THÁI KIM LAN
Con đường ấy, từ dốc cầu Gia Hội đổ xuống, dọc theo con sông nhánh trước kia còn gọi là sông Đông Ba, Hàng Đường, rồi Bạch Đằng, lấy tên dòng sông chảy qua chùa Diệu Đế, qua cầu Đồng Ba, về Bao Vinh, ngã Ba Sình, con đường mang nhiều vẻ lạ, nó mang phố về biển khơi và chuyên chở tứ xứ về kinh thành, vốn là phố cổ một thời với những căn nhà gỗ kiến trúc thuần Huế, nơi những gia đình thượng lưu, quý tộc định cư một thời quan quan thư cưu…
Khi tôi đi xa trở về, con đường đã lắm phen phong ba sinh tử, dấu vết quá khứ thanh xuân hầu như đã nhạt nhòa, lắm lúc thấy bơ vơ trên đường cũ… nếu từ mấy mươi năm nay không có nơi đầu cầu ấy, nơi nhà ông Vĩnh Phối, mỗi buổi sáng thấy ông ngồi với các ông cũng lão, họ gọi là nhóm ông tiên, mà ông Vĩnh Phối là chủ tọa. Vào cữ 8 giờ sáng, đã thấy ông bắt đầu ngồi, đợi bạn, vây quanh là những ghế nhựa con và bàn càfê, trà… nửa giờ sau đã thấy khá đông đủ quý ông. Không biết họ thảo luận hay nói điều chi, mà sáng nào cũng thế. Nghe nói họ bàn đủ thứ, từ bách khoa tự điển, triết lý, thời sự cho đến những tin vớ vẩn về ông này bà nọ, nhưng họ không cãi nhau, mà có cãi cũng huề vì ông Vĩnh Phối ngồi đó, hiền hòa với cái khoác tay cố hữu bao dung. Mỗi lần buổi sáng có việc, chạy xe lên dốc cầu, làm sao bỏ qua cái đầu dốc ấy, nơi có đám tóc bạc lấp lánh trong nắng mai, tôi thường xuống cửa xe, đưa tay vẫy chào các cụ, mỗi lần như thế có lẽ anh Vĩnh Phối là người đầu tiên nhìn thấy, anh nhổm người, hai tay chấp chới vẫy theo, chưa kịp nói, xe chạy qua rồi tôi còn thấy mắt anh nhìn theo. Có lần dừng xe lại thì anh là người đầu tiên chạy đến, bắt tay qua cửa kính, nắm tay lúc nào cũng chặt, thân thiện, anh em.
Dáng dấp của anh vẫn là dáng dấp của một “mệ” Huế hoàng tộc đậm chất dù anh có đi đông đi tây, đi mô rồi cũng vẫn là “mệ họa sĩ” với rất nhiều tính chướng bất ngờ của một ông hoàng Huế được sinh ra để làm nghệ sĩ. Là bạn của anh tôi thuở thiếu thời, đồng môn trong hội họa. Cả hai đều là học trò ưu tú của cố họa sĩ Tôn Thất Đào, đã từng được nhiều giải thưởng hội họa từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, là những họa sĩ được đào tạo chính chuyên từ những trường mỹ thuật quốc gia tại Huế và Sài Gòn. Tôi được biết anh từ thuở xưa ấy, từ một thư sinh với mắt nhìn hội họa trong như ngọc, cho đến ông lão luôn hoa tay như muốn vẽ vào bất tận của đất trời. Sóng gió ba đào chính trị thổi qua, nhưng họa sĩ Vĩnh Phối vẫn tự tại trong nghệ thuật riêng của anh. Sự nghiệp của anh kể về chất lượng và số lượng khá lớn lao, từ tranh dầu cho đến lụa, cho đến những tác phẩm điêu khắc, từ nét đơn sơ mộc mạc của tĩnh vật cho đến những đề tài trừu tượng mang tính siêu hình, Vĩnh Phối hình như là người vẫn luôn tìm chất lượng vô tận trong tạo vật để tạo nên tác phẩm. Có lẽ điều làm cho Vĩnh Phối không ngừng là họa sĩ, chính là tâm thức trẻ thơ khi nhìn tạo vật chung quanh chẳng đặng đừng luôn đưa tay khuấy phá, tác tạo. Có khi anh theo đuổi một nét mây trời, một nụ cười, một vệt nắng, và muốn bắt chúng vào trong tranh của anh, nhưng có lẽ vì từ tâm không nỡ, nên mây, nắng, nụ cười bay theo gió để người họa sĩ với tay mãi hoài vào hư không, thử lại hơn một lần và hơn một lần nữa và lắm lúc anh để gió cuốn đi như một cơn bão rồi lại trở về miệt mài vẽ tranh.
