Góc Hoài niệm
Huế trong chiến dịch Mậu Thân
14:57 | 07/03/2014

LÊ MINH
Nguyên Tư lệnh chiến dịch Bí thư Thành ủy Huế (*)

… Chỉ còn hai ngày nữa là chiến dịch mở; tôi xin bàn giao lại cho Quân khu chức vụ "chính ủy Ban chuẩn bị chiến trường" để quay về lo việc của Thành ủy mà lúc đó tôi vẫn là Bí thư.

Huế trong chiến dịch Mậu Thân
Một trung đội quân chủ lực của QĐNDVN năm 1968 - Ảnh: wiki

Chính vào lúc này, anh Trần Văn Quang công bố thành lập "Bộ chỉ huy chiến dịch toàn Khu Trị Thiên Huế". Lúc này, thành phố đang trong tình hình sắp giải phóng, Liên minh và chính quyền cách mạng Huế sắp phải ra mắt, bên dưới còn có ba huyện ngoại thành mà Thành ủy thì phân công nhau về chỉ đạo ở hai cánh đã hết người. Tôi trình bày tình hình khẩn bách của Thành ủy Huế với Thường vụ Khu ủy ; từ đó tôi xin đề nghị anh Nam Long làm Tư lệnh chiến dịch, anh Lê Chưởng làm Chính ủy, anh Đặng Kinh làm phó Tư lệnh, còn xin để tôi về lo việc của thành phố! Tôi xin hứa vẫn ở bên cạnh Bộ chỉ huy để phục vụ mặt trận lúc cần thiết, còn cái gì đã chuẩn bị thì xin bàn giao lại. Nhưng Thường vụ Khu ủy không đồng ý, buộc tôi nhất thiết không được rời khỏi Bộ chỉ huy chiến dịch. Anh Trần Văn Quang giải thích: "Đây là một chiến dịch toàn Khu, mà trọng điểm là Huế. Đường hành quân đều phải đi qua địa bàn vành đai quanh thành phố mà lâu nay anh đã chuẩn bị". Rồi anh Trần Văn Quang phân công tôi: "về chiến dịch, anh là chỉ huy trưởng, về mặt Đảng, anh là Trưởng ban công kích và khởi nghĩa của toàn Khu". Tôi cũng không có cách nào làm hơn được, vì ngay cả đường sá đồng bằng các anh cũng chưa quen, và quả thực trọng tâm chiến dịch vẫn là Thành phố Huế. Do đó, sau khi đã bàn luận kỹ trong cuộc họp mở rộng do anh Trần Văn Quang công bố:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Lê Minh

- Chính ủy: Đồng chí Lê Chưởng

- Phó tư lệnh: Đồng chí Nam Long

- Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng đồng chí Đặng Kinh.

Phạm vi chiến dịch là từ Nam sông Hiền Lương đến đèo Hải Vân.

Giờ G: 2 giờ 30 ngày 31-1-1968 (rạng sáng ngày mồng 2 tết Mậu Thân).

Từ đó, Khu ủy đã phân công chỉ huy trên toàn địa bàn chiến dịch, xếp cánh phối hợp với mặt trận Huế như sau:

- Phía Nam Huế, mặt trận Phú Lộc: Anh Chi (Khu ủy viên dự khuyết) là chỉ huy trưởng; anh Cương chính ủy; anh Chữ, chỉ huy phó; anh Vững phó chính ủy.

- Phía Bắc Huế mặt trận Quảng Trị: Anh Hồ Tú Nam (khu ủy viên) phụ trách chung; anh Sơn Nham, chỉ huy trưởng, anh Hồ Sĩ Thản (khu ủy viên) chính ủy; anh Vũ Thắng (Khu ủy viên dự khuyết) phó chính ủy; anh Thoa chỉ huy phó.

