Góc Hoài niệm
Những năm ở Pháp
09:34 | 06/11/2015

NGUYỄN KHẮC VIỆN
                Trích hồi ký

- 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!

Những năm ở Pháp
Đông đảo Việt kiều ra sân bay tiễn BS Nguyễn Khắc Viện về nước năm 1963 - Ảnh tư liệu

Đúng, trong hoàn cảnh của tôi, còn núm phổi, cảm lạnh hay bị cúm là có thể tắc luôn phế quản viêm phổi ngạt thở, đi lúc nào không biết. Bè bạn bảo vậy, thôi thì viết vậy.

Nhưng trầm ngâm cầm bút - nói đúng hơn ngồi trước máy chữ - không biết viết gì. Ngạn ngữ Pháp có câu, những dân tộc may mắn không có lịch sử, không bị ngoại xâm, không nội chiến, không gặp thiên tai, các sử gia không biết ghi chép gì. Nhớ lại cuộc đời của tôi toàn gặp may, không phải vật lộn với nghèo khổ, chưa bao giờ bị tù đày, chưa bao giờ cầm súng đánh giặc. Vào sinh ra tử, chẳng có gì ly kỳ để kể cả. Thôi thì kể những chuyện may vậy.

***

Không xa xưa lắm, nhưng cũng đã 50 năm rồi, nửa thế kỷ.

Hè 1937, ngoài hai mươi, tôi được cái may lớn, mà thanh niên thời ấy hằng mơ ước (không biết thanh niên bây giờ còn như vậy không?) là được đi Pháp tiếp tục học y khoa, sau ba năm bắt đầu ở Hà Nội. Cùng một lứa tuổi, học với nhau ở trường Quốc học Vinh, mà cả một vùng Nghệ Tĩnh, chỉ một mình tôi được đi Pháp.

Thế là một buổi sáng vào tháng 8-1937, chiếc tàu thủy Aramis của hãng Messageries Maritimes (hãng Nhà Rồng) rời bến Sài Gòn; tôi đứng trên cầu tàu vẫy tay. Thầy tôi (trong gia đình tôi gọi bố là Thầy) và người bạn thân là anh Phạm Biểu Tâm đi tiễn tôi từ Huế đến đây.

Không hiểu tại sao lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến một bà cô (tiếng Nghệ Tĩnh là bà o); bà o này là một nông dân không nghèo lắm, nhưng cũng không lấy gì làm sung sướng, cách đây mấy năm, lúc tôi sắp ra Hà Nội học đại học bà đã hỏi tôi:

- Cháu đi học như vậy, mỗi tháng ở nhà gửi cho bao nhiêu?

- Thưa o, hai mươi đồng ạ!

Bà o thốt lên:

- Cả nhà o, năm người đây cả tháng ăn tiêu không đến hai mươi đồng.

Rồi lúc tôi về quê chào họ hàng trước khi đi Pháp, bà o lại hỏi:

- Cháu sang Pháp, ở nhà sẽ gửi cho bao nhiêu?

Lần này tôi lảng đi, không dám trả lời, vì số tiền lên đến một trăm đồng, nửa tháng lương của Thầy tôi; một mình tôi ăn học ở Pháp tiêu bằng mười người trong gia đình tôi ở lại trong nước, một gia đình nhà quan cấp cao của triều đình Huế.

Hồi đó, tôi cũng chưa có ý thức gì về chính trị xã hội, nhưng có lẽ vì sống trong một gia đình nho giáo, nên mỗi lần nghĩ đến câu hỏi của bà o, tôi cứ giật mình và có mặc cảm mắc một cái "nợ" quá lớn. Nợ của một con người "được đi học", gia đình xã hội nuôi cho ăn học, ăn tiêu bằng mười lăm, hai mươi người, sau này làm sao "trả hết nợ".

Tàu ra đến biển, theo lời căn dặn của Thầy tôi, tôi mở xem một bức thư ông giao cho trước lúc bước chân lên tàu; mở ra đọc mấy câu "Thầy tin rằng về học hành, chắc con sẽ thành đạt, điều ấy cả gia đình đều không lo, thầy chỉ muốn dặn con một điều: nhất thiết đừng lấy vợ đầm!".

Tôi nghĩ trong bụng: xin thầy đừng lo.

***

Paris: Nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Le Louvre, tháp Eiffel, đồi Montmartre, trong bao nhiêu năm tôi háo hức được xem tận mắt, nay đến đây, tôi chẳng hề nghĩ đến. Tức thì, tôi lao vào một cuộc chạy đua, đeo đuổi một mục tiêu mà ngày ấy tôi cho là cứu cánh của cuộc đời: giành giật trong thời gian ngắn nhất cái học vị mà một sinh viên y khoa của Đại học Pháp đều mơ ước, là thi đỗ nội trú các bệnh viện Paris.

Ngành y của Pháp phân ra hai hạng bác sĩ: những bác sĩ bình thường và bác sĩ được mang danh là nội trú các bệnh viện Paris. Học bảy năm sau tú tài, mỗi năm sát hạch, năm cuối cùng trình bày một luận văn, thế là có bằng bác sĩ được quyền mở phòng khám bất kỳ ở đâu; từ trong đội ngũ bình thường này, người ta tuyển chọn ra những người xuất sắc nhất qua hai bậc thi, cứ bảy, tám người thi lấy một ngoại trú, rồi từ ngoại trú, cũng bảy, tám người lấy một nội trú. Làm ngoại trú hai, ba năm thì được thi nội trú, thi đỗ làm bốn năm trong các bệnh viện, "dưới trướng" của những giáo sư nổi tiếng, trở thành môn đệ của những vị giáo sư này, sau đó tiến dần lên nối nghiệp của các ông thầy. Đến bất kỳ một thành phố nào trong nước Pháp và trong các nước thuộc Pháp, một bác sĩ cựu nội trú các bệnh viện Paris được mọi người kính nể, trong các sinh hoạt xã hội được xếp vào hàng ngũ những nhân vật quan trọng.

Tôi được cái may là học gì cũng dễ nhớ, nên không sợ những cuộc thi cử; nhưng dù sao, như một vận động viên đi Olympique, tôi chuẩn bị rất kỹ để thi nội trú Paris. Đến Pháp, tôi thi ngay và đỗ ngoại trú, và bắt đầu học để thi nội trú. Chương trình học bình thường được tiến hành song song với việc chuẩn bị thi nội trú. Mỗi buổi sáng, 8 giờ tôi đến bệnh viện làm nhiệm vụ ngoại trú đến 12 giờ trưa; ăn cơm xong, một giờ rưỡi chiều, tôi vào tham khảo sách báo ở thư viện của trường y, một thư viện hết sức phong phú cho đến 4 giờ chiều. Sau đó hoặc đi nghe giảng bài, hoặc đi thực tập ở các phòng xét nghiệm cho đến 7 giờ; ăn cơm tối xong, 8 giờ về đến nhà, học thêm 2-3 tiếng.

Mỗi tuần hai lần, từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm, đi học với một nhóm 7-8 người chuẩn bị thi nội trú, do một bác sĩ đàn anh hướng dẫn, tập làm bài viết, tập trình bày nói, viết nói làm sao cho sáng sủa nhất, súc tích nhất, dí dỏm phần nào càng tốt. Phải tập bố cục rất chặt chẽ, cân nhắc từng câu từng chữ, ở đây hơn nhau từng chi tiết nhỏ, mà bài vở lại phải làm xong trong một thời gian rất ngắn. Đặc biệt buổi thi nói là một thử thách ít người vượt qua một cách dễ dàng: trình bày một vấn đề phức tạp chỉ trong 5 phút, trước mình là một ban giám khảo với những giáo sư nổi tiếng, trông lên "mặt sắt đen sì", sau lưng mình là bốn, năm trăm người nghe, bè bạn, gia đình và những người đến đây như đi xem diễn kịch. Bên cạnh là một chiếc đồng hồ kêu lách tách, hết năm phút là chuông đồng hồ reo lên, thí sinh phải đứng dậy nhường chỗ cho người khác. Ngập ngừng, cà lăm vài giây là hỏng cuộc.

