Xã hội ngày càng nhiều cái ác xuất hiện, mới nhất là vụ án Lê Văn Luyện ra tay sát hại cả một gia đình, trong đó có đứa trẻ mới 18 tháng. Trước đó cũng đã từng có vụ án Lê Ngọc Chung cũng thảm sát gần cả một gia đình. Còn trong những mái trường, việc học sinh làm nhục nhau, đánh hội đồng, lột áo nữ sinh, quay camera rồi tung lên mạng... đã là chuyện gần như cơm bữa khiến những tấc lòng đau đáu phải xót xa. Tất cả những điều đó cho thấy, lòng thương cảm của thanh thiếu niên, của lứa tuổi học trò bây giờ đang ít dần đi.
Thực tế, bản năng tính thiện - ác luôn có trong mỗi cá nhân nhưng biết kiềm chế phần ác thì hung tính không phát triển. Gần đây, trong hệ thống giáo dục có rất nhiều vụ thể hiện sự xuống cấp đạo đức của giáo viên trong khi đó cũng khá nhiều vụ chứng tỏ học sinh không được rèn giũa nên học trò hành hung, đe dọa lại nhiều cô... Trong gia đình, môi trường xã hội, nhà trường mà đứa trẻ chứng kiến quá nhiều bạo lực sẽ phát triển hung tính lấn át cái thiện. Và việc trẻ rối loạn hành vi thích dùng bạo lực để ứng xử với mọi người là tất yếu!
Nhiều người đã lắc đầu và không quan tâm nữa đến thực trạng xấu hổ đó của giáo dục. Cũng không hẳn là họ không quan tâm, nhưng quả là họ đã mệt mỏi với những tồn tại xót xa đó của nền giáo dục. Cho dù họ vẫn tin rằng rất nhiều thầy cô có tư cách đạo đức tốt, yêu nghề và có chuyên môn sư phạm tốt vẫn đang hàng ngày dạy dỗ ở trong các nhà trường.
Một trong những yếu tố chính là giáo dục lòng nhân ái, lòng tự trọng một cách thấu đáo đang thiếu vắng trong các giảng đường. Một trong những nguyên nhân là học sinh như thể bị nhà trường bắt làm làm con tin, dẫn đến thực trạng một nền giáo dục mà sự quy đổi giữa tiền và điểm, tiền và bằng cấp được coi là chuyện đương nhiên. Có cảm giác như xã hội đang mặc nhiên coi chuyện chạy điểm cho con em, theo thành tích cho học trò lâu ngày đã thành thói quen khó chữa khiến người ta quên rằng lòng tự trọng, lòng nhân ái là cao hơn hết và cần có mặt hơn hết! Có phải người ta đã quên đi lòng tự trọng, lòng nhân ái cần có hay không? Tôi không bi quan đến mức nói rằng người ta đã quên nhưng quả thật không thể dửng dưng trước câu hỏi đó.
Một câu chuyện nhỏ mà rõ ràng là không hề nhỏ. Hôm trước tôi đi dự họp phụ huynh cho cháu bé tôi đang học lớp ba. Điều tôi ngạc nhiên là không ai thảo luận gì về mối quan hệ giữa nhà trường, mà thay vào đó, có hai nội dung được thảo luận sôi nổi nhất là tiền học phí và bầu ban chủ nhiệm hội phụ huynh. Học phí có cao thì thôi xuýt xoa nhắm mắt mà đóng. Nhưng cái chức danh uỷ viên ban chủ nhiệm hội phụ huynh mà cũng giành nhau thì thật quá sức đáng ngạc nhiên. Thậm chí có người đang đi công tác xa không họp được cũng điện về đòi dành một chân trong đó. Có ý kiến cho rằng cái phụ huynh vừa gọi điện thoại về đó, chỉ dành cái chân thế thôi, cả năm có giúp gì cho hội phụ huynh đâu, đề nghị không bầu. Thế nhưng cô giáo chủ nhiệm lại năn nỉ là thôi cứ để cho người đó làm. Hỏi thì được biết, làm hội phụ huynh cũng có cái lợi. Thứ nhất, cô thầy nể nang cho con em có chút quyền, được làm lớp trưởng hay bét lắm cũng tổ phó, bởi có chức quyền trong lớp thì không sợ đứa nào ăn hiếp. Thứ hai là có thể chạy điểm cho con khi cần. Tôi nghe mà buồn bởi một chút tuổi đầu như thế mà đã được những tấm gương chạy điểm, chạy chức quyền tày đình như thế, trách gì ra đời, bọn trẻ không từ các thủ đoạn nào để có chức, có quyền, có tiền... Tôi nghĩ mọi đức tính tốt đẹp khác của con người đều xuất phát từ lòng nhân. Có lòng nhân và lòng tự trọng sẽ có các đức tính tốt đẹp khác, bởi phải nghĩ và giữ gìn tư cách của mình thì con người mới quyết tâm phấn đấu cho những điều cao đẹp. Vậy nên cần giáo dục lòng nhân ái và lòng tự trọng. Giáo dục lòng nhân ái không phải là kêu gọi có phần bắt buộc học sinh nộp tiền ủng hộ vùng này vùng kia bị thiên tai, mà thông thường người ta hay nhắm mắt làm cho xong để hoàn thành nhiệm vụ hơn là làm với một tấm lòng thương cảm sâu xa. Giáo dục lòng nhân phải bằng tấm lòng, phải có sự nối kết giữa gia đình - nhà trường - xã hội, và phải xuất phát từ sự cảm thương...
Tự nhiên tôi nhớ đến lá thư của một phụ huynh thật đặc biệt gửi đến thầy giáo của mình. Thư của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng. Đó là một lá thư kêu gọi dạy cho con ông lòng thương cảm và lòng tự trọng, trong đó có những đoạn:
“Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.
Bài học này sẽ mất nhiều thời gian tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng mỗi 1 đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất.
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.
Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.
Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai tôi”
|
Tôi biết có rất nhiều người lớn chúng ta lặng người đi khi đọc những dòng chữ này, nhưng để làm được điều đó, quả thật là không phải phụ huynh nào cũng dũng cảm. Chúng ta hình như đã quá yêu thương những đứa trẻ và vô hình chung, đã huỷ hoại khả năng tự gánh chịu của chúng, bào mòn lòng tự trọng của chúng, và trong chừng mực nào đó, biến chúng trở nên ích kỷ và vô cảm…
Nhiều khi tôi mơ ước chúng ta đưa tác phẩm “Những tấm lòng vàng” vào trong trường học. Văn học, khối C đang trở thành môn học bị chối bỏ trong học sinh cuối cấp, đó phải chăng là hệ quả của lối giáo dục thờ ơ phát triển tâm hồn và nhân cách con người, chăm chăm chạy theo mưu sinh tương lai, không có lý tưởng nào ngoài nhăm nhắm vào cái đồng tiền mà học trò sẽ kiếm được khi ra đời... Vậy thì làm sao để có những lý tưởng cao đẹp xuất hiện, để từ đó xã hội giảm thiểu những tội ác tày trời?
Với tôi, giáo dục con người bắt đầu từ lòng thương cảm và lòng tự trọng, trong bối cảnh hiện nay là bức thiết hơn bao giờ hết...
HỒ TRƯỜNG AN
|