Góc Hoài niệm
Đi xe đò ngày xưa
14:52 | 19/02/2013

BÙI KIM CHI

Tôi đang đứng ở đây. Bến xe đò Đông Ba của thế kỷ trước. Bùi ngùi. Xúc động. Bến xe đã không còn. Thật buồn khi nơi này đã vắng bóng những chiếc xe đò dân dã, thân thương thuở ấy cùng những tà áo trắng học trò dung dị với giọng Huế trong trẻo ơi ới gọi nhau lên xe kẻo trễ giờ học.

Đi xe đò ngày xưa

Đã có một thời như thế. Nữ sinh Đồng Khánh đi học bằng xe đò. Tôi cũng là một trong những học sinh Đồng Khánh đi học bằng xe đò và cả qua đò Thừa Phủ. Những chiếc xe đò màu xanh dương đậm, trần xe có sơn một chút màu trắng, số xe nằm ở bên hông. Số 1 chạy tuyến đường An Cựu, số 2 Địa Linh, Bến Ngự số 3, Chợ Dinh số 4, số 5 Từ Đàm, số 6 Cầu Kho, Long Thọ số 7, Kim Long số 8, số 9 Thuận An, số 10 Văn Thánh, 11 Dạ Lê, 12 An Hòa, An Lăng 13, Tây Lộc 14. Mặt kính trước xe có bảng gỗ nhỏ ghi tuyến đường Bến Ngự, Từ Đàm, Long Thọ, An Cựu v.v. Dáng xe thô, rất giản đơn. Phía trước xe, hai bên có hai cửa dành cho tài xế và một khách. Tất cả khách còn lại đều lên xe bằng cửa sau ở cuối xe. Cửa sau của xe là hai cánh cửa sắt nửa vời, khoảng trên để trống. Khi xe quá đông khách, không còn chỗ để đứng thì “ét” xe ngồi trên cửa, tay vịn trần xe. Trừ hai cửa phía trước, phần trên hai bên hông xe là những khoảng trống thay cho cửa sổ của xe. Trời mưa thì có bạt che. Xe đò chở học trò đi học chỉ đơn giản thế thôi. Tội nghiệp. Đã không đẹp mà trên trần xe bên ngoài còn mang thêm bộ khung sắt cũ kỹ quanh thành xe dành để triêng gióng cồng kềnh của bạn hàng. Đa số xe đò đều đã cũ, có mới một chút chăng là do chủ xe sơn lại nhưng kỹ thuật không cao. Một số xe “démareur” bị trục trặc nên khi xe chuẩn bị khởi hành anh “ét” phải dùng “manivel” để quây. Quây vài lần, xe nổ máy, ống khói ở cuối xe “xịch” lên là xe chạy. Khổ thay nếu quây mà xe không nổ máy là anh “ét” và bạn hàng trên xe phải xuống đẩy. Học trò Đồng Khánh cũng phải xuống xe nhưng anh “ét” cho khỏi đẩy vì là con gái và mặc áo dài. Lạy trời! Anh “ét” mà không thương bắt đẩy chắc nữ sinh Đồng Khánh có nước “độn thổ”. Rong ruổi khắp thành phố Huế nội ô và ngoại ô, xe đò chở đám học trò Đồng Khánh, Quốc Học (đa phần là Đồng Khánh, Quốc Học đi xe đạp nhiều hơn) và bạn hàng buôn bán qua các chợ. Khởi hành từ bến xe Đông Ba (chợ Đông Ba) ở chân cầu Gia Hội, xe đò chở chúng tôi đi học. Học trò Đồng Khánh ở khắp nơi trong thành phố đều có thể đến trường bằng xe đò. Ngang qua trường Đồng Khánh, Quốc Học có xe đò số 3, số 5 và số 7. Học sinh đến bến xe Đông Ba có thể chọn xe có số hiệu trên để đến trường. Xe đò thuở ấy không đẹp nhưng trông hiền lành, an phận (không như các xe hàng có dáng vẻ đẹp ở bến xe Nguyễn Hoàng). Xe đò Đông Ba đã chia sẻ được với chúng tôi - học trò và tiền xe thì rất rẻ so với khách và bạn hàng buôn bán. Dưới con mắt học trò của tôi ngày ấy - cô bé 15 tuổi không có chiếc xe đò nào chở học sinh Đồng Khánh đi học mà đẹp và mới cả. Tôi mỉm cười nhìn dòng người xuôi ngược trên bến xe cũ và nhớ về thuở ấy… thuở chúng tôi đi học bằng xe đò.

