Góc Hoài niệm
“Tuần Lễ Vàng 1945”
09:06 | 01/09/2018

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
(Trích đoạn tuồng lịch sử)

LTS: Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám đến thành công của “Tuần Lễ Vàng” năm 1945, lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng và khối đại đoàn kết dân tộc trong thực tiễn. Những dấu mốc ấy đã để lại bài học lớn lao đầy ý nghĩa về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

“Tuần Lễ Vàng 1945”
Cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) phát biểu trong buổi đấu giá tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng (Ảnh tư liệu)

Kịch bản tuồng lịch sử “Tuần Lễ Vàng 1945” nhằm gợi nhắc về những trang đẹp về ký ức của sức mạnh của lòng dân. Đặc biệt là những quyết sách thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chủ tịch trong việc gìn giữ những di sản văn hóa của dân tộc.
Những trăn trở, ưu tư qua các nhân vật chính trong vở tuồng: triều Bảo Đại với nỗi ưu tư về thoái vị hay tiếp tục giữ ngôi, kháng cự cách mạng; hoàng gia nhà Nguyễn
với nỗi băn khoăn có nên đến với Tuần Lễ Vàng hay từ chối bỏ qua; Hồ Chủ tịch với niềm trăn trở có nung chảy những báu vật vàng bạc để bổ sung quốc khố hay giữ lại cùng năm tháng v.v. Tất cả được khai thác để trở thành xung đột và hành động kịch. Đó là những nút thắt có thực trong lịch sử và trở thành những nút thắt quan trọng của kịch bản. Kịch bản do tác giả Nguyễn Phước Hải Trung biên kịch và chuyển thể đang được tổ chức dàn dựng và dự kiến công diễn vào tháng 10/2018.
Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 (1945 - 2018), Tạp chí Sông Hương trân trọng giới thiệu trích đoạn (hai cảnh) trong kịch bản này.
S.H



CẢNH III: LỄ THOÁI VỊ  
Trước Ngọ Môn tuyên chiếu thoái vị
Rời ngai vàng làm một công dân


Bối cảnh: Ngọ Môn tháng 8/1945.

Lễ thoái vị, vua Bảo Đại và các thành viên đại diện Chính phủ Lâm thời cùng tiến hành nghi thức thoái vị. Lễ thoái vị diễn ra, vua Bảo Đại mặc áo dài vàng, đội khăn vàng, tuyên Chiếu trước dân chúng... 

Trước buổi lễ, vua Bảo Đại và Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe có cuộc trao đổi nhỏ, bên cạnh là các đại thần, hoàng thân.

Vua Bảo Đại: Này, ông Hòe
                        Hôm trước, tại điện Kiến Trung,
                        Trẫm chính thức họp bàn (với) đại diện
                        lâm thời Chính phủ
                        Đã tính suy, vạch nội dung rất kỹ
                        Về tổ chức buổi thoái vị hôm nay
                        Ngoài ra, trẫm cũng tự nguyện cam kết
                        Sẽ chuyển giao những báu vật của triều đình
                        Những kim ấn, kim sách cùng nhiều đồ quý khác
[1]

Phạm Khắc Hòe: Thưa hoàng thượng, điều này thần biết
                        Đó cũng là thuận lý hợp tình
                        Cách mạng hiểu: sự chân thành ở hoàng thượng


Tả Tham Tri: Hoàng thượng quả đấng anh minh
                        Biết rõ muôn phần phân tích thế cuộc


Vua Bảo Đại:             Giờ thì trẫm đã yên lòng vững dạ
                        (Để) bình tâm tuyên chiếu trước muôn dân
                        Càn khôn chứng giám
                        Nhật nguyệt soi cùng
                        Trẫm xin cáo yết với núi sông hùng vĩ
                        Trẫm xin cúi đầu trước liệt vị anh linh
                        Để xin nguyện làm một thần dân
                        Của một nước tự do, độc lập...


Phạm Khắc Hòe: Hoàng thượng sợ Nam - Bắc tương tàn

Tả Tham Tri: Hoàng thượng lo muôn dân thống khổ         

(Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận và các thành viên đại diện Chính phủ Lâm thời xuất hiện).

