Góc Hoài niệm
Nắng tháng Tư Côn Đảo
15:42 | 26/07/2018

Kỷ Niệm Ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27/7  

BÙI XUÂN HÒA  
              Ghi chép 

Nắng tháng Tư Côn Đảo
Trại Phú Hải - Côn Đảo. Ký họa của họa sĩ Đặng Mậu Triết

Sau cái rung lắc nhẹ hạ độ cao, chiếc ATR 72 đưa tôi lần đầu tiên tới Côn Đảo. Sân bay Côn Đảo hiện ra sau những rặng dày cỏ ống, đúng như tên gọi trước 1975 của nó: “Phi trường Cỏ Ống”. Một tia nắng hắt nóng ngay khi chạm vào Côn Đảo để bắt đầu hành trình ước mơ. Mùa này, tháng Tư, nắng chiều  thường lấp ló vì trời có  khi nhiều mây bất chợt nhưng một khi  lọt qua được tầng mây, tia nắng ấy sẽ  khá gắt. Không hiểu sao tôi lại suy nghĩ  nhiều về “cái nắng” khi nghĩ về Côn  Đảo. Có lẽ nó bắt nguồn từ những câu  chuyện kể từ thuở ấu thơ của ông ngoại  tôi - Nguyễn Hồng và cha tôi - Bùi Xuân  Khả, cựu tù chính trị Côn Đảo. “Phòng  tắm nắng” (hình thức đày đọa tù nhân  khi nhốt họ trong những phòng giam  không mái che)... “Nắng đau nhức mắt” - cảm giác đau đớn tột cùng của tù nhân  sau nhiều tháng bị cầm cố trong hầm đá  tối... Không ít người đã không còn thấy  lại nắng...

Cầm tấm sơ đồ hệ thống nhà lao  Côn Đảo do cha tôi vẽ tay cẩn thận  trên hai mặt giấy vở học trò, tôi lần tìm  thực địa theo những dấu chấm đỏ ghi  chính xác ngày tháng cha tôi nằm, giai  đoạn 1969 - 1974, ở các trại 1, 6 và  7. “Con cố gắng chụp cho ba một tấm  hình ở Phòng 5 Trại 1” - lời cha tôi dặn  trước lúc đi. Lòng vòng dưới nắng gần  cả tiếng. Phòng 5 Trại 1 đây rồi! Cánh  cửa sắt đã hoen gỉ. Mái đã tốc hơn nửa.  Ngói vỡ đổ xuống nền xi-măng giờ đã  bị cỏ phủ kín. Tôi bần thần đứng giữa  gian xà lim cha tôi đã từng ở tháng 5  năm 1971.

“Đó là nơi ba gặp ông ngoại con sau  đợt tuyệt thực dài ngày. Ông ngoại con  hứa: tôi có đứa con gái, sau này hòa  bình, đất nước thống nhất, hai ta còn  sống, trai chưa vợ, gái chưa chồng, hai  đứa yêu nhau thì ông gã”. Lời hứa đó  đã được thực hiện sau ngày 30/4/1975...  Ông ngoại tôi đã ở Côn Đảo 20 năm...

Nước mắt tuôn trào khi tôi hình dung cả một thời tuổi trẻ của họ nơi “địa ngục trần gian” này. Lời hứa giữa hai người đồng chí, đồng hương, bền gan, vững tin vào ngày hòa bình. Từ trong tăm tối của Trại 1, lời ước hẹn chứa đựng khát vọng tự do đã được hoàn thành một cách kỳ diệu. Tựa như có một ánh nắng vẫn sáng ngời trong tâm trí - dấu hiệu quy ước giữa hai người bạn tù toát ra qua ánh nhìn từ hai góc phòng. Vòng tay vẫn như choàng vào nhau dẫu cổ chân vướng xích. Bệ xi-măng, nơi còng chân những người tù chính trị ngày trước vẫn như còn ấm từng dấu nằm, dấu ngồi và lời thì thầm trao truyền nhau nhắc thuộc toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Phòng giam tù chính trị Côn Đảo với nhiều giáo sư, trí thức, sinh viên, học sinh trước 1975. Mỗi người thuộc một đoạn, dần dần bổ sung cho nhau để hoàn chỉnh 3254 câu thơ trong truyện thơ lục bát nổi tiếng của Đại thi hào. Hoạt cảnh thơ Truyện Kiều đã vang lên đầy thi vị trong những buổi biểu diễn văn nghệ đón Tết. Từ trong ngục tù, hình ảnh của Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải vẫn tái hiện trọn vẹn trong đêm chuyển qua ngày mới. Truyện Kiều cho họ khí phách và niềm tin mạnh mẽ như nắng tháng Tư, xua tan đi đêm dài để tới ngày đoàn viên.

