Góc Hoài niệm
Nhà thơ Vĩnh Mai với Huế - Huế với nhà thơ Vĩnh Mai
08:46 | 22/07/2016

NHẤT LÂM

Năm 1936, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng cùng với người bạn thân đồng hương huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị chiếm thủ khoa và á khoa tú tài Tây tại Quốc Học Huế.

Nhà thơ Vĩnh Mai với Huế - Huế với nhà thơ Vĩnh Mai
Văn nghệ Nguồn Hàn: Ngồi: Nhà thơ Vĩnh Mai, Lương An/ Đứng: Nhà thơ Hồng Chương, Chế Lan Viên, Phạm Bình. Ảnh chụp cuối năm 1948 tại hiệu ảnh duy nhất ở Đá Nổi (Chiến khu Ba Lòng)

Qua 7 năm học ở Quốc Huế và vừa đi học vừa đi làm gia sư, chàng trai Nguyễn Hoàng đã lăn lộn đời trai trẻ ở đất Thần kinh. Sau khi có bằng tú tài Tây, Nguyễn Hoàng vẫn ở lại Huế, vừa tiếp tục dạy học tự do và bắt đầu làm thơ viết báo, hoạt động trong phong trào thanh niên học sinh trí thức.

Theo nhà thơ Lương An, người bạn thơ sinh năm 1920 (thua Nguyễn Hoàng 4 tuổi): bút danh Vĩnh Mai được Nguyễn Hoàng ký dưới bài viết của mình từ năm 1936. Nhưng đó là những thi phẩm trao đổi với bạn học hay bạn đồng hương Quảng Trị ở Huế hành nghề tự do. Mãi đến năm 1940, thi phẩm Hận Nam Quan xuất hiện trên một tờ báo in thời đó thì Vĩnh Mai mới được nhiều người biết đến. Và khi thi phẩm này được chuyển thành kịch thơ để biểu diễn trong các trường học có tiếng ở đô thị Huế thì tiếng tăm Vĩnh Mai lan tỏa ra Quảng Trị vào Đà Nẵng, bởi hai nơi này cũng có phong trào học sinh, thanh niên diễn kịch thơ Hận Nam Quan.

Tóm tắt vở kịch thơ như sau:

Nguyễn Phi Khanh bị quan quân nhà Minh bắt đem sang Tàu. Nguyễn Trãi và người anh theo cha lên ải Nam Quan. Trước cảnh biệt ly đau đớn không hẹn ngày về, người cha Nguyễn Phi Khanh nói như ra lệnh với Nguyễn Trãi: “Chí làm trai là phải rửa hận thù cho đất nước khi đất nước bị ngoại bang dày xéo, và đó cũng là cách báo hiếu cha già. Cha sẽ ngậm cười nơi chín suối khi nước nhà sạch bóng quân thù, Tổ quốc được độc lập tự do”. Nguyễn Trãi lĩnh lời giáo huấn của cha, gạt nước mắt tiễn cha và anh trai qua biên giới rồi trở về.

Chàng tìm gặp minh chủ Lê Lợi ở Lam Sơn. Ngày đêm bàn mưu định kế. Sau 10 năm gian khổ, Lê Lợi và các lãnh tụ Lam Sơn đã lãnh đạo quân dân Đại Việt quét sạch quân nhà Minh ra khỏi đất nước. Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử với bản tuyên ngôn bất hủ Bình Ngô đại cáo, được mọi thời đại đánh giá là “thiên cổ hùng văn”. Một số cựu tù chính trị phạm bị Pháp đày lên Buôn Ma Thuột cũng cho biết từ năm 1941, tết nào anh em trong nhà tù cũng tổ chức đêm kịch và vở kịch thơ được diễn nhiều lần (có tết diễn đến 2 lần). Diễn đêm giao thừa 30, và đêm mồng 3. Năm 1939, Vĩnh Mai gia nhập Đảng Cộng sản tại Huế qua giới thiệu của hai đảng viên đàn anh là ông Đoàn Thuế (Xứ ủy viên dự khuyết Trung kỳ), và người thứ 2 là ông Đặng Soa (Bí thư Huyện ủy Triệu Phong) đang có mặt ở Huế dưới vỏ bọc bán thuốc lá ở một chợ nhỏ (chợ Cầu Kho).

Vĩnh Mai giao du rất rộng, đặc biệt với những vị tiếng tăm thì chẳng ngại ngần trước sự theo dõi của mật thám Pháp. Trong các vị tiếng tăm ấy là cụ cả Khiêm (anh ruột Bác Hồ) quản thúc ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền). Là cụ Phan Bội Châu và Giáo sư Võ Liêm Sơn ở dốc Bến Ngự. Nhờ nhiều lần đạp xe ra Quảng Phú và được cụ Khiêm chuyện trò, Vĩnh Mai mới biết được Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở các nước Pháp, Nga, Trung Quốc.