Trần Huy Liệu: Xin chào ngài Vĩnh Thụy, xin chào các ngài!

(Các vị khác đều gật đầu chào nhau)

Vua Bảo Đại: Thay mặt triều đình, xin chào các vị

Trần Huy Liệu: Hôm nay, tôi Trần Huy Liệu,
                        Thay mặt quốc dân đồng bào,
                        Thay mặt chính phủ mới,
                        Đến đây cùng tổ chức Lễ thoái vị


Vua Bảo Đại: Hôm nay tuyên chiếu thoái vị
                        Tuy lòng tôi không khỏi ngậm ngùi
                        Nhưng chí đã quyết (tất thảy) vì quốc gia, dân tộc


Trần Huy Liệu: Chính phủ Việt Nam hiểu tâm tư đó
                        Xin mời ông tuyên chiếu với muôn dân.


(Phạm Khắc Hòe dâng lên bản chiếu. Vua Bảo Đại đón nhận, trang trọng mở ra, tuyên chiếu)

Vua Bảo Đại: Hạnh phúc của dân Việt Nam
                        Độc lập của dân Việt Nam
                        Những chữ đó cao hơn ngai báu
                        Trẫm đã nghĩ suy thấu lý đạt tình
                        Mà đoàn kết lòng dân hiện giờ là hơn tất thảy
                        Để Việt Nam mãi mãi sống còn
                        Để trời xanh cao rộng khắp núi non
                        Trẫm xin nhượng quyền điều hành giang san xã tắc
                        Cho chính phủ Dân chủ - Cộng hòa
                        Chiếu này tuyên trước gần xa
                        Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm
                        Trẫm nguyện làm một người dân
                        Của nước độc lập muôn phần tự do.


(Hoàng thân Vĩnh Cẩn dâng khay đặt ấn Hoàng đế chi bảo và thượng phương bảo kiếm).

Vua Bảo Đại (đặt tay lên hai biểu tượng của triều đại):       
                        Đây phút giờ thời khắc lịch sử
                        Xin trao lại Chính phủ những biểu tượng thiêng liêng
                        Thanh bảo kiếm tượng trưng uy quyền
                        Cùng Kim ấn "Hoàng đế chi bảo"


(Vua Bảo Đại trao lại cho Trần Huy Liệu. Trần Huy Liệu nhận ấn và kiếm).

Trần Huy Liệu: Xin cám ơn công dân Vĩnh Thụy
                       
(Còn đây), huy hiệu cờ đỏ sao vàng,
                        xin trao tặng đến ông.


(Trần Huy Liệu đưa tay hướng về mời Cù Huy Cận và vua Bảo Đại. Cù Huy Cận gắn huy hiệu lên áo của vua Bảo Đại. Cù Huy Cận vừa gắn huy hiệu vừa nói…).

Cù Huy Cận: Chiếc huy hiệu thắm tươi màu cách mạng
                        Tự Việt Nam Độc lập đồng minh
                        Sao năm cánh: sĩ, nông, công, thương, binh
[2]
                        Mãi tỏa lan xa hiện rõ tinh thần đoàn kết.

Trần Huy Liệu: Kính thưa quốc dân đồng bào
                       
Nước ta trở từ đây chuyển sang trang mới
                        Xây nền độc lập tự do dân chủ
                        Nhà vua thoái vị
, thay mặt triều đình đà tuyên bố
                        Cũng bởi
mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân
                        Chính phủ Việt Nam biểu hiện sự đồng tình
                        Lịch sử sang trang,
Nhân dân là chủ

(Trần Huy Liệu vừa dứt lời, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Nền nhạc Tiến quân ca trỗi lên qua âm thanh bộ kèn hơi. Tiếng vỗ tay, hô vang của muôn dân):
                        - Việt Nam độc lập... Muôn năm  (3 lần)

(Các vị trong ban tổ chức ở lại tiếp tục trao đổi, nghị sự với công dân Bảo Đại).

