Góc Hoài niệm
Những ngày trên đầm Cầu Hai
08:54 | 01/01/2014

PHẠM HỮU THU

Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đầu năm 1942, sau khi vượt ngục trở về, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có quãng thời gian gắn bó với vùng đầm Cầu Hai, nơi có cồn Rau Câu, được Tỉnh ủy lâm thời chọn làm địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để đảm bảo bí mật và an toàn, Tỉnh ủy đã chọn một số cơ sở là cư dân thủy diện đảm trách việc bảo vệ và đưa đón cán bộ.
Số cơ sở này chủ yếu là dân vạn đò của làng chài Nghi Xuân.

Những ngày trên đầm Cầu Hai
Ông Trần Thôn luôn tự hào về tấm bằng “Có công với nước” mà cha mình đã đóng góp - Ảnh: internet

Do làng chài Nghi Xuân quần tụ gần Nghi Giang (nay thuộc xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc) nên hai ngư dân là cụ Trần Thuật và người cháu ruột là Trần Thản không chỉ trở thành cơ sở liên lạc của Tỉnh ủy mà con thuyền của họ trở thành nơi đồng chí Nguyễn Chí Thanh ẩn náu để bí mật lãnh, chỉ đạo phong trào.

Ông Trần Thôn, năm nay 75 tuổi là người con trai thứ hai của cụ Trần Thản kể:

- Lúc đó tôi mới lên 6, tuổi còn nhỏ nên được cha tôi cho nằm chung với bác Nguyễn Chí Thanh. Bác Thanh thường xoa đầu, kể chuyện và ấp tôi ngủ”.

Thuyền của ông Trần Thản lúc đó thuộc loại lớn nhất ở làng chài Nghi Xuân, đó là chiếc thuyền 3 mui nên đủ rộng để kê chiếc rương gỗ đóng kín hình chữ nhật.

Chức năng của chiếc rương khá tiện, phía trên dùng để nằm hoặc ngồi, còn bên dưới cất giữ đồ đạc của gia đình. Mỗi khi giặc đi tuần, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, ông Trần Thản liền dở nắp rương để đồng chí Nguyễn Chí Thanh lách vào ẩn núp, sau đó dùng lưới phủ lên để ngụy trang.

Còn theo lời của ông Trần Toản, em ông Trần Thôn:

- Lớn lên tôi thường được nghe cha tôi khoe: chính nhờ có bác Nguyễn Chí Thanh giáo dục nên cha tôi đã được giác ngộ cách mạng.

Từ một người nuôi giấu cán bộ, cụ Trần Thản trở thành thành viên của Trạm liên lạc phía Nam của tỉnh.

Để đảm bảo bí mật, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bày vẽ cho cụ Trần Thản cách thu giấu, đó là cho tài liệu, truyền đơn vào các nêm tre (thay phao) cột dọc ở hai bên mạn thuyền. Nhờ vậy mà mỗi khi nhận nhiệm vụ đưa tài liệu của Tỉnh ủy từ nhà in ở nhà cụ Lê Tự Thạch (làng Diêm Trường) lên Huế hoặc các huyện ở phía Bắc đều không bị kẻ địch phát hiện.

Riêng khu vực quanh vùng cồn Rau Câu, để giữ bí mật, chính đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bày cho cụ Trần Thản cách vận động bà con dùng cây dương (phi lao) làm cừ đem đóng ở các luồng mà tàu giặc thường tuần tiễu, mục đích là ngăn không cho chúng đến gần. Nhờ giác ngộ và bày vẽ tận tình cho người dân làng chài Nghi Xuân nên khu vực cồn Rau Câu được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngày 23/5/1945, Tỉnh ủy chọn nơi đây tổ chức hội nghị mở rộng. Và người dân làng chài Nghi Xuân trở thành tai mắt của cách mạng. Trong 3 ngày diễn ra hội nghị lịch sử ở đầm Cầu Hai, ngoài cho mượn thuyền, người dân làng chài Nghi Xuân còn tham gia đưa đón và bảo vệ đội ngũ cán bộ, góp phần giúp cho hội nghị chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế diễn ra an toàn. Danh xưng Việt Minh Nguyễn Tri Phương ra đời ở đây.

Ngày 19 và 20/8/1945, theo kế hoạch của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Phú Lộc, làng chài Nghi Xuân huy động trên 30 thuyền chở tự vệ và nhân dân tổng Diêm Trường, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đình Sản vượt đầm Cầu Hai sang hợp lực với tổng An Cư, An Nông, Lương Điền tiến hành cướp chính quyền ở huyện đường Cầu Hai, mở đầu cho cuộc “Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế” mít- tinh giành chính quyền tại sân vận động Huế ngày 23/8/1945.

- Sau khi cướp huyện đường Phú Lộc, cha tôi được ông Nguyễn Đình Sản giao dắt con ngựa, chiếc ba-ton của huyện trưởng Phú Lộc Tôn Thất Lâm mang về báo công với nhân dân tổng Diêm Trường! - Ông Trần Toản hoan hỉ thuật lại điều mà cha ông rất tự hào về những ngày cách mạng mùa Thu và nhờ “góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám” nên cụ Trần Thản được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, năm 2012 được Nhà nước hỗ trợ nhà ở 50 triệu đồng..

Làng chài ấy nay không còn nữa, bởi từ sau cơn bão có tên là Cecil 1985 dân làng chài Nghi Xuân lần lượt được đưa lên bờ định cư và lớp hậu duệ nay đã hội nhập và giữ vai trò nòng cốt ở Chi hội nghề cá Vinh Giang thuộc huyện Phú Lộc.

P.H.T
(SDB11/12-13)







 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Ấy và mình (20/10/2013)
Trăng (21/06/2013)