Thành phố Huế trong tương lai là một đô thị độc đáo có rừng, có biển, có đồng bằng, đầm phá với cảnh quan thiên nhiên hết sức phong phú, tài nguyên lịch sử - văn hóa – nhân văn - kiến trúc to lớn và đặc sắc. Huế còn độc đáo bởi tính hiện đại của nó, đô thị hình thành và phát triển là một thành phố sinh thái với một đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh, xây dựng hài hòa giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh bằng vùng ven đô, vùng nông nghiệp, những làng quê, thôn bản mang đặc thù của Thừa Thiên Huế. Và theo định hướng đó, Huế là một thành phố hàm chứa một trung tâm văn hóa đặc sắc của đất nước, văn hóa Huế phát triển tương xứng trong mối tương quan kết nghĩa 3 thành phố “Huế - Hà Nội – Sài Gòn” với Hà Nội là trung tâm chính trị, Sài Gòn là trung tâm kinh tế và Huế là trung tâm văn hóa của đất nước. VỊ TRÍ TRUNG TÂM CỦA HUẾ Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương khiến không ít người không khỏi không phân vân. Biến một tỉnh trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương có thể nói là một sự kiện quá mới mẻ và độc đáo, và Thừa Thiên Huế làm được thì sao các địa phương khác không làm, tại sao không làm được (trong quá khứ thành phố Huế lên loại 2 kéo theo một loạt thành phố lên loại 2, Huế lên loại 1 kéo theo một loạt thành phố lên loại 1 thuộc tỉnh). Điều này dễ dẫn đến những quyết định vội vã, đô thị phát triển không theo quy luật...đô thị phát triển nham nhở. Đổi tên một tỉnh thành thành phố thì quá dễ, nhưng tạo nên sự thay đổi mang tính bản chất thì không dễ chút nào. Vậy từ đâu để Bộ Chính trị có Kết luận 48 ?. Điều mà ai ai cũng nhận thấy là từ khi có Kết luận của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế thực sự có bước lột xác, những bức xúc trong phát triển đô thị được giải toả, nhiều bài toán về bảo tồn và phát triển được mở ra, người dân cảm nhận như được cởi trói, thóat khỏi chiếc áo chật chội của mình trong việc xây dựng quê hương đúng tầm vóc của nó. Có thể nói trên nhiều phương diện Huế đã là trung tâm của miền Trung và đất nước, có vị trí trên trường quốc tế: - Là một vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử - văn hóa đặc sắc, có 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại, và con số này có thể nâng lên nhiều nếu được đầu tư chăm chút, Huế có gần 1000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh...Trên 500 lễ hội từ lễ hội cung đình đến lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo... Nhiều lễ hội lay động tâm linh người dân không chỉ ở Huế, mà còn với người Huế xa quê, người Huế ở nước ngoài... với di sản văn hóa đồ sộ như vậy, cùng với sự kiên trì biến du lịch - dịch vụ trở thành trục xoay nền kinh tế trong mấy chục năm nay của tỉnh nhà, việc tổ chức thành công các kỳ Festival, Huế thực sự là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước. - Vốn là kinh đô của đất nước, đất thu hút nhân tài vật lực, từ xa xưa Huế đã là đất học mà Quốc Tử Giám là tiêu biểu. Với trường Quốc Học - Đồng Khánh có bề dày lịch sử cả trăm năm, biết bao nhân tài của đất nước xuất thân từ 2 trường này, trong đó có chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại học Huế có trên 50 năm phát triển với cả chục trường đại học, trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ... Hàng năm thu hút cả 100.000 sinh viên đang nỗ lực trở thành đại học quốc gia, và từng bước phấn đấu trở thành đại học có tầm cỡ ở khu vực. Rõ ràng Huế là trung tâm giáo dục đào tạo của đất nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm đào tạo ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; góp phần hình thành nền kinh tế tri thức. - Với trên 115 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện Tây Y đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương, là một trong 3 bệnh viện đa khoa lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa giỏi; Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Đại học Y dược Huế, và ngành y tế Huế phát triển với tốc độ nhanh, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, xứng đáng là một trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị, trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, nơi đào tạo thực hành có uy tín của ngành y tế Việt Nam. Và trong xu thế hội nhập đang tiến tới hình thành ngành du lịch khám chữa bệnh. Vị trí trung tâm của Huế còn thể hiện ở các thế mạnh của mình: có cảng nước sâu, có sân bay quốc tế, có cửa khẩu, có hệ thống giao thông đối nội đối ngoại tương đối hoàn chỉnh... Đây là những tiền đề quan trọng, một khi nền kinh tế thế giới phục hồi sẽ làm thức dậy cả vùng Đông Dương, Đông Nam Á. Chính vị trí trung tâm của Huế là sự khác biệt của Thừa Thiên Huế so với các địa phương khác trong cả nước. Vị trí trung tâm này luôn làm cho thành phố Huế (cũ) luôn cảm thấy bức bối và việc mở rộng Huế ra toàn tỉnh là điều tất yếu. ĐÔ THỊ TRUNG TÂM Nhưng để Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, tạo nên những thay đổi thực sự về chất không phải là điều dễ dàng. Vấn đề hàng đầu là phải tạo sự bứt phá trong phát triển đô thị. Để tạo sự bứt phá trong phát triển đô thị đòi hỏi phải có một nguồn lực khổng lồ được huy động từ nhiều phía, nếu không sẽ dẫn đến bế tắc và nham nhở. Chúng ta đều biết, việc mở rộng thủ đô Hà Nội cần khoảng 250 đến 300 tỷ đôla cho phát triển đô thị; để đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2020, Bình Dương đầu tư trên 150.000 tỷ đồng xây dựng nguyên một thành phố mới... Đối với Thừa Thiên Huế cũng cần có một phương án tài chính mạnh mẽ cho phát triển đô thị, rõ ràng khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48 chắc chắn nguồn lực đầu tư của Trung ương phải được tính đến. Quan điểm của Thừa Thiên Huế là phát triển thành phố theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, bao gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Trong đó thành phố Huế hiện nay là đô thị hạt nhân thúc đẩy toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hướng đến năm 2025 là một đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đào tạo lớn của đất nước và khu vực Đông Nam châu Á, là một thành phố Festival và du lịch đặc sắc, hấp dẫn trên thế giới. Huế là đô thị trung tâm, đã là đô thị trung tâm phải làm nhiệm vụ trung tâm, nơi chứa đựng các cơ quan Đảng, Nhà nước và một số cơ quan trung ương, nơi các cơ quan kinh tế tài chính lớn, cơ sở vật chất bảo đảm cho các trung tâm y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao... Điều này đòi hỏi phải có những xây dựng lớn. Nhưng Huế lại là đô thị cố đô, thành phố lịch sử, phát triển theo hướng bảo tồn di sản văn hóa vật thể; phi vật thể, hạn chế phát triển mật độ cao và tăng cường cây xanh khu vực nội thị hiện nay, tiếp tục giãn dân khu vực nội thành, đặc biệt là chung quanh Kinh thành Huế. Trong đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vừa được HĐND tỉnh thông qua nêu ra 2 phương án cho thành phố trung tâm. Nhưng dù phương án nào đô thị trung tâm cũng bao gồm Huế - Bình Điền - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An. Điều nay đặt ra là phải kịp thời điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp với tình hình phát triển đô thị trong mối quan hệ giữa bảo tồn, tôn tạo cảnh quan thành phố, các khu phố cũ và yêu cầu xây dựng phát triển các khu đô thị mới văn minh hiện đại. Tất nhiên, nhận thức vấn đề này không phải dễ dàng, một sớm một chiều, khi mà địa giới hành chính vẫn đang còn ám ảnh và hiểu biết trong nhiều người còn chưa rõ ràng. Với các phương án của tỉnh, không chỉ Huế, các đô thị Bình Điền, Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An được xác định là các đô thị trung tâm, là một thể thống nhất của đô thị trung tâm. Chính việc mở rộng đô thị trung tâm sẽ giải quyết nhiều bức xúc của Huế, nhiều áp lực đối với Huế, đảm bảo cho đô thị cũ vẫn giữ gìn được bản sắc, không bị pha tạp... Không gian mới của đô thị trung tâm một khi đã được xác định, đặt ra vấn đề phải có bước đi táo bạo, mạnh mẽ trong phát triển đô thị. Đô thị cũ phát triển trong giới hạn ít biến đổi mà phải đẩy mạnh chỉnh trang làm cho nó đẹp hơn, lung linh hơn, quyến rũ hơn, giữ gìn và phát huy những giá trị hiện có, trùng tu tôn tạo di tích, danh thắng và trong chừng mực nào đó nơi đây sẽ là thiên đường nghỉ dưỡng. Làm được điều này đòi hỏi phải tiếp tục giãn dân ở khu vực Nội thành, duy trì mật độ dân số vừa phải; tôn trọng không gian 2 bờ sông Hương; mặt khác phải có những quyết sách quyết liệt trong sắp xếp lại đô thị, hình thành những đô thị mới như đô thị đại học, trung tâm hội nghị quốc tế và khách sạn khu nghỉ dưỡng cao cấp... Phần đô thị hiện đại này phải được chuyển hướng về các đô thị trung tâm Phú Bài, Bình Điền, Tứ Hạ, Thuận An. Làm sao để đô thị trung tâm thóat khỏi chiếc áo chật về địa giới hành chính, chủ động trong làm mới bộ mặt đô thị của mình. Tất nhiên, để đưa Thừa Thiên Huế nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm phải nhanh chóng được ổn định để làm nhiệm vụ hạt nhân, động lực tăng trưởng cho thành phố mới. Xác định rõ điều này trong 7 chương trình trọng điểm phát triển đô thị của tỉnh, chương trình nâng cấp phát triển đô thị Huế, Hương Thuỷ, Hương Trà, Thuận An là chương trình số 1. Để đô thị ổn định việc giãn dân ở khu vực nội thành, ổn định dân cư vùng xung yếu, vùng di tích phải được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt kể cả việc di dời các cơ quan đơn vị, trường học đóng trong Nội thành không còn phù hợp, không bảo đảm quy hoạch; mặc khác phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở, nhất là việc giải quyết thóat nước và xử lý nước thải, khơi thông hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế. Cần nhận thức đầy đủ về phát triển đô thị lành mạnh, có quan điểm rõ ràng trong phát triển đô thị: - Phát triển trước, làm sạch sau hay quan tâm làm sạch ngay từ đầu? Đô thị lúc nào cũng ngổn ngang thì thành phố không thể nói sạch - đẹp được. Thành phố mới mưa đã ngập; sông, hồ, hào lúc nào cũng ô nhiễm thì không thể nói là đô thị văn minh. Đô thị ổn định chính là tiền đề cho thành phố xanh - sạch - đẹp – sáng. Thừa Thiên Huế đứng trước cơ hội lịch sử; các ngành các cấp, các địa phương đang thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị bằng những chuyển động mới với quyết tâm chính trị cao. Tất nhiên, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải có lộ trình, bước đi thích hợp, phải nhận thức đầy đủ đặc trưng của Huế, phải có cái nhìn toàn cục về đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Thành phố trong tương lai phải là thành phố mà người dân tự hào về đô thị của mình, có những nét riêng độc đáo mà chỉ Huế mới có. HẢI LÊ (SDB 10-2010) |