Tôi tập trung hết sức vào việc học thi này. Chỉ có sáng chủ nhật là ra sân vận động của khu học xá chơi thể thao, hoặc đi bơi ở bể tắm cũng của khu học xá. Nghỉ hè, là ngoại trú bệnh viện, chỉ được nghỉ một tháng, tôi lấy xe đạp đi dạo quanh nước Pháp, qua nhiều vùng từ ngoại ô Paris đến núi Pyrénées, đi hết Bretagne, Normandie, Auvergne, Champagne... Về, lại cúi đầu học, học đến mức bài vở học thuộc như máy, bè bạn và ông thầy hướng dẫn đều nghĩ rằng, tôi thi là đỗ, bảo đảm gần như 100%.

Tôi quyết tâm học như vậy vì nhiều lý do. Ngày thi đỗ tú tài, phải lựa chọn nghề nghiệp thầy tôi bảo: làm nghề gì thì làm, đừng làm quan như thầy, khổ tâm lắm! Đại học Hà Nội thời ấy chỉ có hai trường: Luật khoa và Y dược; vào luật tất dẫn đến làm quan, tôi lựa ngành y, sau này chữa bệnh cứu người, vừa bảo đảm cuộc sống đầy đủ cho bản thân và gia đình, vừa được xã hội kính trọng. Chữa cho người giàu lấy tiền nuôi thân, chữa không tiền cho người nghèo, và ngay những người Pháp cũng phải nhờ đến tôi khi gặp bệnh nặng.

Tôi sẽ đào tạo một lớp bác sĩ có trình độ khoa học cao, đưa ngành y của nước ta lên ngang hàng với các nước lớn, góp phần nâng cao "dân trí" của nước ta, mang về cho đất nước cái bí quyết thành công của phương Tây là khoa học, rồi dần dần người Pháp buộc phải nhường chỗ cho những người Việt Nam tài giỏi. Không cần đổ máu vô ích. Tôi nghĩ đó là cách giải đáp hay nhất cho câu hỏi bà o tôi đã đặt ra, cách "trả nợ" trọn vẹn nhất đối với xã hội.

Thật là công tư vẹn cả hai bề, tôi tính ở Pháp tập trung học tập sáu, bảy năm như vậy, khoảng 1943-1944 thì về nước, vinh quy gặp lại thầy tôi và bà o, cùng họ hàng bè bạn, với cái học vị nội trú các bệnh viện Paris.

***

Con người lo toan một đàng, lịch sử - xưa nói là vận Trời - an bài đàng khác. Nghỉ hè 1939, đạp xe từ vùng Bretagne về Paris, tôi bước vào năm học mới trong tư thế sẵn sàng, đúng như một vận động viên sắp ra trận, bài bản thuộc làu, với lòng tự tin và sự tín nhiệm của bè bạn.

Tháng 9-1939, Pháp tuyên chiến với Đức, sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan, chuyện gì vậy? Cho đến lúc ấy tôi chưa bao giờ mua một tờ báo, không bao giờ nghe đài; ai đánh ai, vì sao, được thua sẽ như thế nào? Phát xít là gì, chống phát xít là gì, toàn những câu hỏi hết sức xa lạ với tôi, lần đầu tiên tôi vấp phải, mà không có một cơ sở nào để giải đáp. Phe đảng ở Pháp thì nhiều, mỗi phe một tờ báo, mỗi người nói một phách, trong mấy năm trời, mãi học tôi chẳng hề biết đến, nay tôi đứng trước một cuộn tơ vò không biết gỡ theo mối nào.

Không thể không tìm lời giải đáp, vì thời cuộc đã đụng ngay đến những vấn đề thiết thân nhất. Vì sinh viên nam bị động viên làm nghĩa vụ quân sự, chính phủ Pháp tạm thời hoãn bỏ cuộc thi nội trú cho đến hết chiến tranh. Và chúng tôi, những người sinh viên Việt Nam, hàng tháng nhận tiền của gia đình gửi sang sẽ có cơ là không được tiếp tế nữa. Làm gì đây, xoay xở thế nào đây.

Bộ thuộc địa của Pháp ra thông báo sinh viên Việt Nam nào gặp khó khăn có thể làm đơn xin trợ cấp. Anh Ngô Tử Thành học trước tôi ba năm bảo:

- Chịu khó vất vả một tí, tìm việc làm mà sống, đừng xin tiền bộ thuộc địa, nhục lắm, cậu phải biết tự trọng.

Thế là đám sinh viên Việt Nam ở Pháp, lúc ấy cũng không có gì đông lắm, chia làm hai, một bên là những người chịu vất vả tìm việc làm và cũng quen lối sống giản dị, không xin tiền của Bộ thuộc địa, một bên vì quen sống xa hoa, sợ lao động, đành ngửa tay xin tiền. Hồi đó không bên nào có ý thức chính trị gì rõ rệt, cộng sản hay quốc gia gì hết, nhưng về sau sự phân hóa, một bên ủng hộ kháng chiến, một bên theo Bảo Đại, lại diễn ra hầu như hoàn toàn đúng theo ranh giới trên. Sau này làm công tác chính trị, tôi vẫn đánh giá con người không những về quan điểm lập trường, mà về cả phẩm chất, sinh sống giản dị hay xa hoa, chịu khó vất vả hay không, một con người ham mê tiêu xài khó mà trở thành một cán bộ cách mạng chân chính.

Đứng trước sự lựa chọn hồi ấy, tôi lại gặp may: cuộc thi nội trú bị hoãn bỏ, nhưng vì nhiều nội trú phải tòng quân, các bệnh viện chỉ định một số ngoại trú xuất sắc lên làm nội trú. Tôi được cử làm nội trú, vào bệnh viện ăn ở và ăn lương, không cần đến tiền gia đình gửi sang nữa, mà lại có điều kiện học tập thêm. Các bệnh viện thiếu người, nên công việc dồn dập, tôi phải trực đêm khá nhiều, nhưng sức khỏe tốt, không có gì đáng ngại.

***

Tôi vẫn say mê học tập, nhưng không thờ ơ với thời cuộc như trước nữa. Mọi người trong bệnh viện nơi tôi làm việc giục tôi rời bỏ Paris, bảo rằng: quân Đức đến thì bao nhiêu thanh niên sẽ bị đày qua Đức lao động khổ sai hết. Tôi rủ hai anh Hoàng Xuân Nhị và Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) cùng đi. Chúng tôi nhằm hướng Nam mà tiến, mang theo đồ đạc cắm trại ngủ dọc đường. Đường sá đầy người và xe cộ: Mười triệu dân Pháp từ các tỉnh phía bắc và đông chạy về phía nam, ô tô, xe ngựa, xe bò, đi bộ, có những nông dân đẩy cả đàn bò đi theo. Một cảnh hoảng loạn, không có tổ chức gì cả! Thỉnh thoảng máy bay Đức bay qua, hồi đó chưa có phản lực, nhưng quân Đức gắn vào những cái còi kêu rú lên, làm cho những người Pháp tản cư chạy tán loạn. Không một phát súng từ mặt đất bắn lên.

Chúng tôi đến tỉnh Haute-Vienne cách Paris hơn bốn trăm cây số thì quân Đức đã tiến tận biên giới phía nam của Pháp, chính phủ Pháp đầu hàng, đài phát thanh do Đức chỉ đạo tuyên bố mọi người cứ về làm ăn như trước, quân Đức không bắt bớ ai hết. Cả một nước Pháp êm thắm chuyển sang chế độ bị quân Đức cai trị.

Chúng tôi lại đạp xe trở về Paris, tôi trở lại bệnh viện làm việc như trước. Một hôm, vào phòng giáo sư thủ trưởng, thấy ông đang tranh luận sôi nổi với một giáo sư khác; người này thì buồn phiền vì nước Pháp bị nước Đức đô hộ, ông kia lại bảo, quân Đức vào là một diễm phúc, có vậy mới diệt trừ được bọn cộng sản, mới không bao giờ sẽ diễn lại cái trò Mặt trận bình dân nữa. (Năm 1936, cao trào bên tả đại thắng trong tổng tuyển cử, một chính phủ Mặt trận bình dân lên cầm quyền, thực hiện một số cải cách xã hội quan trọng đụng chạm tới quyền lợi của những công ty tư bản lớn).

