TRẦN NGUYÊN
Thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, như được trở về mái nhà thân thương nơi làng quê yêu dấu. Những ngôi nhà bình dị nối nhau với liếp cửa mở rộng đón ánh nắng rọi vào góc sâu nhất.
Toàn bộ khuôn viên xưa gồm nhà thờ, nhà kiều, nhà bếp và sân vườn, bình phong, hòn non bộ, giếng nước… - nơi ngày xưa Đại tướng cùng đại gia đình sinh sống đã bị chiến tranh tàn phá, bây giờ dựng lại với hình dáng gần như nguyên xưa theo hồi ức của các cụ cao niên, vẫn toát lên vẻ hồn hậu vốn có. Ngôi nhà ở một gian hai chái theo lối nhà rường vuông cổ song điều đặc biệt hơn là mái lợp bằng tranh, kèo cột niền toàn bằng mây gút hình con rít đẹp mắt và chắc chắn. Nằm khiêm nhường giữa làng quê với những người nông dân thuần phác, khung cảnh nền nã cũng là một yếu tố tạo nên bản chất con người.
Vị tướng tài ba Nguyễn Chí Thanh mang bản chất khí khái Cụ Hồ luôn hòa đồng với mọi người đã làm dịu sự khốc liệt của cuộc chiến, khiến cho đời lính trở nên tươi sáng trước nhiệm vụ thiêng liêng. Trong Nhà trưng bày, hầu như mọi bức ảnh có Đại tướng đều với nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay chân thành và ánh mắt hiền lành nhưng cương nghị; những câu nói mang tính chiến lược của vị thống lĩnh quân đội; những nhận định đánh giá, của Đảng, Nhà nước và bè bạn đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ là niềm tin, là bài học cho lớp lớp thế hệ thanh niên trước vận mệnh của Tổ quốc.
Có lẽ khó tìm một đoạn tóm tắt khúc chiết về cuộc đời của Đại tướng như nội dung trên tấm bia ở Khu lưu niệm do Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế dựng: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh) sinh ngày 01/01/1914 tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ nơi đây, đồng chí đã bước vào cuộc chiến tranh cách mạng và trở thành một danh tướng quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị và quân sự lỗi lạc, đã có những cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho ý chí: Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Thanh Niên cả nước về thăm khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh |
Học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều, nhưng để đạt đến mức xuất sắc, không chỉ ở tài thao lược, mà quan trọng hơn phải yêu nước thương nòi như Bác; phẩm chất kiên quyết với kẻ thù, nhân ái với nhân dân, đồng đội là chính từ con người Bác. Bỗng nhớ những câu thơ Tố Hữu tặng Đại tướng: “Hai con mắt đỏ, bừng như lửa/ Cái miệng cười tươi, sáng dặm dài...”. Cũng như, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng kính trọng vô biên nhân dân dành cho là niềm tự hào lớn nhất đối với bất cứ vị tướng nào.
Những kỷ niệm giữa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Bác Hồ thật thấm thía tình thầy trò. Bức ảnh chụp khoảnh khắc Bác cùng Đại tướng đứng trên tấm ván bắc qua cái ao nhỏ với nhiều cây sen vươn cao, phía sau là ngôi nhà, với nụ cười và cử chỉ thắm thiết. Tên Nguyễn Chí Thanh (ban đầu là Nguyễn Chí Thành, thể hiện niềm tin quyết thắng) là do Bác đặt nhân dịp đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; giai đoạn sau này Bác Hồ còn đặt cho đồng chí bí danh là Thao; và chính Người ký sắc lệnh bổ nhiệm Nguyễn Chí Thanh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh ngày 11/7/1950. Đó là phần thưởng xứng đáng đối với con người luôn “được nhân dân và quân đội ta vô cùng yêu mến...” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).