Ít có nghệ sĩ hội họa nào ở Huế được ưu đãi về nghề nghiệp như anh, hiếm người nghệ sĩ nào có được nhiều chức vụ hàn lâm “đức cao trọng vọng” như Vĩnh Phối: Tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1958, tu nghiệp ở Học viện Mỹ thuật Roma, Italia từ năm 1959 đến năm 1966. Tốt nghiệp hội họa và điêu khắc, cùng chứng chỉ nghiên cứu mỹ thuật của khoa Văn tại Học viện Mỹ thuật Roma. Sáng lập viên và Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ châu Á ở Roma. Từ năm 1967 đến 1975, Giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Năm 1973 được hưởng học bổng UNESCO nghiên cứu mỹ thuật Đông phương qua các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan. Sau 1975 được phong Phó Giáo sư về mỹ thuật, Nhà giáo ưu tú và giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho đến ngày nghỉ hưu (1999).
Nghề nghiệp hội họa của ông hoàng phòng Trấn Định Quận Công có thể nói là viên mãn, nhưng Vĩnh Phối hầu như xem nhẹ như tơ hồng khi nhìn ông rất “ngoan đồng” ngồi giữa những ông tiên ở đầu cầu Gia Hội, và điều ấy hình như làm cho con phố Bạch Đằng như được đóng triện về phẩm hạnh đời sống vượt hẳn những lao xao ô trọc buôn bán chung quanh. Hình như không chỉ riêng mình tôi, người ở xa về Huế, mà ngay cả những người nơi phố ấy, những ông bạn mỗi ngày nhất thiết sáng sáng đạp xe đến ngồi với Vĩnh Phối, và lắm khi bạn bè từ những nơi xa như Mỹ, Pháp, Đức, Úc mỗi khi về Huế đều đến bàn vuông bàn tròn Vĩnh Phối, ai cũng có cảm giác bình an và tâm an ở giữa chợ đời ồn ào qua về như mắc cửi năm này tháng nọ, bôn ba năm châu bốn bể, chỉ nơi đầu dốc cầu Gia Hội ấy, đổi được những khoảnh khắc hồn nhiên, tự do như nước chảy…
Không chỉ những tác phẩm ông treo trong nhà mang đến cho con đường Bạch Đằng ấy tính nghệ thuật cao sang, làm sáng thêm gợn sóng của con sông Bạch Đằng lấp lánh buổi ban mai, mà chính con người Vĩnh Phối trong thâm căn cốt cách của tâm từ hiền hòa đã ghi một nét vĩnh cửu giữa những phù du. Nét vĩnh cửu ấy chính là tâm Phật trong tất cả hội họa của anh. Anh có thể vui chơi ở mô mô, nhưng vốn lại là con nhà tâm Phật. Từ thuở thiếu thời, anh đã theo Thầy Đức Tâm góp phần vào sự gầy dựng sinh hoạt nghệ thuật Phật giáo như một nếp nhà văn hóa Huế tại Trung tâm Liễu Quán ngay những ngày đầu. Tạp chí Liễu Quán của Thầy Đức Tâm ra số đầu tiên năm 1973, với cái bìa in hình “Cây tùng Thế Miếu” rất đẹp của bác Nguyễn Khoa Lợi, đã thấy anh hào hứng tham gia với bài viết về mỹ thuật Đông Sơn. Và đến khi ấn phẩm Liễu Quán tục bản, Xuân Giáp Ngọ - tháng 01-2014, cũng lại thấy anh xuất hiện với bài nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo thời chúa Nguyễn qua tháp Tổ Liễu Quán. Mọi sinh hoạt văn hóa ở Trung tâm Liễu Quán không khi nào thiếu vắng gương mặt hiền hòa, thân quen ấy...
Cho nên nơi con đường ấy, anh ngồi đó như một biểu tượng của người hiền, của tài hoa và an nhiên đến bất di bất dịch.
Bỗng nhiên anh giã từ mọi người không một lời từ biệt. Những ông tiên bạn anh thấy trống trải đã đành, mà người đi qua nhà anh nơi dốc cầu Gia Hội cũng ngẩn ngơ, hụt hẫng hơn bao giờ khi không thấy Vĩnh Phối giữa bạn bè. Con phố Bạch Đằng tuồng như một giây mất tinh thần, tẻ lạnh và mồ côi. Những ngày sau bạn bè đến tiễn anh rất đông, những ngày sau nữa xe tôi chạy lên dốc cầu, xe tang vừa đi qua, nghe như nước mắt chảy, tôi bỗng thấy anh đưa đôi bàn tay vẫy vẫy, như nói vào vô tận rằng anh đang vẽ… một đời sống mới… cho nơi ấy bên dòng sông xanh.
-----------------
Chú thích
(*) Tưởng niệm anh Vĩnh Phối