Tôi giật mình nghe một người Pháp tán thành việc quân Đức xâm chiếm nước Pháp; hồi ấy tôi cứ đinh ninh đối lập Pháp Việt, nước Pháp, dân Pháp là một khối thống nhất, là kẻ địch của ta, đối với tôi, Đức thắng Pháp là thắng một kẻ thù của ta, còn phát xít hay chống phát xít, tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Tôi không ngờ giữa người Pháp với nhau lại chia rẽ sâu sắc đến như vậy, không ngờ là nước nhà bị người ngoài thống trị mà có người lại vui mừng hân hoan, về sau tôi mới hiểu rõ, một bộ phận giai cấp thống trị ở Pháp đã liên minh với phát xít Đức, làm nội ứng cho quân Đức dễ dàng đánh bại quân đội Pháp, và dễ dàng đặt lên nước Pháp nền cai trị để khai thác toàn bộ sức người sức của của Pháp, rồi tiến công Liên Xô. Tôi bắt đầu suy nghĩ thực sự về chính trị, về quan điểm giai cấp, một điều trước đó đối với tôi khá mơ hồ.

Cũng vào thời ấy, trên đất Pháp có mấy vạn người Việt Nam đa số là nông dân nghèo, do thực dân Pháp đưa sang, người đi lính, người làm công nhân trong các nhà máy quân sự của Pháp, tất cả đều do thực dân quản lý với chế độ nhà binh. Những anh em chiến binh công binh này sống trong những trại rải rác khắp nước Pháp; bọn chỉ huy toàn là những sĩ quan và hạ sĩ quan ở Đông Dương về, vừa tham nhũng vừa hách dịch. Anh em sống rất khổ cực, suất ăn bị chúng cắt xén, làm việc vất vả, nhiều người bị bệnh. Một số trí thức và sinh viên Việt Nam tìm cách giúp đỡ anh em chiến binh công binh ấy, họ rủ tôi làm một số việc về y tế và văn hóa. Hoàn cảnh nước Pháp thời ấy không cho phép chúng tôi tiếp xúc nhiều với anh em trong các trại, và đây mới chỉ là bước vỡ lòng về sinh hoạt chính trị xã hội của tôi; tôi vẫn tiếp tục say mê về y học, nghĩ rằng tương lai của mình cũng không thể nào nằm ngoài ngành y.

***

Tôi quyết định không kéo dài thời kỳ làm nội trú, năm 1941 tôi làm luận văn tốt nghiệp và tính đường về nước. Nhưng thủy quân Anh thời ấy, vì Pháp đã thuộc quyền người Đức và ở Đông Dương thì bộ máy thực dân đã cấu kết với Nhật, không cho tàu thủy của Pháp qua Việt Nam nữa, tôi đành ở lại, tiếp tục làm việc trong bệnh viện. Quân Đức chiếm đóng Pháp, trưng thu lương thực và hàng hóa phục vụ chiến tranh - đến tháng 6-1941 Đức tiến công Liên Xô - ăn uống ngày càng thiếu thốn. Mùa rét than củi cũng hiếm.

Một buổi sáng tháng 1-1942, vừa ngủ dậy, tôi bỗng khạc ra một ít máu tươi: Thôi, không ngờ gì nữa, tôi đã bị lao phổi. Trước đó, tôi vẫn nghĩ rằng, là một thanh niên tráng kiện, thường chơi thể thao, không thể nào đau ốm; ngờ đâu chỉ cần không đầy hai năm ăn uống có phần sút kém, và làm việc nhiều, đồng thời hoang mang chưa biết tiền đồ mình sẽ ra sao, đi hướng nào cho đúng đã đủ làm cho tôi mắc phải chứng bệnh nan y này. Hồi ấy chưa có những thuốc chữa lao như ngày nay, chỉ có cách là nằm nghỉ năm này qua năm khác, may gặp thể loại nhẹ thì cơ thể sẽ vượt qua thử thách. Trong nhiều trường hợp thì bệnh tiến triển từng đợt, tạm ổn định, rồi sau một thời gian lại tái phát, lan ra, đợt này tiếp đợt khác, dẫn đến tử vong sau vài năm.

Chốn đất khách quê người, trong lúc chiến tranh chưa biết bao giờ kết thúc, bao nhiêu mơ ước về tương lai đành xếp lại, tình cảnh quả là bi đát. Tôi được đưa đi điều trị ở một Sana (tên gọi các viện điều trị lao) ở Saint Hilaire du Touvet, một cao nguyên cách Paris hơn sáu trăm cây số, gần thành phố Grenoble. Chế độ hàng ngày là ăn xong được đi lại chốc lát, phải vào nằm nghỉ, tối ngủ sớm, càng ít hoạt động càng tốt, nằm xong lại tốp ba tốp năm rủ nhau dạo rừng hay đồng cỏ chung quanh Sana.

Trong hơn một năm nằm nghỉ, nhờ Sana có một tủ sách rất phong phú, nên tôi đọc được khá nhiều: tôi say mê bước vào những lãnh vực chính trị, xã hội, tâm lý, triết lý. Sách về Việt Nam cũng có, sách dịch các tác phẩm triết học Á đông cũng không thiếu.

***

Lần đầu tiên lao vào hoạt động xã hội chính trị, không dựa vào một tổ chức nào, chỉ vài anh em bàn qua với nhau, tôi vừa phí sức vừa phí thì giờ chạy qua chạy lại từ trại này sang trại khác. Thời chiến, ăn uống thất thường, đi lại khó khăn, mệt xác thì nhiều, kết quả chẳng là bao. Dù sao nhờ đó cũng làm quen được một số anh em cốt cán trong các trại chiến binh và công binh.

Chưa đầy bốn tháng hoạt động, một hôm tôi bỗng rùng mình, nổi cơn sốt rồi khạc ra đờm: bệnh tái phát rồi! Tôi trở lại Sana, lần này đúng là không thể đùa với bệnh lao được. Chụp phim thấy lá phổi bên phải đã bị nhiễm gần hết, và phổi bên trái cũng lốm đốm vài vết. Bác sĩ viện trưởng xem phim lắc đầu, và tôi cũng nghĩ rằng thế là lần này khó thoát rồi! Kết luận đầu tiên: làm bác sĩ mà không biết lượng sức mình, trong việc học của tôi, mặc dù đã chịu khó đào sâu, vẫn thiếu một cái gì đó.

Bệnh tình lần này khá nghiêm trọng, nằm ít lâu không thấy kết quả, bác sĩ đề nghị làm phẫu thuật, nhưng sức quá yếu, không chắc gì chịu được một vụ mổ xẻ. Bác sĩ bảo tôi nằm yên một năm không nói năng gì để lấy lại sức. Một năm trời tôi nằm yên không nói một lời, y tá lặng lẽ ra vào chăm sóc. Rồi lên bàn mổ nhiều lần.

Năm 1951, bệnh tình tạm ổn định, nhưng ở một mức suy kém hơn lần trước nhiều. Bệnh án của tôi ghi rõ: giảm chức năng thở nghiêm trọng. Bác sĩ viện trưởng lại bảo tôi:

- Lần này chắc anh không từ chối chỗ làm mà chúng tôi đã sắp xếp cho anh.

Tôi đáp lại:

- Tôi sẽ về Paris nhận nhiệm vụ tổ chức Việt kiều giao cho.

Viện trưởng trừng mắt:

- Anh điên hay sao? anh còn một phần ba phổi, nếu bệnh tái phát thì hết đường cứu chữa, mà dù không chết vì lao, chỉ riêng khối phổi xơ cứng của anh, cứ vài mùa đông viêm đi viêm lại phế quản đủ làm tim của anh suy, anh biết rõ tim phế mãn là thế nào chứ?

Tôi thản nhiên trả lời:

- Biết rất rõ.. chỉ có chết.

- Thế anh muốn tự sát à?

- Không đâu. Lần trước quả là tôi chủ quan, nên phải trở lại, và nằm thêm gần chín năm nữa, lần này tôi được chuẩn bị hết sức đầy đủ, về mọi mặt để trở về Paris công tác.

- Paris sẽ giết anh, với ba mươi năm kinh nghiệm trong nghề, tôi khuyên anh từ bỏ ý định điên rồ ấy.

Tôi hẹn gặp lại ông trong vài năm nữa, không phải ở đây, mà chính ở Paris, hoặc có thể ở Hà Nội cũng nên.

Ông già viện trưởng lắc đầu:

- Mặc dù tôi không tin Chúa, tôi cũng xin cầu Chúa cứu anh.

Khó mà nghĩ rằng mắc bệnh nặng, phải nằm viện đến mười năm, lên bàn mổ nhiều lần, lại là chuyện may. Nhưng quả như thế: ngày nay, ba mươi lăm năm sau khi từ biệt ông bác sĩ viện trưởng đã chăm chữa cho tôi trong mười năm, tôi có thể khẳng định đúng mười năm ấy là một dịp may lớn trong đời tôi.

Sana Saint Hilaire du Touvet tập hợp hơn ba trăm sinh viên và trí thức học ở Pháp (gồm người Pháp và người nước ngoài), lên nằm đây, trung bình mỗi người ba - bốn năm, có người lâu hơn. Ban lãnh đạo của Sana quan niệm rằng, mặc dù bệnh lao rất khó chữa, nhưng người nào cũng vẫn giữ được một sức lao động nhất định, cần khai thác triệt để khả năng còn lại ấy. Vì vậy cố gắng tổ chức làm sao cho mỗi sinh viên trí thức ở đây vừa chữa bệnh vừa tiếp tục học tập thi cử nghiên cứu, thư viện khá đầy đủ, có những buổi giảng bài, thảo luận về nhiều chuyên đề, có mời những giáo sư ở các thành phố về phụ đạo, và những người có khả năng được phép về các thành phố trong những thời gian nhất định tham gia thi cử. Nhiều chính khách, bác học nổi tiếng đến trình bày những vấn đề thời sự hay khoa học, văn học. Trong nhiều năm, tôi được tham gia những sinh hoạt văn hóa rất phong phú, ở ngoài chưa chắc đã được như vậy, giúp cho tôi nhận thức rõ thêm về nhiều vấn đề.

Quân Đức đầu hàng, Nhật đầu hàng, thời cuộc dồn dập, nước Pháp được giải phóng, tin Cách mạng tháng Tám thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền sang. Tôi vẫn nằm trên giường bệnh, chưa rõ sống chết ra sao. Một số bè bạn như anh Phạm Quang Lễ theo Bác Hồ về nước, lúc chia tay, các anh xem như là vĩnh biệt tôi, chắc không bao giờ gặp nhau nữa. Trong các trại, anh em chiến binh công binh, hợp tác với một số sinh viên trí thức Việt kiều, được Đảng cộng sản Pháp và công đoàn Pháp CGT giúp đỡ dấy lên một phong trào rầm rộ, đòi hỏi độc lập cho đất nước, ủng hộ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, tổ chức phong trào xóa mù chữ (lúc ra đi đa số là nông dân nghèo), học tập chính trị văn hóa. Chính phủ Pháp muốn anh em gia nhập hàng ngũ đội quân viễn chinh của Pháp được tổ chức để chiếm lại Đông Dương. Anh em trong các trại chống lại kịch liệt, đã có lần nổ súng chống lại cảnh binh Pháp. Từ trong nước, phái đoàn điều đình Fontainebleau, phái đoàn do Bác Hồ dẫn lần lượt sang Pháp, nhưng thực dân Pháp ngoan cố, không chịu công nhận nền độc lập của Việt Nam. Chiến tranh lan rộng khắp đất nước. Tôi vẫn phải nằm yên ở Sana.

***

Thoát khỏi ách phát xít, nhân dân Pháp sống qua một giai đoạn sôi sục. Đảng cộng sản Pháp nổi lên thành đảng mạnh nhất, có uy tín nhất trong quần chúng, vì đã làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến chống Đức. Nhưng do có hơn một triệu quân Anh - Mỹ được trang bị tối tân đóng trên đất Pháp, sẵn sàng dập tắt bất kỳ một cuộc nổi loạn nào. Giai cấp tư sản vẫn nắm ưu thế về nhiều mặt; cơ cấu kinh tế không hề thay đổi, bộ máy cai trị sau khi hợp tác với Đức nay lại quay sang liên minh với Anh-Mỹ. Liên minh Liên Xô - Anh - Mỹ chống Hitler chỉ một năm sau chiến tranh kết thúc đã tan rã. Năm 1946 Churchill tuyên bố dứt khoát thành lập khối tư bản chống lại Liên Xô, rồi khối Đại Tây Dương (NATO) ra đời, chuẩn bị chiến tranh tiêu diệt Liên Xô, trên cơ sở Mỹ còn độc quyền sản xuất bom nguyên tử, và Liên Xô, thì bị tàn phá nặng nề, còn phải nhiều năm nữa mới mong đủ sức chống lại.

Cuộc đấu tranh chính trị ở nước Pháp xoay quanh mấy chủ đề:

+ đấu tranh giành quyền lợi kinh tế xã hội tối đa cho giai cấp công nhân, chống tư bản độc quyền.

+ đấu tranh cho hòa bình, chống lại việc chuẩn bị chiến tranh đánh Liên Xô.

+ đấu tranh chống thực dân Pháp mưu đồ dùng vũ lực chận đứng phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa.

Đi song song với cuộc đấu tranh chính trị ấy, cuộc đấu tranh tư tưởng xoay quanh chủ nghĩa Mác, xoay quanh vai trò lịch sử của Liên Xô trở nên sôi động, không đâu là không bàn đến.

Trong Sana, ngoài giờ chữa bệnh và nằm nghỉ, bệnh nhân được phép hoạt động chính trị; những đảng viên cộng sản đi kháng chiến hoặc ở các trại tập trung về thành lập chi bộ, tổ chức bán sách báo của Đảng, hội họp trình bày các vấn đề chính trị và giới thiệu chủ nghĩa Mác-Lênin, chống đạo giáo và chủ nghĩa hiện sinh. Sự kết nạp vào Đảng những nhà bác học, nhà văn nghệ sĩ lớn như Joliot-Curie, Aragon, Picasso tạo cho Đảng cộng sản Pháp một uy tín lớn trong giới trí thức. Các đảng bên hữu cũng không chịu thua, nhất là bên đạo Kitô có một bộ phận khá mạnh trong Sana lại được một linh mục chuyên trách chủ trì. Trên cao nguyên Saint-Hilaire du Touvet còn có một Sana của công nhân thợ mỏ, một Sana của công nhân cơ khí luyện kim của vùng Lyon là một vùng công nghiệp lớn, tổng cộng bệnh nhân với cán bộ nhân viên, với nông dân và tiểu thương, cao nguyên có đến ba nghìn người, thành một thị trấn với nhiều thành phần, một nước Pháp thu nhỏ lại. Đảng bộ Saint-Hilaire du Touvet trở thành một đảng bộ quan trọng của cả một vùng.

***

Nằm trên giường bệnh, tôi vẫn được anh em trong tổ chức Việt kiều mới thành lập sau ngày nước Pháp giải phóng thường đến gặp cho biết tin tức: tôi cũng được giao nhiệm vụ, những lúc nào có sức viết một số bài đăng các báo của Việt kiều hay của Pháp, biên soạn một vài tài liệu giúp anh em các trại học tập về chính trị và văn hóa. Nhờ có tủ sách phong phú của Sana, nhờ sự chỉ bảo của các đồng chí Pháp, tôi đã học tập được khá nhiều trong công việc biên soạn này.

Chi bộ Sana đến đề nghị tôi tham gia chiến dịch chống chiến tranh Việt Nam; tôi cung cấp tài liệu sách vở cho các đảng viên Pháp, kể lại cho họ về cuộc sống của nhân dân ta dưới chế độ thực dân. Chi bộ mời tôi tham gia những sinh hoạt chính trị khác, về chống Mỹ, về cuộc đấu tranh cho quyền lợi công nhân, về những buổi học tập chủ nghĩa Mác-Lênin. Bao nhiêu điều trước kia tôi không nghĩ đến, hoặc nghĩ không ra, nay dần dần sáng tỏ. Bao nhiêu năm quanh co đi từ Descartes sang Khổng Mạnh, từ Gandhi sang Giêsu, khi thì thú vị về Nietzsche, khi thì say sưa đọc Sartre, khi thấy mình gần như chấp nhận gần hết giáo lý của Phật, nhưng không thể nào dứt khoát được.

Vì tất cả những học thuyết và tôn giáo trên chỉ giải đáp cho tôi từng mảng trong cuộc sống; làm thế nào để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, bảo vệ hòa bình cho thế giới, trả nợ cho đồng bào, và anh em chiến binh công binh đã chịu bao nhiêu năm đau khổ trong các trại, làm sao đáp ơn những bạn Pháp và nhiều nước đã giúp tôi. Làm sao hòa nhập được cái vốn khoa học đã tích lũy trong những năm y khoa...

Một số đảng viên Pháp đề nghị kết nạp tôi vào Đảng. Tôi tỏ ý e ngại, tôi là con nhà quan, không biết có được không. Anh em cười ồ lên:

- Chúng tôi kết nạp cậu chứ có kết nạp ông cụ nhà cậu đâu mà lo ngại. Này đồng chí De L. đây, anh biết, tên mà có chữ De là giòng dõi quý tộc đấy, đồng chí P. này là con cháu Michelin, nhà đại tư bản có những đồn điền cao su mênh mông ở Việt Nam đấy.

Thế là năm 1949, tôi được kết nạp vào Đảng cộng sản Pháp.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (người thứ tư, hàng bên trái) tại cuộc hội đàm giữa Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam và Đoàn Đại biểu Đảng Cộng Sản Pháp - Ảnh: internet.


Sau đó vài tháng, một nghị sĩ đảng dân chủ Kitô, Chủ tịch ủy ban về Đông Dương của quốc hội Pháp đến Sana nói về chiến tranh ở Việt Nam. Các đồng chí Pháp bảo tôi:

- Bọn phản động mở một chiến dịch lớn cố lôi kéo dư luận ủng hộ chính sách tăng cường chiến tranh đấy, cậu phải chuẩn bị tốt phản biện lại.

Hôm ấy hội trường hơn ba trăm người chật ních, có cả những người ở các Sana đến nghe. Tôi vừa bị mổ cách mấy tuần, chưa đi lại được, các đồng chí Pháp cho tôi lên xe đẩy tới hội trường tham gia buổi họp. Viên nghị sĩ quả là ăn nói hùng biện, giải thích vì sao nước Pháp phải đưa quân sang Việt Nam bảo vệ tự do cho cả loài người, bảo vệ nền văn minh Kitô, đánh bại một nhóm cộng sản tàn bạo, tay sai của Liên Xô, cứu vớt lấy nhân dân Việt Nam.

Diễn giả nói xong, tôi xin phát biểu ý kiến. Anh em đẩy xe tôi lên diễn đàn, tôi cầm lấy micro. Cả hội trường im lặng, chờ đợi một vụ đấu khẩu sôi nổi. Tôi rất ôn tồn, không dùng dao to búa lớn, nhưng đưa ra những sự kiện lịch sử, những số liệu chính xác trình bày thế nào là chế độ thực dân, là cuộc đấu tranh lâu đời của dân tộc Việt Nam; hồi ấy, bản báo cáo mật của tướng Revers, tổng chỉ huy Pháp bị tiết lộ ở Pháp. Tôi dựa vào đấy chứng minh rõ ràng Bảo Đại chỉ là bù nhìn do Pháp đưa lên, và chính phủ Hồ Chí Minh đã tập hợp tuyệt đại đa số nhân dân sau lưng mình. Kết-luận, tôi nói rõ nhân dân Việt Nam chỉ căm thù bọn thực dân, chứ sẵn sàng đặt quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân Pháp, và chính cụ Hồ Chí Minh đã dạy nhân dân chúng tôi phân biệt rõ bọn thực dân bóc lột với nước Pháp chân chính, một nước đã sinh ra những con người vĩ đại như Pasteur, như Victor Hugo...

Tôi nói xong, anh em lại đẩy xe tôi xuống, ba phần tư hội trường vỗ tay vang dội, còn viên nghị sĩ và cả một nhóm phản động ngồi im thin thít. Vài hôm sau, một nhóm phản động gửi lên ban lãnh đạo Sana một bản kiến nghị đề nghị đuổi tôi khỏi bệnh viện, lấy cớ là nước Pháp không thể nuôi ong tay áo. Hầu hết các bệnh nhân ký kiến nghị ngược lại, bảo không thể hành động vô nhân đạo đuổi một bệnh nhân đang ốm nặng khỏi bệnh viện. Tôi vẫn tiếp tục được chăm chữa như trước.

Khi sức khỏe khá hơn, tôi được giao thêm nhiệm vụ, được cử sang giảng dạy về chủ nghĩa Mác cho thanh niên công nhân ở Sana bên cạnh, nhờ đó, quan hệ của tôi được mở rộng ra ngoài giới sinh viên trí thức Pháp, tôi còn làm thân được với một số anh em công nhân các ngành và các tỉnh nữa. Năm 1950, một anh thanh niên cộng sản rủ tôi về thăm quê ở vùng Hérault là một vùng chuyên trồng nho; chúng tôi về đúng lúc những tiểu chủ trồng nho đang đấu tranh sôi nổi chống việc chính phủ ép giá rượu nho làm cho họ phá sản, tạo điều kiện cho địa chủ tập trung ruộng đất. Cả một vùng đang sôi động, nông dân ngăn đường không cho xe cộ đi qua, cảnh binh tuần tra ngày đêm. Suốt một tuần tôi được họp cùng chi bộ địa phương bàn về sách lược đấu tranh. Ngoài những hoạt động chính trị, trong Sana thường xuyên xảy ra những cuộc tranh luận sôi nổi về những quyển tiểu thuyết, cuốn phim mới ra, sau những buổi nói chuyện của những nhà khoa học, nhà văn nổi tiếng. Có lần tôi tranh luận ráo riết với nhà văn Albert Camus về đạo Nho, sau đó năm 1962 tôi đã cho đăng bài Khổng giáo và chủ nghĩa Mác ở Việt Nam trên tạp chí La Pensée. Tôi cũng tham gia những cuộc tranh luận nẩy lửa giữa chi bộ Sana và các nhóm khác về các sự kiện xảy ra ở Liên Xô. Đấu tranh cho độc lập dân tộc vẫn là nhiệm vụ chủ yếu, nhưng tôi không còn là con người thuần túy Việt Nam nữa, tôi đã nhuốm máu quốc tế vô sản.

Không phải trong sách vở học ở Đại học y khoa, cũng không phải trong kinh điển Mác-Lê, mà tôi tìm ra con đường thoát khỏi bệnh hoạn. Nhân đọc một số sách về triết học Ấn Độ bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (có thể nói gần như toàn bộ kinh điển của triết học Á Đông đã được dịch sang hai thứ tiếng ấy), tôi gặp phải chương tập luyện Yoga, và dĩ nhiên, mang bệnh phổi hiểm nghèo, tôi quan tâm đặc biệt đến phương pháp luyện thở của Yoga.

Điều phát hiện đầu tiên là phương pháp thở này - thường gọi là thở bụng - hợp với sinh lý hơn phương pháp thường dạy trong thể dục; điều lạ nhất là tất cả các bác sĩ, lúc học sinh lý thì biết rõ cơ hoành là cơ chủ yếu trong hô hấp, nhưng lúc tập thở lại không vận dụng cơ chủ yếu ấy, mà dùng đến những cơ phụ là các cơ phần trên của lồng ngực. Thí nghiệm trên bản thân, tôi thấy rõ tác dụng của lối thở bụng không những là tăng cường hô hấp, mà còn giúp cho tim mạch rất nhiều, giúp cho bộ phận tiêu hóa, và quan trọng hơn cả điều hòa hoạt động của thần kinh, và thông qua đó, điều hòa toàn bộ hoạt động của cơ thể.

Thế là tôi nắm được bí quyết giữ gìn và nâng cao sức khỏe, một phương pháp vô cùng đơn giản, không tốn một đồng xu, tôi biết chắc chắn là có thể trở lại với cuộc sống bình thường. Tôi tóm lược những điều cơ bản ấy trong một bài ngắn đăng lên tạp chí y học La Presse médicale, nhưng chẳng bác sĩ nào khác chú ý đến, người ta còn say mê về những vị thuốc mới phát minh ra.

Năm 1951, khi xuất viện, bác sĩ viện trưởng thấy tôi nhất định trở về Paris, ông tưởng tôi là gàn dở, ông có ngờ đâu, lần này tôi ra viện không như lần trước nữa: tôi đã nắm được bí quyết về sức khỏe, và mặt khác, về chính trị xã hội, tôi đã biết tôi sẽ làm gì, và làm như thế nào. Lần này tôi đã được trang bị đầy đủ để vượt qua những thử thách đang chờ đợi tôi.

Tôi không đi thẳng về Paris, mà năm đầu, tôi xuống thành phố Grenoble thử sức và tập sự đã. Ở đây có hơn hai mươi anh em công nhân và một số sinh viên Việt Nam đang làm việc và học tập. Tôi nhận nhiệm vụ từ tổ chức Việt kiều trên Paris giao cho, tổ chức các anh chị em ở Grenoble, đưa họ vào những hoạt động hưởng ứng cuộc kháng chiến trong nước. Một nhóm công nhân làm ở một nhà máy thuộc da đóng góp nuôi tôi, tôi ở chung với họ, tối về giảng dạy cho anh em về thời sự và văn hóa. Anh em công nhân và sinh viên tập hợp lại thành một tổ chức kiểu Mặt Trận trao đổi với nhau về tình hình trong nước, về phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Pháp, và bàn với nhau về việc tổ chức một số sinh hoạt chính trị hoặc xã hội văn hóa.

Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Pháp và Công đoàn C.G.T., phong trào hòa bình ở địa phương, với một số nhân sĩ tiến bộ kể cả bên Kitô giáo. Chúng tôi cũng bắt liên lạc với tổ chức của anh em Algérie. Tôi thường đến giúp tờ báo địa phương của Đảng Cộng sản Pháp. Sau một năm hoạt động, mạng lưới quen biết của tôi ở Grenoble mở ra khá rộng.

Những ngày lễ 2-9, những buổi mit-tinh chống chiến tranh Việt Nam thì phong trào hòa bình của Pháp đứng tên, bà con Việt kiều tham gia tích cực; những ngày Tết thì Việt kiều tổ chức mời một số quan khách Pháp, thường là lãnh đạo tỉnh bộ Đảng cộng sản và một số nhân sĩ Pháp. Ngoài Đảng cộng sản có những nhóm tiến bộ phía đảng xã hội, những nhóm Kitô như là Quinzaine, Esprit, Témoignae chrétien. Chúng tôi cố gắng đưa một vài tiết mục văn nghệ dân tộc vào những buổi này.

Khoảng ba mươi anh chị em Việt kiều ở Grenoble thời ấy sống với nhau như một đại gia đình, chủ nhật ngày nghỉ gặp nhau trò chuyện ăn uống, cắm trại, học tập về chính trị, giúp nhau khi ốm đau. Ngay những người không hoàn toàn đồng tình với kháng chiến trong nước, cũng không nói ra, và vẫn tham gia những sinh hoạt chung, vì tách ra khỏi cộng đồng, sống cô đơn cũng không dễ gì. Vả lại chung quanh họ, ở xí nghiệp, ở trường học, những bạn Pháp của họ đa số chống lại chiến tranh, ủng hộ nền độc lập của nước ta, người Việt Nam nào thuộc phe Bảo Đại đều bị công kích.

Tôi thường sinh hoạt ở một chi bộ đường phố, gồm ba công nhân, một bà nội trợ, một ông già kế toán, chỉ mình tôi là Việt Nam; trong khu phố hàng ngày thường gặp nhau trao đổi thân mật. Các đồng chí cấp ủy ở thành phố, tòa soạn báo đảng và các nhân sĩ tiến bộ cũng thường gặp tôi.

Thời ấy, tổ chức Việt kiều còn được nhà chức trách Pháp cho hoạt động công khai với danh nghĩa là một tổ chức văn hóa. Thực chất là một Mặt trận dân tộc gồm các tổ chức công nhân, sinh viên trí thức, phụ lão, phụ nữ, thương gia, và cả một nhóm những người con dâu Việt Nam, tức những người phụ nữ Pháp có chồng Việt Nam. Nòng cốt là những đảng viên, mỗi người sinh hoạt trong một chi bộ xí nghiệp, hay trường học của Đảng cộng sản Pháp, nhưng đồng thời họp thành một đảng bộ Việt kiều lấy tên là nhóm Việt Ngữ, tự bầu lên cấp ủy, và do một đồng chí Trung ương Đảng Pháp chỉ đạo trực tiếp.

Tổ chức Việt kiều có một trụ sở, một quán cơm và cho ra một tờ thông tin in ronéo. Những hoạt động cũng tương tự như ở Grenoble nhưng đa dạng và qui mô lớn hơn nhiều. Ngoài ra còn những nhân sĩ và chính khách Việt Nam, tuy không vào tổ chức nhưng vẫn giữ quan hệ trong chừng mực nhất định, như các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Đệ; Một số sĩ quan bên Bảo Đại sang học tập ở Pháp - thực chất để tránh khỏi ra trận địa - cũng đóng góp tiền cho tổ chức yêu nước. Đảng Cộng sản và phong trào hòa bình Pháp thường đứng tên để cho các tổ chức Việt kiều hoạt động; công đoàn C.G.T. cũng giúp đỡ nhiều.

Một điểm nữa không kém quan trọng là Đảng cộng sản Pháp đứng trước một giai cấp tư sản có truyền thống lâu đời về chính trị, về văn hóa, về các thủ đoạn xuyên tạc lừa đảo. Phải tiến hành một cuộc đấu tranh vừa kiên cường, vừa tế nhị, mỗi một sai lầm đều phải trả giá đắt. Đặc biệt cuộc đấu tranh về văn hóa tư tưởng diễn ra ở một trình độ cao: địch thủ là những nhà bác học với một cái vốn văn hóa do ba trăm năm phát triển tư bản để lại (vả lại chính học thuyết Mác cũng xây dựng trên cơ sở vốn văn hóa đồ sộ ấy), không thể dùng những lời lẽ tuyên truyền thô sơ mà đấu lại được. Tham gia vào cuộc đấu tranh này đã giúp cho nhiều anh em Việt kiều hiểu chủ nghĩa Mác một cách đầy đủ hơn. Paris lại là trung tâm văn hóa của cả phương Tây, mặc dù về kỹ thuật thì Pháp còn thua các nước khác, nên tất cả các học thuyết mới của phương tây thường xuất phát từ đây, như hiện sinh, như trào lưu mới trong giáo hội Kitô, cấu trúc luận, hội họa trừu tượng... Thông qua cuộc đấu tranh lý luận này. Đảng Pháp đã truyền cho Việt kiều chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý báu.

