Câu chuyện hôm nay
Sứ mệnh của nhà văn trẻ với những bước chuyển hệ hình trong văn học Việt Nam
08:57 | 06/09/2011
I. Ba bước chuyển hệ hình trong văn học Việt Nam và vai trò của các nhà văn trẻ

Nếu phân kỳ tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX nhằm trước mắt phục vụ cho việc phác thảo nên sự thay đổi hệ hình (paradigme), trong một chừng mực hết sức tương đối nào đó, ta có thể tạm chia thành bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất khởi nguồn từ truyền thống văn học trung đại Việt Nam cho đến những năm 30 của thế kỷ XX, giai đoạn thứ hai từ những năm 30 của thế kỷ XX cho đến những năm 45, giai đoạn thứ ba từ giữa những năm 45 cho đến 1986 và giai đoạn thứ tư từ 1986 đến nay, thì có thể thấy, ít nhất đã xảy ra ba bước chuyển hệ hình. Nhưng những bước chuyển hệ hình này, không hàm ý đặt giai đoạn sau ở một trình độ cao hơn giai đoạn trước, cứ hiện đại là cao hơn tiền hiện đại, mà chỉ nhằm chỉ ra đặc trưng tư tưởng nghệ thuật đặc thù của từng giai đoạn văn học sử mà thôi.

Bước chuyển hệ hình thứ nhất, đánh dấu sự chuyển mình từ một nền văn học trung đại mang đặc trưng truyền thống phương Đông, bước sang tư duy văn học phương Tây (tiền hiện đại). Bước chuyển hệ hình này manh nha từ những năm cuối thế kỷ XIX, và thực sự diễn ra vào giai đoạn 1930 - 1945, với sự trình làng và chiếm lĩnh trọn vẹn văn đàn của Thơ Mới, Tự lực văn đoàn, cùng những nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Ở Việt Nam, đây là giai đoạn hiện đại hóa nền văn học nước nhà lần thứ nhất, chuyển từ nền văn học của các trí thức Hán học qua nền văn học của các trí thức Tây học. Giữa tiến trình hiện đại hóa lần thứ nhất của văn học nước nhà đối với trình độ chung của văn học thế giới vẫn có một độ chênh trên dưới gần một thế kỷ. Các trào lưu văn học theo chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực… ở nước ta vẫn nằm trong quỹ đạo của tư duy văn học tiền hiện đại, tồn tại và phát triển ở phương Tây vào thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, tức là nền văn học chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khai sáng. Giai đoạn chuyển đổi hệ hình này trong văn học Việt Nam chứng kiến vai trò cách tân quyết liệt và lập ngôn một cách riết róng của một thế hệ cầm bút trẻ trên dưới hai mươi tuổi như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử…, đối với thế hệ nhà văn cử tử Nho giáo vẫn chưa mất hẳn uy quyền, và đối với cả truyền thống văn học viết dân tộc trải dài qua mười mấy thế kỷ. Trong cuộc chuyển đổi hệ hình mang tính lịch sử của văn học Việt Nam này, giọng chủ lưu thuộc về một thế hệ cầm bút trẻ, sớm có thành tựu và giọng điệu rõ ràng, thanh âm đặc thù mang phong cách cá nhân.

Tư duy tiền hiện đại trong văn học kéo dài cho đến giữa thế kỷ XX, và vào những năm 1945 đến 1986, mà rõ nét nhất là từ 60 trở đi, đã chứng kiến sự chuyển đổi hệ hình thứ 2, từ tiền hiện đại bước sang hiện đại. Quá trình chuyển biến từ hệ hình từ tiền hiện đại sang hiện đại cũng là quá trình chuyển đổi tư tưởng nghệ thuật thời Khai sáng sang tư tưởng nghệ thuật của trào lưu Tiền phong (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX, với các trường phái như Vị lai, Đa đa, Siêu thực…). Đây cũng có thể xem là quá trình hiện đại hóa lần thứ hai của văn học Việt Nam, dù âm thầm và phần nhiều diễn ra trong “bóng tối”. Ở miền Bắc có thể ghi nhận vai trò tiên phong của một thế hệ cầm bút trẻ trên dưới ba mươi tuổi như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm… Ở miền Nam (từ 1954 - 1975) là một thế hệ cầm bút trên dưới 20 tuổi như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng... Một loạt các trào lưu văn học hiện đại như hiện sinh, tượng trưng, siêu thực, lối viết tự động… đã được thể nghiệm và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy có chững lại một thời gian trong quá trình thống nhất, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, nhưng nhìn chung quá trình phát triển văn học theo tư duy hiện đại vẫn được tiếp nối, và đặc biệt được tiếp sức bởi một thế hệ nhà văn trẻ sau 1986, sau khi đất nước tiến hành đổi mới. Có thể kể đến một số cây bút trẻ vào giai đoạn này như Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương…

Quá trình phát triển theo hướng hiện đại của văn học Việt Nam vẫn được tiếp nối qua giai đoạn thứ tư, tức từ 1986 đến nay, nhưng trong giai đoạn này, đã đồng thời xảy ra chuyển đổi hệ hình lần thứ ba, từ hiện đại bước sang hậu hiện đại (gắn liền với tư tưởng nghệ thuật của chủ nghĩa Hậu hiện đại (postmodernism), xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XX ở phương Tây cho đến nay). Hai tiến trình thay đổi hệ hình này ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, đã được tiến hành song trùng, và khó để có thể phân định rạch ròi. Đặc điểm này một phần xuất phát từ hoàn cảnh đặc thù của văn học Việt Nam, vừa phải tiến hành đổi mới theo hệ hình hậu hiện đại một khi nền tảng hiện đại chưa thực sự hoàn chỉnh như ở phương Tây. Mặt khác, xét về tư tưởng triết học, hiện đại và hậu hiện đại luôn đi liền nhau, bởi dù có xác lập một mối quan hệ nào chăng nữa, hậu hiện đại cũng là một sự phản ứng trực diện với hiện đại. Chủ thể của cuộc chuyển đổi hệ hình lần thứ ba, và đồng thời cũng là quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam lần thứ ba, trước tiên phải kể đến những nhà văn trẻ. Không thể phủ nhận rằng, trong một số sáng tác của các nhà văn thành danh đi trước đã sớm xuất hiện một số yếu tố hậu hiện đại, nhưng chủ yếu mới biểu hiện dưới dạng cảm thức. Nhưng, với tư cách sự tiếp thu tự giác, có ý thức, các sáng tác của nhiều nhà văn trẻ hiện nay, từ 8x, 9x trở đi, yếu tố hậu hiện đại đã xuất hiện hoàn chỉnh hơn, không chỉ trong tâm thức mà còn cả trong hình thức, không chỉ trong văn xuôi mà cả trong thơ, không chỉ trong một trào lưu, khuynh hướng cụ thể mà đa dạng trong nhiều trào lưu, khuynh hướng.

Như vậy, có thể thấy vai trò quan trọng, hoặc có thể mạnh dạn hơn, xem lực lượng cầm bút trẻ luôn là động lực và cũng là chủ thể của các bước chuyển đổi hệ hình, các quá trình hiện đại hóa văn học nước nhà. Tất nhiên, thời gian thì vẫn phải lầm lũi trôi, con người thì phải già đi, thành tựu trên văn đàn có khi phải đợi một sự lắng đọng và độ chín cả về mặt thời gian. Nhưng cái sức lực Phù Đổng nhằm lật sang trang lịch sử văn học, dám thể nghiệm và dám thất bại, nhằm tìm thấy cho mình một hướng đi mới, dẫu chưa thành công tức thời thì cũng để dành cho tương lai, sứ mệnh ấy chỉ có thể trông chờ vào các cây bút trẻ.

II. Thế hệ nhà văn trẻ trong hoàn cảnh (hậu) hiện đại

Thế hệ nhà văn trẻ hiện nay, từ những người đã thành danh cho đến những người đang khẳng định mình, có một đặc điểm mạnh và những điểm yếu cần chỉ ra. Trước tiên, về những điểm mạnh, có thể thấy họ là một thế hệ nhạy cảm với cái mới, tích cực thể nghiệm với những trào lưu nghệ thuật đương đại của thế giới. Nếu như, các thế hệ sáng tác trẻ giai đoạn trước, đóng vai trò chủ thể trong các bước chuyển hệ hình và các tiến trình hiện đại hóa, thường vẫn phải đi sau phương Tây vài chục năm, ít ra là hai thập niên, có khi nhiều hơn, là cả gần một thế kỷ. Thế hệ cầm bút trẻ ngày nay, nhờ quá trình làm phẳng hóa thế giới của công nghệ số, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã xóa bỏ những rào cản như những lũy tre làng, nhằm hội nhập với hơi thở của nghệ thuật đương đại.

Chính sách về văn học nghệ thuật của các cấp lãnh đạo hiện nay, từ sau Đổi mới đã tạo nhiều động lực cho văn học phát triển. Tính đối thoại, phản tỉnh, cảm hứng phê phán, các thể nghiệm tân kỳ đã được chấp nhận và khuyến khích. Do đó, văn học hải ngoại và văn học nước ngoài được dịch nhiều ở nước ta, nhà văn trẻ có nhiều đất diễn hơn cho các thể nghiệm của mình, tuy đôi lúc vẫn còn những khó khăn, chưa thực sự được thông cảm. Chính sách ngoại giao và văn hóa đa dạng, không chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhất quán của bất kỳ một trung tâm nào, cũng đã tạo điều kiện cho các nhà văn trẻ tiếp xúc trực tiếp, rộng rãi với các trào lưu nghệ thuật ở khắp nơi trên thế giới. Chính nhờ những lý do chủ quan và khách quan đó, thế hệ nhà văn trẻ ngày nay đa giọng điệu hơn, tiếp cận nhanh và trực tiếp hơn với các trào lưu nghệ thuật đương đại như hậu hiện đại, môi trường luận, nữ quyền, hậu thực dân, tân hình thức...

Nhà văn trẻ hiện nay cũng mạnh dạn tự thể hiện và giới thiệu mình với bạn đọc. Họ là những người của công chúng, biết vận dụng các phương tiện truyền thông nhằm quảng bá cho tư tưởng nghệ thuật là tác phẩm của mình. Nhiều nhà văn trẻ đã sớm có những tác phẩm và công trình nghiên cứu được bạn đọc ủng hộ và chào đón hân hoan.

Tuy nhiên, điểm yếu của các nhà văn trẻ hiện nay, đó là chưa kết hợp lại được thành những trường phái nghệ thuật một cách tự giác. Sự đa dạng đến mức tự phát và thiếu những sự tự định hướng nghệ thuật một cách kiên trì và căn cốt đã biến sự đồng đều trong chất lượng nghệ thuật giữa các tác phẩm hết sức bấp bênh, mỗi người đi riêng một đường, không tiếp sức, không chia sẻ, không thi đua, không đối thoại. Chính vì vậy, những giá trị đỉnh cao từ các sáng tác trẻ trong giai đoạn này có lẽ vẫn phải chờ đợi thêm trong tương lai. Ngoài ra, giữa các nhà lý luận - phê bình trẻ và các nhà văn sáng tác trẻ vẫn còn nhiều khoảng cách. Có một thực tế rằng, các nhà văn trẻ thường được “lăng xê” hoặc “bảo kê” từ những nghiên cứu, các nhà văn già. Còn những nhà nghiên cứu lý luận - phê bình trẻ lại chọn các sáng tác của những nhà văn già, hoặc trên thế giới nhằm được “bảo hiểm” và “an toàn” trong nhận định. Nhìn nhận vậy để thấy, những người trẻ nghiên cứu về những người trẻ, và những người trẻ sáng tác cho những người đọc trẻ hiện nay còn hiếm, giữa lý luận - phê bình trẻ với sáng tác trẻ còn một sự e dè nhất định. Tuổi tác của các nhà văn trẻ hiện nay cũng có phần “lão hóa” đi so với thời của thế hệ Thơ Mới. Nhiều nhà văn đã ngoài ba mươi tuổi, xấp xỉ bốn mươi vẫn được xếp vào hàng trẻ tuổi. Những cây bút trên dưới 20 tuổi khẳng định được mình là thực sự hiếm hoi. Thực tế “nở muộn” ấy cũng là điều đáng lo ngại.

 Ngoài ra, việc sáng tác mà không quan tâm đến chủ thể tiếp nhận và không xuất bản chính thức thành văn bản cũng góp phần làm văn học trẻ hiện nay khó tìm chỗ đứng. Vì đời sống văn học bao giờ cũng phải được cấu trúc nên từ bộ ba “tam tài”: tác giả - văn bản - người đọc. Việc chỉ in photo truyền tay, đăng tải mạng, thơ trình diễn, thơ hình thể… dẫu có nhiều tư tưởng nghệ thuật cách tân táo bạo, nhưng lại cắt đứt mối quan hệ với độc giả, hủy tạo sự tồn tại về mặt văn bản. Việc tiếp cận quá nhanh và chưa đầy đủ tận gốc với các hệ hình lý thuyết mới cũng dễ tạo ra những “ngộ nhận” ít nhiều mang tính “hoang tưởng”, chạy theo các mốt hình thức sáng tác mới mà ít chuyên tâm đến việc trau dồi truyền thống văn hóa dân tộc và kinh nghiệm nghề nghiệm.

Từ những nhận định có phần chủ quan và còn nhiều khiếm diện trên, trong giới hạn của mình, chúng tôi vẫn tin rằng, thế hệ cầm bút trẻ hiện nay sẽ đảm nhiệm tốt “trọng trách kép” mà họ đang gánh vác. Một mặt, vừa phải hoàn thiện quá trình phát triển văn học theo tư duy hiện đại, mặt khác, phải tiến hành cuộc chuyển đổi hệ hình sang hậu hiện đại. Biết cách tân và kế thừa, hội nhập và phát huy, đối thoại và đoàn kết, các nhà văn trẻ hiện nay sẽ phải nhận lấy trách nhiệm lịch sử tất yếu của mình một cách tự tin và dũng cảm.

PHAN TUẤN ANH













Các bài mới
Các bài đã đăng
Lòng yêu nước (13/06/2011)