Câu chuyện hôm nay
Festival & văn nghệ sĩ Huế
10:23 | 02/06/2010
Ôn cố để tri tân, Festival Huế 2010 là lần tổ chức thứ VI. Qua 6 lần tổ chức, nhìn lại những ngày liên hoan văn hóa Việt Pháp (1992) do thành phố Huế phối hợp với Codev tổ chức, anh chị em văn nghệ sĩ Huế lúc bấy giờ phấn khích lắm vì đây là cơ hội tiếp xúc với thế giới dù chỉ mới có một nước Pháp. Họ thấy cần có trách nhiệm phải tham mưu để xây dựng chương trình cũng như chủ động tham gia hoạt động trong lĩnh vực của mình.
Thời gian tổ chức không nhiều, chương trình tập trung vào một số hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trước yêu cầu phải thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt văn hóa Huế, anh chị em hội viên sân khấu và múa chủ yếu ở các đoàn Ca múa truyền thống và Đoàn Ca kịch Huế đã được Ban tổ chức điều động sắp xếp xây dựng chương trình biểu diễn. Quá phấn khởi, anh chị em đã sưu tầm một số bài bản cũ tái hiện lại qua sự dàn dựng của các biên đạo, đạo diễn tên tuổi ngày đêm tập luyện. Tạp chí Sông Hương đã dành riêng hẳn một số chuyên đề về hoạt động Festival Việt Pháp này. Giới mỹ thuật BTC cũng đã mời một số họa sĩ Huế sáng tác tranh chung với họa sĩ người Pháp tại trường Mỹ thuật Huế.

Khởi thủy là thế. Tám năm sau, năm 2000, Festival Huế lần thứ I được tổ chức tiếp nối lần tổ chức thể nghiệm trước. Lần này, ngoài anh chị em nghệ sĩ biểu diễn của hai đoàn Ca múa Cung đình và Ca kịch Huế tham gia vào các chương trình phối hợp, còn có chương trình biểu diễn riêng của CLB Phú Xuân gồm các nghệ nhân cổ nhạc với các chương trình nhã nhạc hằng đêm trong suốt Festival. Anh chị em nghệ sĩ nhiếp ảnh tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật Đen Trắng và ảnh giao lưu 3 thành phố Hà Nội - Huế - TP.Hồ Chí Minh. Giới mỹ thuật tổ chức phòng triển lãm mỹ thuật TT.Huế. Đặc biệt BTC lần này tổ chức Trại sáng tác Điêu khắc lần I, kinh phí do quỹ Ford tài trợ. Trường Đại học Nghệ thuật chịu trách nhiệm cho đến lần thứ IV (2006) mới giao lại cho BTC Festival điều hành. Trại lần đầu ấy có trên 30 nghệ sĩ điêu khắc trong nước và các quốc gia đến dự, trong đó có hai tác giả Huế tham gia. Trại điêu khắc quốc tế đầu tiên tổ chức ở công viên Lý Tự Trọng, các lần sau, mỗi lần một địa điểm như lần thứ II tại công viên 3-2, lần III tại công viên Phu Văn Lâu, lần thứ IV tại khu vực đồi Thiên An, lần thứ V tại Abalon Resort (Thuận An). Mỗi lần có từ 20 đến 30 tác giả trong và ngoài nước tham gia, các tác phẩm từ các trại sáng tác được tặng cho nhân dân TT.Huế và hiện đang chờ đợi để đứng vào vườn Điêu khắc của tỉnh trong tương lai.

Festival lần đầu kết thúc, anh chị em văn nghệ sĩ có những cảm nghĩ khác nhau, nhưng đều thấy rằng cần có thái độ ủng hộ, không chỉ bằng lời mà bằng những việc làm cụ thể.

Đến Festival 2002, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh muốn tổ chức thường xuyên theo định kỳ hai năm một lần. Do đó BTC đã ra sức tìm kiếm các nguồn tài trợ cũng như mời gọi sự tham gia của các đoàn nghệ thuật của nhiều quốc gia. Lần này giới văn nghệ sĩ đã bắt đầu quen với việc tổ chức. Ngoài lực lượng sân khấu và múa là chủ lực trong các hoạt động gồm những chương trình biểu diễn, còn anh chị em mỹ thuật, nhiếp ảnh, cả âm nhạc và kiến trúc cũng có những cách để góp phần.

Mỹ thuật tổ chức nối kết các tác giả 3 thành phố Hà Nội - Huế -TP. Hồ Chí Minh và bày tại Khách sạn Morin. Đặc biệt, các họa sĩ CLB Mỹ thuật Nhà Văn hóa Huế đã thực hiện Hội chợ Mỹ Thuật tại Nghinh Lương Đình, tổ chức nhiều hoạt động gây hứng thú với nhiều hình thức mới như tổ chức không gian nghệ thuật sắp đặt, đưa tác phẩm ra ngoài trời để đến với công chúng, anh chị em sáng tác và vẽ chân dung cho những người đến với hội chợ. Bước đầu hoạt động mỹ thuật cộng đồng tổ chức ở Huế được quan tâm và công chúng rất ấn tượng với hoạt động này.

Ngoài Huế - Bài thơ đô thị là tên gọi cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của các tác giả Huế thì bên cạnh đó, các tác giả của thành phố Hồ Chí Minh đã cùng tham gia bằng các cuộc triển lãm trên thành phố, tạo nên sự đa dạng. Đây cũng là dịp hội ngộ của các nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh trên toàn quốc về Huế tìm cách ghi lại những khoảnh khắc đẹp từ Festival.

Hội Kiến trúc sư năm ấy cũng góp phần bằng việc phối hợp với Nhà Thiếu nhi Huế tổ chức cuộc thi “Các nhà kiến trúc sư nhỏ tuổi”. Nhiều ý tưởng từ các mô hình đô thị được các em của các trường phổ thông cơ sở đã thực hiện, có nhiều ý tưởng lạ và hay, đem lại hiệu quả trong giáo dục. Để có khái niệm cấu trúc đô thị trong các em, đó là việc làm hữu ích. Về văn học thì Tuyển tập tác phẩm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được Công ty Phương Nam phát hành cũng được ra mắt bạn đọc trong lần này.

Những cuộc gặp gỡ giao lưu ở các sân khấu của chương trình Festival đã giới thiệu các tác giả Huế đến với công chúng, nhiều nghệ sĩ tích cực tham gia trong chương trình nhạc Trịnh Công Sơn được dư luận hoan nghênh đón nhận.

Sau Festival 2002, Huế vẫn tiếp tục cứ hai năm một lần tổ chức Festival. Việc nối kết các hoạt động văn hóa nghệ thuật của các nhóm nghệ thuật muốn đến với Huế cũng nhiều hơn, yêu cầu Festival cần có nhiều hoạt động hưởng ứng. Chương trình In là những chương trình được chọn lựa trong quá trình nối kết để trở thành những hoạt động tại khu vực chính ở Hoàng thành và một số nơi khác. Các chương trình hoạt động hưởng ứng phần OFF được tổ chức nhiều nơi khác trong thành phố.

Những kết quả trước đó cho thấy, để hiểu về tinh thần của một Festival là sự góp mặt, cộng hưởng chứ không chỉ hưởng thụ, càng có nhiều người tham gia thì thành công càng lớn. Văn nghệ sĩ TT.Huế nhận thức được điều đó nên đã tìm cách góp phần mình bằng việc làm cụ thể hơn trong Festival 2004 và các kỳ sau đó.

Ngoài những hoạt động của các nghệ sĩ sân khấu, múa tham gia vào các chương trình chính của các lễ hội, các sân khấu chính thì các hoạt động của mỹ thuật và nhiếp ảnh đã có những thay đổi trong việc tổ chức. Ngoài tổ chức triển lãm mỹ thuật 3 thành phố, Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế, năm 2004 có thêm trại sáng tác điêu khắc Dân Gian dành cho các nghệ nhân các dân tộc miền Tây tổ chức ở xã Hương Hồ, cách xa thành phố hàng chục cây số. Hoạt động mỹ thuật lần này chiếm lĩnh con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu là con đường mới được mở ra để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động của thành phố văn hóa du lịch. Hoạt động nghệ thuật cộng đồng được tổ chức trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Công viên 3-2, Công viên Tứ Tượng với nhiều tên tuổi trong nước đến tham gia. Những hình thức nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, vẽ chân dung, trình diễn nhạc phối hợp… Các cuộc triển lãm nhóm và cá nhân được tổ chức tại các họa thất, các gallery đã được tỏa rộng khắp thành phố.

Nhiếp ảnh phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức một cuộc thi lớn trong cả nước với chủ đề Lễ hội Việt Nam truyền thống và phát triển, có nhiều kết quả.

Qua Festival 2004, sự hồ hỡi hưởng ứng của anh chị em văn nghệ sĩ TT.Huế ngày càng nhiều, nhiều địa chỉ để trở thành điểm kết nối các hoạt động văn hóa không chỉ trong thành phố mà còn lan rộng ra ngoại vi tạo nên một diện rộng để người xem có cơ hội đi vòng quanh thành phố.

Sau lần tổ chức này lãnh đạo tỉnh quyết định Festival thường xuyên tổ chức hằng năm, phấn đấu Huế trở thành thành phố Festival. Muốn vậy thì Huế phải luôn luôn tổ chức lễ hội xen kẽ vào giữa hai kỳ Festival, thế là Festival nghề từ đó ra đời. Đến nay đã tổ chức 3 kỳ, năm 2005 với nghề thêu, chằm nón, năm 2007 nghề đúc đồng, kim hoàn, chạm khảm, năm 2009 với nghề sơn mài, gốm sứ, pháp lam... Trong các lần tổ chức đều có sự tham gia tích cực của văn nghệ sĩ Huế với những công trình, những phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật. Không những vậy, anh chị em còn rủ rê văn nghệ sĩ từ nơi khác đến cùng tham gia, đã tạo nên cộng hưởng lớn cho mỗi kỳ Festival.

Đến Festival 2006, những kết nối đã trở nên rộng rãi các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia, từ nhiều tỉnh thành trong nước. Họ đến với Festival bằng nhiều hình thức, nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, đa dạng. Gần như các văn nghệ sĩ của địa phương đều có các hình thức góp mặt. Lần này thì các nhà văn xắn tay áo vào cuộc bằng tổ chức Festival Thơ lần đầu, quy tụ nhiều tác giả thơ trong tỉnh và các nơi đến với Huế, tổ chức ra mắt các tác phẩm thơ, giao lưu tác giả tác phẩm, triển lãm thơ bằng các hình thức như trình bày trên các Paneau, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, làm cho không gian của công viên 3-2 tưng bừng ngày hội của thơ ca. Đã hai lần Festival Thơ, mỗi năm mỗi hình thức khác nhau, đã để những dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu thơ. Người ta vẫn còn nhớ các tác phẩm sắp đặt trong hệ thống Cổng thơ, Thư pháp Sen, Quãng trường Thi ca…với sự góp mặt những tên tuổi trong làng thơ Việt Nam. Với năm 2010, chủ đề hướng về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm, Festival Thơ lần này chắc chắn sẽ có những đổi mới với nhiều sân chơi và đa dạng hơn về hình thức.

Với Hội Âm nhạc thì hoạt động trại sáng tác âm nhạc Quốc tế là một quyết tâm mạnh mẽ. Hội đã được BTC đồng ý để trở thành một hoạt động chính và vận động các nhạc sĩ trong và ngoài nước cùng đến tham gia. Lần đầu tiên tổ chức năm 2006, anh chị em đã dồn mọi nỗ lực để thực hiện, kết quả để lại là những tác phẩm được dư luận đánh giá cao, anh em văn nghệ tự đánh giá đó là sự bạo gan.

Festival Huế 2008 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhiều tổ chức khác trong nước đã đem nhiều hình thức mới đến Huế. Ngày càng nhiều sự hưởng ứng của công chúng Huế tham gia vào Festival. Đặc biệt văn nghệ sĩ đã xem đây là cơ hội để mình thể hiện, trước hết là thái độ của công dân, và sau đó là vào cuộc chơi mà ở đây vừa là người sáng tạo, vừa là khán giả. Cũng qua Festival, nhiều tác giả, nhiều địa danh, địa chỉ đã trở thành tên tuổi gắn liền với tác phẩm cũng như sự kiện được tổ chức ở đó.

Năm lần tổ chức Festival văn hóa và ba lần tổ chức Festival nghề truyền thống, giới văn nghệ sĩ Huế đã có những kinh nghiệm, trải qua những thử thách với chính mình để thể hiện trách nhiệm trong việc tham mưu và tổ chức các hoạt động phối hợp với sự phát triển chung. Nhiều hoạt động thời gian qua không thể tính hết, có những hoạt động chỉ lặng lẽ góp phần, có thể là của một số họa sĩ vẽ chân dung người qua đường, hoặc làm người đứng gác cho một tác phẩm sắp đặt khỏi bị xâm hại, hay ý tưởng để giúp cho các họa sĩ khác thể hiện tác phẩm... tất cả họ đã góp phần vào thành công chung cả họ và của công chúng. Bây giờ Huế đã trở thành Thành phố Festival, họ càng thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên phía nhà quản lý thì phải làm sao tạo nhiều cơ hội, nhiều thiết chế văn hóa để văn nghệ sĩ có điều kiện được cống hiến nhiều hơn, ngày càng có nhiều người đến với Festival hơn.


ĐẶNG MẬU TỰU
(SDB – 5-2010)


Các bài mới
Các bài đã đăng