Toan bước ra khỏi Phòng 5 Trại 1 thì bất ngờ một cảm giác nhói đau ở bàn chân. Một nhúm bông cỏ mật gai rơi xuống giày từ lúc nào xuyên vào da như một sự níu giữ sâu sắc từ quá khứ. Ngẩng nhìn lên, một tia nắng hắt mạnh qua tán lá bàng và mái ngói vỡ. “Ngày xưa ông ngoại và ba con thường nhìn qua ô thông gió đó để ngắm nắng và vững tin” - lời ông tôi kể hồi còn sống. 26 độ C. Độ ẩm 89%. Gió nhẹ. Một điều kiện lý tưởng để thực hiện cự ly 6 cây số chạy bộ dọc biển và để đắm đuối với thị trấn Côn Đảo sạch và xanh mướt. Trong cả hai buổi sáng sớm với Côn Đảo, tôi hít trọn vào lồng ngực những luồng khí trong lành từ biển, đặc biệt là những lúc chạy ngược gió trên đoạn đường Tôn Đức Thắng băng qua Nguyễn Chí Thanh gần Bãi Lò Vôi. Chỉ chạy bộ mới cảm nhận được sự tự do và yên bình trên đảo. Hàng đàn chim sẻ sà xuống ngay trước từng bước chân chạy tới, gợi liên tưởng những “con đường chim” xa xưa nơi xứ Huế quê tôi. Chim sẻ ở đây rất dạn, không e ngại con người bởi dường như chẳng có ai muốn làm mất đi một chút gì của Côn Đảo. Khi nắng sớm vừa nhô qua dãy núi bên hòn Bảy Cạnh, từng cánh chim nhảy nhót theo tia nắng. Đàn sẻ rướn người lên một chút để đặt đôi chân mỏng manh trên triền đê biển, nơi chúng có thể sưởi được nắng nhiều hơn và đón chào bình minh nồng nàn hơn. Cuối cùng, bọn chim sẻ cũng nói lời tạm biệt với tôi khi tôi chạy ngược trở về. Ngoái nhìn lại, những đôi chân mỏng manh vẫn lách tách hồn nhiên trên bãi Lò Vôi, chăm chỉ tô điểm cho bức tranh thiên nhiên sống động của Côn Đảo đang sáng dần lên trong nắng mới.

Cùng tham gia lúc bình minh với tôi là nhà thơ Võ Quê - cựu tù chính trị Côn Đảo giai đoạn 1972 - 1973 và họa sĩ Đặng Mậu Triết - người thực hiện cuộc triển lãm tranh “Ký họa Côn Đảo” tại Bảo tàng Côn Đảo dịp kỷ niệm 30 tháng 4 năm nay. Nếu như 12 bức bút sắt vẽ các cổng nhà lao Côn Đảo của họa sĩ Đặng Mậu Triết chứa đựng khát vọng bứt phá gông cùm “mạnh mẽ như nắng Côn Sơn” thì nhà thơ Võ Quê đến với đảo lần thứ bảy để sống lại lần nữa với cảm xúc mà ông đã viết trong tập Lục Bát Côn Đảo: “Chênh vênh đá tắm máu người/ Biển xao sóng vỗ trao lời nước non/ Đường vào địa ngục trần gian/ Dẫu trong nỗi chết giữ tròn hiếu trung” (Cầu Tàu - 1972). Tại cầu tàu 914 (đặt theo con số tù nhân khổ sai bỏ mạng để dựng cầu tàu), ba anh em chúng tôi cùng chụp những bức ảnh ngược sáng để tôn vinh nắng bình minh Côn Đảo.

Hòa vào dòng nước mát của biển Côn Đảo, chúng tôi dễ dàng vớt được những cọng rong biển ngay khi vừa chạm chân xuống. Đó là dấu hiệu cho thấy một môi trường biển hoàn toàn sạch, không bị ám ảnh của rác thải. Tôi đưa cọng rong biển xanh nhạt cho họa sĩ Đặng Mậu Triết. Anh tần ngần cầm trên tay như đang cảm nhận một sự trợ duyên nào đó từ biển. Không ngờ chỉ sau đó hai tuần, cái màu xanh nguyên sơ của rong biển Côn Đảo lại ẩn hiện đâu đó trong màu xanh mơn mởn của đọt su su Tam Đảo khi ông bạn họa sĩ vong niên của tôi vẽ bức sơn dầu trong một trại sáng tác ở vùng núi đá Đông Bắc. Tôi chưa kịp nói ra ý nghĩ đó với họa sĩ nhưng chắc chắn trong tâm trí ông, mảng xanh Côn Đảo hòa trong nắng sẽ còn lưu cữu trong những đêm vẽ mất ngủ của ông sau này.

Tháng Tư ở Côn Đảo. Tôi nhìn thấy những tia nắng rạng ngời niềm tin trong ánh mắt của những người bạn mới quen. Đó là thầy giáo Tuyến, quê làng La Chữ, Thừa Thiên Huế, người đã có 8 năm gắn bó với mái trường Võ Thị Sáu. Đó là anh Dũng, nhà trong Thành Nội, ra đảo đã 25 năm, hiện đang thành công với nghề kinh doanh sinh vật cảnh. Cả hai tâm sự chưa từng có hai chữ “Côn Đảo” trong bộ nhớ nhưng những ngã rẽ cuộc đời lại đưa họ đến với hòn đảo giàu trầm tích này để xây dựng tương lai cho chính mình và cho cộng đồng hơn 8 ngàn người dân ở đảo. Đặc biệt hơn cả là trường hợp của Liên, cô chủ Khách sạn Sài Gòn 68, nơi chúng tôi lưu lại trong những ngày Côn Đảo. Quê miền Tây, Liên đã vực dậy sự nghiệp kinh doanh xuống cấp của gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh sau những lần ra Nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ “cô Sáu” (Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu). Trong những ngày bế tắc nhất của gia đình, những lời cầu nguyện tại mộ phần chị Sáu đã giúp Liên có thêm sức mạnh vượt qua mọi trở lực khi về lại đất liền. Một sức mạnh vô hình nào đó đã giúp gia đình Liên đồng lòng, đồng sức chống chọi thắng mọi trắc trở. Liên tự coi mình là người con, người em của chị Sáu. 37 tuổi, Liên quyết định rời đất liền, chọn Côn Đảo lập nghiệp lâu dài với dự định phát triển “du lịch xanh bền vững” để tri ân “cô Sáu”.

Buổi chiều cuối cùng ở Côn Đảo, tôi được Liên rủ đi chụp hình ở Vịnh Cá Mập. Mặt trời hạ dần sau Hòn Bà, thả chùm nắng xuống Vịnh làm biến sắc màu nước. Không biết nước có ấm không, riêng ống kính của tôi thì nóng lên khi một lần nữa quyết định chụp ngược sáng. Cô chủ khách sạn trẻ lần đầu tiên mặc áo dài ở Côn Đảo, đang đứng tạo dáng trên mỏm đá tỏa nắng tháng Tư.

Côn Đảo, cuối tháng Tư, 2018
B.X.H  
(TCSH353/07-2018)




 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng