Cuối mùa hè năm 1978 chúng tôi là lứa lưu học sinh đầu tiên được tới Liên Xô bằng máy bay, trước đây chỉ đi bằng tàu hỏa liên vận qua Bắc Kinh. Đối với nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ, nhất là những người lính sau mấy năm chỉ sống ở núi rừng, Moscow thực sự là thiên đường.
Choáng ngợp với hệ thống tàu điện ngầm
Chúng tôi choáng ngợp trước một thành phố to đẹp. Cái gì cũng lạ lẫm. Nhớ lần đầu tiên đi tàu điện ngầm (metro), tôi cùng một anh bạn trong túi chỉ có mỗi ruble cũng quyết đi khám phá. Giá vé tàu điện ngầm chỉ 5 copec, nếu bạn không lên mặt đất thì 5 copec có thể đi tất cả các tuyến từ sáng sớm đến đêm. Đến ga gần Trường Tổng hợp Lomonoxop, chúng tôi phải quan sát một lúc lâu xem cách thức người dân bản địa qua cửa kiểm soát thế nào mới dám bỏ đồng 5 xu ấy vào khe để qua cửa kiểm soát. Mọi thứ hoàn toàn tự động. Cầu thang máy dẫn xuống sâu hun hút dưới lòng đất. Bước vào sân ga là cảnh tượng vô cùng hoành tráng. Phải nói các nhà ga metro của Moscow rất đẹp, mỗi ga có kiến trúc riêng như một công trình nghệ thuật.
Quy hoạch mạng lưới các tuyến và bến ga metro cũng rất hợp lý, khoa học, liên kết chặt chẽ với bến, nhà ga các phương tiện giao thông trên mặt đất, thuận lợi cho hành khách. Nghe nói khi duyệt thiết kế hệ thống metro này, Stalin trầm ngâm suy nghĩ rồi cầm chiếc ly cà phê úp xuống bản thiết kế các tuyến ngang, dọc, nói phải thêm đường vòng tròn này nữa. Đứng chờ ở ga, vài phút có một chuyến tàu đi, đến, giờ cao điểm thì chỉ 1 phút. Hàng ngày hệ thống metro này chuyên chở mấy triệu lượt hành khách. Thời kỳ chiến tranh chống phát xít Đức các công trình xây dựng dân dụng đều dừng lại, riêng công trình này vẫn được tiếp tục. Quan sát chỉ riêng hạ tầng giao thông cũng thấy tiểm lực của đất nước Xô Viết lớn nhường nào.
Con người đôn hậu
Được tuyển chọn từ những người đạt điểm cao nhất tại kỳ thi đại học trong nước, nên đối với chúng tôi việc học tập không quá khó khăn, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Chúng tôi còn phụ đạo cho các bạn sinh viên khác. Nhưng năm đầu tiên thì đúng là cực hình. Lên giảng đường nghe giảng mà chẳng hiểu các thầy cô nói gì, chẳng ghi chép được gì, nhất là các môn như Triết học, Kinh tế chính trị học, Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô… Tối về phải mượn vở bạn Nga chép lại, rồi tra từ điển, học từ mới… Những năm sau thì khá hơn do vốn tiếng Nga tốt hơn. Đúng là học ngoại ngữ tốt nhất là được tiếp xúc thường xuyên với người bản xứ. |
Sáu năm sống và học tập ở Liên Xô, được tiếp xúc với nhiều người từ thầy cô giáo, bạn bè sinh viên đến người dân thường gặp trên đường phố, cảm nhận chung của tất cả lưu học sinh chúng tôi là người Nga và các dân tộc khác của đất nước Xô Viết đều rất đôn hậu, tốt bụng. Nếu bạn hỏi đường họ không những chỉ dẫn cặn kẽ mà có thể còn dắt bạn đến tận nơi. Một lần vào mùa đông 1981 lên thăm thành phố Leningrad (Saint Petebourg bây giờ), tôi hỏi đường đến ký túc xá Học viện Lâm nghiệp, mấy thanh niên người Nga dẫn tôi đến tận cửa ký túc xá rồi mới quay lại hàng trăm mét dưới trời tuyết rơi trắng xóa.
Đầu năm 1979 tôi đang học tiếng Nga ở Trường Hóa dầu Bacu, Thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên Xô thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Chúng tôi biết tin này thông qua những người bạn Liên Xô. Lên lớp, thầy cô giáo và bạn bè đều nhìn chúng tôi với con mắt lo âu. Họ hỏi Hà Nội cách Lạng Sơn bao xa, nhà mày có gần chiến trường không, tổn thất của Việt Nam mấy ngày qua có lớn không…? Họ lo lắng cho Việt Nam như chính cho họ vậy. Cảm động nhất là phong trào phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam do các bạn Liên Xô tổ chức rất rầm rộ. Hàng chục cuộc mít tinh, tuần hành của thanh niên, sinh viên thu hút rất nhiều sinh viên các nước khác tham dự.
Ngày ấy, thỉnh thoảng vào dịp nghỉ hè chúng tôi được đi lao động tình nguyện, thường là về các vùng phía nam ấm áp giúp thu hoạch nho, táo hoặc bẻ hoa thuốc lá ở các nông trang tập thể. Đây mới thực sự là cánh đồng bát ngát cò bay. Ô tô chạy hàng giờ mới hết cánh đồng nho. Những người Nga đi làm cùng bảo nho ngọt lắm đấy, chúng mày cứ chén thỏa thích. Bọn sinh viên chúng tôi làm thì ít, nô nghịch thì nhiều, mệt nhưng vui.
Tôi nhớ hình như vào mùa hè năm 1983, tôi được đi dự Liên hoan Thanh niên hai nước Việt Nam - Liên Xô do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ở thành phố Kazan - thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga. Bạn tổ chức rất chu đáo, trọng thị, với tinh thần đoàn kết hữu nghị mẫu mực, làm chúng tôi và các thanh niên khác ở trong nước sang dự hết sức cảm động…
Gần 40 năm đã trôi qua, tôi cũng chưa có cơ hội quay lại nước Nga. Có thể bây giờ nước Nga đã khác xưa nhiều lắm. Ký ức về nước Nga, về Liên Xô, về những người thầy, người bạn nhiều khi hiện ra cứ như mới ngày hôm qua. Sáu năm sống và học tập ở Liên Xô đối với tôi thực sự là những năm tháng không thể nào quên.