HÒA ÁI
Đến nay, những bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch đã trở thành di sản của dân tộc. Những bài thơ chúc Tết của Bác trong mỗi dịp Tết đều toát lên tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta trong một giai đoạn lịch sử.
Những vần thơ được Bác tổng quát hóa tư tưởng lớn với ngôn ngữ giản dị, trong sáng của tiếng Việt. Điều thú vị là không phải đến khi trở thành Chủ tịch nước (1945), Bác Hồ mới làm thơ chúc Tết, mà Bác làm thơ chúc Tết từ những ngày còn ở hang Pác Bó sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đó là Tết Nhâm Ngọ 1942. Bài thơ Chúc năm mới in trên báo Việt Nam độc lập số 114, ngày 1/1/1942. Bài thơ 10 câu, trong ý tưởng về Quốc kỳ đã được tượng hình:
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!
Năm này là năm rất vẻ vang
Cách mệnh thành công khắp thế giới.
Từ đó về sau, năm nào Bác cũng làm thơ chúc tết. Bác viết: “Mấy lời thân ái nôm na. Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân”. Thơ của Bác giản dị, toàn dân đều hiểu, đều thuộc, đó chỉ có thể là ngôn ngữ của bậc Đại Nhân, Đại Trí!
Riêng bài thơ chúc tết Mậu Thân - 1968 của Bác đã sống cùng đất nước tròn 50 năm mùa xuân. Đồng chí Vũ Kỳ kể lại, Bác đã chuẩn bị thư chúc Tết Mậu Thân - 1968 từ khoảng ba tháng trước. Sáng chủ nhật 31/12/1967, Bác ra Phủ Chủ tịch để đọc ghi âm thư chúc Tết. Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ chúc Tết, vừa để Bác nghe, vừa để ghi âm phát lúc giao thừa. Sáng ngày 1/1/1968, Bác gửi Thư chúc mừng năm mới tới toàn thể cán bộ và đảng viên cả nước. Đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bác chúc:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!”
Lời thơ chúc Tết của Bác đồng thời cũng là hiệu lệnh mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy và truyền đi khắp mọi miền đất nước. Tinh thần mạnh mẽ của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968 của quân và dân ta buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom và đánh phá miền Bắc, thừa nhận chính thức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán Paris để giải quyết chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đúng đêm giao thừa Tết Mậu Thân - 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ, Việt Nam Cộng hòa và các nước đồng minh tham chiến với một lực lượng quân sự lớn lên tới trên một triệu quân, có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Nhưng bằng cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ, ta đã đánh thẳng vào các vị trí quan trọng nhất của địch như: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Tổng thống ngụy, Bộ Tổng Tham mưu, Nha Cảnh sát, Đài Phát thanh Sài Gòn, tiến công làm chủ thành phố Huế và hầu khắp các vùng nông thôn rộng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy một khối lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch.
Xét cả về quy mô cũng như tính chất đồng loạt, với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã sáng tạo ra một hình thức tiến công chiến lược mới với hiệu lực chiến đấu cao, làm lung lay ý chí xâm lược của một siêu cường, làm cho chính quyền Mỹ sững sờ, choáng váng. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch, bao gồm tất cả các thành phố, tỉnh lỵ đều bị tấn công đồng loạt, không chỉ tiến công tuần tự từ ngoài vào mà còn kết hợp từ trong ra, khiến địch đã bất ngờ càng bất ngờ hơn.
Đây là một sự kiện lớn, đánh dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm rung chuyển nước Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự.
Mồng 6 Tết - ngày 3/2/1968, kỷ niệm 38 năm Ngày thành lập Đảng. Lúc ấy Bác đang ở nước ngoài, mới 6 giờ sáng, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ chuẩn bị giấy bút. Bác ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra ngoài trời đầy tuyết trắng, đọc cho đồng chí Vũ Kỳ ghi bài thơ “khai bút” đầu năm:
“Đã lâu chưa làm bài thơ nào
Nay lại thử làm xem ra sao
Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy
Bỗng nghe vần “THẮNG” vút lên cao!”
“Vần THẮNG” là Bác nhắc đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968 của quân và dân ta.
Riêng ở Huế, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 đi vào lịch sử dân tộc như bản anh hùng ca. Đêm 30 Tết, bộ đội ta từ khắp nơi đồng loạt tiến vào thành phố Huế tấn công địch ở cả cánh nam, cánh bắc thành phố Huế, nhanh chóng chiếm giữ các mục tiêu quan trọng khiến địch bất ngờ. Chỉ trong một ngày đêm, quân và dân ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Huế, cờ giải phóng bay trên cột cờ Phu Văn Lâu suốt 26 ngày đêm. Báo Nhân Dân số ra ngày 27/2/1968 viết: “Cả nước ta tự hào về Thừa Thiên Huế, mảnh đất yêu thương của Tổ quốc đã góp phần rất vẻ vang vào thắng lợi mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của miền Nam anh hùng”.
Sau thắng lợi lịch sử này, nhân dân Trị Thiên Huế được Đảng và Nhà nước trao tặng 8 chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Người dân Cố đô Huế không thể quên hình ảnh và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người con gái trong tiểu đội “11 cô gái sông Hương”. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, các chị lên đường nhập ngũ vào cái tuổi mười tám, đôi mươi. Trong chiến dịch Xuân 1968, các cô gái sông Hương được giao nhiệm vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực mở cuộc tiến công địch ở phía nam thành phố Huế. Đêm 30 Tết, các chị chia làm ba tổ dẫn ba cánh quân vào thành phố đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng. Những người con gái Huế với dáng vẻ bề ngoài nhẹ nhàng, thùy mị nhưng bên trong là sự quật cường, gan dạ, bất khuất. Họ đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ có xe tăng, máy bay yểm trợ ngay giữa mảnh đất Cố đô. Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi với bốn câu thơ:
“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”
Tháng 4/2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng một khu tưởng niệm tại khu vực đường Bà Triệu, ngay sát khu vực chợ Cống, nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của cả tiểu đội, để khắc ghi hình tượng những người con gái Huế trung dũng, kiên cường năm xưa.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968 đã để lại cho các thế hệ hiện nay và mai sau niềm tự hào sâu sắc.
H.A
(TCSH348/02-2018)