Được gần gũi làm việc cùng Bác, thấm nhuần tư tưởng và phong thái của Bác, con người Nguyễn Chí Thanh toát ra lòng nhân ái bao dung, luôn ân cần, chia sẻ khó khăn, những nỗi niềm thầm kín của anh em chiến sĩ. Lời kể của đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng: “Tôi gặp và cùng hoạt động với anh Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) từ đầu năm 1937... Tiếp xúc và cùng hoạt động với Nguyễn Vịnh, tôi càng thấy rõ con người đầy nhiệt tình cách mạng, sôi nổi trong sáng của anh, hiên ngang trước kẻ thù, chân tình, cở mở, chan hòa với anh em, bạn bè, được mọi người tin yêu, mến phục”. Giai đoạn kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí là người trực tiếp đồng hành, động viên cổ vũ tinh thần của các cán bộ chiến sĩ trên nhiều mặt trận, chăm lo từ vật chất đến tin thần, “Anh hăm hở như cờ lên mặt trận/ Giọng say sưa như gió thổi ào ào!” (Tố Hữu). Điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tướng đã viết: “...một con người rất khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội hết sức chân thành”. Câu chuyện về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị trong lễ khao quân đặc biệt với màn hát quan họ, đến câu “Gió giục cái đêm đông trường/ Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai” lập tức được lệnh hạ màn bởi các vị cho đây là tinh thần ủy mị làm nhụt chí tiến công; Đại tướng liền ân cần phân tích, cho đây là một vài phút “thăng hoa” cần thiết động viên bộ đội; đã làm toát lên tinh thần lạc quan yêu đời của một vị tướng vốn nghiêm khắc song thật mềm dẻo trong thuật “nhu cương” linh loạt. Hình ảnh Đại tướng giữa quân sĩ và nhân dân xứng đáng với những câu thơ khen tặng của nhà thơ Tố Hữu, vốn là một người bạn, người đồng chí: “Anh vẫn là anh những sớm trưa/ Của quê hương dãi nắng dầm mưa/ Đẩy cày cách mạng, vai không mỏi/ Gặt mỗi mùa vui, vẫn muối dưa.../ Ôi sống như Anh sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc, một Con Người!“.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo giàu truyền thống cách mạng, bước vào tuổi thanh niên cậu bé Nguyễn Vịnh đã tham gia chống cường hào địa chủ và sớm trở thành bí thư chi bộ ngay chính ngôi làng Niêm Phò thân yêu. Từ đây là chặng đường đồng chí cùng nhân dân quyết liệt đấu tranh chống chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Nhiều lần Nguyễn Vịnh bị bắt giam, nhưng trong ngục tù tối tăm, ánh sáng chân lý trong người chiến sĩ cộng sản vẫn lan tỏa, vực dậy tinh thần bất khuất trước đòn roi kẻ thù của các đồng chí cùng cảnh ngộ.
Những địa danh như làng Niêm Phò, nhà lao Thừa Phủ, vùng đầm phá Cầu Hai, Vĩnh Tu, cồn Rau Câu, Quảng Điền; từ miền Trung vào miền Nam, rồi lại ra Bắc trên dải đất hình chữ S, nơi đâu còn giặc đều để lại dấu chân của đồng chí. Nhiều sáng tạo, hiệu quả trong kế hoạch tác chiến, Nguyễn Chí Thanh là một vị tướng góp phần quan trọng cho quân dân ta giành thắng lợi ở cách mạng tháng Tám cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ. “Nắm thắt lưng địch mà đánh” - hiển nhiên là một tuyên ngôn quân sự kinh điển. Là kim chỉ nam của chiến tranh nhân dân. Nắm thắt lưng là bám sát địch cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trước hết phải nắm rõ thông tin tình hình lực lượng, động thái của địch mới thật sự tự tin tiến công cũng như có phương hướng chống trả hiệu quả. Bám sát còn là những cú đánh áp sát dồn dập khiến địch không kịp chống đỡ; bằng ý chí, tinh thần quyết tử vì Tổ quốc, người chiến sĩ giải phóng sẽ dốc tâm lực chủ động tiến công dồn địch vào thế chống đỡ.
“Nắm thắt lưng địch mà đánh”, câu nói được treo trang trọng trong Nhà trưng bày về Đại tướng bao hàm nghị lực sống mãnh liệt và bản lĩnh cách mạng của một con người luôn nhất quán với phương châm vì độc lập tự do xuyên suốt cuộc đời của mình. Đúng như nhận định trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh “luôn luôn có một tinh thần tiến công mãnh liệt chống mọi kẻ thù của giai cấp và của dân tộc”. Và dòng chữ trên bia ở Khu lưu niệm cũng viết: “Tinh thần cách mạng tiến công của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sống mãi trong sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của quê hương Thừa Thiên Huế”.
Tại Hội nghị Nam Dương, tháng 3 - 1947, Đại tướng còn nhấn mạnh: “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần tranh thủ từng thôn, từng người dân, chúng ta không thể mất dân”. Mất dân, hay mất lòng tin với dân mới có nguy cơ cao mất nước! Lý thuyết này nghe qua có vẻ “cũ” nhưng chắc chắn muôn đời sau vẫn là chân lý chói ngời.
T.N
(SDB11/12-13)