Câu chuyện hôm nay
Khi học thuật bị “phù phép”
09:33 | 08/12/2011
Tri thức vốn dĩ là tài sản chung của nhân loại. Tri thức là cái kho học thuật vô giá mà mỗi con người cần được trau dồi để bảo đảm vai trò, chức năng của mình trong xã hội.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Như vậy, tri thức rõ ràng là sáng tạo của tập thể loài người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây trên nhiều lĩnh vực chuyên biệt, trong đó dấu ấn cá nhân thể hiện khá đậm nét. Cái kho ấy rộng lớn khôn cùng, mênh mông vô tận và là thứ tài sản trí tuệ chưa bao giờ vơi cạn. Tuy nhiên, thứ tài sản ấy mặc nhiên đã được rào chắn, bao bọc lại bằng những dạng ý thức khai thác mà chúng tôi tạm gọi ở đây là “đạo tiếp thu”. Tri thức là tài sản học thuật chung nhưng lại gắn liền với sở hữu trí tuệ cá nhân. Vì vậy, khi sử dụng, khai thác chúng thì hãy xem mình có đi ngược lại với “đạo”, có lạm dụng tri thức để hoen danh kẻ sĩ thời nay hay không?

Đánh cắp từ ý thức

Mỗi năm cả ngành giáo dục chúng ta có hằng trăm luận án tiến sĩ, hàng nghìn luận văn thạc sĩ, hàng chục nghìn khóa luận tốt nghiệp và hàng vạn báo cáo khoa học. Đó là những tín hiệu đáng mừng của ngành giáo dục và công tác nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, chúng ta cần đặt câu hỏi là, trong các công trình ấy thì bao nhiêu công trình là “thuần khoa học” hay là những thế hệ F2, F3 qua lai tạo, sao chép để biến của người thành của ta. Hiện tượng này theo chúng tôi được biết không phải là hiếm.

Một ông tiến sĩ vừa bảo vệ luận án được 2 năm ở một trường nọ thì bị phanh phui là lấy nguyên 2/3 công trình khóa luận của sinh viên để “phù phép” thành luận án rồi nghiễm nhiên bảo vệ trước hội đồng và hả hê cầm tấm bằng tiến sĩ. Ông nghiên cứu sinh khác thì chơi bài sao chép nguyên văn nhiều đoạn của một công trình khác để đưa vào luận án của mình mà không trích dẫn, lại còn in sách để rồi bị tác giả đích thực phát hiện.

Học vị cao như thế mà còn gian dối huống hồ là những công trình ở những bậc học, trường lớp thấp hơn. Ngay từ khi ở trên ghế nhà trường, ý thức của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên còn thụ động trong học tập và chưa có ý thức cao về chuyện sở hữu trí tuệ. Phần lớn các bài kiểm tra, niên luận là những sản phẩm sao chép xáo xào lên. Đến nỗi có nhiều người cho rằng đó là kiểu nghiên cứu Google. Các giáo viên chấm bài cẩn thận phải ngồi kè kè bên máy tính để xem đoạn nào là tự viết, đoạn nào là “cut and paste”. Rất ít những sinh viên có thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Chúng tôi nhận thấy, trong quá trình phôi thai của một giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành, ý thức về sự sở hữu trí tuệ cần được rèn luyện, trau dồi. Có như thế, môi trường học thuật ngày càng được tiến triển, nâng cao.

Đối mặt với “nghệ thuật” cắt dán điện tử

Không thể phủ nhận những lợi ích của internet mang lại cho đời sống thông tin, học thuật của nhân loại. Cần thông tin, kiến thức gì thì cứ lên mạng nhấp chuột là có ngay những thứ ta cần. Nhưng khi internet bị lạm dụng trong việc sáng tạo, nghiên cứu thì nó để lại hậu quả khôn lường. Chính vị sự tiện dụng, đa năng và nhanh chóng khiến cho internet được khai thác như là một công cụ đắp đổi tri thức và đánh tráo trí tuệ. Công trình của người khác trên mạng chỉ cần vài cú nhấp chuột, cắt dán, đổi font, đổi chữ, đổi tên ấy là thành của mình. Hiện tượng này không phải là hiếm. Ngày xưa chưa có công cụ điện tử này thì việc “đạo” cũng có nhưng “đạo tặc” rất khổ vì phải chép nhọc công, nay thì đã khác. Tôi từng tham gia học ở lớp cao học và nhiều nhiều lớp tập huấn, khi cần có bài tiểu luận cho môn học, nhiều học viên chỉ cần bỏ ra vài tiếng đồng hồ trên mạng là có bài để nộp với độ dày hằng mấy chục trang. Trong khi đó, bỏ ra hàng tuần nghiên cứu cũng chưa chắc đã được “đồ sộ” như thế. Hiện tượng này bình thường đến nỗi, một học viên đã nói: “học cho vui ấy mà, nhanh nhiều tốt rẻ thế là ok”.

Kinh doanh đến từng con chữ

Chuyện người khác đánh cắp trí tuệ người khác đã thấy chướng lắm rồi. Ấy vậy mà thêm cái chuyện lâu nay không mới là làm thuê luận văn, luận án được xem là cái “mốt” của giới trí thức cán mai. Không ít những trường danh tiếng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nguyên đội ngũ cò cưa làm thuê công trình khoa học lượn lờ trước cổng trường thăm dò con mồi đang đau đáu về chuyện đó. Đôi bên cùng có lợi, kẻ được việc người được bằng, cứ thế mà tiến hành. Việc làm luận án, luận văn thậm chí cả tiểu luận đều có giá cả. Tôi từng nghe một anh bạn kể chuyện mình làm “giúp” tiểu luận cho đám học viên cao học ở Thành Phố Hồ Chí Minh, hễ trong kia yêu cầu tiểu luận cho chuyên đề nào là ngoài này đáp ứng ngay, mỗi cái có giá từ 1,5  đến 2 triệu đồng với độ dài từ 12 - 20 trang. Một số thông tin khác mà tôi biết, luận văn, luận án thì tùy đối tượng, chuyên ngành mà có giá dao động từ 10 triệu đến cả trăm triệu. Nói như thế thì cái sự học, sự nghiên cứu ngày càng băng hoại. Giả dụ nếu hầu hết trí thức ta đều như thế này thì học thuật nước nhà sẽ đi về đâu.

Nên hiểu biết về “Chính danh định tác”

Việt Nam hiện có đến gần 2 triệu người đang làm công tác giáo dục, chiếm 3% dân số là một tỉ lệ không phải nhỏ và cũng là một trong những quốc gia được thế giới đánh giá cao về những nỗ lực trong sự nghiệp giáo dục. Và cũng là một trong những quốc gia có số lượng học hàm, học vị thuộc dạng cao của thế giới. Điều đó chứng tỏ truyền thống hiếu học, coi trọng giáo dục, coi trọng trí thức của đất nước ta vẫn là một truyền thống làm nên nét đẹp văn hóa và sức mạnh trí tuệ Việt.

Cách đây hơn 200 năm, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ - Võ Trường Toản đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của những người làm nghề giáo đó là đạo lý Lương Sư Hưng Quốc, nghĩa là quốc gia có những người thầy giỏi và có một nền giáo dục tốt, thì sẽ hưng thịnh. Những lời đó của người thầy mệnh danh là “Gia Định xử sĩ" ấy quả là một nhận định tinh tường, sáng suốt ngay trong chính thời của ông và ngay cả thời đại hôm nay. Vậy làm trí thức trước hết phải là người trung thực, khách quan trước mọi sự vật, sự việc. Thân Nhân Trung cũng đã từng nhận định một chân lí: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Người tài thì phải có đạo đức mới là người quý, người tài mà không có đạo đức hoặc người tài “rởm” thì đúng là “độc khí” của quốc gia. Ý thức về sở hữu trí tuệ, sở hữu tri thức cần được trau dồi, khắc gan hằn tủy mới mong có được những phát kiến, những sáng tạo. Tri thức được xáo đi xáo lại sẽ trở nên cùn mòn. Tri thức thăng hoa khi có nhiều người cùng đóng, góp, cống hiến, xây dựng. Đạo học của nước nhà mới có cơ hưng thịnh, nhất là trong thời buổi công nghệ rất cần sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới giúp chúng ta cất cánh bay xa thay vì phải mò mẫm bắt chước, mua hay “chôm” luôn cái sáng tạo của người khác.

Dù có hàng trăm cơ chế, giám sát những hành động “đạo” như thế cũng không thể nào giải quyết nổi tình trạng rối bời như trên. Có chăng là sự tự ý thức của kẻ sĩ, trí thức bởi khi chúng ta đã cầm bút thì đấy là lúc đang làm một công việc trọng đại vì sự phát triển học thuật của quốc gia mình.

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG







Các bài mới
Các bài đã đăng