế, nơi tàng trữ nhiều sách về kiến thức chung để các học giả và các sinh viên tới tra cứu.

Thành phố Huế ngày nay đã có nhiều tiến bộ về mặt du lịch với số khách sạn dành cho du khách được nâng lên thật cao nhưng về mặt Thư viện thì trái lại chỉ còn độc một cái Thư viện là còn có vẻ bề ngoài to lớn mà thôi. Cho dù thế, lượng bao giờ cũng không bằng phẩm. Phẩm phải là trên hết. Ngày nay, người dân thành phố Huế cũng vì nhu cầu cơm áo phải chật vật đối phó với vật giá nên con số Tủ sách Gia đình cũng chẳng còn có bao nhiêu. Ngoại trừ vài tủ sách kha khá còn sót lại như đã nêu lên ở trên kia, lác đác đó đây chỉ còn lại vài tủ sách nho nhỏ với độ vài trăm quyển sách trong mỗi tủ sách mà thôi. Tuy nhiên các tủ sách nhỏ nhỏ nầy cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và phẩm lượng cũng không có gì là đặc sắc. Chúng tôi đã lật vài quyển sách nằm trên những giá sách cũ kỹ đó và nhận thấy hầu hết là những sách được in sau nầy tại Việt Nam, với nhiều quyển truyện đã được dịch từ các nguyên tác ngoại quốc và với tên các tác giả ngoại quốc phiên âm theo tiếng Việt, ví như tên tác giả “Victor Hugo” thì đã được phiên dịch qua tiếng Việt “theo đúng đường lối” với cái tên mới “Vích To Huy Gô” chễm chệ với hàng chữ in lớn vào bìa trước của sách!

Ngày nay (2008), vào thăm các gia đình tư nhân quen biết ở Huế, một điều trước tiên đập vào mắt của những “người từ xa trở về” như chúng tôi là cái “Tủ sách Gia đình” ngày xưa đã không còn nằm chình ình ở căn trên trong nhà như xưa kia mà cũng không còn nằm tại bất cứ chỗ nào khác trong ngôi nhà đó. “Tủ sách Gia đình” đã hoàn toàn vắng bóng trong những ngôi nhà của người Huế hiện nay. Ngoài ra, trên bàn học của con em trong nhiều nhà ở Huế, chúng tôi cũng không thấy có chồng sách vở nào khá lớn đủ chứng minh là những con em học trò Huế trong nhà đó đang dùi mài học tập để ganh đua với các bạn đồng lứa trên khắp thế giới. Nguy cơ là chỗ đó.

Và như vậy tại Huế, do thực tế đòi hỏi nên nhu cầu văn hoá trong thời buổi “hội nhập toàn cầu” (Globalisation) nầy đã phải nhường bước cho những vấn đề khẩn thiết khác hơn. Đó là một “báo động văn hoá” mà ngày hôm nay chúng tôi muốn gióng lên với quý vị phụ huynh học sinh và với những người có trách nhiệm giáo dục cho con em tại Huế.

BÙI MINH ĐỨC
(247/09-09)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng