[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Ví như chuyện vùng nọ xảy ra thiếu đói, lãnh đạo địa phương phải “vác rá” ra Trung ương xin gạo cứu trợ dân chúng trong kỳ giáp hạt. Điều đáng nói ở đây là tại sao ở một đất nước nhiều năm qua đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, mà lại có vùng đất để xảy ra tình trạng thiếu an ninh lương thực như vậy? Phía sau thiếu hụt này đã có sự chủ quan. Biến đổi khí hậu đã tác động sâu sắc đến môi trường canh tác, và vì vậy, không thể chủ quan trong việc bảo vệ mùa màng trên cánh đồng, phải cần có nhiều phương án để người nông dân có thể an tâm đong đầy rá gạo của mình.
Nhắc chuyện “vác rá đi xin”, bỗng nhớ là chúng ta vẫn đang loay hoay trong cơ chế “xin - cho”. Đây là cơ chế còn rơi rớt lại của thời kỳ quan liêu bao cấp, nhưng một số người lại thích duy trì cơ chế cũ, cố bám lấy cơ chế cũ. Đơn giản vì cơ chế này trao cho họ cái quyền "cho".Ở đây đó, người ta vẫn nhắc đến câu “con khóc mẹ mới cho bú” để nói đến hiện tượng xã hội là các cơ sở có “khóc” về nỗi thiếu thốn của mình (mà phải “khóc” cho có bài bản, đầy đủ thủ tục quy định) thì “cha mẹ” mới “nghe”, mới thông cảm nỗi tình, từ đó ra tay “cho bú” được. Vậy là đã hình thành từ rất lâu “công nghệ khóc” để được “cho bú”, tức là công nghệ biết “mang rá đi xin” trúng địa chỉ, trúng thời điểm, trúng cách thức để có được “cái bỏ trong rá” mang về. Việc đó dẫn đến thực tế là có lãnh đạo chỉ chuyên lo chạy vạy để đi “xin” và được “cho”, coi đó là công trạng, là cống hiến, không để ý nhiều đến chuyên môn mà cơ quan đó phải thực hiện. Và có những vị lãnh đạo có năng lực thực sự, nhưng không có chuyên môn trong việc chạy đi xin kinh phí, coi như không được “cha mẹ” quan tâm nhiều hơn, thành ra như là kẻ thất bại.
Có nhiều người nói đùa rằng các vị lãnh đạo ở các ngành khoa học xã hội nhân văn, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sỹ... phần lớn mấy ông sĩ diện quá, lòng tự trọng cao quá, mấy ông không chịu chạy đi xin hoặc nếu có đi xin thì cũng không có “công nghệ khóc” nên thành ra thiếu hụt kinh phí. Sự quan tâm cho các ngành xã hội nhân văn nói chung là chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển, và “cái rá” mấy ông không có chi nên bây giờ học trò nhìn vô thấy ngán, bèn “kính nhi viên chi”, không dám làm hồ sơ thi vô khối C là khối đào tạo ra các vị của khoa học xã hội nhân văn, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sỹ... trong tương lai nữa.
Thực tế đã có trường đại học chỉ nhận được vỏn vẹn vài hồ sơ dự thi khối C, đếm trên đầu ngón tay, nghĩa là ngành học khối C ở trường đó phải đóng cửa. Vài năm trở lại đây có hiện tượng là không nhiều sinh viên con em ở một vùng đất được mệnh danh là xứ sở của thi ca ra trường ghi tên vào học cao học ngành văn. Một số giáo viên dạy văn trường phổ thông đùa mà như mếu rằng đến giờ văn, học trò yêu cầu cô giáo dạy văn làm ơn yên lặng cho chúng em tranh thủ học các môn khối A, khối B là các môn chúng em sẽ thi đại học. Biết là oái ăm nhưng cô giáo cũng đành nương theo học trò, bởi như thế vẫn còn hơn là chúng kéo nhau ra đường chơi game hay làm chuyện không hay rồi tung clip lên mạng internet...
Giáo sư Phong Lê có thâm niên nửa thế kỷ dạy văn, là thầy dạy văn của nhiều thế hệ thầy giáo dạy văn đã phải kêu lên:“Sự thất thế của khối C theo tôi cục diện này chưa phải là đã đến đáy nhưng cái đáy đó ai cũng đã nhìn thấy. Đừng chờ đến đáy mới giải quyết vấn đề. Bởi điều này về sâu xa báo hiệu sự suy giảm rất khủng khiếp về giá trị nhân văn. Để đào tạo nên một con người cần cung cấp tri thức khoa học và tri thức về xã hội, đây là hai yếu tố căn cốt. Hiện nay có xu hướng lao vào tri thức thực dụng với sự lên ngôi của các ngành học như Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng... là những nghề nghiệp nhanh chóng sinh lãi. Điều này, nhất thời tạo ra sự sung mãn của xã hội nhưng con người ngày càng trở nên cằn cỗi… Con người không được nuôi dưỡng về tâm hồn thì cái ác sẽ nảy sinh. Không có tri thức tâm hồn chỉ có thể tạo nên một thứ giàu xổi, một thứ giàu bất chấp tất cả buôn gian bán lận, không từ một thủ đoạn nào để kiếm lợi cho mình. Từ gia đình đến nhà trường, rộng ra là xã hội đều đang bị nhiễm độc bởi sự ngự trị của xu hướng làm tiền, kiếm tiền... Tri thức khoa học và tri thức tâm hồn đó là đôi cánh nâng đỡ con người nhưng mải mê chạy theo thời thượng, chúng ta đã bỏ quên đã coi nhẹ.“Cầm vàng mà lội qua sông” cái mất đi không thể khôi phục trong một sớm một chiều. Đó là tình cảnh bi kịch của đời sống hôm nay. Quay lưng với khối C - đứng về lâu dài, và ở tầm bao quát, đó là sự quay lưng với các giá trị làm người (tâm hồn, nhân cách), là sự coi rẻ hoặc gạch bỏ các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc và nhân loại.”(1)
Rõ ràng là đã đến lúc cần có một CÁI NHÌN chiến lược cho vấn đề phát triển con người toàn diện trong tương lai.
Trong tháng qua, phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. HCM) được Việt Nam Nét dẫn lại đã khiến nhiều người lặng đi: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này".(2) Lần đầu tiên, một vị lãnh đạo đất nước đã trực diện gọi tên quốc nạn với hình ảnh thể hiện đúng bản chất của nó, bằng ngôn ngữ dân gian của dân tộc Việt . Cuộc chiến chống lại những con sâu làm rầu đất nước vẫn đang tiếp diễn, vấn đề là làm sao để đẩy lùi quốc nạn. Một trong những giải pháp trước mắt đồng chí Trương Tấn Sang đưa ra là phải “sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo”. Đó là hy vọng mới của nhân dân từ cái nhìn quyết liệt mới của lãnh đạo đất nước.
Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã thành công tốt đẹp. Đây là lúc mà các đại biểu trúng cử bắt đầu thể hiện những gì mà cử tri từng tin tưởng và kỳ vọng. Họ phải làm gì và làm thế nào để đáp ứng tâm tư tình cảm và mong đợi của cử tri? Đó là câu hỏi mà để trả lời, không có cách gì khác là hãy làm tất cả những gì có thể, bằng chính năng lực và trái tim của mình.
PHƯỚC VĨNH
-------- (1)- Khối C thất thế vì sao?- dantri.com.vn ngày 14/5/2011 (2)- Bầy sâu” và nỗi niềm của người lãnh đạo - Tuan vietnam.net ngày 18/5/2011
|