Vẫn như thường lệ chuyện động đất, núi lửa, sóng thần … ở Nhật Bản đối với tôi đã trở thành quen thuộc. Tám năm sống ở Nhật trong một gia đình gia phong, tôi đã được cha mẹ và chồng tôi dạy dỗ đủ thứ, trong đó có việc chuẩn bị tâm thế và ứng phó đối với động đất như thế nào, trong tình thế, hoàn cảnh mà hầu như không ngày nào không xảy ra trên đất nước Mặt trời mọc: “ Động đất, sóng thần, núi lửa” … Vì thế tôi đã không để tâm vào lời nói của anh ấy mấy. Một lúc sau tôi lại nghe lời nói của chồng tôi dồn dập hơn: “ động đất lớn ở Sendai”, nơi cha mẹ và rất nhiều bà con đang cư ngụ. Ngồi trước máy vi tính với nét mặt căng thẳng liên tục cập nhật thông tin tay anh không rời con chuột, tôi nghĩ chắc có chuyện bất thường. Tình hình càng lúc càng tồi tệ .Hình ảnh rung chuyển đổ nát trong 1 vùng rộng lớn của các tỉnh trong vùng Đông Bắc Nhật Bản đã lôi cuốn đôi mắt tôi dõi theo màn hình. Sau những rung chuyển đầu tiên lúc 2.46 phút thì sau 30 phút sóng thần ập đến. Sự chuẩn bị tránh nạn của người dân không kịp với tốc độ và sức mạnh của cơn sóng cao 10m. Trong tích tắc các thành phố miền duyên hải từng là những hải cảng lớn, những nơi lý tưởng thơ mộng về cảnh sắc đã bị sóng đánh tan tành, trở thành những bình địa ngổn ngang. Cha mẹ chồng tôi ở cách Sendai khoảng 13 km về phía Đông Bắc gọi là thành phố Shiogama, nơi có hải cảng cách nhà khoảng 5km. Sự lo lắng, bàng hoàng càng lúc càng tăng. Cha mẹ đang ở nơi trong tình trạng nguy hiểm. Chồng tôi tay rời con chuột điện thoại về nhà: Điện thoại không liên lạc được. Thông tin về người chết, sự thiệt hại càng lúc càng tăng lên. Nhưng với sự bình tĩnh vốn dĩ là bản tính độc đáo của người Nhật Bản, chồng tôi trấn an tôi “ nhà cha mẹ ở trên địa thế cao, lại kiên cố, trong một khu vườn rộng hi vọng chắc không sao” … Thế nhưng thỉnh thoảng anh lại đứng dậy đi đi lại lại suy nghĩ điều gì, rồi lại gọi về Nhật Bản, thông tin liên lạc đã bị tê liệt hoàn toàn, giao thông cũng bị hư hại tắc nghẽn . Sau mọi nổ lực cố gắng để liên lạc về nhà thất bại thì hai ngày sau chúng tôi nhận được tin nhắn Email của người chú ruột ở Sendai với một dòng ngắn ngủi “ cha mẹ không sao, đừng lo!”. Rồi sau đó không liên lạc được nữa. Chúng tôi tự hỏi không biết có phải người chú trấn an mình không. Bồn chồn, hồi hộp chờ đợi thông tin, vợ chồng tôi ăn ngủ không yên, cộng thêm đợt lạnh lần này khiến anh ấy bị ốm nặng. Ba ngày sau khi xảy ra đông đất (14/3), theo kế họach anh bay về Tokyo, tìm cách liên lạc với cha mẹ cũng không có tin tức gì hơn ngoài lời nhắn tin lửng Email của ông chú hôm trước. Anh hủy bỏ chuyến đi công tác Canada ngày 16/3 đã chuẩn bị chu đáo, dự định tìm cách về thăm cha mẹ theo đường rừng là sự tính toán duy nhất lúc này. Lo ngại cho cách đi chẳng có gì bảo đảm an toàn tính mạng giữa rừng núi đêm khuya, không điện, hết xăng thì còn khổ hơn nhiều. Điều gì đến cũng đã đến. Ngày hôm sau 17/3 thì chồng tôi vui mừng nhận được cú điện thoại mẹ gọi lên. Sau hơn 1 tuần sống trong lo âu chờ đợi giờ đây con cháu đã thở phào nhẹ nhỏm. Cha mẹ được an toàn nhờ khu nhà vườn biệt thự nằm trong một địa thế cao lý tưởng, nơi sóng thần không đến được. Sự rung chuyển của trái đất 8,9 độ không làm sập