Khối C thất thế, suy thoái các giá trị nhân văn Theo như công bố của các báo, số lượng thí sinh ở Hà Nội đăng kí thi khối C là 4,44% ở TPHCM có 1,4%, cả nước con số cũng không được 5%. Con số này cho thấy tình cảnh "thê lương" của khối C khiến cho nhiều người, nhất là những người làm trong các ngành Khoa học nhân văn sẽ phải nghĩ rất nhiều. Việc đi tìm nguyên cớ không khó, ai cũng có thể thấy được nguyên cớ, nhưng quan trọng là giải pháp. Đây không phải là sự đột biến mà nó thể hiện xu hướng đã thấy từ nhiều năm trở lại đây, năm sau lại thấp hơn năm trước, điều đó nghiêm trọng và đáng lo hơn rất nhiều. Đăng kí khối C quá ít, càng ngày càng ít, mà ra trường vẫn không có việc làm - đó là điều trớ trêu, muốn có một chỗ làm (có thể là trái nghề) phải chạy nhiều chục, hàng trăm triệu đồng!... Sự thất thế của khối C theo tôi cục diện này chưa phải là đã đến đáy nhưng cái đáy đó ai cũng đã nhìn thấy. Đừng chờ đến đáy mới giải quyết vấn đề. Bởi điều này về sâu xa báo hiệu sự suy giảm rất khủng khiếp về giá trị nhân văn. Để đào tạo nên một con người cần cung cấp tri thức khoa học và tri thức về xã hội, đây là hai yếu tố căn cốt. Hiện nay có xu hướng lao vào tri thức thực dụng với sự lên ngôi của các ngành học như Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Ngoại ngữ... Những nghề nghiệp nhanh chóng sinh lãi. Điều này, nhất thời tạo ra sự sung mãn của xã hội nhưng con người ngày càng trở nên cằn cỗi. Chạy đua làm tiền rồi chạy đua tiêu tiền nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất: xây nhà to, mua xe đẹp... còn nhu cầu tinh thần thì ngày càng co hẹp, teo tóp…Một tập thơ in ra chỉ khoảng 300-500 bản. Tác giả bỏ tiền in rồi lại ôm về nhà đem đi tặng. Tiểu thuyết cũng chỉ khoảng 1.000 bản. Sách nghiên cứu cũng chỉ có thế. Một con số để thử suy nghĩ, cuốn sách đầu tiên của tôi in năm 1972 với số lượng 1 vạn 200 nghìn bản, khi đó dân số miền Bắc là 20 triệu người. Bây giờ dân số là ngót 90 triệu nhưng sách chỉ 1.000 bản một tựa mà cũng rất khó bán. Một cuốn sách ra đời hầu hết là rơi vào im lặng may ra có một bài điểm sách, còn một ca sĩ cỡ diva hát sai ca từ thì nóng ran khắp các trang báo. Tất nhiên chẳng nên trách một cá nhân nào, nhưng những nghịch lí, hoặc trái khoáy như vậy, nó báo hiệu trạng thái bất thường, hoặc bệnh hoạn của xã hội. Ở Hàn Quốc, lương giáo sư từ 5.000 đô la trở lên, lương giáo sư ở Việt Nam chỉ khoảng 300 đô la. Sự so sánh không phải là 300 đô với 5.000 đô mà là ở thu nhập đó so với bình quân thu nhập quốc dân. Lương giáo sư ở Việt Nam như thế thì làm sao thu hút được người tài theo học. Cha mẹ các em cũng như các em sẽ hướng đến các ngành học ra trường dễ xin việc, việc có lương cao. Thị hiếu của xã hội coi nhẹ tri thức khoa học xã hội điều này rất nguy hiểm, nó lí giải phần nào sự cằn cỗi về đời sống của con người ngày hôm nay. Phải có nền tảng tinh thần và đạo lí để tạo nên nền móng cho sự giàu có, phải có nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Chúng ta muốn có những Bill Gate nhưng phải vô cùng giàu có về nhân văn chứ không phải chỉ của cải vật chất. Bill Gate cũng như nhiều tỉ phú khác dành phần lớn tài sản của mình làm từ thiện chứ không phải dành cho con để con phải đi chính đôi chân của mình. Đó là cách nghĩ rất văn minh, cách nghĩ rất có tri thức cả về khoa học lẫn nhân học của người giàu thế giới. Khối C thất thế vì sao? Khối C tụt giảm theo tôi có hai lí do. Lí do trước hết là thuộc xã hội, khối C ra trường khó kiếm việc, kiếm được việc thì cũng lay lắt. Tôi nghe có chuyện cô giáo dạy văn có bằng thạc sĩ muốn xin được việc giáo viên dạy cấp 3 phải mất cả trăm triệu đồng. Lấy đâu ra từng ấy tiền để xin việc, xin được việc thì bao giờ mới kiếm đủ từng đó tiền để bù lại. Nhưng còn có một nguyên nhân nữa thuộc về ngành giáo dục. Từ lâu lắm rồi, qua các kết quả thi cử mới thấy việc học khối C thật thảm hại. Bởi chỉ cần thuộc bài, và làm theo văn mẫu. Có cần gì đến thông minh, sáng tạo hoặc sự giàu có về cảm xúc, tâm hồn. Sách giáo khoa thì vẫn chỉ là những bổn cũ soạn lại, lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, trong khi thực tiễn đời sống, và sáng tạo văn chương luôn luôn thay đổi khiến cho những ai yêu văn, thích văn có hứng thú học văn đều phát ớn Việc đào tạo giáo viên dạy văn lại quá dễ dãi. Ở Pháp, trường Sư phạm là ngôi trường vinh quang nhất, ai được học ở đó đều rất vinh dự và tự hào, tấm bằng sư phạm là một bảo đảm về chất lượng. Còn ở ta, một thời truyền tụng rằng “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Điều này để lại di chứng mà hiện nay chúng ta đã, đang và sẽ phải chịu hậu quả. Trong nhà trường còn nhiều hiện tượng đáng buồn khác để dẫn đến sự suy thoái của khối C. Học sinh giỏi toán mới học được làm giáo viên toán, giỏi vật lí mới học thành thầy dạy vật lí… còn các môn khoa học xã hội không phải lúc nào cũng thu hút được người học giỏi bộ môn đó theo học để thành thầy. Tôi là sinh viên khoá đầu tiên của khoa Văn Đại học Tổng hợp trước đây (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn). Ngay từ hồi đó tôi đã nhận thấy vào học văn có hai loại: một là rất giỏi và yêu thích môn văn chỉ thích học văn chứ không thích học gì khác. Một loại là khó theo được các môn khác thì học văn. Đến bây giờ vẫn vậy. Không học được toán- lí- hoá, không học được khối B, khối D, không có năng khiếu để thi khối V… thì mới tính đến việc cố gắng học thuộc lòng để theo khối C. Nguy hại hơn ngay cả các em giỏi văn giờ cũng không muốn theo học khối C nữa vì sợ bị đánh đồng với đa số còn lại, nếu theo học khối C thì cũng chỉ hướng tới các ngành thời thượng như báo chí, quan hệ công chúng… chứ không mặn mà với khoa học nhân văn. Đầu vào như vậy, nên đầu ra giáo viên dạy Văn rất thấp. Cả về tri thức lẫn khả năng sư phạm. Tôi vẫn còn nhớ như in thầy cô giáo dạy Văn của mình, những người giống như thầy phù thuỷ có thể mê hoặc, quyến rũ học trò bằng tình yêu đối với văn học, nhiệt tình với bài giảng và học trò. Những thầy cô như vậy ngày càng vắng bóng trên bục giảng. Thêm vào đó, chương trình giáo khoa lại quá nặng. Từ cấp I lớp 1 các em đã phải mang vác một chiếc ba lô nặng trịch khoảng dăm cân. Chỉ nghĩ đến đã sợ làm gì còn niềm vui với học tập với sách vở. Chương trình dạy - học văn của chúng ta quá đơn điệu, nhàm chán. Hàng chục năm nay vẫn những đoạn trích đó, những bài văn mẫu đó trong khi thời đại đã thay đổi, văn chương cũng khác, tác phẩm cũng nhiều... 5, 10, 15 năm nuôi dưỡng học sinh trong bầu không khí cực nhọc, khổ sở của văn chương như vậy thì học sinh muốn yêu môn Văn cũng khó. “Cát sê của một ca sĩ teen hiện nay cũng đã vào khoảng 15-20 triệu đồng/sô (hát 2-3 ca khúc), ca sĩ trẻ hay ca sĩ hạng B’ đã 25-30 triệu đồng/sô, ca sĩ hạng B là 30-40 triệu đồng/sô, và ca sĩ hạng A thì từ 45-60 triệu đồng/sô (ngay cả thí sinh vừa thắng giải nhất VN Idol cũng đã đề nghị 2.000 USD/sô). Riêng các diva, ngôi sao ca nhạc thì dao động từ 5.000-10.000 USD/sô… Chương trình Dạ Tiệc Trắng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, với giá vé lên đến 4 triệu đồng…” (Tuổi trẻ, 5/5/2011). Bỏ ra 4 triệu đồng để có một vé vào nhà hát - cho những ai có nhiều tiền, đó là điều hiểu được. Nhưng hẳn là không bình thường khi món tiền đó cao hơn lương hưu của một giáo sư. Mà tôi tin là trong số những người hào phóng vào nhà hát có người lại rất ngại hoặc không bao giờ nghĩ đến việc bỏ ra dăm bảy chục nghìn để mua một quyển sách, dù nó là kết quả lao động nhiều năm của tác giả là nhà văn hay nhà khoa học có tiếng. Nhuận bút đương trả cho các tác phẩm trên chắc cũng chỉ nhỉnh hơn giá vé xem một đêm diễn. Giải pháp nào cho hiện trạng sĩ tử từ chối khối C? Muốn chấn hưng được thì không chỉ báo động suông mà phải có chính sách cần từ 5 đến 10 năm may ra mới có sự thay đổi. Còn về lâu dài phải dựa vào cả một nền tảng giáo dục gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi đứa trẻ phải được sự giáo dục từ chính bố mẹ, coi tri thức khoa học nhân văn như của cải tinh thần, không cứ muốn theo đuổi các ngành xã hội nhân văn mới học văn. Điều này thì phải mấy thế hệ mới có thể cải thiện được. Con người không được nuôi dưỡng về tâm hồn thì cái ác sẽ nảy sinh. Không có tri thức tâm hồn chỉ có thể tạo nên một thứ giàu xổi, một thứ giàu bất chấp tất cả buôn gian bán lận, không từ một thủ đoạn nào để kiếm lợi cho mình. Từ gia đình đến nhà trường, rộng ra là xã hội đều đang bị nhiễm độc bởi sự ngự trị của xu hướng làm tiền, kiếm tiền. Khi một tội ác diễn ra, về sâu xa căn nguyên là giáo dục và đời sống tinh thần. Giáo dục từ gốc là gia đình rồi nhà trường và xã hội. Đời sống tinh thần là các giá trị nhân văn do con người tạo ra và cho con người hưởng thụ. Trong gia đình, giáo dục đã mất gốc, các nền nếp xưa không còn giữ lại được, đầy rẫy những chuyện thường luân bại lý như con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em… Nhà trường thì bỏ lửng, thầy cô lên lớp trống hết giờ là thôi. Xã hội thì không có các biện pháp, chính sách kiềm chế sự phát triển nóng của cái thời thượng, đặt các giá trị về đúng chỗ. Đời sống văn hoá tinh thần bị nhiễm độc, các giá trị bị đảo lộn. Cái thời thượng lên ngôi, cái nền tảng bị bỏ qua, bỏ quên. Tri thức khoa học và tri thức tâm hồn đó là đôi cánh nâng đỡ con người. Nhưng mải mê chạy theo thời thượng, chúng ta đã bỏ quên đã coi nhẹ. “Cầm vàng mà lội qua sông” cái mất đi không thể khôi phục trong một sớm một chiều. Đó là tình cảnh bi kịch của đời sống hôm nay. Quay lưng với khối C - đứng về lâu dài, và ở tầm bao quát, đó là sự quay lưng với các giá trị làm người (tâm hồn, nhân cách), là sự coi rẻ hoặc gạch bỏ các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc và nhân loại. Hãy nhìn vào những tội ác diễn ra trên khắp mặt đời sống hôm nay, tìm đến nguyên nhân sâu xa của nó - chính là sự bỏ quên hoặc coi nhẹ này và như vậy- nếu để kéo quá dài mà không có cách xoay chiều để “chấn hưng” khối C thì sẽ là một thương tổn lớn cho cả một hoặc nhiều thế hệ. Mỗi cá nhân, từng gia đình và xã hội phải lường trước hậu quả đó. |