NGUYỄN MẠNH QUÝ
Có lẽ bởi một nỗi niềm đau đáu về quê hương, nơi mình được sinh ra và chắt chiu nuôi dưỡng trong từng hạt cát, từng trận mưa dầm dề thúi trời thúi đất hay nắng lửa trên cồn khô cát cháy, mà những con người ở đây sẵn mang một tấm lòng lồng lộng gió trời trải đi khắp muôn phương...
Những con người bên kia phá Tam Giang lớn lên trong ăm ắp kỷ niệm mến thương, lớn lên trong khốn khó của một thời lịch sử, để một mai kia, hành trang vào đời mộc mạc chỉ là một tâm hồn lồng lộng nắng gió miền cát biển nhưng đã trải khắp muôn phương với niềm tự hào trong trẻo như giọt sương mai đầu hạ.
Người từ các nẻo trên mảnh đất Thừa Thiên, một mai khi lạc xứ, tự nhiên được người ta gọi một tên chung thật dễ thương và cũng thật “dễ ghét”: Dân Huế, người Huế. Cũng có sao đâu bởi từ muôn nẻo ấy, họ đã tìm nhau, gặp nhau để thổ lộ một nỗi niềm riêng chung: Nhớ Huế! Có lẽ, bởi cái niềm thương đau đáu ấy mà bà con nhà “miềng” luôn ao ước được xích gần nhau hơn, được nghe lại tiếng quê miềng ròng, không lai tạp, được dành dụm gởi gắm một chút tình về nơi quê hương một thời ôm ấp nuôi dưỡng thành người như sự tỏ lòng biết ơn không bao giờ nói hết.
Người đã xa quê hương vài chục năm mang theo nhiều hoài niệm. Hoài niệm riêng tư không biết tỏ cùng ai, hoài niệm chung chạ về một miền quê tháng ngày oằn mình chống đỡ thiên nhiên khắc nghiệt, hoài niệm về những con người đã nếm trải một thời khốn khó mà quá đỗi thân thương.
Là kẻ đã sống nhiều năm trong cái nắng nhễ nhại của phố thị hay cái nắng hoang vu nơi các miền hải ngoại, đều đã có thật nhiều hôm vọng day dứt nỗi niềm cái nắng nơi quê nhà. Nắng dát vàng bên miền cồn cát, nắng đong đưa điệu ru hời trong giấc ban trưa từng ngõ xóm, nắng khét mái tóc học trò trên từng con đường cát dài tới lớp, nắng chạy lò cò với bước chân con gái trên trảng cát ngập tràn màu nắng trắng, nắng thơm thơm từng chẹn lúa tháng năm, nắng quện vàng trên vai nặng mồ hôi Mạ qua những cồn cát dài trong chiều muộn, và nắng chang chang bến đò ngày chờ em tôi qua phá trong chiếc áo cưới đã phôi pha...
Bước qua những ngày đông dài lê thê lạnh lẽo, những ngày mưa thúi đất thúi trời Thừa Thiên với cùng con nước dập dềnh dọa nạt. Bước qua ngày Mạ tôi còng lưng bên luống mạ ngày giáp xuân, bước qua tiếng gió rú dài than phiền trong đêm qua các ruồng tre già bên xóm cũ, để mà chạnh nhớ bếp lửa tàn chiều hôm khi nghe tiếng con uệnh oạng xa vắng ngoài truông.
Không phải vô cớ mà tôi chợt nghĩ về câu “về tới quê hương mà nhớ quê hương” của Baso, một vị thiền sư người Nhật, cũng không phải vô cớ mà ở một nơi tha hương kia, bất chợt nghe một giọng nam ai mà mình muốn xích lại gần nhau, trên đôi môi khô héo vì thời gian kia vẫn muốn chợt nở với nhau một nụ cười khả ái…
Điền Hải sáng nay chợt hửng lên làn nắng ấm, nắng nhăn nheo cười trong khóe mắt của mệ tui đang thảnh thơi bỏm bẻm nhai trầu nhìn con cháu, nắng hòa lúng liếng trong mùi hương trầm trong không gian nhà thờ làng Thế Chí Đông đang lên màu rêu phong cổ kính. Nắng lại về trong đôi mắt em tôi giữa ngập ngụa bụi đường phố thị bỗng “chộ” nhau một thoáng. Đôi mắt ướt bỗng mơ màng nhớ về Tam Giang với ngút ngàn cồn cát ấy một chiều ba mươi, nhớ về một cánh cò bay phía cuối trời xa xa vẫn mong có một lần trở về trong trái tim bật khóc. Người đã qua bao năm tháng xa quê lạc xứ một chiều hôm nhìn những cánh mai vàng nở vội giữa dòng đời tất bật mà chợt thắt lòng với quê hương.
Về lại quê hương trong nhiều cái đổi thay được, mất. Người xa quê có tuổi luôn chạnh nhớ về những khốn khó của năm xưa mà lưu luyến, người ta vẫn chạnh so sánh với cái quê hương thứ hai đã nặng lòng cưu mang trên bước đường lạc xứ ấy, có lẽ về quê hương mà vẫn còn nhớ đến quê hương là thế.
- Bữa mô mi về thăm nhà rứa hỉ?
Lặng nghe một tiếng trọ trẹ của quê mình trong quán khách mà như lạ như quen. Kẻ dứt lòng hay đang đậu lòng ở lại với quê hương vẫn không thể không nao nao bước chân đi, về quê mình trong trĩu nặng.
Phong Thái Am, 2012
N.M.Q
(SH288/02-13)