Câu chuyện hôm nay
Văn hoá Huế - một năng lực mới đang chuyển động
17:02 | 11/01/2010
Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, cùng với thành tựu của công cuộc đổi mới diễn ra sôi động trên đất nước Việt Nam, sức sống của vùng văn hoá Huế sau những năm dài tưởng chừng đã ngủ yên chợt bừng dậy và lấp lánh tỏa sáng.

Những giá trị văn hoá truyền thống được đánh thức dậy không những bằng cố gắng liên tục của các nhà hoạt động văn hoá ở Thừa Thiên Huế và Việt Nam, của cộng đồng cư dân xứ Huế, của các cơ quan quản lý và nhà chức trách địa phương, mà vượt qua ranh giới quốc gia, nhiều chuyên viên của Unesco và quốc tế, kể cả nguyên Tổng Giám đốc Unesco - ông Amadoumahta Mbow - cũng đã đến Huế (tháng 11-1981) để đặt bàn tay lên lớp bụi của thời gian, soi lại những trang lịch sử Huế, nhặt lấy những mẩu vàng son của quá khứ và long trọng phát đi lời kêu gọi thống thiết “Huế phải được cứu vãn cho Việt Nam mà Huế là một cao điểm, ở đó thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc. Huế phải được cứu vãn cho thế giới vì Huế cũng là một bộ phận cấu thành của di sản văn hoá nhân loại”.

Những khám phá trở lại về văn hoá Huế đã kết nối được những mảnh rời tưởng chừng bị vỡ nát của quá khứ để dựng lại cả một gia tài di sản văn hoá Huế, bao gồm cả hệ thống di sản văn hoá vật thể với yếu tố nổi bật là di tích Cố đô Huế, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân lịch sử văn hoá ở Huế, gắn kết với hệ thống di sản văn hoá phi vật thể phong phú, đa dạng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình và bác học, nghệ thuật trang trí và mỹ thuật, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, nền nếp ứng xử văn hoá, văn nghệ dân gian, ngành nghề truyền thống … được nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển trong một mảng nền đặc trưng của con người và cảnh quan thiên nhiên xứ Huế.

Sự nhận diện về văn hoá đã khẳng định Thừa Thiên Huế là một vùng văn hoá độc đáo, giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam. Hệ thống di tích lịch sử, văn hoá Huế là kho sử liệu vật chất quý báu về lịch sử cận đại của Việt Nam. Cố đô Huế là một bài thơ đô thị, là mạch nguồn nuôi dưỡng cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, để Huế trở thành một trung tâm về thi ca, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, là một vùng folklore đặc sắc, gắn kết được các yếu tố dân gian - bác học - cung đình, gắn kết đạo với đời, truyền thống và hiện đại theo tinh thần phương Đông.

Có thể nói dù những lớp bụi thời gian, cộng với sự rẻ rúng của những kẻ “vô tri bất mộ” có làm mờ đi một phần diện mạo của văn hoá Huế, thậm chí làm méo mó, biến dạng ở một vài góc cạnh, nhưng nhìn toàn diện, và trong sâu thẳm của vùng đất này, Huế vẫn đang giữ được những trạng thái tinh thần có tính đặc trưng của Việt Nam, của văn minh đô thị truyền thống Việt Nam một thời.

Sinh lực văn hoá Huế được đánh thức dậy đã nhanh chóng tạo ra một động lực mới, thúc đẩy sự chuyển hóa và góp phần củng cố vị thế trung tâm văn hoá - du lịch của Thừa Thiên Huế, kéo vùng đất này thoát ra khỏi ao tù ngưng đọng và từng bước chuyển mình, hội nhập vào đời sống của xã hội hiện đại.

Sau sự kiện tháng 12/1993, khi di tích Cố đô Huế được Unesco long trọng “đăng quang” ghi tên vào danh mục di sản văn hoá thế giới, công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của khu kiến trúc kinh đô Huế, một làn gió mới đã lay động đời sống văn hoá ở Thừa Thiên Huế.

Rất nhiều nỗ lực được tập trung để dồn sức giữ gìn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế. Nhiều công trình kiến trúc lớn (như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Thái Bình Lâu, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Hưng Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Diên Thọ ở Đại Nội, điện Minh Thành lăng Gia Long, Minh Lâu lăng Minh Mạng, điện Bửu Đức lăng Thiệu Trị, điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Xung Khiêm Tạ lăng Tự Đức, điện Long Ân lăng Dục Đức, Thiên Định cung lăng Khải Định, điện Long An, Văn Thánh) đang từng bước khôi phục lại diện mạo vàng son một thời. Cảnh quan thiên nhiên và môi trường di tích được chấn chỉnh. Một dự án lớn về quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế từ 1996 đến 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí dự kiến 720 tỷ đồng, mở ra một triển vọng tốt đẹp cho công cuộc trùng tu di tích.

Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trai trẻ ở Thừa Thiên Huế, những ngôi nhà Người đã ở với gia đình, trường Quốc Học, địa điểm tòa Khâm sứ Pháp tại Huế, những nơi đã để lại dấu ấn sâu đậm, góp phần hình thành nhân cách và tư tưởng yêu nước của người học sinh Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang được bảo tồn gìn giữ. Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được khởi công xây dựng mới, dự kiến hoàn thành năm 2000, sẽ là nơi giới thiệu có hệ thống về 10 năm Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế, về Thừa Thiên Huế với Bác Hồ, Bác Hồ với Thừa Thiên Huế. Một loạt các di tích lưu niệm về các danh nhân Trần Văn Kỷ, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Đặng Huy Trứ, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh…, các di tích lịch sử cách mạng, di tích nghệ thuật kiến trúc đang được quan tâm gìn giữ. Một cuộc tổng kiểm kê về di tích ở Thừa Thiên Huế với quy mô trên 900 địa điểm di tích đã được khảo sát, lên danh mục và đề xuất phương án bảo vệ, phát huy.

Văn hoá phi vật thể đa dạng của vùng Cố đô, từ các loại hình văn hoá cung đình (múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, thơ văn của các vua chúa, mỹ thuật cung đình, tuồng ngự, món ăn ngự thiện…), văn hoá bác học (ca nhạc Huế), văn hoá tôn giáo (lễ nhạc Phật giáo, tranh tượng thờ, múa hát chầu văn) đến văn hoá, văn nghệ dân gian, phong tục tập quán, lối sống và ứng xử văn hoá, ngành nghề truyền thống… được sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục và phát huy khá tốt, trở thành những sản phẩm văn hoá độc đáo làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc, phục vụ du lịch và mở rộng giao lưu văn hoá với khu vực và thế giới.

Múa hát cung đình Huế đã đi biểu diễn nhiều lần ở Nhật. Lễ nhạc cung đình Huế (cả Đại nhạc và Nhã nhạc) đã sang Nhật và Hàn Quốc giao lưu với Nhã nhạc Á Đông. Ca nhạc Huế đã cử các đoàn nghệ sĩ tiêu biểu sang trình diễn tại các nước Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông. Lễ nhạc Phật giáo xứ Huế đã 2 lần dự Liên hoan âm nhạc tôn giáo tại Pháp. Diều Huế đã liên tục tham gia liên hoan diều quốc tế. Những loại hình lễ hội hoa đăng trên sông Hương, lễ điện Hòn Chén, vật làng Sình, lễ hội cầu ngư… trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng truyền thống. Xem trình tấu lễ nhạc cung đình, múa cung đình, nghe ca Huế trên sông Hương đã trở thành những thú vui thanh nhã ở Huế.

Hệ thống các thiết chế văn hoá thông tin: trường Đại học Nghệ thuật Huế, trường Văn hoá Nghệ thuật tỉnh, Thư viện Tổng hợp, Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô và các Bảo tàng, Nhà Văn hoá, các đoàn nghệ thuật, các doanh nghiệp phát hành sách và dịch vụ văn hoá, điện ảnh và băng hình, cùng với các cơ quan xuất bản báo chí, phát thanh, truyền hình của trung ương và của tỉnh, hệ thống Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (với bảy phân hội văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ dân gian, kiến trúc), Hội Nhà báo tỉnh, các Nhà Văn hoá Thiếu Nhi Huế, Nhà Văn hoá Thanh niên Huế, Nhà Văn hoá Hữu Nghị, Trung tâm Văn hoá Thể thao và Hướng nghiệp Thanh Thiếu niên Thừa Thiên Huế, Nhà trưng bày điêu khắc Điềm Phùng Thị, các Gallery và trên 1000 điểm dịch vụ văn hoá của tư nhân đã hợp thành một mạng lưới hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền đa dạng và phong phú, sinh động, hình thành một cấu trúc văn hoá có nét riêng của vùng đất cố đô, đậm màu sắc văn hoá truyền thống mà vẫn sôi động, có khả năng hòa nhập với đời sống văn hoá hiện đại.

Một năng lực mới đang chuyển động, theo hướng vừa tích hợp những bản sắc dân tộc đậm đà, vừa vươn tới những giá trị tiên tiến, góp phần làm giàu thêm cho bản sắc văn hoá Việt Nam đang từng bước rõ dần ở Thừa Thiên Huế. Bằng những chính sách và bước đi thích hợp, chắc chắn nguồn lực văn hoá ở Thừa Thiên Huế sẽ chuyển hóa thành một động lực mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng vị thế Thừa Thiên Huế ngày càng trở thành và khẳng định một trung tâm văn hoá du lịch quan trọng của Việt Nam, chuyển mình tiến vào thế kỷ XXI.

NGUYỄN XUÂN HOA
(119/01-99)






Các bài mới
Các bài đã đăng