***

Tôi đến Paris được anh em giao cho trách nhiệm ra một tập san in ronéo lấy tên là Khoa học và ứng dụng để thúc đẩy phong trào dùng tiếng Việt trong khoa học và đóng góp vào việc tạo ra những thuật ngữ khoa học, chuẩn bị cho anh em sau này về nước công tác. Trong những năm ở Sana, tôi đã ôn lại chương trình văn hóa Việt Nam và cố học thêm một ít chữ Hán, nên bắt tay vào việc này cũng không đến nỗi bỡ ngỡ. Tôi đã thử sức bằng cách lược thuật một số quan niệm của nhiều tác giả phương tây về tâm lý trẻ em và giáo dục trong hai tập nhỏ, đề là Lòng con trẻ và Giáo dục hoạt động, được tổ chức Việt kiều in ronéo. Ngoài ra tôi tham gia vào những công tác khác. Cho đến cuối 1952, tập san Khoa học và ứng dụng ra được ba số.

Những hoạt động của Việt kiều ngày càng lan rộng. Đặc biệt hàng năm có hai dịp biểu dương lực lượng, lễ hội chợ báo Humanité, cơ quan của Trung ương Đảng Pháp, vào đầu tháng 9, trùng với lễ Quốc khánh của nước ta và ngày Tết.

Đầu tháng 9, sau nghỉ hè, trong công viên lớn Vincennes (thường gọi là Rừng), ngay sát cửa Paris, trong hai ngày Đảng cộng sản Pháp tổ chức một cuộc hội chợ thu hút có năm đến một triệu người, từ khắp các tỉnh về, và có mặt của nhiều tờ báo các Đảng Âu Châu, cả Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đảng Pháp dành cho Việt kiều một khu rộng để dựng lên một gian triển lãm về Việt Nam, cờ đỏ sao vàng kéo lên bay phần phật ngay giữa thủ đô nước Pháp, trước mắt hàng chục vạn người qua lại. Trong gian triển lãm, có những tranh ảnh về Việt Nam, mỗi người đi ngang qua đều ký vào một kiến nghị gửi lên chính phủ Pháp đòi chấm dứt chiến tranh; còn có một cửa hàng bán những món ăn Việt Nam, mỗi lần lễ như vậy bán ra cả vạn chiếc chả giò, và mấy nghìn bát phở. Có những bạn Pháp nói:

- Tôi chỉ đợi ngày lễ Humanité, là từ quê tôi lên Paris cốt yếu để ký vào kiến nghị và ăn vài chiếc chả giò.

Lễ Tết được tổ chức ở trung tâm Paris trong phòng Mutualité chứa đến ba nghìn người; cũng danh nghĩa là phong trào hòa bình đứng lên xin phép, nhưng chương trình thì hoàn toàn do Việt kiều đảm nhận. Phòng bao giờ cũng chật ních, ba phần tư là Việt Nam. Phát biểu chính trị chống chiến tranh, ủng hộ độc lập của Việt Nam, biểu diễn chương trình văn nghệ.

Anh chị em Việt kiều lại cùng với các sinh viên Lào, Kampuchia và các nước châu Phi đang học tại Paris tổ chức một phong trào chống thực dân, được Đảng cộng sản Pháp và các tổ chức tiến bộ ủng hộ. Phong trào chống thực dân, nhất là trong sinh viên châu Phi phát triển mạnh mẽ. Phong trào đòi hòa bình ở Việt Nam dâng cao, số người ủng hộ chính sách chiến tranh của chính phủ Pháp ở Quốc hội ngày càng giảm sút. Chính phủ Pháp không thể gửi quân nghĩa vụ sang Đông Dương, số người tình nguyện sang Việt Nam ngày càng ít đi. Ở Quốc hội Pháp, một số nghị sĩ phản động chất vấn chính phủ Pháp tại sao, ngay giữa thủ đô Paris lại để bọn "Việt Minh" ngang nhiên cắm cờ đỏ sao vàng, và tập hợp quần chúng rầm rộ. Đã đến lúc chính phủ Pháp không thể dung thứ một phong trào Việt kiều yêu nước công khai nữa.

Tháng 12-1952. Một buổi sáng tinh sương, cảnh sát Pháp đến nhà một số cán bộ của phong trào Việt kiều bắt về giam giữ, các trụ sở của Việt kiều bị đóng cửa, các tổ chức được lệnh giải thể. Hơn mười cán bộ, trong đó có anh Phạm Huy Thông bị giải về giam ở Sài Gòn. Một số khác bị đưa về hỏi cung xong được thả ra, cảnh sát hăm dọa là nếu tiếp tục hoạt động, thì sẽ bị tống khỏi nước Pháp, đưa về giao lại cho chính phủ Bảo Đại, và ít nhất cũng mất chỗ làm.
 

BS NKV thăm gia đình một cơ sở ở Paris đã che giấu lúc hoạt động Việt kiều trong bí mật - Ảnh tư liệu

Cảnh sát bắt hụt một số người, trong đó có tôi. Hồi ấy tôi ở ngoại ô Paris, trong một gia đình công nhân Pháp, ông bà Lephay, với một cậu con trai làm thợ cắt kính, một cô con gái làm thợ may. Vì quen cậu con trai ở bệnh viện, nên lúc ra viện, gia đình ấy mời tôi về ở với họ, bà mẹ bảo tôi:

- Chỉ cần thêm một bát đĩa thôi, chẳng tốn kém gì.

Hai ông bà không phải là đảng viên, nhưng làm công nhân từ 14-15 tuổi, nên đã trải qua nhiều vụ đình công biểu tình và ghét cay đắng bọn tư bản và thực dân, cũng như bọn cảnh sát. Ông bà không rõ tôi làm gì cụ thể, nhưng cũng hiểu tôi là một người Việt Nam yêu nước, đồng thời là một đảng viên; vì đã kinh qua thời Đức chiếm, nên ông bà cũng không hỏi tôi nhiều hơn.

Tuy ở đây, nhưng cũng có ý đề phòng, nên tôi vẫn có nơi khác trú chân, nhiều đêm không ngủ nhà. Đúng hôm cảnh sát đến, thì tôi đi vắng. Cảnh sát vào lục nhà, không tìm được tài liệu gì, sau dẫn bà Lephay đi khắp các đường phố Paris, hỏi cho kỳ được là tôi trốn ở đâu. Sau này bà Lephay kể lại như sau:

- "Chúng hăm dọa tôi, nhưng tôi lạ gì chúng, bọn cảnh sát đồ ăn hại và ngu ngốc, mà tôi cũng chẳng biết anh ở đâu. Nó dẫn tôi đi ba ngày liền. Trong một tháng sau, mỗi lần tôi lên xe buýt về Paris lại một thằng lẽo đẽo đi theo, xem thử tôi đi những đâu. Chỉ vài lần là tôi nhận ra mặt, và mỗi lần sắp bước lên xe, là tôi gọi nó, này cậu kia, lên xe đi! Một tháng sau nó bỏ cuộc".

Trong hai năm trời, tôi không gặp lại gia đình ấy, có lúc cũng muốn ghé thăm vài phút, nhưng nguyên tắc hoạt động bí mật là tuyệt đối, không bao giờ về lại nơi ở của mình, vì cảnh sát bao giờ cũng rình mồi ở đấy. Tôi cũng tuyệt đối không trở lại Grenoble, và sau này anh em cho biết, một buổi sáng 19-5 năm giờ sáng, cảnh sát ập vào nơi tôi ở ngày trước cùng mấy anh em công nhân, chúng nghĩ là hôm ấy tôi về đấy làm lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Vấn đề đầu tiên là tìm được nơi ở an toàn, anh em bảo nên dựa vào mạng lưới của Đảng cộng sản Pháp, tôi bảo không cần. Mạng lưới quen biết của tôi xây dựng trong mười năm ở Sana, nay ở Paris không phải ít người, trí thức có, công nhân có, đảng viên có, ngoài đảng có, tôi biết là họ sẵn sàng giúp và sẽ không bao giờ phản tôi. Thế là tôi bắt đầu một cuộc sống, cứ vài tuần vài tháng lại đổi nơi ở từ quận này sang quận khác của Paris. Không có luật đăng ký hộ khẩu, nên ai muốn ở đâu cũng được, láng giềng không bao giờ quan tâm đến kẻ ra người vào những nhà bên cạnh.

Đi lại cũng không khó. Paris phố nào cũng người đông như chợ, mỗi chuyến tàu ngầm, chen chúc nhau bảy tám toa, lên tàu rồi đi đâu, xuống ga nào, đổi đường ở đâu, tài thánh cũng khó mà săn đuổi một người, chỉ cần nhanh nhẹn chút ít, và thạo đường. Dần dần tôi thuộc làu đường sá nội thành Paris, và các đường các ga tàu ngầm xe buýt. Mang một chiếc măng tô, đội mũ ụp lên đầu, chen vào đám đông, nhất là vào giờ tan tầm, thế là mất hút.

Tôi phải sắp xếp việc ăn ở và đi lại để nhận nhiệm vụ mới. Tổ chức Việt kiều phải chuyển sang hoạt động bí mật, ai sẽ là phụ trách chung! cần một người có khả năng giao dịch với các giới kiều bào, công nhân, sinh viên trí thức, nhân sĩ, với các tổ chức và nhân sĩ Pháp, có kinh nghiệm chính trị, có trình độ văn hóa khá. Anh em công nhân và sinh viên trẻ nhiệt tình đến mấy cũng không đảm đương được. Trong trí thức đứng tuổi thì anh Phạm Huy Thông đã bị bắt. Anh Trần Thanh Xuân trong nước đã có lệnh gọi về, những anh em khác vì gánh nặng gia đình khó mà thoát ly. Còn một mình tôi. Anh em chỉ lo ngại về sức khỏe. Tôi nghĩ rằng đấy chính lại là lợi thế của tôi, cảnh sát có chộp được, chủ nhà giấu tôi chỉ cần bảo là quen tôi từ ngày ở Sana, nay tôi bệnh nặng sức yếu, ông ta giúp cho để chờ ngày về nước thôi. Với bệnh án của tôi, và vết mổ sau lưng còn sâu hoắm chưa liền da, bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể chứng nhận là tôi không còn hơi sức nào mà đứng đầu một phong trào chính trị như của Việt kiều được. Sau này, một người Pháp quen, làm việc trong một cơ quan Pháp cho biết: Chính nội vụ Pháp cũng khá lúng túng về trường hợp của tôi, và có người đã bảo: truy nã tên này, bắt được nó, đưa ra tòa. Các báo cánh tả lại nhao lên là chính phủ Pháp vô nhân đạo truy ép một người bị bệnh nặng. Và có lẽ bây giờ nội vụ Pháp cũng chưa giải thích được một bệnh nhân nặng (mà thực như vậy, nếu nhìn vào bệnh án) lại hoạt động được gần như một người bình thường?

Tôi bảo với anh em, kinh nghiệm hai năm ở Grenoble và về Paris đã chứng minh là tôi đủ sức khỏe, nếu không tìm được ai khác, tôi xin đảm nhận. Năm ấy tôi đúng bốn mươi tuổi. Học nghề thầy thuốc nhưng lại mang lấy cái nghiệp làm chính trị.

***

Nhóm đảng viên Việt ngữ được chia ra làm một số tổ nhỏ, làm nòng cốt cho những tổ lấy tên là tổ Quyết Thắng gồm những anh chị em công nhân và sinh viên yêu nước sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ tổ chức giao. Chúng tôi cho ra một tờ thông tin in ronéo, lấy tên Quyết Thắng. Nhóm có nhiệm vụ đi phát cho bà con Việt kiều trong các trường học, xí nghiệp, gặp trên đường phố. Chúng tôi thường xuyên nhận được báo chí từ trong nước gửi sang, qua Liên Xô rồi nhờ Đảng Pháp chuyển lại các báo Cứu quốc (hồi đó ra hàng ngày) và Nhân dân (hồi đó ra hàng tuần). Tờ Quyết Thắng tóm lược lại phổ biến giữa kiều bào tin tức và những chủ trương lớn của chính phủ kháng chiến. Chúng tôi cung cấp những tin ấy cho những bạn Pháp để họ đưa lên báo chí chống lại tuyên truyền của địch. Trong các khu phố, các xí nghiệp, trường học, đông người Việt Nam làm việc hay học tập, thường xuyên có những buổi họp nhỏ trao đổi về tình hình, quyên góp tiền cho tổ chức.

Đâu có những buổi mít-tinh, những biểu tình, những hoạt động chống chiến tranh do các tổ chức Pháp tiến hành, là có anh em các tổ Quyết thắng tham gia, nói lên tiếng nói của Việt Nam, chứng minh cho dư luận Pháp thấy rõ, bất kỳ ở đâu, bất kỳ tầng lớp nào cũng đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của chính phủ Hồ Chí Minh. Trong những ngày hội của báo Humanité, Việt Nam vẫn tiếp tục có mặt.

Năm 1951, một đoàn thanh niên Việt kiều từ Pháp qua Áo, đã lội rừng vượt qua biên giới Áo - Đức, lọt lưới bọn lính Mỹ canh gác biên phòng để đi dự liên hoan thanh niên quốc tế ở Berlin, chủ yếu là gặp cho được những chiến sĩ từ trong nước sang. Được gặp và ghi chữ ký của những anh La Văn Cầu, Nguyễn Đình Thi, của chị Nguyễn Thị Chiên... đoàn đã mang về cho kiều bào ở Pháp một niềm hào hứng khó tả. Vào tháng 12-1953, anh chị em đông đảo tham gia một cuộc mít-tinh đòi hòa bình ở Việt Nam do công đoàn C.G.T. tổ chức ở phòng Mutualité. Quá mười hai giờ đêm ra về, anh chị em bị một nhóm phát xít Pháp, được cảnh sát giúp đỡ vây đánh; các đồng chí Pháp ra sức bảo vệ anh em Việt kiều; cuộc ẩu đả kéo dài cả tiếng đồng hồ, hai bên đánh nhau xuống tận đường hầm tàu ngầm, các chuyến tàu đều phải ngưng lại. Một nhóm người Việt, không dự mít-tinh, là dân ăn chơi đi về khuya bị bọn phát xít chận đánh, la lên:

- Chúng tôi là phe Bảo Đại đây, không phải Việt Minh đâu!

Bọn phát xít Pháp chửi lại:

- Bảo Đại Việt Minh gì chúng tao cũng đánh hết.

Vào giữa tháng 3-1954, cả nước Pháp hàng ngày hồi hộp theo dõi tin tức từ Điện Biên Phủ. Báo chí Pháp ngày ngày ca tụng quân đội Pháp, và tướng De Castries được biểu dương như một anh hùng dân tộc. Bọn phản động Pháp xua tay hớn hở: lần này bọn "Việt" sẽ bị đánh gãy xương sống! Chúng tôi sống trong một bầu không khí hết sức căng thẳng; có lúc Mỹ dọa ném bom nguyên tử, một nhân sĩ Việt Nam (miễn nói tên) hoảng hốt bảo tôi:

- Làm sao để trong nước ngừng đánh đi, kẻo không thì tan nát hết!

Ngày 7-5-1954, các báo Pháp mang những tít lớn: "Điện Biên Phủ đã thất thủ!", "Tướng De Castries kéo cờ trắng!" Chính phủ cho kéo cờ quốc tang. Trong mỗi xí nghiệp, trường học, đâu có người Việt Nam là các đồng chí Pháp và các bạn tiến bộ Pháp ôm lấy hôn thắm thiết và mua rượu uống mừng chiến thắng, vì họ xem Điện Biên Phủ cũng là chiến thắng của họ. Trên các đường phố Paris, sinh viên các nước châu Phi đi từng hàng, đi qua đi lại la lớn: Điện Biên Phủ! Hoan hô Hồ Chí Minh! Hoan hô tướng Giáp! Cả những người thuộc phe Bảo Đại ngày hôm ấy cũng hân hoan, thấy tự hào làm người Việt Nam. Một kiều bào mang đôi giày đến một anh công nhân Algérie để chữa, xong hỏi giá bao nhiêu, anh bạn Algérie bảo:

- Vì Điện Biên Phủ, tôi không lấy tiền của anh em Việt Nam. Chưa bao giờ ở Pháp chúng tôi được sống những ngày vui sướng như vậy...

N.K.V.
(SH38/07&08-89)







 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng