Góc Hoài niệm
Đi tìm những người anh hùng vô danh của Tết Mậu Thân
09:54 | 03/09/2014

Một nhà báo Pháp sắp đến Việt Nam để tìm lại một di sản chiến tranh, nhưng ở một khía cạnh nhân văn của nó - đó là những con người, địa điểm từng xuất hiện trong các bức ảnh mà nữ phóng viên chiến trường nổi tiếng Catherine Leroy ghi lại trong cuộc tấn công Mậu Thân vào thành phố Huế. 


Chạm trán

Ngày 16.2.1968, thế giới bàng hoàng trước những bức ảnh về những chiến sĩ bộ đội chủ lực Bắc Việt tham gia cuộc tấn công nổi dậy ở TP.Huế lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Life.

Tác giả của những bức ảnh đó là một nữ nhà báo trẻ người Pháp Catherine Leroy. Tình cờ cô gái bé nhỏ, mới hơn 20 tuổi đời đã trở thành nhân chứng có một không hai của cuộc chiến đấu đang diễn ra ở Huế giữa quân đội miền Bắc, quân Việt Nam Cộng hoà (VNCH) và quân đội Mỹ. Kèm bài viết mang tựa đề “Lính Bắc Việt đã cho cô ấy chụp ảnh”, Life đã đăng hàng loạt bức ảnh do Catherine Leroy chụp khi đang thâm nhập vào cuộc chiến đấu ác liệt không xa khu thành nội Huế. Cô đã cùng đồng nghiệp Francois Manzure - nhiếp ảnh gia làm việc cho hãng AFP - trú ẩn qua đêm trong một nhà thờ có khoảng 4.000 dân thường đang ẩn náu để tránh cảnh bom rơi đạn lạc. Vị linh mục cho họ biết, cũng chính ngôi nhà thờ này là nơi Nam Phương Hoàng hậu - bà hoàng hậu cuối cùng và duy nhất được tấn phong của triều đình nhà Nguyễn - đã ẩn náu ở đây khi tình hình chính trị xáo trộn 20 năm về trước.

Sáng ra, họ tiếp tục đi đến một ngôi biệt thự của một gia đình chồng là người Pháp, vợ Việt và hai đứa con gái nhỏ. Bất ngờ chạm trán 3 người lính Bắc Việt tại ngôi biệt thự, nay đã trở thành sở chỉ huy của một đơn vị chủ lực Việt cộng, Catherine viết: “Họ kinh ngạc khi nhìn thấy chúng tôi, nhưng có vẻ bình tĩnh. Họ đều mặc quân phục may bằng vải kaki và mang súng AK47. Tôi cảm thấy đỡ sợ hãi vì dù sao họ cũng là người bằng xương bằng thịt. Trông họ cẩn trọng hơn là tàn bạo”. Khi được dẫn vào khu vườn trong tòa nhà, Catherine nhìn thấy khoảng 15 chiến sĩ đang ngồi trong các hầm cá nhân đào vội dưới những tán cây. Lúc này trên đầu họ là hai chiếc máy bay do thám của Mỹ đang quần thảo, khiến Catherine và đồng nghiệp sợ chết khiếp, nhưng các chiến sĩ tỏ ra bình thản, thậm chí họ không buồn động đậy.

Một quân đội chiến thắng

Trong bài phóng sự có một không hai trên tạp chí Life, Catherine kể tiếp: “Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện, một người lính mới xuất hiện. Anh ta tự giới thiệu là một sĩ quan Bắc Việt. Anh ta khoảng 25 tuổi, đeo một khẩu súng ngắn trông rất bảnh, giống như một cậu sinh viên theo học đại học tại Paris hơn là một chiến binh. Khi vợ của người Pháp kiều bảo anh ta chúng tôi là ai, anh ra lệnh cho những người lính của mình cởi trói cho chúng tôi. Sau đó, người sĩ quan  yêu cầu chúng tôi kiểm lại hành trang, để tin tưởng chắc chắn rằng không có thứ gì bị thất lạc.

Nhờ vợ của người Pháp kiều dịch lại, viên sĩ quan trẻ thông báo với chúng tôi rằng, họ đã chiếm được cố đô, một điều rõ ràng là sự thật, anh sĩ quan nói thêm  họ (phe cách mạng) đang thắng ở khắp nơi, họ đang giải phóng toàn miền Nam.

Khi chúng tôi hỏi, có thể chụp ảnh được không, người sĩ quan đồng ý ngay và đưa chúng tôi ra ngoài. Anh ta có vẻ vui và trên thực tế, đã cư xử như một sĩ quan liên lạc mà chúng tôi gặp trong các đơn vị quân đội phương Tây. Còn bộ đội của anh ta cũng thấy hài lòng với ý tưởng là họ được chụp ảnh. Họ tạo dáng với những khẩu súng chiến lợi phẩm của Mỹ hay giả bộ như đang ném lựu đạn. Tại khu vườn của một ngôi nhà bên cạnh, tôi chụp một số người lính trẻ ngồi trên thành chiếc xe tăng Mỹ. Tôi nghĩ, không chắc họ đã biết cách lái chiếc xe tăng này, nhưng họ đều tươi cười với tư thế của một quân đội chiến thắng.

Chỉ có một người không muốn chúng tôi chụp ảnh anh ta. Đó là người lính được trang bị một máy điện đài của Mỹ. Khi thấy chúng tôi chụp ảnh mình, người lính thông tin này đã đòi chúng tôi đưa tấm phim vừa chụp cho mình.

Chiến sự trở nên ngày một dữ dội hơn xung quanh chúng tôi. Tại bất cứ thời điểm nào, quân chính phủ (VNCH) hoặc quân Mỹ đều có thể tới và chúng tôi có thể rơi vào giữa hai luồng đạn. Khi chúng tôi quay lại căn nhà của người Pháp kiều, chúng tôi nói với người sĩ quan là chúng tôi phải quay lại Paris ngay để làm bài phóng sự này. Người sĩ quan Việt Nam không phản đối. Người Pháp kiều rút xì gà mời mọi người. Sau đó, tất cả chúng tôi bắt tay nhau vui vẻ, nói lời tạm biệt và chúc may mắn với gia đình người Pháp kiều.

Quay đầu lại, chúng tôi thấy người Pháp kiều đứng bên vợ và hai con gái nhỏ, chầm chậm vẫy tay tiễn chúng tôi, mắt ông đẫm lệ..." - Catherine viết.

Chặn một họng súng

Rồi chính cô gái Pháp bé nhỏ đó đã chạy tới chỗ lính thủy đánh bộ Mỹ đang để cho xe tăng Ontos, được mệnh danh là “Kẻ hủy diệt” bắn vào ngôi nhà thờ đạo Thiên chúa và các căn nhà gần đó - nơi họ đã cho cô trú ẩn đêm hôm trước. Cô hét lên: “Trong đó không có Việt cộng đâu, chỉ có dân thường thôi” và họng súng đã không nã vào đó nữa.

Những bức ảnh chụp những người ở bên kia chiến tuyến đã giúp cô gái trẻ Catherine Leroy nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn phóng viên chiến trường của nửa sau thế kỷ 20. Tài năng của cô không phải là chụp lại các xác chết trong chiến tranh, mà là những khuôn mặt người sống mang bóng dáng chiến tranh.

Trước đó, nhiều bức ảnh Catherine chụp lính Mỹ trong tác chiến cũng có tác dụng mãnh liệt tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Những bức ảnh cô chụp tại chiến trường Khe Sanh năm 1967 được mô tả là "cái nhìn thấu suốt nỗi sợ hãi và tâm trạng của cuộc chiến", như bức ảnh mô tả người lính cứu thương Mỹ đang gắng sức kéo đồng đội bị trúng đạn với cái nhìn khắc khoải, đầy tuyệt vọng. Bản thân Catherine cũng may mắn thoát chết  nhờ chiếc máy ảnh Nikon khi bị trúng đạn pháo tại mặt trận Khe Sanh năm 1967.

Cô đã giành được các giải thưởng báo chí lớn như George Pork năm 1967 và trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt huy chương vàng Robert Capa năm 1976 do “những phóng sự ảnh ở nước ngoài đòi hỏi sự dũng cảm vô song và táo bạo".

Trong thời gian ở Mỹ, Catherine Leroy đã quay và làm đạo diễn bộ phim “Chiến dịch tuần tra cuối cùng”, nói về anh lính Mỹ Ron Kovic tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành nhà hoạt động chống chiến tranh nổi tiếng, phát hành năm 1972. Bộ phim thời sự này phản ánh đỉnh cao của phong trào phản chiến ở Mỹ.  Năm 1975, Catherine quay lại Việt Nam để chụp hình sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Nữ phóng viên ảnh qua đời năm 2006 do bị ung thư phổi, bà mất chỉ một tuần sau khi phát hiện ra bệnh, thọ 60 tuổi.

Những bức ảnh hồi sinh

Cách đây không lâu, thông qua những người bạn, người viết bài này nhận được email của Jacques Menasche. Anh cho biết anh là nhà báo, làm việc cho Quỹ Catherine Leroy do chính bà thành lập. Anh sẽ là đạo diễn một bộ phim tài liệu về những bức ảnh Catherine Leroy đã chụp trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 tại Huế. Bộ phim sẽ tìm lại dấu tích của ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo - nơi những người dân lành ẩn náu, ngôi biệt thự nơi Catherine bị bắt và được chụp hình bộ đội Bắc Việt. Hơn thế nữa, Jacques cho tôi biết, anh muốn lần tìm lại những khuôn mặt người lính đã được Catherine khắc dấu vào lịch sử của cuộc chiến, nhất là người sĩ quan quân đội Việt Nam. Đã hơn 45 năm trôi qua, giờ ai còn ai mất, cuộc sống của những người lính này ra sao? Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ...

 

Nguồn Người lao động

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Với Thạch Lam (06/08/2014)
Bạn bè tôi (25/07/2014)