Mặt trận thành phố Huế cũng chia làm 2 cánh:

a) Cánh Nam: Anh Thân Trọng Một là chỉ huy trưởng; anh Nguyễn Vạn chính ủy; anh Khảm chỉ huy phó; anh Tuyên chỉ huy phó; anh Lanh phó chính ủy. Ngoài ra, các anh Bảy Khiêm, anh Văn, anh Ngà đều ở trong Ban chỉ huy.

b) Cánh Bắc: Anh Thu chỉ huy trưởng: anh Trần Anh Liên chính ủy; anh Dấu chỉ huy phó, anh Thành phó chính ủy. Trong Ban chỉ huy còn có các anh Chính, Lương, Loan, Tống Hoàng Nguyên. Anh Đấu, thành ủy viên, lúc này là Trung đoàn trưởng E6, chức vụ này do Khu ủy quyết định, còn bản thân anh trước đó vẫn một mực muốn bám lấy các đơn vị Thành Đội Huế mà anh và anh Một đã xây dựng nên. Anh Đấu là một người chỉ huy kiên quyết, nói thì cộc, nhưng đã đánh là bao giờ cũng nhìn thẳng mục tiêu và đi trước lính.

Về phía Đảng bộ Huế, cũng không thể vắng người chủ chốt, nên tôi (Bí thư Thành ủy) vẫn thường xuyên liên lạc chặt chẽ với hai đồng chí Phó bí thư là anh Trần Anh Liên và anh Nguyễn Vạn. Cốt lõi lãnh đạo này chúng tôi vẫn đảm bảo qua suốt thời gian chiến đấu. Thường trực tại cơ quan có anh Pha (Thành ủy viên, Chánh văn phòng) và anh Hoàng Phương Thảo, vừa từ Khu bổ sung vào Thường vụ Thành ủy phụ trách công tác chính quyền và Mặt trận. Anh Hoàng Phương Thảo là vị Chủ tịch đầu tiên của Thành phố Huế, thời cách mạng Tháng Tám cướp chính quyền, về anh Trần Anh Liên, người quê ở Bắc, xuất thân từ công nhân đường sắt, cướp chính quyền vào Đảng và kháng chiến chống Pháp đều ở Huế. Chống Mỹ, anh Liên Bí thư Thành ủy Huế từ 1966 về trước đó. Anh nói tiếng Pháp giỏi, phong cách lịch sự, và là một đồng chí lãnh đạo rất kiên quyết và dũng cảm, việc khó bao nhiêu cũng làm được, và tự làm không nhường cho ai cả, là đồng chí lãnh đạo vào đầu tiên và là người ra sau cùng trong đội hình Huế - Xuân 68.

***

Lịch chung cho toàn quân về Huế là ngày 30 ăn Tết (đúng kỷ niệm lần thứ 180 ngày Tết Quang Trung đi giải phóng Thăng Long, Mậu Thân 1788), đóng gói hành trang, sáng mồng một Tết thì NGỦ. Nhưng tất cả đều đoán biết việc đêm nay nên người ta không ngủ mà lại hát; và buổi chiều, khi được thông báo chính thức việc chiếm Huế, mọi người từ cán bộ đến bộ đội, du kích... đều vỗ tay reo hò, vui mừng chưa bao giờ thấy.