Một giáo sư người Pháp rất mến cậu học trò học quá giỏi của mình đã từng khuyên: “Nguyễn Hoàng này, thầy biết em có xu hướng đi theo cộng sản. Nhưng việc giao du của em không qua mắt tay chân của chủ Phòng nhì Trung bộ đâu nhé”. Vĩnh Mai trả lời: “Thưa thầy, đó là quyền tự do của con người mà nước Pháp đã long trọng tuyên bố: Tự Do Bình Đẳng Bác Ái”. “Nhưng đó là bên chính quốc, còn ở đây là An Nam thuộc địa”. Vĩnh Mai cười hóm hỉnh: “Thưa thầy, thì ra có nước Pháp văn minh và có nước Pháp dùi cui (dùi cui là để chỉ cảnh sát Pháp dùng roi cao su đánh người ở các nước thuộc địa).

Ngoài tiếp xúc với các nhà cách mạng, các chí sĩ, Vĩnh Mai còn tiếp xúc với các linh mục châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) tiếp xúc và chỉ trích thẳng thừng việc làm tay sai cho Pháp. Tiêu biểu là chuyện Tuần vũ Quảng Trị Nguyễn Văn Thơ, đến tìm hiểu việc lập đồn điền của quan đầu triều về hưu Nguyễn Hữu Bài ở Phước Môn.

Ông có thời gian làm gia sư ở nhà ông quan huyện Ngô Tuyên không mặn mà với quan trường. Quan huyện Ngô Tuyên và thầy giáo gia sư Nguyễn Hoàng thường sử dụng ngôn ngữ Pháp. Cũng là mục đích cho các con là Ngô Tú, Ngô Thị Thu Sương và nhà thơ trẻ tương lai sau này là liệt sĩ Ngô Kha có điều kiện học hỏi. Nhờ có tủ sách ở gia đình Ngô Tuyên và sách ông mượn đồng nghiệp, nhiều nhà trí thức ở Huế, mà Vĩnh Mai có điều kiện tích lũy hiểu biết văn hóa Tây phương.

Ở Huế lúc còn đi học và sau này hoạt động trong phong trào yêu nước, trong đảng Cộng sản, Vĩnh Mai có nhiều bạn. Bạn hơn tuổi là đàn anh như Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh. Bạn cùng trang lứa như Lương An, Trần Hoài Quang, và bạn nhỏ tuổi do sự phân công của tổ chức mà đến với nhau như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà báo Lê Khánh Căn, nhà thơ Phạm Hoài, lớp đàn em Ngô Tú.

Đặc biệt có người bạn Tây lai Huỳnh Ngọc Huệ, sau này hy sinh cho cách mạng cũng như Phạm Hoài đã hy sinh ở Phú Lộc mà Vĩnh Mai đề cập trong một bài thơ nổi tiếng:

“Mi táo bạo về ngay chi Phú Lộc
Để cho Tây phục kích bắn mi đi
Tao biết mi vốn có tánh khinh khi
Coi mạng sống như đồ chơi con trẻ”

                        (Khóc Hoài)

Với Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh, Vĩnh Mai luôn bày tỏ vị nể tâm phục khẩu phục. Thời gian hoạt động sung sức sôi nổi nhất của ông ở Huế là trên cương vị chủ bút kiêm chủ nhiệm hai tờ báo Quyết Chiến (là cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng, là tiếng nói của Đảng bộ Việt Minh Thuận Hóa và của tỉnh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên Huế)) tờ báo ra hàng ngày và một tờ báo tiếng Pháp ra hàng tuần. Trong gần 400 số báo mà nhà nghiên cứu Dương Phước Thu có được cho ta thấy sức viết của nhà báo Vĩnh Mai đến kỳ lạ. Ông viết đủ thể loại, thể loại nào cũng sắc bén, vừa cô đọng mà rất súc tích. Số báo nào cũng có bài viết của ông. Có số đến 4 bài, hay 3 bài, còn 2 bài thì phổ biến. Nhờ có báo Quyết Chiến và các bài viết của Vĩnh Mai mà hôm nay chúng ta mới biết bao chuyện thăng trầm ở Huế từ mùa thu cách mạng tháng 8 năm 1945 đến vỡ Mặt trận Huế năm 1947.

Nhà thơ Vĩnh Mai với Huế có thể gói gọn chừng 20 năm, từ khi bắt đầu học ở Quốc Học năm 1929, cho đến khi Pháp tấn công Huế năm 1947. Bí thư Xứ ủy Trung Bộ Nguyễn Chí Thanh đã điều ông ra tăng cường cho Tỉnh ủy Quảng Trị. Điều này chứng tỏ rằng Thành ủy nói riêng và bộ máy của Thành phố Huế nói chung có một thời gian không chịu sự lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên như lâu nay thường hiểu mà chịu sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Bộ. Cho đến sau này, khi Xứ ủy không còn và tổ chức bộ máy khu để thích nghi với hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thuộc khu 4. Cho đến sau 1955, khu 4 cũng không còn về mặt hành chính (còn lại bên quân sự: Quân khu 4).

Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng Vĩnh Mai để lại dấu ấn của mình là có gần 3 năm làm Bí thư thành ủy Huế, nhưng ấn tượng sâu đậm là chủ bút chủ nhiệm báo Quyết Chiến.

Còn Huế với nhà thơ Vinh Mai thì… Một thời gian khá dài mấy ai để tâm đến một nhà thơ bị cái vạ tự trên trời mắc vào cổ mình. Ngay những người đã từng làm việc sinh hoạt cùng tổ chức đảng với ông cũng xa lánh.

Năm 2014 tôi có may mắn tìm đọc lịch sử đảng bộ thành phố từ năm 1930 đến năm 1975. Đọc đi đọc lại mấy lần ở giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1950, nhất là giai đoạn 1945, 1946, 1947 không thấy ai là Bí thư Thành ủy. Tôi đem chuyện ấy trao đổi với nhiều cán bộ chủ chốt của Thành ủy hiện tại song họ không xác định được đồng chí Vĩnh Mai nào làm Bí thư Thành ủy giai đoạn đó. Sự thật là sau khi chia lại tỉnh, bà Lê Thị Phương Chi vợ nhà thơ Vĩnh Mai có đến thăm và tặng sách cho Thành ủy Huế. Bà Chi giới thiệu bà là vợ nhà thơ Vĩnh Mai có một thời làm Bí thư Thành ủy. Nay bà đến thăm nhân dịp đưa hài cốt của chồng về an táng trên đồi thông Từ Hiếu. Đích thân đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Quang đã tiếp bà Phương Chi.

Năm Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 75 năm ngày sinh của nhà thơ Vĩnh Mai, nhạc sĩ Trần Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa đã viết như sau: “Năm 1946 tôi hoạt động và cán bộ Thành đoàn thanh niên thành phố Huế, thì được triệu tập đến Thành ủy Huế để nghe phổ biến về việc Bác Hồ và đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp hòa đàm về hiệp định ở lâu đài Phông-ten-nơ-bơ-lô. Lần đầu tiên tôi gặp anh Vĩnh Mai, anh là Bí thư Thành ủy Huế, trực tiếp truyền đạt tình hình diễn ra hội nghị với chúng tôi. Trước đó tôi đã nghe tiếng ông giáo Hoàng thông tuệ rất giỏi tiếng Pháp, lí lẽ với trùm mật thám Trung Kỳ”.

Giáo sư, tiến sĩ sử học Phan Hữu Dật, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn sau năm 1985, nhân một chuyến về thăm quê nhà ở làng Thanh Lương, thị xã Hương Trà, đã viết: “Cách đây vừa đúng 60 năm nhà thơ Vĩnh Mai là người dìu dắt giới thiệu tôi vào Đảng, là người thầy của tôi. Tôi làm việc ở Ty Văn hóa tỉnh Quảng Trị trong 2 năm 1948, 1949, ông là Trưởng Ty, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn. Lớp học sinh mới học ban thành chung như tôi được ông giảng dạy về các triết học phương Tây về chủ nghĩa Mác. Ông rất thông thạo và giảng bằng tiếng Pháp. Những bài báo ông viết bằng tiếng Pháp rất có tác dụng tuyên truyền trong hàng ngũ binh lính Pháp phản chiến về theo cách mạng”.

Nếu thế hệ sau này nhớ đến các nhà thơ nhà báo của vùng này thì người ta không thể quên Vĩnh Mai. Và nếu có nhắc đến tất cả thì Vĩnh Mai chính là người đầu tiên đề xuất nhóm văn nghệ NGUỒN HÀN từ năm 1948. Gần đây có một vị cao niên gốc Huế mới vào Tp. Hồ Chí Minh, đó là nhà thơ Lê Trọng Sâm quê làng Phước Tích (huyện Phong Điền), hồi ở miền Bắc cũng sinh hoạt trong chi bộ văn học nghệ thuật với nhà thơ Vĩnh Mai. Ông biết rõ vụ kỷ luật ấy là vì đâu…

Trong rất nhiều việc ông làm khiến cấp trên không hài lòng, có chuyện này:

Khi tham gia cải cách ruộng đất đợt mở đầu thí điểm ở Thanh Hóa, Vĩnh Mai đứng dậy nói thẳng: “Tôi không tán thành quan điểm gán phần trăm địa chủ cho xã này xã khác. Cụ thể xã tôi được định mức 8 phần trăm. Nếu tôi không đủ chỉ tiêu này thì đào đâu ra. Vì vậy phải cải cách xong mới biết xã nào có bao nhiêu địa chủ”.

Cả hội trường ở rừng thông Thanh Hóa, mọi con mắt dồn vào con người mảnh khảnh với cái tên nhà thơ Vĩnh Mai.

Ông không được tham gia cải cách nữa.

Nhiều người lớp chúng tôi và lớp sau này qua lịch sử qua thơ văn qua chuyện đời người ta còn nhớ đến ông.

Vậy là đủ lắm rồi.

N.L
(SHSDB21/06-2016)




 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng