Câu chuyện hôm nay
Lá phiếu, niềm tin và sự kỳ vọng
14:37 | 19/05/2011
Trong tháng Năm này, cả nước tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Toàn thể nhân dân sẽ tích cực tham gia bầu cử. Khi cầm trên tay lá phiếu đi bầu, ngoài quyền và nghĩa vụ của công dân, cử tri còn gửi gắm niềm tin và cả sự kỳ vọng vào mỗi đại biểu do mình chọn lựa.

Niềm tin từ những lá phiếu mà cử tri sắp đi bầu còn là sự nhắc nhở trách nhiệm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, theo nguyên tắc nhất quán theo tư tưởng của Hồ Chủ tịch: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền lực đều là của dân, chính quyền từ xã đến trung ương đều do dân cử”.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu cử. Ảnh tư liệu

Ý nghĩa của niềm tin đó trở nên lớn lao hơn khi nó được thể hiện giữa lúc đất nước đứng trước thời cơ, vận hội mới để phát triển, vừa có nhiều thuận lợi song cũng lắm thách thức. Và vì thế, đây chính là lúc biểu lộ sự đồng thuận toàn xã hội trước những thành tựu đạt được, với niềm tin vận nước đang đến.

Đất nước còn nghèo, cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ, khó lòng đáp ứng đầy đủ mọi ý nguyện, cho dù rất chính đáng của nhân dân. Cử tri biết điều ấy và cũng đã hoàn toàn có thể thông cảm với Đảng, Nhà nước, với những người đại biểu do chính mình bầu ra. Nhưng cử tri cũng đòi hỏi các đại biểu phải dốc sức hơn nữa, đầu tư tâm huyết và thời gian hơn nữa cho sự phát triển của đất nước. Cái mà cử tri cần, mong đợi ở mỗi phiếu bầu là tình cảm, ý thức trách nhiệm của mỗi đại biểu. Khi cầm lá phiếu để chọn lựa người đại biểu cũng chính là lúc nhân dân đặt trọn niềm tin, hy vọng và gửi gắm rất nhiều điều...

Nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã tạo nên được niềm tin của nhân dân. Trong nghị trường, mỗi dự thảo luật hay chính sách mới được đưa ra bàn thảo, xin ý kiến tại Quốc hội cũng đã mở ra những cuộc tranh luận rất “nóng”, song quyết định cuối cùng chỉ có thể được đưa ra khi nó đem lại lợi ích cho dân cho nước. Chính sức “nóng” và sự tranh luận nhiều chiều ở Quốc hội đã tạo niềm tin cho cử tri. Nghị trường không phải là nơi các đại biểu đến để làm hài lòng nhau mà là nơi để tập trung trí tuệ thảo luận vì lợi ích của tổ quốc và nhân dân. Chính các hoạt động của Quốc hội thông qua không khí tranh luận dân chủ, thẳng thắn đã tạo nên sự phát triển tốt hơn và công việc điều hành đất nước có chất lượng hơn. Văn hóa tranh luận tại nghị trường trước khi tiến hành biểu quyết cho thấy Quốc hội đã thật sự là của dân, do dân và vì dân.

Với lá phiếu đi bầu vào ngày 22.5 sắp đến, cử tri mong muốn được thấy một nhiệm kỳ Quốc hội mới có tính phản biện cao hơn và nhiều chiều hơn nữa, không có tình trạng thiếu quyết liệt đối với những vấn đề hãy còn thấy chưa ổn và còn cần phải tính toán.

Kỳ vọng đó, niềm tin đó cũng được cử tri đặt vào các đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nơi sẽ quyết định các vấn đề lớn cho sự phát triển của từng địa phương, từng vùng đất. Một vùng đất phát triển theo hướng hiện đại, đòi hỏi hội đồng nhân dân của vùng đất đó phải mạnh, đủ năng lực, đủ trí tuệ để hoạch định các chính sách phát triển một cách hài hòa, vì ích lợi số đông và ích lợi dài lâu. Việc bầu cử hội đồng nhân dân các cấp rất quan trọng bởi sự phát triển nhanh hay chậm, toàn diện hay phiến diện, phát triển bằng mọi cách hay phát triển có tính toán đến tác động lâu dài trên các mặt môi trường và văn hóa hết sức cụ thể... của vùng đất, đều gắn rất chặt với sức “nóng” của nghị trường của hội đồng nhân dân vùng đất đó, gắn rất chặt với trí tuệ tập thể của các đại biểu hội đồng. Một vùng đất phát triển hiện đại là vùng đất mà ở đó, mỗi người dân trở nên giàu có nhờ các chính sách đầu tư phát triển nền kinh tế chứ không phải nhờ vào sự chi viện lớn của trung ương, hoặc nhờ vào việc bán tài nguyên, đất đai hay nhận viện trợ từ bà con thân thuộc ở nước ngoài. Để một vùng đất thật sự phát triển đúng nghĩa đồng đều trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, đòi hỏi phải có một bộ máy chính quyền có đủ năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, phát huy được mọi tiềm năng của nhân dân, đồng thời tiếp thu được những thành tựu khoa học – công nghệ của thế giới và phát huy được những tinh hoa văn hóa của vùng đất, của xứ xở, của nhân loại... Bộ máy đó, do hội đồng nhân dân bầu ra các chức danh lãnh đạo chủ chốt, là thước đo năng lực và trí tuệ của các đại biểu.

Nhân dân Thừa Thiên Huế đang mong muốn vùng đất giàu truyền thống của mình sớm phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Theo đó, cử tri Thừa Thiên Huế khi cầm lá phiếu đi bầu hội đồng nhân dân các cấp, tức cũng đem theo sự mong mỏi về việc làm sao để tiếp tục xây dựng vùng đất này sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, sớm trở thành một vùng đất mạnh về kinh tế, giàu về tri thức, đẹp về văn hóa.

Khi cuộc bầu cử thành công cũng là lúc mà các đại biểu bắt đầu thể hiện những gì mà cử tri từng tin tưởng và khát vọng, là lúc sự kỳ vọng sẽ đặt trách nhiệm lớn và nặng nề trên vai những người đại biểu của dân. Họ phải làm gì và làm thế nào để đáp ứng tâm tư tình cảm và mong đợi của cử tri? Đó là một câu hỏi đầy thách thức song cũng rất vinh quang cho những người có trách nhiệm, hết lòng hết sức yêu xứ xở, yêu đất nước của mình.

TRƯỜNG AN
(267/5-11)





Các bài mới
Các bài đã đăng