Một buổi sáng, thay vì đi học bằng đò Thừa Phủ, Ngọc Thạch đã rủ Bích Hà và tôi đi xe đò. Nhà chúng tôi ở trong Thành Nội, gần cửa Thượng Tứ, đi đò Thừa Phủ là hợp lý nhưng khoảng hai, ba ngày chúng tôi lại rủ nhau đi xe đò một lần. Hai chữ xe đò nghe chân chất, hiền lành đã thu hút ba đứa chúng tôi. Đi xe đò phải trả tiền, tiền ít vẫn cứ phải trả trong khi qua đò Thừa Phủ học trò khỏi trả tiền. Chúng tôi hẹn nhau ở cửa Đông Ba. Tôi ở đường Âm Hồn ra, Bích Hà ở Đinh Bộ Lĩnh xuống, Ngọc Thạch từ Đặng Dung đến. Chúng tôi rảo bước ra ngã giữa đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu) đến bến xe Đông Ba. Ngang qua nhà Hoàng (Hoàng nước hoa). Chúng tôi gọi như thế vì nhà của Hoàng bán nước hoa. Hoàng có nước da trắng, mắt đen, miệng cười rất duyên. Hoàng có một biệt danh nữa là “Hoàng Đức Mẹ” vì Hoàng rất giống Đức Mẹ. Nói chung là Hoàng đẹp, duyên dáng và hiền hành. Chúng tôi nhìn vào cửa hàng nhưng không có Hoàng. Gọi là tìm ngắm người đẹp. Mới 6 giờ 30 sáng mà xe đò đã đông. Học trò và bạn hàng tranh nhau lên xe. Học trò tranh xe để kịp giờ vào học và có chỗ ngồi, bạn hàng tranh nhau cho kịp buổi chợ sớm. Khó khăn lắm, ba đứa tôi mới được lên xe Từ Đàm vì xe Bến Ngự và Long Thọ đã đầy khách và sắp chạy. Chúng tôi bước lên xe trên một tấm gỗ khá chắc chắn ở cửa sau. Kẻ trước, người sau. Trời đất, Thu Nguyệt ở lớp Đệ Tứ B2 lên trước, vô ý không vén vạt áo sau. Một bạn gái lên sau đã đạp vào vạt áo lụa của Nguyệt làm “toẹt” một đường ngang eo. Nguyệt khóc vì mắc cỡ. Ngọc Thạch đã nhanh trí lấy trong “cartable” ra hai chiếc kim băng “găm” chỗ rách cho Nguyệt (Thuở ấy, con gái Đồng Khánh đi học, trong cartable bao giờ cũng có năm, ba cái kim băng và hộp kim chỉ. Hộp đựng kim chỉ thường là hộp fromage “La vache quit rit” (Con bò cười). Bên trong xe đã đông người không còn chỗ ngồi. Ba đứa tôi phải đứng cùng một số bạn học và bạn hàng. Tôi ngẩng đầu, nhón chân đưa tay lên níu vào thanh sắt ở trần xe. Mọi người đứng trên xe đều phải làm như thế kẻo “bổ”. “Bà con cho tiền nè…”. Anh “ét” nhỏ con, đầu đội mũ phớt. Gọi mũ phớt cho le chứ mũ may bằng vải thường, nhái theo kiểu mũ phớt bằng nỉ của Pháp. Xe đông khách, kẻ đứng người ngồi chật ních thế mà anh “ét” đã tài tình len lỏi từ cuối xe lên đầu xe để thu đủ tiền. Bích Hà tinh nghịch cười khen thầm anh “ét”. Xe chạy. Trời mùa thu mát mẻ thế mà tôi lại nóng và như nghẹt thở vì xe quá đông. Mùi thơm của con gái, mùi cay cay của rau màu, mùi tanh tanh của cá quyện lẫn vào nhau tạo thành một mùi rất riêng “mùi xe đò”. Mùi xe đò chỉ xuất hiện trên xe vào buổi sáng sớm khi đón hai loại khách đặc biệt lên xe - học trò Đồng Khánh và bạn hàng. Xe qua cầu Trường Tiền. Gió sông Hương đã làm “mát lòng mát dạ” chúng tôi. Thình lình “bựt, bựt, bựt”. Tôi quay nón nhìn sang bên cạnh. Hàng nút áo dài của một cô bạn bung ra. Thấp người, cố gắng đưa tay lên níu chặt thanh sắt trên trần xe cho khỏi “bổ” nên áo bị bung nút. May thay bên trong còn có chiếc áo lót (con gái ngày xưa mặc áo dài phải có áo lót mặc bên trong). Tôi vội vàng đứng ép sát vào người của bạn, thả cartable xuống sàn xe; một tay giữ chặt thanh sắt trên đầu cho khỏi “bổ”, một tay lần nút áo gài cho bạn. Bạn “dị” còn tôi mỉm cười cảm thông. May mà không có ai thấy vì xe quá chật mà tôi thì cố thao tác cho lẹ. Tôi cũng nhỏ con, trên đầu còn đội thêm chiếc nón lá nên chẳng thấy ai chung quanh chỉ lo sợ “bổ”. Xe chạy đến đâu cũng không biết. Chỉ đến khi anh “ét” gọi to: “Tới Đồng Khánh rồi!” và tay anh đập mạnh vào thùng xe “Bùm - Bùm - Bùm” để ra hiệu cho tài xế ngừng xe thì khi ấy tôi mới yên tâm “không bổ”. Xe ngừng. Học trò Đồng Khánh lách qua bạn hàng, kẻ trước, người sau đùn đẩy nhau xuống xe… Trên xe chỉ còn lại bạn hàng. Họ nhìn chúng tôi ra phần chia sẻ - con của mình cũng như thế. Xuống đường, cảnh đùn đẩy nhau không còn. Bây giờ là những nường Đồng Khánh yểu điệu, nón nghiêng che từ từ băng đường Lê Lợi qua “Đường anh đường em” (Nguyễn Trường Tộ) để vào trường. Bên lề đường Lê Lợi những anh Quốc Học đi học sớm đứng ở công viên chiêm ngưỡng các em (giai đoạn này học sinh Quốc Học vào học sau Đồng Khánh 15 phút). Để tránh tình trạng anh “ngẩn ngơ” nhìn em làm trôi mất chữ đã thuộc lòng đêm qua nên sau này học sinh Quốc Học phải vào học trước Đồng Khánh 15 phút). Trên đường Lê Lợi, buổi sáng xe đò Bến Ngự ngừng cho học trò Đồng Khánh xuống ở cổng bên trái của trường (sát Tòa Tỉnh); xe Từ Đàm, Long Thọ thì ngừng ở cổng bên phải của trường. Một anh bạn thời sinh viên của tôi thú nhận: Hồi đó tôi học Luật Khoa. Không hiểu sao tôi rất thích đến đứng ở công viên trước trường Đồng Khánh để nhìn cảnh học sinh Đồng Khánh bước xuống xe đò. Rất đẹp. Thanh thoát lạ kỳ. Tôi đứng ngắm. Tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng bởi những tà áo trắng, chiếc nón lá, cái cartable trên tay. Vừa dễ thương, thùy mị, nết na và hiền lành. Từng người một bước xuống xe đò rồi làm thành từng nhóm hai ba người thong thả vào trường. Hình ảnh đó cứ loanh quanh trong hồn tôi và những lúc bắt gặp lại tôi có cảm giác như mình đang trẻ lại và… tôi vui (tâm tình của một thanh niên lớn tuổi. Tuổi xuân gần 70)…
 

