Câu chuyện hôm nay
Trong hành trình cùng dân tộc
14:18 | 01/07/2010
Thừa Thiên Huế - vùng đất chiến lược nối giữa hai miền Bắc - Nam từng là “phên dậu thứ tư về phương Nam” của Đại Việt, nơi “đô hội lớn của một phương”; từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn (1802 - 1945); là miền đất địa linh nhân kiệt gắn liền với những tên tuổi lớn trong hành trình lịch sử của dân tộc, của ngàn năm Thăng Long...
Những yếu tố đó hình thành nên một Thừa Thiên Huế văn hiến có chiều sâu văn hóa, lịch sử hơn 700 năm, có truyền thống đáng tự hào về tinh thần yêu nước oanh liệt và đấu tranh cách mạng vẻ vang trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

35 năm trước, ngày 26.3.1975, Huế giải phóng, góp phần vào hiện thực hóa khát vọng thống nhất đất nước. Người ở vùng đất này mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sâu sắc đến sự đóng góp xương máu và chiến công của đồng bào, cán bộ chiến sĩ và nhân dân cả nước; tự hào về quân và dân tỉnh nhà đã làm nên một Thừa Thiên Huế anh hùng.

Những ngày đầu tiếp quản, Thừa Thiên Huế phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Miền Nam lúc ấy trong tình trạng một nền kinh tế phụ thuộc viện trợ Mỹ, một xã hội tiêu thụ và hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Làng quê tiêu điều xơ xác, ruộng đồng trù phú bị biến thành bãi đất hoang, bom mìn cài đặt khắp nơi, núi rừng bị đạn bom và chất độc hóa học Mỹ tàn phá. Hàng vạn người di tản vô gia cư, thất nghiệp, ngày giải phóng trở về với hai bàn tay trắng đang cần ăn, ở, học hành, chữa bệnh... Trước tình hình đó, chúng ta vừa chăm lo nơi ăn chốn ở ổn định đời sống nhân dân; vừa khắc phục hàn gắn vết thương chiến tranh và cải tạo từng bước làm lành mạnh xã hội. Những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đạt được sau ngày quê hương giải phóng có ý nghĩa quan trọng.

Sau gần 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến lớn, có tính toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,2%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD, thu ngân sách đạt gần 2.700 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là điện, đường, trường, trạm... được đầu tư xây dựng đồng bộ. Văn hoá - xã hội phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện... mở ra những tiền đề để tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong hành trình phát triển cùng đất nước, cùng dân tộc, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Khát vọng cháy bỏng ấy đang đòi hỏi quyết tâm lớn hơn, nỗ lực lớn hơn của tất cả những ai yêu mến miền quê Sông Hương - Núi Ngự.

T.A
(SDB – 3-2010)




Các bài mới
Các bài đã đăng