LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ
@ Từ lâu, tôi vẫn nghĩ rằng, đứng trên tương quan giữa các miền, các tỉnh, Bình Trị Thiên chúng ta vốn có một cái thế khá mạnh là văn hoá và du lịch. Thế mạnh ấy, nếu sử dụng đúng mức, sẽ tạo được cho tỉnh nhà một sức cuốn hút mạnh mẽ, đối với trong nước đã đành, còn cả đối với nước ngoài. Chúng ta có nhiều thứ độc đáo về mặt này, như Hoành Sơn quan với đoạn đường thiên lý ý ngày xưa còn sót lại ; động Phong Nha, các đầm phá, đường mòn Hồ Chí Minh, thành cổ Quảng Trị... và nhất là Huế. Những thứ đó, tuy là cảnh quan nhưng vẫn có tác dụng cho tỉnh như một đặc sản quý đối với một vùng, một hải cảng, đối với một địa phương vậy.
Song điều đáng tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều. Di tích Huế vẫn còn quá sứt mẻ, vá víu, không tạo ra được một bộ mặt hấp dẫn cho thành phố. Một số danh lam thắng tích chưa được quan tâm gìn giữ, đang mất dần dung quang, có lúc lại còn bị vi phạm hay bị lãng quên. Trong lúc đó, thời tiết cùng với cái cơ chế quản lý cũ mỗi ngày mỗi khiến cho công việc trùng tu thêm khó khăn và ngành du lịch bị khép dần vào nội địa, nội tỉnh, có tiếng mà ít có miếng, không đủ sức giúp cho chúng ta chuẩn bị những công tác lớn hơn, có triển vọng hơn. Đến nỗi, bây giờ, nói đến Bình Trị Thiêu nói đến Huế, còn bao nhiêu người vẫn nghĩ một cách cảm tính đến cái vất vả của một vùng đất thiếu ăn, cái xác xơ của một thời bão lụt, những nét đẹp đã khuất vào lịch sử của một trung tâm chính trị và văn hoá.
Đối với tôi - và có lẽ với cả một số anh em đã hay đang làm công tác văn hóa ở tỉnh nhà cũng vậy, - niềm mơ ước về quê hương luôn luôn cháy đỏ trong lòng. Và cứ nghĩ - e đơn giản quá chăng - rằng nếu cái thế mạnh của văn hóa và du lịch ở đây được đặt đúng tầm thì con đường mở ra chắc không phải là không hứa hẹn.
Đất nước đang trăn trở, đang nghĩ suy cho một sự vươn lên trên sự lột bỏ những gì đã níu kéo nó lại. Chắc chắn rằng Đại hội Đảng bộ Tỉnh sẽ là bàn đạp cho những bước đi vững chắc hơn vào những năm sắp đến. Chắc chắn rằng thế mạnh của văn hoá và du lịch ở tỉnh nhà sẽ được xác định lại để đặt vào vị trí một hoạt động kinh tế, một ngành nghề không có mùa, không chịu ảnh hưởng nhiều của khí hậu khắc nghiệt, sẽ góp phần tạo ra sức cuốn hút của tỉnh, của thành phố ; lại từ đó tạo ra một nguồn thu nhập không những thừa đủ để tự nuôi mình mà còn cùng các hoạt động kinh tế khác cải thiện được đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Nếu phải tính toán cho một thành phố, một vùng đất nào đó sống chủ yếu bằng hoạt động văn hóa và du lịch thì việc đó cũng chỉ là bình thường. Trên thế giới, thiếu gì những thành phố, những vùng đất như vậy.
LƯƠNG AN
(Nhà thơ - nhà nghiên cứu)
@ Chúng tôi, những người con xa Huế vẫn nhớ thương và suy tư về Huế hằng ngày - Có lẽ ít có thành phố nào như Huế, đất không thật rộng, người không thật đông, quá trình hình thành trong lịch sử chưa phải là xa lắm mà đã tạo dựng được một bản sắc văn hóa đậm, sâu đến thế - Phải chăng đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cho những người con đất Huế dù sinh sống ở chân trời, góc biển nào cũng cảm nhận được mối dây ràng buộc với quê hương và tìm được niềm cảm thông trong cộng đồng có chung một di sản tinh thần, một cội nguồn văn hóa.
Tôi thật không muốn quan niệm một Huế "Đông Ba - Gia Hội hai cầu…" trong ranh giới hành chính khô cứng của Thành phố (mặc dù đến nay Huế đã được mở rộng một cách đáng kể, có cả rừng, cả biển). Bởi vì, nếu một trong những đặc trưng nổi bật của Huế là thiên nhiên gợi cảm thì trong thực tế, thiên nhiên là một chính thể thống nhất và đặc trưng đó vốn không mấy khi trùng hợp với ranh giới hành chính. Tính thống nhất trong phạm trù văn hóa cũng vậy. Việc phân định ranh giới xưa nay vốn là sản phẩm của đầu óc và thường khó tránh được sai lầm - Tôi vẫn muốn nghĩ về một "Xứ Huế", một "Đất Huế" viết hoa dài rộng và cao xa hơn những quy ước giấy tờ.
Trong văn học trước cách mạng thường hay gặp một hình ảnh: "Huế đẹp và thơ". Hình ảnh này hiện nay không còn mấy ai dùng và cũng ít người nhớ - Đấy là một tất yếu - Chỉ đẹp và thơ thôi thì không tồn tại được - Đòi hỏi của Huế và của Đất Nước, của cuộc sống hôm nay và của ngày mai là một Huế không những chỉ đẹp và thơ mà còn phải... giàu nữa. Ấn tượng "quê nghèo", "mảnh đất nghèo đeo đẳng Huế đã hàng trăm năm như một phi lý của định mệnh, đến mức như là tự nhiên, như là tất yếu, không cần bàn cãi và khó có thể thay đổi! Nhưng nếu quan niệm được Huế trong một không gian mới; một cơ cấu tài nguyên mới, đa dạng có phương thức đầu tư và khai thác hợp lý thì Huế không những chỉ đẹp như đã đẹp mà còn giàu, có thể rất giàu.
Nhân dân Huế rất trí tuệ, dũng cảm, cần cù và giàu sáng tạo - Một trong những tiềm năng quý và đặc sắc của Huế là chất xám - có một câu hỏi muốn đặt ra ở đây: tại sao nhiều người Huế đi làm ăn xa có thể làm được nhiều việc đáng kể hơn khi còn sinh sống ở quê nhà? Tất nhiên đây là một vấn đề không hoàn toàn đơn giản và xin dành cho một cuộc trao đổi khác nếu có dịp.
Huế trong quá trình hình thành và phát triển đã trải qua nhiều biến động, thăng trầm. Có lẽ vì thế mà Huế trăn trở, luôn luôn trăn trở trong quá trình tự khám phá, quá trình tìm kiếm các bản ngã đích thực để tự khẳng định và đi tới. Những nỗ lực trong 10 năm qua giúp làm sáng tỏ nhiều điều và đã có những đóng góp tích cực cho quá trình nhận thức và cho cuộc sống. Tuy nhiên, hiện tượng này hình như chỉ mới diễn ra trong lĩnh vực văn hóa. Giá như cái năng động ấy tạo được một vụ nổ dây chuyền trong hoạt động kinh tế và xã hội thì đáng vui biết bao. Chúng tôi rất mừng khi biết Huế thành lập nhà xuất bản Thuận Hóa, phát hành Tạp chí Sông Hương và làm được nhiều việc khác, qua đó, Huế tự xây dựng mình từng bước trở thành một trung tâm có hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, đóng góp với cả nước. Giá như Huế có được một hoạt động du lịch, một hoạt động ngoại thương, một hoạt động xây dựng, một cao trào sản xuất vv... mà mỗi một động tĩnh đều được bè bạn xa gần đón đợi như đón đợi mỗi kỳ "Sông Hương" ra báo thì đáng phấn khởi biết mấy?
Tôi cứ có cái cảm giác hình như người Huế hơi quá đắm đuối, say sưa chiêm ngưỡng những vàng son của quá khứ mà quên đi cái còn cấp thiết hơn nữa là phóng một cái nhìn hăm hở, nóng bỏng, xoáy thẳng vào tương lai, xây dựng một tương lai và trên đường đi khẳng định thêm nhiều giá trị mới. Huế sẽ phát triển và đi lên cùng đất nước và cái đẹp của thành phố mười lăm, hai mươi năm sau không thể là cảnh làng quê yên ả của một Huế đã qua, một Huế hiện có như nhận xét của Francoise Corèze: "…Huế là đồng quê chấp nhận sự tồn tại của những ngôi nhà đô thị..." mà là Huế - một thành phố xã hội chủ nghĩa - có công nghiệp phát triển hài hòa với thiên nhiên và xã hội, có cuộc sống văn minh và bộ mặt kiến trúc hiện đại mà "rất Huế". Một Huế mới cả từ nội dung đến hình thức cùng phát triển song song với một Huế cũ được chỉnh trang, tồn tại một cách trân trọng có thể là hình ảnh tương lai của một Huế xã hội chủ nghĩa chăng?
So với quá khứ, số công trình lớn mới được xây dựng không nhiều. Rất tiếc là những công trình đó đã không làm đẹp thêm bộ mặt đô thị mà đang làm hỏng đi các cân xứng hài hòa với thiên nhiên vốn là một nét nổi bật, đáng tự hào của Huế. Ba mươi năm trước đây số dân của Huế khoảng 50.000 người. Trên một diện tích hầu như không mở rộng, con số đó hiện nay đã tăng lên khoảng từ 3 đến 4 lần! Cái thành phố Huế cũ xưa đang căng lên như một chiếc áo chật. Việc chưa nghiên cứu để có chủ trương nới rộng thành phố về những phía thích hợp, việc hệ thống công trình kỹ thuật đô thị không được cải thiện và nối dài, việc không xây dựng thêm được những trục đường mới, những khu ở mới có tiện nghi đô thị đang dồn số dân mới nhập cư, mới phát triển lên mảnh đất vốn đã nhỏ hẹp của thành phố cũ, phá vỡ sự cân bằng vốn có và đang đẩy Huế tiến về tương lai của một làng quê tiều tụy!!! Xây dựng Huế gần giống như việc gia công một viên ngọc vốn đã tiềm tàng vẻ đẹp tự nhiên. Những động chạm thô bạo cũng như những vô ý, cẩu thả sẽ làm hỏng đi các giá trị đã được thừa nhận. Xây dựng tùy tiện, xây dựng lấy được, bất chấp hậu quả, đối với ta hình như đang trở thành một thói quen phổ biến trong cả nước. Cách làm đó đang phá hỏng từng ngày nhiều giá trị khó khôi phục.
Xây dựng thành phố là một việc lớn và khó vì thành phố sẽ mãi mãi tồn tại cùng thời gian. Ở một phía khác, cũng giống như con người, mỗi thành phố là một cá thể, có tâm hồn, tính cách và bộ mặt riêng. Một việc làm có thể thành công ở nơi này chưa chắc đã đạt kết quả mong muốn ở nơi khác. Không phải các nhà quy hoạch mà chính là mấy anh bạn viết văn đang sống ở Huế đã phải kêu lên và tìm mọi cách ngăn chặn chủ trương chia nhỏ những mảnh vườn rất đẹp thành những vuông đất đồng loạt có diện tích 500mét vuông đã và đang đập các khu vườn Huế vỡ vụn như một chiếc bánh đa!
Xây dựng một thành phố đẹp là quá trình tiếp nối của nhiều thế hệ, là kết quả của nhiều sức tim, sức óc, của những rung động trầm tĩnh và... của tài hoa. Bản thân những quy hoạch đô thị đã là công tác tổng hợp liên ngành rất rộng, còn việc cải tạo, xây dựng thành phố đòi hỏi ý chí và quyết tâm của một nhà chinh phục. Huế thuận lợi hơn nhiều thành phố khác là thiên nhiên gợi cảm và chưa bị thoái hóa do làn sóng xây dựng ồ ạt, sản phẩm đáng buồn của thời kỳ thực dân mới vừa qua tàn phá như nhiều đô thị ở miền Nam. Tuy nhiên Huế sẽ không thoát khỏi tình trạng "xuống cấp" nếu Huế không sớm đẩy nhanh công việc nghiên cứu một đồ án quy hoạch cải tạo, xây dựng và mở rộng có chất lượng làm cơ sở để quản lý sự nghiệp to lớn và phức tạp này. Không phải ngẫu nhiên khi UNESCO chọn Huế làm một chương trình đầu tư và trong quy định mới nhất của Nhà nước chúng ta, Huế là một trong 5 thành phố của cả nước sau Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, luận chứng về quy hoạch xây dựng phải được xét duyệt ở cấp Hội đồng Bộ trưởng.
Huế có một gia tài đặc sắc về văn hóa trong đó có kiến trúc. Tuy nhiên trên cái mạch liên tục của giòng thời gian, những công trình mới chỉ có thể bắt nguồn từ những thành tựu của quá khứ như một cảm hứng cần thiết để bay vào tương lai trên đôi cánh lãng mạn của ước mơ. Bảo vệ, tôn tạo, chỉnh trang một Huế hiện có, không để xuống cấp, thoái hóa là một trách nhiệm - Xây dựng, mở rộng, sáng tạo một Huế mới bắt nguồn từ quá khứ, không cắt đứt với quá khứ, đóng góp được với tương lai là một sứ mạng.
Xây dựng đô thị là việc dàn dựng một bản giao hưởng của bê-tông, gạch, đá. Mà cũng không phải chỉ bê-tông, gạch, đá. Vì vậy tôi cứ không cưỡng được các ý muốn nhìn sâu vào bên trong, vào đằng sau cái vỏ bao che bằng bê-tông, gạch đá để cố gắng thấy được mục đích và nội dung của việc xây dựng thành phố là phục vụ cuộc sống của con người có văn hóa. Không có một nền kinh tế đô thị phát triển phồn vinh, không có cuộc sống no lành cho mọi người như cương lĩnh của Đảng thì không thể có thành phố đẹp. Khi Lê Thần Tông sai Nguyễn Trãi thẩm định nhã nhạc, người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lỗi lạc, tác giả Bình Ngô Đại Cáo đã tâu trình:
"Dẹp loạn, dùng võ; Thái bình, dùng văn. Nay chế định lễ nhạc, chính là đúng lúc. Những cội gốc nếu không vững thì lễ nhạc không dựa vào đâu mà đứng được. Văn Hiến nếu không có thì lễ nhạc không bởi đâu mà thực hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Tôi, vâng theo chiếu chỉ, thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng ; ngặt vì học thức kém cỏi, khó lòng điều hòa được luật điệu âm nhạc là món thần diệu tinh vi. Nguyện xin bệ hạ yêu thương nuôi dưỡng dân đen để nơi làng xóm quê thôn không còn có tiếng sầu than oán giận. Thế mới không lỗi mất cái căn bản của nhã nhạc".
Tôi những muốn mượn cái tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi khi nói về âm nhạc ngày xưa để bàn đến việc xây dựng thành phố ngày nay vì, sử Cương mục có ghi: "Vua ban khen và tiếp nhận lời tâu của Trãi".
T.p. Hồ Chí Minh, 10-8-1986
NGUYỄN TRỌNG HUẤN (Kiến trúc sư)
@ Nói đến Huế là nói đến Sông Hương - Thành phố cổ kính và dòng sông hiền hòa đầy thơ mộng ấy cũng là nét độc đáo của Bình Trị Thiên. Tôi sinh ra và lớn lên từ thành phố này, rồi xa cách thành phố ấy hơn 20 năm. Nay non sông được nối liền một dải. Mỗi lần đi công tác lại có dịp ghé qua thăm.
Tôi cũng như nhiều người Huế khác đang sống xa Huế vẫn mộng mơ về một thành phố Huế tương lai: Du lịch được mở mang; nền văn hóa cổ truyền được khôi phục và phát triển; những giọng hò, bài ca Huế được vang lên mãi mãi cùng với việc phát triển kinh tế ở tỉnh nhà theo nhịp bước đi lên của Tổ quốc thân yêu.
Tạp chí Sông Hương - mang tên dòng sông thơ mộng và hiền hòa ấy, đã trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn yên tâm vững bước tiến lên. Từ đó chúng tôi có cơ sở để gửi thêm vào một niềm tin vững chắc: Từ nay Sông Hương sẽ như những chất xúc tác mạnh, cổ vũ cho những ước mơ của chúng tôi trở thành hiện thực.
LÊ ĐÌNH THỤY
(Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp thuốc lá Việt Nam)
@ Nhìn kỹ bản đồ và đọc nhiều về lịch sử mới thấy các khác lạ của tỉnh nhà. Bình Trị Thiên là tỉnh dài nhất trong các tỉnh Việt Nam; nó lại gộp nhiều vùng mà đặc trưng từ tính tình đến giọng nói hoàn toàn khác nhau. Tỉnh ủy chắc cũng phải đau đầu nhiều lắm để tổ chức một hệ thống hành chánh thống nhất.
Đặc biệt hơn nữa là Huế, một thủ đô văn hóa lâu đời và một cựu kinh đô của ta: gồm nhiều di tích lịch sử văn minh Đại Nam, là một vùng mà dân cư đã từ thế hệ này đến thế hệ khác tập trung sức mình trong công việc hành chánh và phát huy cao độ văn hoá nước nhà. Lịch sử của Huế cho thấy Huế chưa bao giờ là một vùng có nông nghiệp phát triển, còn công nghiệp thì chắc cũng không cần nói tới. Cho đến năm Huế được giải phóng, dân Huế vẫn phải được chu cấp từ miếng ăn đến cái mặc.
Bây giờ thì hoàn toàn khác hẳn. Huế là tỉnh lỵ của Bình Trị Thiên ; nhưng vai trò của Huế nặng quá. Làm thế nào để Huế vẫn còn là một trong những trung tâm văn hóa của ta, đồng thời nâng cao mức sống tối thiểu của nhân dân.
Ai cũng biết, trong đời sống hiện nay điện và nước là mạch máu và dưỡng khí của con người. Thế mà, trong 7 ngày tới Huế, điện thì hầu như không có, còn nước thì ta có thể đếm từng giọt. Tôi đã được nghe những phương án như Thủy điện Tả Trạch để cho Huế đủ ánh sáng và đủ nước tiêu dùng. Nhưng trong tình hình hiện nay, Tả Trạch bao giờ được hoàn thành?
Tôi có ghé thăm Quốc Học, ngôi trường lịch sử mà tại đấy tôi có cái diễm phúc đã lớn lên và chuẩn bị làm người. Trường vẫn như xưa, tuy cơ sở vật chất đã có phần nào đổ nát. Dạo một vòng quanh sân trường, không những để sống lại những kỷ niệm xa xưa, mà còn để tưởng lại 90 năm lịch sử của nó. Xúc động xen lẫn với lo lắng! Vì Quốc Học là đại biểu cho một phần văn hóa miền Trung, cho lịch sử đấu tranh không ngừng của dân ta dẫn tới giải phóng hoàn toàn Tổ quốc khỏi ách đô hộ của những đế quốc quan trọng nhất trên thế giới. Làm thế nào cho Quốc Học, đừng trở thành một trường phổ thông cấp 3 bình thường? Làm thế nào để cho tương lai của Quốc Học không hổ thẹn với 90 năm lịch sử oai hùng của nó!
Cái điều kiện tất yếu hẳn là lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ; hơn thế nữa, các anh ở Ủy ban, ở Tỉnh, ở Thành chắc phải có cái nhìn thật rộng lượng, phải có những cơ chế khác các nơi khác! Làm thế nào để đổi được cái tác phong Huế, tác phong đã nghìn đời gắn chặt với văn hóa, cái tác phong rất quan trọng đối với một quốc gia có điều kiện vật chất tạm đủ. Nhưng trong tình hình này, cái tác phong đó không thích hợp chút nào. Huế phải tự mình lo lấy cơm gạo. Làm thế nào để cho nông dân tin tưởng, cố gắng ổn định phần nào nền công nghiệp lạc hậu của mình, ra sức kiếm đủ gạo cho gần vài trăm nghìn dân. Làm thế nào đây? Làm thế nào để tạo ra được một tác phong mới, một tác phong công nghiệp để có thể đưa Huế đi lên! Phá tan cái cũ kỹ, đưa cái mới vào, hẳn phải cần nhiều công sức, phải cần rộng lượng, phải cần sự góp sức của tất cả mọi người.
Trước khi trở về nhà, tôi có ghé thăm tòa soạn Tạp chí Sông Hương. Được nghe Ban biên tập nói về đời sống Huế, về nội dung Sông Hương, đặc biệt tôi được chứng kiến một cảnh rất cảm động! Một số cụ lớn tuổi, đại diện cho dân chài Thuận An đến gặp tòa soạn yêu cầu Sông Hương can thiệp trực tiếp với các cơ quan Công An và Quân Đội để giúp họ giải quyết một vấn đề khúc mắc trong việc tranh chấp quyền lưới cá trong vùng biển của mình. Trước tiên tôi rất ngạc nhiên. Ở Huế, hẳn phải có Viện kiểm sát, phải có Phòng tiếp dân, tại sao họ lại phải đến Sông Hương để tìm sự giúp đỡ?.
Suy nghĩ mãi tôi mới tìm ra được câu trả lời cho mình. Thì ra cái đạo đức văn hóa cổ truyền của dân Huế vẫn là tiêu chuẩn đánh giá bất biến của người dân bình thường. Nội dung Sông Hương đã cho phép người dân tin tưởng vào lòng trong sáng, vào tinh thần trách nhiệm của anh em Sông Hương.
Lý giải này đã làm tôi thức tỉnh, thấy mình vẫn còn nhiều cơ sở để tin tưởng vào tương lai của xứ Huế cực khổ, nhưng muôn vàn thân yêu. Bụng chưa đủ no, thân thể chưa đủ ấm, nhưng có lòng tin, thì chắc chắn con người sẽ tìm ra giải pháp để đi lên.
HUỲNH HỮU TUỆ
(Chủ tịch Hội Việt kiều tại Canada)
(SH21/10-86)