Trước giờ hành quân, Bộ chỉ huy chiến dịch đã lập một bộ phận tiền tiêu do anh Đặng Kinh trực cùng với một tiểu đội thông tin, đặt trên đỉnh núi Kim Phụng, nhìn thấy cả Phú Bài và Từ Hạ. 7 giờ tối ngày mồng một Tết Mậu Thân, bắt đầu rời cửa rừng, quân đi lặng lẽ trong đêm tối, mưa lâm thâm sương mù đầy trời. Từ sở chỉ huy, có hai đường dây nối với trạm tiền tiêu và Khu ủy, điện đài nóng mở ra Trung ương nhưng không được báo gì hết. Ở căn cứ, chúng tôi bày tú lơ khơ ra đánh để ngồi chờ, nhưng không đánh được không biết quân bài gì hết, bởi ai cũng trong tâm trạng hồi hộp theo dõi quân đi, sợ lộ. Một chiếc bà già bay qua, rồi thôi, thở ra. Anh Kinh báo về cứ 5 phút một: yên tĩnh. Đêm đó im lặng hơn tất cả mọi đêm trong chiến tranh, im lặng đến mức không còn nghe được cái gì cả. Lúc 1 giờ sáng thì trung đoàn 6 báo đầu tiên, đã chiếm lĩnh trận địa; tiếp theo, cánh Nam báo chiếm lĩnh hai mục tiêu ưu tiên; mỗi điện báo đều mật và chỉ 3 chữ. Lát sau, anh Kinh báo có hai bà già bay ở phía Bắc có hai pháo xanh, phía Nam có 5 pháo xanh: pháo xanh của địch là yên tĩnh, không có gì. Lại thở ra. 2 giờ 35 phút sáng mồng hai Tết: hai mục tiêu ưu tiên (E 7 và Mang Cá) chưa nổ mà là ĐKB bắn vào Phú Bài. Rồi tiếp theo là E 7 và các mục tiêu trong thành phố, tất cả đều nổ đồng loạt vang trời, đêm sáng rực lên như pháo hoa, đẹp vô cùng. Anh Quang điện về Bộ chỉ huy chúng tôi: "Chúc mừng thành công". 6 giờ sáng: điện báo chiến thắng về từ khắp mọi nơi, coi như đã chiếm hết thành phố Huế các huyện ngoại thành cũng chiếm được các xã địa bàn đã quy định. Như vậy là chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, thành phố Huế đã bị ta đánh chiếm. Mãi đến 11 giờ sáng mồng hai, dưới chưa báo lên nhưng từ trên đỉnh Kim Phụng, anh Kinh đã nhìn thấy lá cờ Mặt trận treo lên đỉnh kỳ đài Huế, tất cả bộ đội đều nhảy nhót, vỗ tay hoan hô.

Đến ngày thứ ba thì giải phóng nhà lao Thừa phủ; toàn thành phố đã bị ta chiếm lĩnh, ngoại trừ Mang Cá và một số ổ đề kháng.

Cũng trong ngày thứ ba tình hình chiến trường khắp nơi trong toàn miền Nam đã lắng xuống, kể cả Sài Gòn, phía Bắc mặt trận Quảng Trị báo về là thương vong và không vào được. Chúng tôi vẫn hy vọng đường 9 và Sài Gòn làm tiếp. Mỹ ngụy được rảnh tay ở phía Nam và Khu Năm đã bắt đầu triển khai ra Huế, pháo hạm bắn vào Bãi Dâu, bọn ở Đồng Lâm đưa 1 D ra đóng ở Bồn Phổ, kỵ binh bay từ Chu Lai ra đóng Phú Bài, một bộ phận thủy quân lục chiến Mỹ từ Bình Định ra đóng ở Phú Lộc. Nó đến rồi đứng đó đến ngày thứ bảy Mỹ mới bắt đầu nổ súng. Hình như tụi chúng vẫn tiếp tục nghe ngóng tình hình để tìm ra điểm tập trung của ta (ở toàn miền Nam), bây giờ đã nổi lên, chính là Huế. Tôi với anh Nam Long đi kiểm tra chiến trường. Ở cánh Bắc, đội ngũ cán bộ chính trị, biệt động thì chưa bị hao thất gì, chỉ bị thiếu đạn. Riêng Trung đoàn 6 thì thiếu nặng: súng trường chỉ còn 12 - 15 viên, súng máy còn trên 100 viên. Đạn trợ chiến còn rất thấp, không được nửa cơ số. Toàn bộ thương vong trong nội thành đã lên tới ba trăm. Cánh Nam thương binh của ta không nhiều, mà tù binh thì đông, và còn thiếu đạn hơn nữa.

Tất cả các hướng đều báo cáo về bộ chỉ huy cùng một việc thôi: Đạn! (Thật đánh thì chưa đến nỗi thiếu đạn đến như vậy nhưng trong ba ngày đầu, anh em cứ bắn cho hả tay, bắn cả băng, bắn lên trời; cả sân bay Phú Bài cũng bắn tuốt luôn 40 viên ĐKB).

