Câu chuyện hôm nay
NXB trong nước không tin vào những người viết trẻ: Nguyên nhân, hệ lụy và hướng giải quyết
10:34 | 29/08/2011
Bài viết này có thể gọi là sự nối tiếp bài " Các cây viết trẻ Việt liệu đã thua trên sân nhà? " cách đây không lâu của tôi. Tôi viết bài tiếp theo này là vì ở bài viết trước có nhiều ý kiến thảo luận của người đọc đã mở ra cho tôi những cách nhìn sâu rộng khác hơn về chủ đề đã nói trong bài viết trước.

Có bạn đã để lại lời bình luận rằng " bài viết rất hay, gợi mở vấn đề cần suy nghĩ nhưng lại không nêu ra nguyên nhân và cách giải quyết ". Bạn khác lại hỏi rằng " Liệu có phải bản thân người viết có cái nhìn qua cá nhân về vần đề không? Nếu như các NXB đã tạo điều kiện cho người viết trong nước nhưng họ lại không nắm bắt được cơ hội thì làm sao? " và nhiều câu hỏi khác nữa và tôi mong rằng những suy nghĩ của bản thân mà tôi sẽ viết ra sẽ nhận được sự đồng ý cũng như những ý kiến khác của tất cả các bạn.

Thứ nhất về nguyên nhân thì tôi cho rằng không chỉ ở các nhà xuất bản và ngay chính những cây viết trẻ điển hình như tôi cũng có trách nhiệm trong chuyện này. Xin được trích nguyên văn của một bạn đã cùng thảo luận vấn đề ở bài viết trước là " Trong nền kinh tế thị trường, các NXB đơn giản chỉ là đơn vị kinh doanh. Tác phẩm nào có khả năng thu hút độc giả và sinh lãi, họ sẽ in. Ngược lại, tất nhiên họ sẽ từ chối ". Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này vì bản chất của kinh doanh thì lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Nếu muốn có lợi nhuận cao qua từng đầu sách một thì tất nhiên các NXB trong nước phải tìm đến các cuốn thuộc vào dạng " best seller " rất ăn khách ở nước ngoài, hay chí ít các tác phẩm đó phải đến từ các cây bút cứng trong nước. Đó là một lý lẽ hiển nhiên mà không cần phải nói ra thì ai cũng biết. Làm như vậy thì lợi nhuận của các NXB sẽ được đảm bảo, cũng như sẽ không phải mạo hiểm đánh đu với các cây bút không tên tuổi và loại bỏ một khoản tài chính, thời gian dành cho quảng bá tên tuổi trên các phương tiện truyền thông để mọi người biết đến 1 cái tên mới.

Trong kinh doanh không ai muốn đồng vốn mình bỏ ra lại để cho nó phiêu lưu không biết đi về đâu thì việc " chọn mặt gửi vàng " của các NXB là một điều không ai có thể trách cứ được cả. Thế nhưng theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc đó nếu nhìn về lâu dài thì nó sẽ dần dần khiến cho văn học trong nước thụt lùi càng lúc càng sâu hơn. Như 1 bạn đã nói lên suy nghĩ của mình trong bài viết trước rằng " xuất bản sách là 1 ngành kinh doanh đặc biệt nên nó phải được kinh doanh theo cách đặc biệt. Việc cân nhắc, chọn lọc và tạo cơ hội cho các cây bút trẻ trong nước không chỉ là mang đến lợi ích cho các nhà văn trẻ, cho bạn đọc và về lâu dài còn là mở đường cho văn học VN phát triển. Em nghĩ điều đó cũng thể hiện tính nhân bản và sự "hi sinh" của các Nhà xuất bản ". Chúng ta hãy thôi không nói đến đến sự hi sinh của các NXB, vì trong thời buổi kinh tế thị trường thì điều đó dường như không nằm trong vốn từ vựng của những ai làm kinh doanh, mà hãy nói về hệ lụy của việc " chọn mặt gửi vàng " của các NXB trong thời gian sắp tới. Như đã nói trên, con đường nhập ào ạt các đầu sách ngoại cũng như chỉ nhận các bản thảo của những tay viết thành danh đã làm cho văn học trong nước mất dần sân chơi của mình. Nếu tình trạng cứ như thế này thì ngay đến các cây viết trẻ có tâm huyết nhất cũng phải suy nghĩ lại con đường của mình, vì ai chả phải sống chung với nỗi lo " cơm áo gạo tiền ". Không ai lại cứ mù quáng đầu tư thời gian, công sức vào một con đường biết rõ là không dẫn đến đâu nên vì thế sẽ càng ít những tác phẩm văn học madein Việt Nam trên thị trường và sự phong phú trong văn chương nước nhà sẽ chỉ quanh quẩn trong tay một số ít các tay viết chiếm được lòng tin của các NXB trong nước. Cuối cùng văn hóa đọc hay nói xa hơn là lối sống, cách nghĩ của một nước lại phụ thuộc những tác phẩm của nước ngoài cũng như sự truyền bá các loại văn hóa khác, lối sống khác được đề cập trong các tác phẩm ngoại nhập

Theo ý kiến của cá nhân tôi, một nước có nền văn hóa đọc phát triển mình phải là một nước sở hữu nhiều đầu sách chứa đựng nhiều nét đặc trưng, truyền thống của đất nước đó, cũng như luồng suy nghĩ và cả cách nhìn nhận đơn giản nhất trong mọi chuyện, mọi việc cho đến sự mới mẻ, táo bạo của con người ở nước đó. Có chăng những tác phẩm đó vẫn mang nhịp sống của thời đại nhưng lại được luồn vào những luồng gió truyền thống thân quen của văn hóa nơi mình sống nhưng lại là sự mới lạ đối với những nơi khác. Chỉ như vậy văn chương của quốc gia đó mới được những nước khác đón đọc, vì cái họ muốn là nét đặc trưng và sự khác biệt về một nền văn học ẩn chứa trong nhưng cuốn sách của quốc gia đó. Thế nhưng với sự đổ bộ ào ạt của các đầu sách nước ngoài ngày càng nhiều và không có dấu hiệu dừng lại dưới sự bảo trợ của các NXB và ít để ý đến các tác phẩm trong nước như hiện nay thì viễn cảnh đó là một điều quá mơ hồ.

Thế nhưng lý do khiến các NXB trong nước ưu ái các tác phẩm nước ngoài mà quay lưng với hầu hết các cây viết trẻ không chỉ có vậy mà còn do chính những người viết trẻ dẫn đến. Nguyên nhân các NXB thờ ơ với các tác phẩm trong nước là sự hạn chế chỉ loanh quanh trong vài thể loại và truyện ngắn nhiều tập. Cũng có không ít những người viết trẻ copy and paste lại cách viết của một tác phẩm nào đó đang bán chạy trên thị trường, đặc biệt là những tác phẩm có đề cập đến các vấn đề nhạy cảm trong xã hội bây giờ. Nhiều người viết đã mắc sai lầm nghiêm trọng là xây dựng các nhân vật cho tác phẩm lại dưa trên cách nghĩ, cách nhìn nhận và lối sống của nền các văn chương khác. Ví dụ điển hình nhất là nhiều tác phẩm bê nguyên mẫu lối xây dựng truyện của các tác giả Âu Mỹ, Trung Quốc đang được nhiều người đọc chú ý đến. Giữa nước ta và Trung Quốc tuy có nền văn hóa khá tương đồng, nhưng cũng có không ít những điểm khác nhau và nhất là tư duy, lối sống của người trẻ bên đó cũng rất khác với nước ta, chứ đừng nói đến các nước Âu Mỹ vốn có cái nhìn còn khác biệt hơ nữa. các NXB lẫn người đọc cũng chỉ cần lướt qua là dễ dàng nhận thấy điều đó rồi, vậy thì NXB cần gì phải nhận các tác phẩm sao chép lại chính đầu sách mà mình đã in làm gì chứ!

Có lẽ cách giải quyết tốt nhất cho cả NXB lẫn người viết đều phải đến từ cả hai phía vì NXB có lý do của mình, người viết có lý do của người viết. Nếu như cả đôi bên cùng ngồi xuống nhìn lại mọi vấn đề, một bên hãy vì sự phát triển của văn học nước nhà hãy dành sự ưu ái cho nhưng cây viết trong nước, một bên cố gắng sáng tạo ra những tác phẩm của chính mình thỏa mãn cả truyền thống lẫn hiện tại thì khi gặp nhau các tác phẩm sẽ lên kệ sách và NXB lẫn tác giả sẽ cùng hưởng lợi. Viết ra thì đơn giản, nhưng để thay đổi được thì chắc chắn sẽ không thể trong một sớm, một chiều được nên cũng không bàn nhiều đến

Cu Anh










Các bài mới
Các bài đã đăng
Lòng yêu nước (13/06/2011)