ngôi nhà vốn rất kiên cố, chỉ có một vài hư hại không đáng kể. Những ngày thiếu điện, nước, chống chọi với cái giá lạnh khắc nghiệt cuối đông đối với cha mẹ thật là kinh khủng, nhưng cha mẹ tôi đã đón nhận và vượt qua nó như một lẽ thường tình. Nhờ sự chu đáo đến mức tối đa nên trong những ngày đại nạn họ vẫn có đầy đủ mọi thứ để sống qua những ngày đông tàn một cách bản lĩnh trong hoàn cảnh tan thương của xứ sở. Sendai- thủ phủ của tỉnh Miyagi, vốn dĩ mạnh mẽ bởi sức sống và sức vươn lên thần kỳ của một thành phố công nghiệp hiện đại nhưng vẫn hiền hòa và thơ mộng bởi cánh sắc thiên nhiên hài hòa giữa núi sông và biển hồ, giờ đây đang quằn mình đau đớn tang tóc cùng với nỗi đau chung với người dân các tỉnh Iwate, tỉnh Fukishima… do cơn sóng thần hung giữ quét sạch có nơi gần như xóa sổ. Miyagi là nơi chịu thiệt hại nặng nhất về người và của, khoảng 1/10 dân số bị chết và mất tích... Các lễ hội đầu Xuân sắp bắt đầu, chắc chắn những người may mắn thoát nạn nơi đây không thể vui nổi để tận hưởng mùa hoa Anh Đào thanh bình dưới nắng xuân ấm áp như mọi năm. Những lễ hội Búp Bê 3/3; lễ hội cá Chép 5/5 rộn rã của các em bé trai gái, cũng không còn không khí như trước. Và mùa hè sắp tới đây, lễ hội Hanabata ( lễ hội Ngưu Lang - Chức Nữ) ngày 7 tháng 8 dương lịch được tổ chức ở Sendai hằng năm rất hoành tráng và rực rỡ nhất với những nghi lễ, nghi thức lung linh trang trọng như cõi tiên trên trần thế trong bầu không khí vui nhộn đầy ý nghĩa bản sắc văn hóa Nhật Bản độc đáo chắc không còn vui nữa; Lễ hội Ôbôn ( từ ngày 12-8 đến 15-8) gọi linh hồn người đã khuất trong mỗi gia đình về với tổ tiên năm nay chắc nhiều ngậm ngùi nức nở đau thương… Với tư cách là người con dâu của xứ hoa Anh đào, tôi thành tâm chia sẽ nỗi mất mát lớn lao này tới người dân Nhật Bản. Với bản lĩnh và ý chí quả cảm, với tinh thần đoàn kết và sức mạnh dân tộc tôi hy vọng người Nhật Bản sẽ sớm khôi phục lại đất nước trong một thời gian ngắn Trong những ngày xảy ra đại họa ở quê hương chồng tôi, tôi đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, email, tin nhắn của bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước thăm hỏi chia sẻ với cha mẹ tôi ở Nhật. Đặc biệt là sự quan tâm thường xuyên của các anh chị nhà văn ở Thừa Thiên Huế: nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Hà Khánh Linh, nhà văn Hồng Nhu, tiến sĩ Huyền sâm, chú Cáp Doãn Bình, nhà sử học Mai Khắc Ứng hiện đang an dưỡng ở Canada, vợ chồng giáo sư Hồ Thế Hà… cùng các thầy cô giáo và các em sinh viên các trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Sư Phạm, Đại Học Khoa Học, Đại học Y Khoa Huế, các bác sĩ và bạn bè ở Bệnh viên Trung Ương Huế … Cha mẹ chồng tôi, bác sĩ Muranushi Iwao và nhà giáo Muranushi Hiroko kính gởi lời cảm ơn về sự quan tâm sâu sắc đến gia đình tôi, về sự đồng cảm với người dân Nhật Bản trong cơn hoạn nạn này. Cảm ơn những người bạn Việt Nam yêu mến luôn dành cho người dân Nhật Bản những tình cảm tốt đẹp chân thành… Đất nước Nhật bản sẽ hồi sinh, sẽ vươn dậy mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện rất rõ trong tinh thần, ý thức và lối sống văn hóa của mỗi người dân, ngay cả trong lúc hoạn nạn. NGUYỄN THANH SONG CẦM |