Một chiếc xe đò chạy tuyến Huế - An Lỗ - Sịa


Trời mưa. Tháng 3 mà trời Huế vẫn còn mưa. Tôi đứng tránh mưa ở một chiếc dù lớn của một cô hàng bán thuốc lá và nhìn mưa… Mưa ướt đẫm cả bến xe đò Đông Ba thuở ấy… Hình ảnh chiếc xe đò màu xanh dương đậm cũ kỹ lại xuất hiện dưới mưa. Buồn và tội nghiệp. Con bé học trò Đồng Khánh lại lên xe đò đi học vào một ngày mưa. Bến xe lầy bùn vì mưa. Học trò Đồng Khánh mặc áo dài đi học thương quá. Lên xe mọi người đều mặc áo mưa. Có lẽ để đỡ lạnh và tránh dơ. Mùa mưa đồng phục của học sinh Đồng Khánh là áo dài màu bleu-marine và quần trắng. Quần trắng mà gặp bùn mưa nữa thì than ôi! May mà anh “ét” đã thu xếp triêng, gióng, thúng, mủng của bạn hàng lên trần xe để học trò có chỗ ngồi và được sạch sẽ. Chỗ ngồi của tôi ở phía sau. Đó là hai băng ghế dài bằng gỗ đã cũ xếp đối diện nhau. Hôm nay nhằm ngày ăn chay nên bạn hàng có ít hơn. Tôi được ngồi cùng các bạn, được nhìn mặt nhau, quan sát nhau, đứa đẹp, đứa dễ thương thấy hết. Ríu ra ríu rít cùng nhau. Trời ạ, chuyến xe đò hôm nay có cô giáo. Cô giáo đi dạy sớm nên được ngồi ở dãy ghế trên, mặt ghế có một lớp nệm mỏng bọc ni lông. Tiếng lao xao của học trò chấm dứt. Đó là một trong hai cô giáo Đồng Khánh là hai chị em nhà ở bên kia cầu Gia Hội. Gương mặt cô hiền nhưng cô rất nghiêm. Một cô bạn ngồi bên cạnh nói nhỏ vào tai tôi: “Chị ơi! Cô mặc hai quần”. “Tầm bậy”. “Thiệt”. Tôi nhíu mày hỏi nhỏ: “Răng cô lại mặc hai quần”. “Chị không biết à, trời mưa cô sợ bị ướt và bùn dính vào quần trắng. Đứng trên bục, trước tụi mình mà cô chịu được à! Rứa là cô mặc hai quần”. “Cái con này”. Cô bạn lại nói tiếp vẻ bí mật: “Mà, chị ơi! quần “xa tanh” trắng ở trong, quần “xa tanh” đen ở ngoài. Tới trường, cô vào phòng riêng của giáo sư, cởi bỏ quần đen ở bên ngoài. Lên lớp, cô của mình vẫn đẹp và sạch sẽ như trời nắng”. “Răng em biết?”. “Thì chị cứ để ý mà coi”. Tôi cười và phục lăng sáng kiến của cô - chỉ có cô giáo Đồng Khánh mới cẩn thận và chu đáo như thế. Đưa mắt lén nhìn cô, nhìn dưới chân cô. Ghế thấp. Cô cao. Có lẽ ngồi mỏi, cô co duỗi chân. Thế là quần trắng lấp ló bên trong quần đen. Nhìn cô, tôi vừa thương vừa nể phục cô…

Lớn lên, tôi cũng là một cô giáo. Cô giáo học trò đã học theo cách làm của cô giáo mình ngày xưa “mặc hai quần để đi dạy vào những ngày mưa”. “Trời mưa cô của mình lên lớp cũng đẹp và tươm tất như trời nắng”. Học trò của tôi lại kháo nhau như thế. Tôi vui và thầm cám ơn cô giáo của tôi (không hiểu học trò của tôi có phát hiện ra được tôi mặc hai quần???)…

Bến xe Đông Ba. Xe đò Đông Ba. Học trò Đồng Khánh. Học trò Quốc Học ngày xưa. Tất cả đã dìu nhau đi vào quá khứ. Có còn chăng chỉ là hình ảnh dễ thương của những người xưa năm cũ bâng khuâng, ngậm ngùi mở cửa thời gian để tìm “hoa” trong quá khứ. Rộn ràng đầy sắc màu của Huế ngày xưa.

B.K.C
(SH288/02-13)


--------------------------------------
Ghi chú: Xe đò: hiểu như xe buýt nhưng không đẹp và tiện nghi như xe buýt; - Ét: Lơ xe (tiếng Pháp: aider); - Démareur (tiếng Pháp): Bộ phận khởi động xe; - Manavel (tiếng Pháp): Cây sắt dùng để quây khởi động xe; - Bổ: té, ngã; - Cartable (tiếng Pháp): Cặp để sách vở.
 

 









 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Tết nhà quê (07/02/2013)