Trong thành phố, tình hình chính trị lên rất cao. Các ủy ban phường lần lượt thành lập, ngụy quân ngụy quyền sắp hàng ra đăng ký, nhân viên ngụy quyền được lệnh tập trung ở cơ quan cũ làm việc, quản lý tài liệu, máy móc; Quần chúng ra đào công sự để chống phản kích thanh niên thì bỏ súng vào các lực lượng vũ trang. Nói chung, thành phố hoàn toàn không phải là của địch nữa mà là của ta, trừ ra các lực lượng phản kích của chúng. Ta mở được nhiều kho của chúng, súng thì nhiều nhưng không có đạn. Tôi báo cáo về Bộ Tổng: Xin đạn.

Tôi lập một ban nghiên cứu chiến trường ở làng An Ninh Thượng và Hậu Thôn. Ở đó mấy ngày thì 1 D. Mỹ đã chốt ở Bổn Trì. Tôi lấy 1 D dự bị chiến dịch đánh vào Bổn Trì; đánh mất một buổi chiều, thằng Mỹ co lại về phía Từ Hạ, nhưng ta thì hết sạch đạn. Đó là ngày thứ 5.

Mỹ bắt đầu triển khai lớn bằng kỵ binh bay và thủy quân lục chiến, từ cửa Thuận An bắt đầu đổ bộ lên. Nó đánh thẳng vào và chiếm đường số 1. Kỵ binh bay cướp lại 50 tù binh Mỹ bị ta bắt ở phố ra. Mỹ ở thành phố đều bị bắt, trừ số bị chúng cướp lại, số còn lại ta đưa lên rừng và ra Bắc, vẫn sống cho đến ngày trao trả. Anh Vạn ở cánh Nam không về họp được, tôi triệu tập cán bộ cánh Bắc (các anh Nam Long, Trần Anh Liên, anh Văn.v.v...) tại Hậu Thôn để bàn. Đánh giá tình hình chung, thấy hầu hết các cơ quan địch đều đã bị đập nát, chỉ trừ lực lượng sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá và một số ổ đề kháng. Như vậy nếu chiếm thành phố, phá hoại và gây ảnh hưởng chính trị thì đã đủ liều lượng; còn thế tấn công dứt điểm thì rõ ràng là khó rồi. Cuộc họp này quyết định đề nghị ta rút ra khỏi thành phố, chuyển hướng tấn công về nông thôn và dập nát các quận lỵ. Họp xong, chúng tôi vừa đi thì một trái bom nổ ngay đúng chỗ, hai cán bộ Quân khu hy sinh.

Tôi báo cáo nội dung cuộc họp về Bộ chỉ huy, còn anh Chưởng trực ở đây. Mặt khác, ra lệnh cho chuyển chiến lợi phẩm ra nông thôn và lên rừng: gạo, vải, mọi thứ. Chuyển hết thương binh và tù binh khỏi thành phố nội trong đêm thứ bảy và ngày thứ tám. Tản cư dân, trẻ em, người già, phụ nữ có thai, đều ra nông thôn. Trên mặt trận, lệnh cho bộ đội đánh cầm cự và hết sức tiết kiệm đạn, và nhất thiết giữ chặt cửa An Hòa và cửa Chánh Tây để đảm bảo đường liên lạc với hậu cứ.