Hữu Tham Tri:          Tôi xin chào ngài! Mời ngài   

Trần Huy Liệu:         Thưa ông Vĩnh Thuỵ...
                        Khi vào đây tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển ý

                        Mời ông tham gia Cố vấn tối cao
                        Cùng Chính phủ Lâm thời
                        Vạch kế sách chấn hưng đất nước


Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại):
                        Khi hay tin đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc
                        Đã yên ủi lòng tôi, trước cuộc thế chuyển xoay
                        Nay lại được Người mời tham gia chính phủ
                        Dạ càng vui thay, lòng đâu ý chối từ...


Phạm Khắc Hòe (nhìn sang ông Tả Tham Tri):        
                        Hay... hay...
                        Cụ Hồ quả là đấng cao minh


Tả Tham Tri: Vừa bao dung, vừa trông xa nhìn rộng

Trần Huy Liệu: Nếu quyết vậy, mời ông, nhanh càng tốt
                        Ra Thủ đô để hội kiến với Người.


Vĩnh Thụy:    Tôi có mấy điều thu xếp
                        Chiều nay tôi sẽ trả lời ngài.


Trần Huy Liệu: Xin cám ơn ngài! Xin chào ngài!

(Các vị trong ban tổ chức cáo từ, mọi người lui ra)...

Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại):
Khách:             (Muôn dân ơi, đây là lúc)
                        Ngôi báu đã rời
                        (Ta đây) Với non sông muốn góp phần bé nhỏ
                        (Cũng là lúc)
                        (Xã tắc vốn mịt mờ)
                        Nay càng sáng tỏ
                        Tài hèn góp sức nguyện về sau...


(Vĩnh Thụy quay gót, Nam Phương xuất hiện: cảnh chia tay quyến luyến)

Nam Phương: Hoàng thượng! Hoàng thượng!        

Vĩnh Thụy:    Hoàng hậu…!

Nam Phương: Người ra Hà Nội ư...
                        Hoàng thượng ơi!

                        Hoàng gia ta giờ đà tan rã
                        Bao lặng thầm lả chã hơi thu
                        Nhạc lễ phai cùng Đường Ngu
                       
Y quan xếp lại Hán Chu mịt mù [3]

Vĩnh Thụy:    Hoàng hậu…!

Nam Phương: Nhạc lễ uy nghi muôn đời thịnh trị
                        (mà) Triều Đại Nam không lẽ khép lại rồi sao...

Vĩnh Thụy:    Hoàng hậu ơi!
                        Ra đi đâu cũng chốn sơn khê
                        (Nên) Nhắn nhủ cùng nàng trọn mọi bề
                        Con thảo, vợ hiền, luôn gắng sức
                        Cho toàn vẹn chữ
: nghĩa phu thê
Nam bằng
:      Nghĩa phu thê! Ngày về sẽ gặp
                        Hoàng hậu ở lại, để ta đi
                        Chớ u buồn nước mắt chứa chan


Nam Phương:            Xin người bảo trọng tinh thần, long thể 
                        Lòng thiếp đây thăm thẳm nghĩa trăm năm
                        Với thân mẫu sẽ đêm ngày phụng sự  
                        Với các hoàng nhi năm tháng tận tình
                        Trọn vẹn ba sinh... Người yên lòng cất bước.
           
                        (Chừ thì...)
Xuân nữ:         Thiếp đây ngồi lại với canh tàn
                        Luống những bâng khuâng với mơ màng
                        Gót loan rời bước, người đi mãi
                        Mùa thu càng quạnh gió đông sang
                        Bước xuống thềm châu sầu vương lệ khép
                        Mái điện son chim phượng khóc than
Nam
:               Ngàn non khuất dáng chim hoàng
                        Chỉ vương trong gió bóng chàng nẻo xa


Vĩnh Thụy:    Hoàng hậu ơi... xin đừng buồn nữa
                        Bão sẽ qua, sóng dậy cũng rồi qua
Nam - xuân
:    Rồi đây hai chữ nước nhà
                        Chung tay gắng sức chí ta nguyện cùng ...


Nam Phương:
Nhịp 3/7:         Mai đây thiên lý dặm xa
                        Bóng người thăm thẳm sơn hà nhòe mi


Vĩnh Thụy:    Cầm tay giây phút biệt ly
                        Mà câu ly biệt nghẹn bề núi sông

Nam Phương:
Nam:               Bao nhiêu hờn giận, yêu thương

Vĩnh Thụy:   
(Tiếp) nam:      Thịnh suy, hưng phế cũng nhường vận thôi.              

Tiếng vọng:    Biệt là biệt phân ly
(Hậu trường)   Phân ly đôi đường
                        Góp sức cùng lòng theo cách mạng
                        Dựng xây đất nước thoát lầm than
                       
Biệt là biệt phân ly
                        Phân ly đôi đường

Hát cùng bàiDù cho cách trở cả đôi đàng
                        Vẫn nguyện cùng nhau nghĩa vẹn toàn
                       
Trong buổi chia ly luôn gắng sức
                        Ước mong đất nước cảnh huy hoàng


CẢNH VI: TỔNG KẾT TUẦN LỄ VÀNG 
Tuần lễ vàng chứng minh sức mạnh lòng dân
Báu vật bằng vàng, Hồ Chủ tịch quyết tâm gìn giữ


Bối cảnh: Phủ Bắc Bộ, nơi làm việc những ngày đầu của Chính phủ Lâm thời. Buổi lễ tổng kết Tuần Lễ Vàng 1945.

Cố vấn Vĩnh Thụy thay mặt tổng kết. Hồ Chủ tịch tham dự, chỉ thị các thành viên chuẩn bị buổi gặp mặt cám ơn các thương nhân, các nhà tư sản đã có tấm lòng với quốc gia, dân tộc. Buổi lễ có các thành viên chính phủ, các ủy viên hội đồng trong Ban vận động Tuần lễ vàng v.v.

Các ủy viên hội đồng trong Ban vận động Tuần lễ vàng ở Hà Nội thỉnh thị Hồ Chủ tịch về kế hoạch nung chảy những báu vật vàng, bạc thu từ triều Nguyễn.

Cố vấn Vĩnh Thụy:  
                        Kính thưa Hồ Chủ tịch, thưa tất cả mọi người
                        Tôi Vĩnh Thụy - Cố vấn tối cao
                        Xin tổng kết mấy lời:
                        Tuần Lễ Vàng sau thời gian phát động.


Hồ Chủ tịchXin mời ông Cố vấn
                        Nêu thật rõ tình hình.


Vĩnh Thụy:
Tán:                 Sau phát động phong trào / Lúc đầu dân chưa tỏ
                        Nhưng mấy ngày sau đó / Mọi người đã đều hay
                        Tuần lễ vàng như sức gió chuyển lay
                        Lòng muôn người tựa vừng đông ngời sáng


Hồ Chủ tịchCác đồng chí!
                        Trong gieo neo khốn khó
                        Giữa thử thách chất chồng 
                        Lòng người như núi như sông
                        Hiệu triệu hô vang bừng bừng sáng tỏ


Vĩnh Thụy:    Tuần lễ vàng phát động/ Tính chỉ hơn một tuần
                        Mà nhân dân cả nước/ Góp sáu mươi triệu đồng
                        Đây sức mạnh đồng tâm/ Kia số vàng đóng góp
                        Ba trăm bảy ky lô
[4]/ Góp dựng lại cơ đồ.
                        Từ Phú Xuân Huế trở vô
                        Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Đô chung lòng
                        Bắc bộ góp của, dốc công
                        Bao nhiêu nghĩa cử (cùng) non sông vững bền


Hồ Chủ tịchCám ơn ông Cố vấn!
                        Quả đúng là:
                        Dễ trăm lần không dân cũng chịu
                        Khó vạn lần dân liệu cũng xong
[5]      
Nam bằng:      Bấy nhiêu gian khó non sông
Hường
:            Như trước đây chính phủ ta kêu gọi
                        Tuần lễ vàng xây quỹ độc lập
                        Tuần lễ vàng dựng quỹ quốc phòng
                        Đến hôm nay
(Tiếp) nam
:      Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi
                        Này các đồng chí!
                        Phát động kết quả đã xong
                        Phân chia cho rõ để cùng… tiến lên


Cù Huy Cận: Thưa chủ tịch
                        Về điều này mọi người trong ban vận động
                        Cũng đã có dự kiến rõ ràng
                        Chấn hưng cùng với quốc phòng
                        Cả hai nhiệm vụ song song vẹn toàn.


Hồ Chủ tịchĐúng, đúng lắm
                        (À… mà còn) Việc này ắt phải làm ngay
                        Các nhà thương nhân, tư sản và toàn thể đồng bào
                        (Ta phải) định ngày... (để) cám ơn
                        Này các đồng chí! Luôn nhớ rằng
                        Đoàn kết là sức mạnh sống còn
                        Lòng dân kết lại núi non vững bền


Trần Huy Liệu: Vâng, thưa Chủ tịch

Hồ Chủ tịchCác đồng chí!
                        Chúng ta phải tuyên dương những tấm lòng góp công                                              Điển hình như Trịnh Văn Bô
                        Những con người như Hoàng Minh Hồ
[6]
                        Rồi Sơn Hà, Hữu Nhâm cùng nhiều người khác
                        Theo thời gian lịch sử mãi không quên


Trần Huy Liệu: Vâng. Vâng
                        Trong thời gian sớm nhất
                        Cuộc gặp mặt cám ơn các nhà tư sản
                        cùng đồng bào sẽ được diễn ra.


Hồ Chủ tịch(Chúng ta cần nhớ)
                        Sau cách mạng quốc khố hơn một triệu 

                        Dân đóng góp nay được gấp trăm lần           

Vĩnh Thụy:    Thưa Chủ tịch
                        Điều này chứng tỏ
                        Cách mạng Việt Nam lại gặt hái tiếp thành công


Hồ Chủ tịchĐoàn kết dân tộc, phụng sự tổ quốc
                        Tám chữ thành sức mạnh kết tinh
                        Điều gặt hái lớn nhất sau Tuần Lễ Vàng phát động
                        Đó là: hiểu rõ thêm sức mạnh của lòng dân
                        Đây cội nguồn dân tộc: đúc nên nền đất nước 
                        Kia truyền thống quốc gia: kết thành đài nhân dân.


Mọi người :    Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết
                        Thành công, thành công đại thành công


Hồ Chủ tịchĐúng, đúng vậy!
                        Vậy các đồng chí đã hiểu chưa?
                        Còn ý kiến nào khác?


Trần Hữu Dực: Thưa Chủ tịch
                        Ngoài phần đóng góp của nhân dân trong Tuần Lễ Vàng
                        Chúng ta đã nhận được từ triều Nguyễn
                        Rất nhiều vật quý bằng bạc, bằng vàng

(Các báu vật được đưa ra cho Hồ Chủ tịch xem)

Hồ Chủ tịch (nhìn Cố vấn Vĩnh Thụy):
                        Hay, hay lắm!

Trần Hữu Dực: Thưa Chủ tịch!
                        Nếu của cải này nếu đem nung chảy cả ngàn
                        Sẽ có lượng lớn bổ sung ngân hàng, quốc khố
[7]
                        Mời Chủ tịch xem qua

Hồ Chủ tịch (đến xem các báu vật nét mặt từ đăm chiêu chuyển sang thảng thốt): Cái gì? Các ông đang bàn thảo
                        Nung chảy ấn, sách vàng này góp phần tăng quốc khố đó ư?


Mọi người:     Thưa... phải vậy!

Hồ Chủ tịchCác đồng chí không tính kỹ
                        Chẳng suy nghĩ trước sau
                        Đã bàn thảo cùng nhau
                        Định nung chảy những báu vật này ư?
                        Điều này e... hạ sách
                        Là hạ sách!


Trần Hữu Dực: Thưa Chủ tịch
                        Ta đã có gần ba nghìn món báu vật bằng vàng
                        Bây giờ nếu mang sang/ Nung chảy thành kim hoàn
                        Bổ sung thêm quốc khố/ Củng cố lại quốc phòng
                        Bài đế và phản phong/ Cả hai đường đều thuận 


Hồ Chủ tịchKhông... không... không
                        Tôi nói là hạ sách còn vì... lẽ khác
                        Này các đồng chí!
                        Trước đây vua Tự Đức đã cho triệu hồi và nung chảy
[8]
                                Rất nhiều cuốn sách vàng của hoàng tộc hoàng thân
                        Hẳn các đồng chí còn nhớ
                        Khi gặp vận quốc gia trắc trở
                        Phải đền bù chiến phí cho thực dân
                        Nếu hôm nay gặp khó khăn ta cũng làm như vậy
                        Thì e là văn hóa nước nhà...
                        Văn hóa nước nhà mai một... sẽ còn chi?
Khách
:             Sách bạc, ấn vàng chạm khắc hoa văn ngời tinh xảo
                        Thật quý thay, bàn tay người thợ thủ công

                        Hoa văn, họa tiết sáng bừng... là đây...
(Tiếp) khách:   Giữ lại tinh thần di sản, cho bao thế hệ muôn đời sau

Mọi người :    Vâng…Chúng tôi đã hiểu ý sâu xa của Người

Hồ Chủ tịchTình hình lúc này... thật... mọi người nên tỉnh táo
                       
Đừng tưởng nung chảy sách ấn, là bài đế, phản phong
                        Trên kim sách hiện rõ óc sáng tạo của thợ thủ công
                        Những hoa văn còn ngời lên tài hoa của người lao động
                        Không... Không
                        Không thể nung những báu vật bằng vàng bằng bạc                                     Chẳng thể xem thường sức sáng tạo của nhân dân
                        Bàn tay người thợ thủ công
                        Hoa văn, họa tiết sáng bừng... là đây...


Trần Huy Liệu: Giữ lại tài sản tinh thần cho bao thế hệ
                        Để muôn sau con cháu tỏ tường.
       

Hồ Chủ tịchNgười thợ thủ công tạc tháng ngày
                        Hoa văn họa tiết mãi còn đây
                        Ấn vàng, sách bạc ngời tinh xảo
                        Quyết giữ cho muôn thuở sau này. 


(Nhạc vào và hạ màn).

N.P.H.T
(TCSH355/09-2018)

 



[1] Năm 1945, trước ngày thoái vị, thay mặt triều Nguyễn, vua Bảo Đại đã trao cho Chính phủ Lâm thời hơn 2.700 món hiện vật là kim ấn, kim sách và các loại đồ ngự dụng bằng chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà v.v.

[2] Quốc kỳ Việt Nam có xuất xứ từ hiệu kỳ của Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, với nền đỏ tượng trưng màu cách mạng; màu sao vàng tượng trưng cho dân tộc; với năm cánh sao tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của 5 tầng lớp: sĩ, nông, công, thương, binh.

[3] Nhạc lễY quan là các khái niệm chỉ về văn hiến đất nước thời quân chủ. Nhạc lễ và Y quan thịnh trị, quy củ điều ấy biểu thị một đất nước vững mạnh. Trên điện Thái Hoà có bài thơ với đại ý là: Dấy nghiệp văn thôi võ/ Lúc biển lặng sóng yên/ Y quan Chu chế độ/ Lễ nhạc Han uy nghiêm.

[4] Sau Cách mạng tháng Tám, quốc khố chỉ có 1,2 triệu đồng. Tuần lễ Vàng phát động trong cả nước từ 17/9 đến 24/9/1945 đã huy động được tổng cộng 60 triệu đồng và 370kg vàng.

[5] Đây là các câu rút từ bài thơ tuyên truyền “Dân no thì lính cũng no” của nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988): Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong/ Thóc thuế mà có dân đong/ Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi. Bác Hồ thường nhắc các câu thơ này trong các bài nói của mình.

[6] Vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Minh Hồ đã ủng hộ cho Chính phủ hơn 5 ngàn lượng vàng.  

[7] Theo sử liệu, trong Tuần Lễ Vàng 1945, một số người của Ban điều hành đã có “sáng kiến” đưa các báu vật bằng vàng thu từ triều Nguyễn để nấu chảy thành ngân lượng bổ sung vào ngân khố nhưng Hồ Chủ tịch dứt khoát không đồng ý.  

[8] Năm 1862, sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất, triều Tự Đức (1848 - 1883) đã cho triệu hồi các loại sách vàng, sách bạc vốn sắc phong cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa để nung chảy thành ngân lượng nhằm đền bù chiến phí cho Thực dân Pháp. Sau đó, cấp lại cho các đối tượng trên bằng loại sách đồng.

 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng