TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Thật vui mừng và xúc động khi cầm trên tay tập sách Rừng hát của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương do gia đình tặng. Tuyển tập dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, tập hợp những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cuộc đời của nhạc sĩ.
Phần 1: Giai điệu: Giới thiệu 128 ca khúc nhạc sĩ đã viết trong suốt 60 năm, từ năm 1951 đến cuối đời.
Phần 2: Bên cánh màn nhung: Giới thiệu 80 kịch bản sân khấu, gồm kịch nói, ca kịch, ca cảnh, kịch bản thông tin và tiểu phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhiều vở kịch mang tầm tư tưởng lớn về truyền thống cách mạng cả trong chiến đấu cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phần 3: Muôn sắc: Giới thiệu 8 tác phẩm là những công trình nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý về dân ca, dân nhạc, dân vũ, nhạc cụ dân tộc của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế sau này.
Phần 4: Những điều cảm nhận: Tập hợp 12 bài viết của các tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu về các tác phẩm, công trình âm nhạc, văn học, sân khấu, nghiên cứu, sưu tầm của nhạc sĩ Minh Phương.
Tôi thực sự bồi hồi khi những kỉ niệm ập về trong tôi và khiến những điều, những kỉ niệm mà tôi ấp ủ bấy lâu, nay lại có dịp được viết và kể ra đây.
Tôi là người có duyên may khi được gặp nhạc sĩ Minh Phương tại A Lưới trong suốt thời gian gần 10 năm. Cái ngày ấy, đường lên A Lưới còn khó khăn, xe đò chỉ có 1 chuyến/ngày, sáng 7 giờ xuất bến ở Huế thì đến 16 giờ mới đến được trung tâm thị trấn A Lưới; trong những chuyến xe lên về ngày ấy đều có nhạc sĩ Minh Phương.
Nhạc sĩ Minh Phương lên A Lưới nhiều lần cũng vì nhiều việc khác nhau, có khi là đi sáng tác, có khi là đi dự các hội thi mà chính nhạc sĩ là thành viên của Ban giám khảo. Nhưng có lẽ kỷ niệm nhất là những lần nhạc sĩ lên A Lưới làm cố vấn chương trình cho Đội Thông tin lưu động huyện A Lưới. Nhạc sĩ là một vị khách quý, nói như người vùng cao: Đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới mỗi khi có khách quý đến nhà thì đãi cơm gạo quý Radư. Mỗi lần nhạc sĩ lên thì được bạn bè đồng nghiệp văn nghệ sĩ địa phương đón tiếp nồng hậu bằng gạo quý Radư. Những lúc ấy, tôi có nhiệm vụ đưa nhạc sĩ đi vào các thôn bản.
Nhạc sĩ Minh Phương rất thích đi thăm bà con ở thôn bản, nhất là ở vùng càng xa trung tâm huyện càng tốt, bởi vì bà con rất chân thật, mến khách. Nhạc sĩ kể: “Khi làm cuốn sách Dư âm tình rừng, mình đội ơn bà con nhiều lắm, nhớ mẹ Kăn Gương ở xã Hương Lâm kể cho nghe nhiều chuyện, được mẹ Kăn Hắt ở xã Hồng Thượng hát cho nhiều bản dân ca Cha chấp. Cứ mỗi lần lên A Lưới là lại nhớ đến những người mẹ Tà Ôi, Pa Cô ru con với điệu Ru akay nồng nàn, da diết”.
Thuở ấy tôi chưa có xe máy mà lại đi chiếc xe đạp phượng hoàng để đưa nhạc sĩ đi vào thôn A Hưa, xã Nhâm. Lúc đầu, tôi rất khó xử vì không biết nhạc sĩ có chịu đi xe đạp cùng mình không, nhưng rồi khi gặp nhau trao đổi kế hoạch đi cơ sở thì nhạc sĩ nói: “Phong à, mình cũng như Phong thôi, khách sáo làm gì, cứ đèo nhau trên một chiếc xe đạp cũng được, đi chậm thì có thời giờ nói chuyện nhiều hơn”. Nghe đến đó, tôi mừng lắm, vì được đưa một nhạc sĩ, một vị khách của huyện đi thăm bà con thôn bản bằng xe đạp thì oách còn gì bằng. Và chính lần đi đó tôi đã học được rất nhiều điều ở nhạc sĩ.
Vào đến thôn A Hưa, xã Nhâm, khi đến thăm ngôi nhà Rông của thôn, nhìn thấy những bức phù điêu trang trí, những bức tượng gỗ, nhạc sĩ đã giải thích cho tôi nghe những kiểu thức trang trí hoa văn cũng như giá trị và chức năng của ngôi nhà sàn. Nhạc sĩ lanh lẹ, thoăn thoắt trông giống như một hướng dẫn viên thực thụ. Lúc đó có bác Hồ Viên Pưa là Chủ tịch UBND xã Nhâm, nhà bác Pưa ở ngay cạnh ngôi nhà Rông đó, khi nghe nhạc sĩ giới thiệu ngôi nhà Rông thì bác Pưa thán phục, khen tài của nhạc sĩ và mời qua nhà chơi.