Ngày thứ bảy, chúng tôi chuẩn bị đi sang cánh phía Nam, thì Bộ chỉ huy triệu tôi và anh Nam Long về họp. Chúng tôi báo cáo rõ cuộc họp ở Kim Long, trong khi tình hình phản kích ác liệt của quân Mỹ đã tăng lên trong những ngày qua (ngày thứ 10, Mỹ đã bắc một cầu nổi qua sông Hương để thay thế cầu Tràng Tiền và Bạch Hổ đã bị ta đánh sập). Cuộc họp ở Bộ chỉ huy này không quyết định được giải pháp nào cả. Chỉ quyết định cho mặt trận Quảng Trị (do anh Hồ Sỹ Thản về báo cáo) rút ra khỏi thành phố, chuyển quân ra nông thôn để đánh diệt Bình Định và giữ quân chủ lực Ngụy tại chỗ. Chúng tôi xác định là đến đây, nhiệm vụ chiến trường riêng của chúng tôi đã hoàn thành, bây giờ Huế đã trở thành chiến trường quyết định của cấp trên, và chúng tôi chỉ còn nhiệm vụ chấp hành mệnh lệnh của Trung ương. Và lần này, chính anh Trần Văn Quang xuất trận. Anh Quang ra ngay Bộ chỉ huy trực tiếp chỉnh đốn lại binh lực trong một ngày (bộ binh, đặc công và cả công binh); tối đó tập trung cường tập bằng bộc phá, súng cối; gom nhặt hết lực lượng quyết đánh vỡ Mang Cá. Nhưng địch đã đủ thì giờ tổ chức Mang Cá thành một ổ đề kháng lớn, do chính Ngô Quang Trưởng chỉ huy. Ta đánh từ 9 giờ đến 12 giờ đêm, thương vong nhiều nhưng trận đánh không mang lại hiệu quả, nhưng ta cứ ở tại chỗ đó. Dù trận đánh không thành, nhưng đối với tôi cuộc xuất trận này của anh Trần Văn Quang vẫn thể hiện phản ứng của một vị tướng có bản lĩnh.

Chúng tôi điện về Bộ Tổng: "Chúng tôi hết đạn, chỉ làm kế hoạch được từng buổi" ký tên: Bảy - Tín - Minh (tức anh Quang, anh Chưởng và tôi). Khoảng năm tiếng đồng hồ sau, chúng tôi nhận được điện trả lời từ Hà Nội "cấp trên sẽ chi viện đủ cho các anh hoàn thành nhiệm vụ" ký tên: Văn - Dũng - Thảo (tức các anh Võ Nguyên Giáp - Văn Tiến Dũng và Song Hào). Tiếp đó một điện khác của Bộ Tổng tham mưu cho biết đã cho 2 E bộ binh, 1 E trợ chiến, và đường 559 sẽ tiếp tế các loại đạn dược khí tài xuống. Các huyện ngoại thành phải đốt lửa lên, yêu cầu có ba cụm lửa làm tín hiệu để máy bay thả vũ khí xuống; cũng làm tín hiệu bằng lửa ở Mang Cá để ném bom. Điện này do anh Văn Tiến Dũng ký.

Chúng tôi được điện, lại tiếp tục đào công sự, lập chính quyền cấp tỉnh (do giáo sư Lê Văn Hảo làm Chủ tịch) để chờ đại quân đến. Quả có thấy 1 E công binh của đoàn 559 xuống triển khai làm đường dây đồng 4 sợi, cột điện chạy từ đâu tít tắp trên Trường Sơn xuống. Ngoài ra, mãi đến ngày thứ 15 vẫn chưa thấy gì hơn. Có một trung đoàn ở ngoài vào tới Quảng Điền, chưa qua sông Bồ thì đánh nhau với Sư 3 thủy quân lục chiến Mỹ ở đó. Đánh xong thì E này chỉ còn 1 D mà vẫn không vào nổi thành phố.

Lúc này, địch càng tập trung phản kích dữ dội hơn. Ngày thứ 15, địch triển khai ở đây 4 sư đoàn tinh nhuệ; 3 sư Mỹ và 3 lữ ngụy, chưa kể sư đoàn 1. Địch đưa máy ủi về ủi nát cả làng mạc, nhất là mảng Quảng Điền và Phú Vang B 52 nổ vang rền suốt ngày, sở chỉ huy cũ bị bom đánh nát bét. Cho đến ngày thứ 20, vẫn chưa ai dám bàn chuyện rút vì lệnh kia chưa thủ tiêu. Ngày thứ 21, chúng tôi báo cáo về Bộ, vẫn không thấy trả lời. Chúng tôi quyết định rút, bởi vì bây giờ dù quân chi viện có vào nữa thì cũng không thay đổi được tình thế. Trong thành ủy, chúng tôi sắp đặt lại công việc, tìm hướng rút ra khỏi thành phố:

- Anh Trần Anh Liên đưa thương binh ra. Anh Tống Hoàng Nguyên thì di chuyển tù binh. Anh Liên và tôi thông báo cho các nơi: cơ sở bí mật còn gài lại thì tản cư theo vào dân hết. Còn số anh em đã lộ rồi thì phải đưa ra hết, nhất là những người đã tham gia chính quyền (Ông Thiên Tường ở An Cựu làm Chủ tịch phường, vì ra không kịp đã bị chúng giết cả hai cha con). Anh Lương và anh Loan bố trí một bộ phận cơ sở khác ở lại trong thành phố. Khi địch bắt đầu bom pháo bừa bãi vào thành phố, chúng tôi đã kịp thời sơ tán từng mảng dân ra nông thôn. Khi bắt đầu rút các hướng, chúng tôi thông báo cho các huyện đưa dân hồi cư ập vào ngay lúc địch vừa tới, để tạo ngay thế hợp pháp cho dân. Nhờ đó, số cơ sở gài tại nội thành vẫn giữ được thế hợp pháp để tiếp tục hoạt động. Các huyện ngoại thành trên các địa bàn xung yếu cũng đều làm như thành phố.

Đến ngày 26-2-1968 thì tất cả đã rút ra khỏi thành phố. Thực sự là đã bắt đầu rút từ ngày 22, và cuộc rút lui kéo dài trong 5 ngày mới kết thúc. Vì các chiến lợi phẩm đưa ra tấp ở ngoại thành hoặc ven rừng đều đã bị địch phản kích chiếm lại hết, nên lên rừng người nào là đói ngay trong ngày đó. Sau cuộc liên hoan mừng chiến thắng, có mặt cả nhân sĩ trí thức Huế ở Khe Trái, thì cả rừng ăn muối. Khó khăn ập tới sau khi rút ra khỏi Huế là giống như tình hình hồi vỡ mặt trận.

Hội nghị Khu ủy sau đó quyết định lập lại các Tỉnh ủy và Thành ủy. Hàng vạn người đã lên rừng phải lo ăn, người ở ngoài kia tiếp tục ập vào, nào công an, đài phát thanh, truyền hình, cục lưu trữ, kể cả cảnh sát giao thông, v.v... ở đâu cũng đòi gạo đòi muối; trong khi đó Trung ương lại cứ tiếp tục giao nhiệm vụ đánh Huế đợt 2. Khu ủy chủ động cử tôi ra Trung ương báo cáo. Tôi lên đường 559 thì biết Trung ương điện gọi đích danh anh Trần Văn Quang ra. Tôi chờ anh Quang ở trạm, sau đó cả hai chúng tôi cùng ra Hà Nội.

Tôi thấy cần phải nói đến một điều đáng buồn. Sự tang tóc trong biến cố Mậu Thân là đề tài mà địch đã không ngừng khuếch đại và xuyên tạc ta từ trước đến nay. Trước hết là bom đạn Mỹ ném ào ạt xuống thành phố đã giết hàng ngàn dân thường, chúng bắn chết hàng loạt người tại chỗ khi tái chiếm thành phố, hàng trăm tù binh khác ta đưa ra, đáng lẽ được sống thì đã bị trực thăng Mỹ đón đường bắn chết, bởi hễ thấy đám đông là chúng bắn không phân biệt. Đó là một sự thật rõ như ban ngày, không phải là tội ác lớn nhất hay sao?

Tuy nhiên, còn lại một mặt khác của vấn đề, việc trừng trị những người có tội ác đối với nhân dân trong một cuộc chiến tranh là điều không tránh khỏi, một khi quần chúng đã nổi dậy. Và trong trường hợp đó, không một chính phủ nào có thể kiểm soát nổi những hành động bộc phát do lòng căm ghét của quần chúng từ lâu bị bức xúc, hoặc do một thứ ý thức dân tộc có tính chất tự phát ở nơi mỗi người...

Rốt cuộc là đã có những người bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình, con cái của những người đã chết trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn trắng đen.
(...)

L.M.
(SH29/02-88)


---------------------
(*) Chức danh chính thức của tác giả trong chiến dịch. Bài này trích trong hồi ký Huế, xuân 68. Đây cũng là tên tập sách kỷ niệm 20 năm chiến thắng Mậu Thân do Thành ủy Huế xuất bản.








 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Ấy và mình (20/10/2013)