Câu chuyện hôm nay
Đô thị giang tay
10:51 | 23/06/2010
Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong vài năm tới theo tinh thần kết luận số 48 của Bộ Chính trị đã mở ra một mốc mới mang tính lịch sử. Với kết luận này, đặt ra nhiệm vụ cho Huế phải trở thành trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Huế trong quá khứ


Huế có quá trình hình thành và phát triển khá lâu đời trên 700 năm, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Đàng Trong, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tiến hành Bắc phạt, là kinh đô dưới thời Nguyễn. Với tư cách là một đô thị, năm 1899 thị xã Huế được thành lập, năm 1929 nâng lên thành thành phố Huế. Do vị trí chính trị, văn hóa và nhiều nét đặc trưng của Huế, nổi bật là Cố đô Huế; khi nói về hình ảnh đất nước mọi người đều liên tưởng đến 3 thành phố trung tâm Huế - Hà Nội - Sài Gòn. Chính vì vậy, năm 1960, Huế - Hà Nội - Sài Gòn đã tiến hành lễ kết nghĩa và như xã luận báo Nhân Dân ngày đó đã viết: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn kết nghĩa với nhau tiêu biểu là Bắc Nam ruột thịt, cho tinh thần đoàn kết đấu tranh của một dân tộc, cùng chung một tổ quốc, không thể chia cắt”.

Sau ngày đất nước thống nhất, Huế là một thành phố thuộc tỉnh. Khi Thừa Thiên Huế được tái lập năm 1989, Huế là đô thị loại 3. Lúc đó, ai ai cũng cảm nhận Huế với chiếc áo chật khó phát huy được vị thế và thực tế trong thời gian qua trung ương đã dành cho Huế không ít ưu ái: năm 1992, Huế là thành phố thuộc tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận là đô thị loại 2 (thời điểm này thành phố loại 2 là thành phố trực thuộc trung ương); năm 2005 Huế là thành phố thuộc tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận là đô thị loại 1 (cũng thời điểm này đô thị loại 1 là thành phố trực thuộc trung ương); Chính phủ cũng đã ban hành quy chế đặc thù cho thành phố Huế. Tuy nhiên, những ưu ái nêu trên cùng với cơ chế quản lý như hiện nay dường như chiếc áo chật chưa được tháo cởi. Không ít ý kiến mạnh dạn đặt ra như: xây dựng Huế thành một thành phố lịch sử đặc thù hoặc mở rộng thành phố đến Tứ Hạ, Bình Điền, Phú Bài, Thuận An phát triển lên thành thành phố trực thuộc trung ương...

Huế, nhìn từ trên cao - Ảnh: PV


Chân dung đô thị Huế

Kết luận 48 của Bộ Chính trị cũng như định hướng của Chính phủ về hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã phần nào phác thảo bức tranh chân dung đô thị Huế dưới hình dạng đô thị trung tâm chính và chùm đô thị vệ tinh với các mối quan hệ liên thông - hợp tác chặt chẽ với nhau qua mạng lưới giao thông hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp. Xác định này hết sức quan trọng bảo đảm cho thành phố lớn là một đô thị sinh thái với đô thị hạt nhân là Cố đô Huế. Mặt khác, với không gian rộng lớn của thành phố mới, việc đầu tư sẽ không dàn trải, trong lúc cần phải có thời gian chuẩn bị cho một lớp thị dân mới. Đô thị mới là một đô thị có rừng, có biển, có đầm phá, núi đồi, đồng bằng... có điều kiện để xây dựng một thành phố: phố trong rừng, rừng trong phố... trở thành một đô thị độc đáo như hình ảnh của một đất nước thu nhỏ. Vì vậy, trong nhiều tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đối với Huế có lẽ tiêu chí quan trọng nhất là xây dựng thành phố văn hoá.

Kết luận 48 của Bộ Chính trị và nỗ lực của Thừa Thiên Huế thời gian qua cho thấy: Huế có điều kiện để phát triển đô thị cảng biển, đô thị du lịch, đô thị đại học, phố núi và cửa khẩu... và cao hơn hết là phải biến Cố đô Huế thành thiên đường nghỉ dưỡng đặc sắc không những trong nước mà còn cả trên thế giới. Điều này đặt ra cho các nhà hoạch định phải có những tính toán vừa thận trọng, vừa táo bạo và có những bước đi phù hợp.

Đối với đô thị trung tâm, hệ thống cây xanh và không gian mở vẫn được duy trì nhưng mối đe dọa vẫn còn lớn. Thành phố thời gian qua có nhiều nỗ lực làm phong quang vẻ đẹp thành phố, di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, định cư dân ở thượng thành, hộ thành hào, ngự hà... đang triển khai những chương trình lớn hơn như định cư dân vạn đò, khơi thông hệ thống thủy đạo kinh thành Huế... Phát triển nhanh thành phố Festival của Việt Nam, đồng thời đầu tư phát huy vai trò trung tâm, nổi trội của văn hoá, giáo dục, y tế Huế. Tuy nhiên để bảo đảm không gian kinh thành Huế, không gian 2 bờ sông Hương, không gian vùng nhà vườn Kim Long, Hương Long, Thủy Biều, Vỹ Dạ; không gian khu lăng tẩm; không gian đô thị cổ Gia Hội - Bao Vinh; không gian khu phố Pháp... Trong quá trình đô thị hoá là điều không đơn giản. Vì vậy, để giảm tải áp lực cho đô thị trung tâm cần mở rộng đô thị trung tâm đến Phú Bài, Bình Điền, Tứ Hạ, Thuận An như quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà Chính phủ đã ban hành.

Bên cạnh đó, đối với đô thị trung tâm cần có những bước đi táo bạo. Trước đây thành phố đã mạnh dạn di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành thì nay cũng nên xem xét đưa những cơ quan, đơn vị, trường học... ở nội thành không còn phù hợp ra khỏi nội thành, biến những hồ hào nội thành thành những nơi nghĩ dưỡng cao cấp mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Xây dựng một thành phố đại học tập trung xứng tầm một Đại học Quốc gia, mạnh dạn di dời các cơ sở đại học tản mạn nằm rải rác trên thành phố, đặc biệt là khu vực nội thành.

Một cực chia sẻ với đô thị trung tâm là đô thị Chân Mây – Lăng Cô. Đây là một đô thị mới với nhiều cơ hội mở ra để hình thành một thành phố Cảng, một trung tâm giao thương quốc tế lớn, trung tâm vận tải biển, một trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp... Đây sẽ là một thành phố năng động, phát triển mạnh mẽ đối trọng với những bước đi tỉnh táo, chậm rãi ở đô thị trung tâm.

Đối với những đô thị còn lại, trong quá trình phát triển cần chú ý đến đặc trưng văn hóa từng vùng như xây dựng phố núi như thế nào? phát triển phố núi vùng cửa khẩu ra sao? phát triển đô thị Phong Điền như thế nào để kết gắn với Thanh Tân, Phước Tích... Như vậy chúng ta có thể hình dung thành phố lớn bao gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh liên thông với nhau bằng một hệ thống giao thông hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất là điện, nước, bưu chính viễn thông, môi trường... Chuyển tiếp bằng những cánh rừng, những ngôi làng, những khu sinh thái, những công viên lớn....

Đi lên từ văn hoá

Xây dựng Huế trở thành một trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục chính là làm cho Huế giàu lên, mà trước hết là làm giàu chất lượng sống, là bảo đảm cho tăng trưởng bền vững. Đây là điều khó đong đếm nên nhận thức cũng không dễ dàng gì, mặc dù trong thực tế đời sống người dân được cải thiện đáng kể, thậm chí một bộ phận dân cư giàu lên từ vị trí trung tâm Huế. Do vậy, con đường đi lên của Huế là phấn đấu để trở thành trung tâm thực sự, có sức lan tỏa thực sự.

Thành phố lớn có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế. Với 6 khu công nghiệp tổng diện tích trên 2000 hecta, với các thế mạnh như bia, thủy điện, vật liệu xây dựng, hàng không, cảng biển... rõ ràng thời gian qua chủ đạo trong tăng trưởng vẫn là công nghiệp. Việc phát triển công nghiệp đã tác động không nhỏ đến quá trình đô thị hóa, hình thành một lớp thị dân mới. Tuy nhiên, với tính chất của một thành phố văn hóa di sản duy nhất còn lại của nước ta cùng với những yếu tố nổi trội mà mảnh đất, con người... đặt ra cho Huế phải vươn lên làm giàu từ văn hoá mà trọng tâm là xây dựng một nền công nghiệp không khói, phát triển du lịch, dịch vụ trở thành hướng chủ đạo của nền kinh tế.

Thật ra, lâu nay trong tư tưởng của mỗi người dân phát triển văn hóa du lịch là lợi thế nổi trội của Huế và đây chính là đường đi lên của Huế. Ý tưởng này những năm 80 được đặt ra mạnh mẽ trên nhiều diễn đàn, đã trở thành Nghị quyết của Đại hội đảng bộ Thành phố. Tuy nhiên, khi so sánh tỉ trọng giữa du lịch với các ngành và điều kiện lúc đó không ít người không khỏi phân vân. Đặt du lịch là trục xoay của nền kinh tế có nghĩa đặt hoạt động các ngành phải hướng vào du lịch, phục vụ phát triển du lịch. Nông nghiệp phát triển như thế nào để phục vụ du lịch, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, làng nghề hướng vào du lịch như thế nào, vấn đề xuất khẩu tại chỗ ra sao? Tất cả không chỉ dừng lại ở định hướng mà cần có tổng kết đầy đủ, cần có những chính sách, những giải pháp hữu hiệu.

Không ai có thể phủ nhận những bước phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, đặc biệt là sau khi Thành phố tổ chức các kỳ Festival, cơ sở vật chất của ngành du lịch phát triển đáng kể nếu không nói là đầy tính đột phá, đặc biệt là trong những năm lại đây. Dù vậy, tỷ trọng của ngành du lịch trong nền kinh tế vẫn còn thấp, điều này nói lên hoạt động du lịch đã, đang còn nhiều khập khễnh, nhiều khoảng trống và nói chung còn thiếu nhiều tính chuyên nghiệp mà biểu hiện rõ nét nhất là trong nhiều năm qua việc giữ khách ở lại Huế chỉ dừng lại ở mức 2 ngày/người.

Thành phố có 2 di sản thế giới, có Lăng Cô là Vịnh đẹp nhất thế giới, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một trong những trung tâm tôn giáo lớn của đất nước với hệ thống chùa chiền, nhà thờ đặc sắc với gần 1000 di tích, địa điểm di tích được tổng kiểm kê, khoanh vùng và lên kế hoạch bảo vệ... điều này thật sự hấp dẫn đối với du khách hàn lâm và là yếu tố nổi trội trong phát triển du lịch. Nhưng du khách ngoài tham quan còn có nhu cầu giải trí, thời gian qua chúng ta đầu tư cho khách sạn, nhà nghỉ ở thì nhiều nhưng phát triển công nghiệp giải trí thì rất hạn chế, còn chưa có hướng mở, có thể nói đầu tư cho lĩnh vực này là không đáng kể. Một điều chắc chắn thiếu công nghệ giải trí thì rõ ràng hoạt động du lịch thiếu hấp dẫn và trở nên đơn điệu.

Huế là một trung tâm du lịch lớn của đất nước, nhưng có sản phẩm du lịch chưa chắc đã làm nên trung tâm. Yếu tố làm nên trung tâm chính là tổ chức đưa du khách đến Huế, công tác quảng bá, không vươn lên ở lĩnh vực này khác nào từ trung tâm trở thành vệ tinh.

Đưa nền công nghiệp không khói trở thành trục xoay của nền kinh tế đang trở thành nỗ lực chung của Thừa Thiên Huế. Ngoài thành phố hạt nhân Cố đô Huế, hầu như các địa phương trong tỉnh xây dựng chương trình hành động năm 2010 đều coi trọng phát triển du lịch dịch vụ. Nhìn vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020 ở Thừa Thiên Huế, có 46 dự án với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỉ đôla, tất cả các dự án này điều là lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái, nhiều dự án như bổ sung vào những lỗ hổng của nghành du lịch.

Huế với tư cách một thành phố văn hoá cùng Hà Nội thủ đô chính trị, thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế sẽ tạo thế chân vạc cân bằng trong phát triển đất nước, khó có địa phương nào trong cả nước có cơ hội như thế.


LÊ VĂN LÂN
(SDB – 3-2010)





Các bài mới
Các bài đã đăng