Nhạc sĩ Minh Phương là người rất trăn trở về âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số, khi nhìn thấy những chiếc khèn bè, chiếc trống, chiếc tù và sừng trâu, đàn Ta lư, đàn A bel, nhạc sĩ đã hướng dẫn cho bà con cách bảo quản để chống mối mọt. Bác cũng căn dặn anh chị em của Đội thông tin lưu động cũng như các cán bộ của Phòng Văn hóa Thông tin A Lưới phải hướng dẫn, truyền dạy lại cho bà con trong vùng về cách trình diễn âm nhạc sao cho có bài bản, thế hệ trẻ phải biết làm nhạc cụ. Huyện cũng cần có một phòng trưng bày nhạc cụ để mỗi khi đi lưu diễn khỏi phải mượn của bà con.
Một điều đáng nể ở nhạc sĩ Minh Phương là phong cách làm việc, theo là thấy gì, nghe gì thì ghi chép nấy. Cho nên, trong hành trang mỗi khi lên A Lưới bác thường mang theo máy ảnh, sổ ghi chép, vài ba cây viết. Bác vừa trao đổi, hỏi chuyện thân mật vừa tốc kí nhanh. Bác nói “Sau một ngày đi điền dã về thì nên tranh thủ thời gian mà xử lí tư liệu ngay kẻo không thì sẽ quên hoặc mất thì tiếc, khó mà ghi lại được. Nhưng mà bác rất tiếc là các nghệ nhân cao tuổi lần lượt ra đi, để lại một lổ hổng lớn về văn hóa văn nghệ dân gian không có gì bù đắp nổi”.
Tôi may mắn được nhạc sĩ Minh Phương dìu dắt từng bước một trên con đường sưu tầm nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số ở A Lưới. Chính bác bày cho tôi cách điền dã, sưu tầm các hiện vật dân tộc học. Tôi còn nhớ mãi lời dặn của bác: “Khi đi sưu tầm hiện vật chúng ta nên phân ra các chủ đề cho dễ với công việc. Bác thấy ở A Lưới đồng bào sử dụng hiện vật vào các chủ đề sau: nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, bộ dụng cụ bẫy thú, bộ dụng cụ đánh bắt cá; trang phục, trang sức; tượng gỗ. Cho nên mình cần sưu tầm, gìn giữ lại các bộ váy, áo dzèng, các nhạc cụ, các cối chày, chum, gùi… để sau này con cháu có thấy đó mà nhớ về văn hóa truyền thống cha ông”.
Thật đúng như vậy, sau mỗi năm tôi thường hay về Huế và ghé đến nhà của bác, như vừa để báo cáo tình hình công việc của mình mà bác đã truyền dạy, cũng vừa hỏi thăm sức khỏe và công việc của bác. Thật vui khi nghe tin bác có những đầu sách mới xuất bản. Có lần bác gửi lên tặng cho học sinh A Lưới sách Gió thoảng hương bay, đó là món quà mà ai ai cũng vui mừng.
Sau đó, cứ mỗi khi nghỉ hè thì lại thấy bác cùng với bác Tùng, bác Âu Thanh Minh đi thể dục mỗi sáng tại bờ sông Hương. Cứ gặp tôi là bác lại hồ hởi hỏi chuyện bà con A Lưới. Còn nhớ bác nhỏ nhẹ: “Bác dạo này hơi mệt, ưng đi A Lưới lắm nhưng con cái bảo thôi. Khi nào lên lại A Lưới cho bác gửi lời thăm mọi người nhé. Nhớ nói anh Đời, chị Tư ở Đội Thông tin lưu động huyện A Lưới phải luôn có nhiều sáng tác mới về A Lưới, biên đạo nhiều điệu múa để phục vụ bà con”. Những lời chân tình của nhạc sĩ Minh Phương như được những cơn gió chuyển nhanh lên với A Lưới. Sau này bác đã đi xa, anh chị em chúng tôi ở A Lưới vẫn miệt mài với sự nghiệp văn hóa, giáo dục. Đội Thông tin A Lưới vẫn giữ mãi niềm tin vào bác vì bác là người luôn dõi theo những bước đi của Đội: “Mỗi năm, đội tổ chức bốn, năm chuyến đi (mỗi chuyến đi ít nhất là trên một tháng) về với các bản làng xa xôi hẻo lánh, mỗi điểm diễn hai, ba hôm.
Nhân dân các bản làng A Lưới xem đội thông tin lưu động là niềm vui, là mùa xuân đến với núi rừng. Đội Thông tin lưu động A Lưới đã có nhiều đóng góp cho tỉnh trong các cuộc liên hoan tiếng hát Sơn Ca ở Gia Lai - Kon Tum, liên hoan thông tin khu vực miền trung ở Phú Yên…
Nhạc sĩ Minh Phương là người viết nhiều về sự đổi mới của đất nước, đặc biệt là về rừng “hãy để cho những cánh rừng xanh tươi màu mỡ”. Bài hát “Chiều Trường Sơn”: “Chiều Trường Sơn, tôi đến thăm anh/ Tượng đài cao, tượng đài cao hùng vĩ trên đồi xanh/ Anh nằm đó chiều mây trời lộng gió/ Chim vẫn ca/ Suối vẫn hiền hòa/ Cây rừng ru anh yên giấc ngủ đời đời…”; được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp nhận xét là “đã để lại cho người nghe niềm xúc động về người chiến sĩ đã ngã xuống vì quê hương”.
Hơn 30 giải thưởng của trung ương, địa phương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương của Nhà nước và các bộ, ban, ngành là những ghi nhận xứng đáng về những đóng góp, cống hiến của nhạc sĩ Minh Phương vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, văn nghệ quần chúng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Bình Trị Thiên nói riêng.
T.N.K.P
(SDB19/12-15)