TÔ HỮU QUỴ
Nhìn những bọt nước lớn nhỏ bám vào nhau lững thững trôi theo vệ đường, tôi nhớ có ai đã nói với tôi mỗi khi trời mưa, bọt nước không vỡ nhanh mà cứ bồng bềnh trên mặt như thế là cơn mưa sẽ kéo dài thật lâu.
Gần hai tiếng đồng hồ tôi ngồi ở quán café vệ đường này rồi còn gì! Mưa Sài Gòn có phải mưa Huế đâu mà kéo dài lê thê? Nước mưa trên đường phố Sài Gòn có phải nước lũ của thành phố Huế đâu mà chảy cuồn cuộn trên mặt đường gần ngập cả bánh xe như thế? Rồi những kỷ niệm về mưa Huế len lén vào tâm tư hồi nào mà tôi không hề hay biết…
Còn nhớ tôi và em mùa Xuân năm ấy, phải nhờ đến chị “bảo kê ” em mới được ra khỏi nhà, hai đứa chúng tôi như chim sổ lồng, rồi cùng nhau đạp xe dưới mưa bay trực chỉ đồi Thiên An thơ mộng, nơi hẹn hò ngao du lý tưởng của bất kỳ cặp tình nhân nào của xứ Huế. Hai đứa ì ạch đạp xe lên dốc Nam Giao mà không đổ một giọt mồ hôi vì trời mát, đi một đoạn khá xa rồi thả lỏng cho xe đổ xuống dốc Cầu Lim thẳng tắp. Thật dại dột khi tôi đã nói với em sáng hôm ấy mà hai đứa vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ “đời thật hạnh phúc khi mình đang xuống dốc” và em cũng đã đồng tình bằng ánh mắt thơ ngây.
Không hiểu tại sao dạo ấy tôi rất thích chiếc nón béret basque đúc bằng nỉ màu xanh đen nước biển, được sản xuất từ vùng Alsace nước Pháp xa xôi, mà anh tôi đã mua cho và chiếc áo ấm blouson bằng nỉ đen được cắt may từ chiếc áo pardessus cũ của cha tôi. Vào mùa mưa bay và trời se lạnh hôm nay, con nhà nghèo như tôi đem chúng ra sử dụng như những món thời trang hiếm hoi thì thật là hạnh phúc. Em thì thích áo ấm bằng len màu cà phê sữa, và ghiền chiếc nón lá quai nhung đen như một vật bất ly thân mỗi khi ra đường. Chiếc nón lá là nơi giấu mặt thật ưu việt của những người con gái Huế, nó làm tăng vẻ e ấp đáng yêu, lại vừa nâng vẻ duyên dáng nên thơ lên một tầm cao mà ít nơi nào có được. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của thi sĩ Trần Quang Long:
“Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
“Chiều mùa Thu mây che có nắng đâu?
Khi đến đồi Thiên An, chúng tôi nhìn lại mình, dù không mặc áo mưa nhưng chẳng đứa nào bị ướt, đúng là mưa bay “không ướt cánh chuồn chuồn” như nhà thơ Nguyên Sa đã nói; trên vành nón beret và trên các nếp xếp của áo blouson những hạt mưa bụi bám vào rõ nét như sương lam ban mai trên các màng nhện trong vườn trông óng ánh đẹp lạ thường. Nhìn về phía em, chiếc quai nón nhung đen cũng bám đầy những hạt mưa bay và tôi đã nghĩ thầm thế là công bằng. Hôm ấy trời se lạnh, mưa bay từng hạt nhỏ rơi nhẹ bám vào những lá thông non trên cành cao, thoáng nhìn như tuyết mới bắt đầu phủ lưa thưa một lớp mỏng; la đà trên mặt đồi là những bụi cây mua(1) đây đó nở đầy hoa tím cũng được bám đầy những hạt mưa li ti trông thật dễ thương. Nhìn ra xa những đồi thông chung quanh, những cây thông đứng lặng yên, như chúng đang trầm tư lắng nghe trong sự tĩnh mịch của ban mai có tiếng thì thầm tự tình của những con tim đang yêu… Trời không gió, nhưng mưa vẫn bay, nhìn càng xa phong cảnh càng mờ dần, trông mơ hồ chẳng khác gì một bức tranh thủy mặc…
Thế rồi mùa “mưa dầm gió bấc” lại đến… Thuở đó, phương tiện giao thông khó khăn, tuy ở vùng Phát Lát An Cựu thuộc phụ cận thành phố Huế mà như ở thôn quê. Trường tiểu học An Cựu quy tụ ngoài những học trò của làng An Cựu còn nhận thêm các học trò của các làng xã lân cận khác như Dạ Lê, Lang Xá…; học trò nghèo đi học mùa mưa chỉ có một “phương tiện” duy nhất là đi bộ, đi chân không và mang tơi lá kè(2), chứ làm gì mua nổi chiếc áo mưa. Con nhà nghèo chỉ sắm được tơi cá rẻ tiền, còn tơi đọt đắt tiền dành cho những người thuộc gia đình khá giả. Mưa bấc gió lạnh như thế này mà mang tơi lá kè thì ấm tuyệt và tiện lợi vô cùng, vì mưa hướng nào ta xoay tơi về hướng đó.
Tôi không còn nhớ năm ấy là năm nào, chỉ biết rằng đó là lần đầu tiên tôi mặc chiếc áo mưa được sản xuất theo kỹ thuật công nghiệp, được bán trong những cửa hàng sang trọng; cũng là lần đầu mẹ tôi cho tiền tự đi mua sắm cùng với bạn ở cửa hàng An Vân ngã giữa thành phố Huế… Tôi loay hoay một cách vụng về để mặc chiếc áo mưa mới tinh khôi còn thơm mùi nhựa dẻo, bạn kiên nhẫn hỗ trợ tôi, lòng tôi e thẹn nhưng ngập đầy hạnh phúc và hưng phấn. Ngoài trời vẫn mưa, sắc trời buồn xám, nhưng lòng tôi cứ rộn rã không thôi. Tôi nôn nao rất muốn bước ra ngoài trời và cùng với bạn đi mãi trong mưa phùn và gió lạnh. Đi đâu? Về đâu? Không chủ đích! Miễn là được đi dưới mưa lạnh. Chỉ nghĩ thôi cũng đủ thấy thích thú rồi… Bạn và tôi men theo khu phố, lần lượt dán mũi vào các tủ kính bày biện hàng hóa sang trọng mà lòng đầy vui thích. Cứ thế, chúng tôi đi mãi, đi mãi cho đến khi gặp con đường rẽ vào cửa Đông Ba, có dãy phố đìu hiu mới trở lui về. Mãi say sưa nhìn ngắm các cửa hàng của khu phố, tay chân ướt đẩm và rét lạnh căm căm; trời mưa nên mau tối, chúng tôi hối hả đi về hướng bến xe autobus đầu cầu Gia Hội, nhưng xe đã hết chuyến. Như thế có nghĩa là chúng tôi sẽ phải cuốc bộ về tận Phát Lát An Cựu dưới cơn mưa, mà trước đây không lâu tôi cho rằng chính nó đã làm cho chúng tôi rất hạnh phúc và lý thú.
Được thôi, chuyện nhỏ mà!
Trời về chiều mưa càng nặng hạt. Phố xá lên đèn và gió bấc cũng theo về trên mái phố làm chúng tôi lạnh buốt thêm lên. Bầu trời trở nên u ám buồn tênh. Chúng tôi đi qua phố Trần Hưng Đạo thênh thang gió lộng và mưa phùn. Chợ Đông Ba, mọi người chẳng ai hẹn hò với nhau cũng dọn dẹp hàng hóa cấp tập ra về. Niềm hạnh phúc và sự hưng phấn của tôi ban chiều đã dần dần tan loãng, chỉ còn lại trong tôi sự nôn nao mong về nhà thật sớm để khoe chiếc áo mưa mới với mọi người.
Chúng tôi đi bên nhau qua cầu Tràng Tiền đang kiên nhẫn đắm mình trong mưa gió, chiếc cầu bắc qua dòng sông mà thi sĩ Nguyễn Bính đã ví von trong bài thơ “Vài nét Huế” là:
“Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ…”
Chúng tôi nói với nhau vài câu chuyện bâng quơ để quên đường về nhà dài hun hút, vả lại đứa nào cũng lo chống đỡ với những hạt mưa đang tát vào mặt đau rát như dao cắt.
Trong cảnh mưa dầm gió bấc như hôm nay không làm sao quên được thi sĩ Nguyễn Bính đã miêu tả trong bài thơ “Giời mưa ở Huế” nghiệt ngã đến đàn kiến cũng khó nhọc đi kiếm ăn:
“Giời mưa ở Huế sao buồn thế?
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mưa ngao ngán một loài mây…”
Gió bạt từng cơn, có lúc đẩy chúng tôi đi liêu xiêu chân bước không vững. Có anh phu cyclo còng lưng đạp chiếc xe lên dốc cầu ngược gió một cách khó nhọc. Có bà cụ già bán hàng rong ế ẩm vì trời mưa, còn đôi gánh nặng trĩu trên vai, với chiếc tơi cá rách cùn không đủ che tấm thân gầy yếu đang đi trước mặt chúng tôi. Bất giác tôi nghĩ đến mẹ và cha tôi cũng đang vất vả khổ cực chẳng kém gì! Những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt của mẹ và cha tôi, đã góp phần cho niềm hạnh phúc và nỗi hưng phấn của tôi chiều nay, thật vô cùng lớn lao và đầy ý nghĩa.
Mẹ và Cha ơi, con thương quá!.
Hôm nay là lần đầu tiên con hiểu, hiểu một cách sâu sắc tận đáy lòng mình, tình thương yêu của các đấng sinh thành dành cho con của mình sâu thăm thẳm và rộng lớn mênh mông đến dường nào!
Bước từng bước chân đi qua cây cầu danh tiếng, tôi thầm cảm ơn cơn mưa phùn và gió rét đã dạy cho tôi hiểu thế nào là nghĩa mẹ công cha…
Đến hẹn lại lên, rồi “tháng bảy nước nhảy lên bờ” của mùa mưa lũ và bão táp cũng đến… Nó đến không lãng mạn nên thơ như mưa bay mưa bụi; nó đến nhưng không lê thê trữ tình và đầy cảm xúc như mưa phùn gió bấc và nó cũng đến nhưng không nhanh gọn, vội vàng, chừng mực như mưa giông, mà nó đến một cách hung hãn cuồng nộ, gây biết bao nhiêu đổ nát tang thương chẳng thua gì chiến tranh; mặc dù khi nào đài khí tượng thủy văn cũng có báo trước và phổ biến các biện pháp phòng chống thiên tai… Nhưng tôi không hiểu bắt nguồn từ đâu, lúc nào người ta phát hiện ra một cơn bão lại cũng thích đặt tên cho nó là tên của một mỹ nữ, thật là không hợp lý một chút nào.
Khí tượng thủy văn tại Thừa Thiên Huế, đúng hơn là ở miền Trung, đã chứng tỏ rằng miền này mưa nhiều, nặng hạt và kéo dài liên miên về mùa Đông, tạo thành lũ lụt hằng năm, có năm lên đến chín mười trận là do hiệu ứng “phơn”(3) gây ra.
Dãy Trường Sơn cao, nên sườn núi dốc lớn, hệ thống sông suối chằng chịt, quy tụ nước mưa ồ ạt đổ nhanh về các dòng sông chính, chảy quanh co khúc khuỷu mới ra đến biển(4). Người ta kể rằng những người đi tìm trầm, những người lính Trường Sơn hay những người đi tìm lâm sản khác, thường trú đóng gần các con suối để có nước mà dùng, ban đêm những cơn lũ từ đầu nguồn lặng lẽ đổ về đột ngột, không ai hay biết nên rất nhiều đoàn người không chạy thoát kịp bị cuốn trôi mất tích.
Năm Thìn nào lũ lụt cũng lớn, đôi khi rất lớn. Lũ lụt năm Thìn bao giờ cũng kèm theo bão từ biển Đông thổi vào; bão thổi ngược dòng chảy nên làmcản trở không ít lượng nước thông ra biển, do vậy nước lũ dâng cao nhanh chóng, làm cho người dân khó bề xoay xở chạy thoát. Sử liệu còn ghi lại rằng bão lũ năm Thìn 1904 đã làm hư hỏng nặng nhiều nhịp cầu Tràng Tiền và một vài nhịp khác ở giữa sông bị bão lũ cuốn trôi(5).
Nói về bão lụt miền Trung, tôi còn nhớ trận lũ lụt năm Thìn 1953 đã hủy hoại tan hoang cả làng Bằng Lãng quận Nam Hòa, làm gần mấy trăm người thương vong, nó xóa sạch cả ngàn mẫu chè, cau trầu, thơm mít của làng Tuần cũng nổi tiếng thơm ngon đậm đà không thua kém gì các nông sản đồng sàng của làng Mỹ Lợi phía Nam tỉnh Thừa Thiên. Những trận mưa to dai dẳng có khi kéo dài vài ngày hoặc cả tuần bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đen nghịt, rồi nước lũ đổ về làm cho một ngọn đồi đất đỏ basalt màu mỡ của làng Bản Lãng trượt chuồi xuống dòng sông Hương và nhanh chóng tan biến thành phù sa, nên nước lũ năm ấy đỏ ngầu như nước sông Hồng và phù sa đã trải đều cho cả đầm phá, ruộng đồng, vườn tược tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế như một niềm an ủi nhỏ nhoi.
Năm 1954, hiệp định đình chiến Paris được các bên liên quan ký kết tại Genève Thụy Sĩ, chúng tôi vừa thi tốt nghiệp Thành Chung xong, học trò con trai con gái tổng cộng trên dưới mười đứa cùng nhau đạp xe đi du ngoạn lăng vua Minh Mạng. Vào đến lăng, một năm sau trận lũ lụt hãi hùng, mức nước có nơi lên cao đến mười mét trên thân cây còn in dấu tích; lối đi và sân trước các ngôi lầu các của lăng đều đã được dọn sạch để phục vụ du lịch, còn trên các đồi thông phù sa đang còn lấp đầy có nơi dày cả mét. Nhìn lớp phù sa dày đặc hai bên vệ đường và mức nước lũ còn khắc dấu trên những thân cây, lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại mới năm ngoái đây, người ta đã kể rằng: trong trận lũ đạp trôi làng này, có bà mẹ trẻ ôm hai đứa con bám trên ngọn cây mít suốt đêm; vì đói, mưa và gió lạnh bà đã lã người và tê cóng chân tay, đến nỗi một đứa con đã rơi khỏi vòng tay mẹ từ lúc nào mà không biết, đứa bé chìm vào dòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy dưới chân. Người ta cũng kể lại rằng: trên dòng sông Hương ngày lũ lớn, ai cũng thấy có một gia đình gồm cả ông bà cha mẹ con cháu đói lạnh, ngồi run trên nóc một mái nhà tranh đang bị cuốn trôi phăng phăng giữa dòng nước điên cuồng hướng ra biển Đông. Thật thương tâm, nhưng ai cũng đành bất lực chẳng biết làm sao!
Hồi tưởng đến đây làm tôi nhớ lại mấy câu thơ đầy ấn tượng tả trận lụt ở miền Bắc, khi đê sông Hồng bị vỡ của nữ thi sĩ Anh Thơ:
“Đê đã vỡ, một đêm mưa tầm tã
Nước băng sông, ồ ạt chảy trôi đồng
Làng xóm lụt chìm đi bao mái rạ,
Bao thây người lơ lửng giữa dòng sông…”
Rồi “tháng bảy giông ra, tháng ba giông vào” đã tới. Mưa giông là cơ hội đùa vui của lủ trẻ con chúng tôi thuở thiếu thời… Mưa tháng Tư là mưa giông đầu mùa. Một làn gió lạ thổi qua, một ánh chớp ngang trời là mưa đến ngay liền, đố ai lường trước được. Bắt đầu thì mưa lưa thưa vài giọt lớn bằng hạt bắp, chúng tôi ai cũng ngỡ là mưa đám mây và vô tư tiếp tục cuộc chơi. Bỗng mây đen kéo đến cuồn cuộn khắp trời, tiếp theo là sấm rền, sét nổ, gió giật liên hồi và cát bụi mù tung. Rồi nước từ đâu trên trời trút xuống mạnh và nhiều như thác đổ, cha tôi thì thường bảo là mưa như cầm chỉnh(6) đổ. Mưa như roi quất vào cây cối trong vườn, những cây chuối, cây cam, cây mận, cây ổi… chưa gì đã xác xơ; chỉ có hàng cau tơ của mẹ tôi trước ngõ là như đang thản nhiên ngặt nghẽo cười đùa với mưa sa và gió giật.
Khi gió đã lặng và mưa đều hạt, chúng tôi năm đứa: thằng Tường, con Quýt, con An, thằng Khiêm cùng hô lên một hai ba rồi chạy ùa ra tắm mưa. Đối với mưa giông, chúng tôi là “những người có nhiều kinh nghiệm”, vì đã cùng nhau nô đùa với nó nhiều mùa từ khi mới lớn. Nào chia phe tạt nước, làm thế nào cho đối phương ướt đẩm, vuốt mặt không kịp, xốn cả mắt, sặc cả mũi phải bỏ chạy là mình thắng trận. Kinh nghiệm là tạt làm sao cho lượng nước mỗi lần qua phía bên kia thật nhiều và cao lên ngang tầm mặt, muốn vậy phải ngửa lòng bàn chân về phía “địch” mà tạt. Vì thế, nước mưa tiêu thụ nhiều và nhanh nên mau hết. Đối phương cũng thông minh không kém, lúc đó họ tấn công mạnh và liên tục hơn, bên ta chỉ còn cách dãn quân ra đợi gom nước kha khá rồi mới phản công lại. Đánh nhau với vũ khí bằng nước bắt buộc phải kết thúc khi mưa đã tạnh và nước đã kiệt, lúc ấy nhìn lại mình cả kẻ thắng lẫn người thua đều tiêu điều như đoàn quân của hoàng đế Napoléon trở về từ trận Waterloo xa xôi bên nước Bỉ(7)…
Có khi chúng tôi không chơi trò chia phe đánh nhau mà chơi trò thủy lợi đoàn kết, bằng cách đắp đê đắp đập, ngăn những dòng nước chảy quanh co trong vườn: thằng Tường chạy về nhà giật mấy nan tre của tấm phên gót nhà nó; thằng Khiêm đi chặt trộm vài cây hóp(8) của vườn nhà hàng xóm; với bao nhiêu vật liệu đó chúng tôi cũng đã chế tạo được vài chiếc xe đạp nước. Chỉ cần trổ vài đường nước ngang qua con đê vừa mới đắp, có nước chảy xuống là chong chóng quay, sau khi đã chỉnh sửa cho vừa tầm… Có hôm vì ngăn đê đắp đập như thế nhưng cao quá làm nước ngập lênh láng cả khu vườn, bà nội tôi cầm roi ra là cả lũ biến mất trong nháy mắt mà không quên đá phá những con đê để giải cứu khu vườn đang bị ngập nước.
Kết thúc trận mưa giông bao giờ cũng có màn đi nhặt của trời cho. Chúng tôi chia nhau đi ra khắp các góc vườn; nào mận, nào nhãn, nào ổi… rụng nằm ngổn ngang, toàn những món khoái khẩu của chúng tôi. Mỗi đứa tự đi rửa sạch phần chiến lợi phẩm của mình rồi tập trung trước thềm nhà, đứa nào cũng vừa ăn ngon lành vừa đùa cợt với nhau thật thích thú, trông như một bữa tiệc vui liên hoan thịnh soạn của người lớn…
Khi học trường Quốc Học, tôi có dịp đi lại nhiều lần trên con đường Lê Lợi, tôi yêu thích con đường này vô cùng, tôi say mê ngắm nhìn và lắng nghe nó mỗi lần đi qua mà chưa bao giờ biết chán. Vậy có điều gì thầm kín vướng vít nơi đây chăng? Đối với tôi thì có nhiều điều đấy! Này nhé, nó không giống bất kỳ một con đường nào của thành phố Huế hay của nhiều tỉnh thành khác; nó có vẻ riêng tư dành cho những người tinh tế hằng yêu thương và luyến lưu thành phố Huế; con đường Lê Lợi chạy qua trước mặt hai ngôi trường danh tiếng Đồng Khánh và Quốc Học mà hầu như hoa phượng tây hay hoa soan(9), thường được mệnh danh là hoa học trò, lại không được tôn vinh để trồng dọc hai bên lề đường, mà lại trồng một loại cây “không giống ai”, nhưng đẹp và độc đáo vô cùng: đó là cây chương hay cây long não(10). Nó không đẹp sao được khi những thân cây của nó sần sùi có hình thù ngộ nghĩnh, khúc khuỷu, đôi khi có vẻ ma quái về đêm, những chi tiết đó đã tạo cho các cây long não có vóc dáng trông như những cây “bonsai khổng lồ” đắt giá. Nó không độc đáo sao được khi những cành lá của chúng giao nhau che rợp cả con đường; có một điều lạ nữa là nếu không ai tinh ý quan tâm thì chẳng thấy lá nó rụng vào mùa nào, vì lúc nào lá long não cũng xanh tươi bóng loáng. Nhất là sau những trận mưa giông, con đường như mới hẳn, những hàng cây cành lá như xanh tươi và sạch bóng thêm.
Mỗi lần tôi đi qua, bất luận ngày đêm sáng trưa chiều tối, nếu chú ý lắng nghe, bốn mùa lúc nào cũng có tiếng ve núi đua nhau kêu ri rỉ suốt dọc đường, đến mùa Hè thì ve núi cùng với ve đất đồng ca rộn rã điệp khúc mùa Hè muôn thuở trên khắp các cành cao. Mỗi lần tôi đi qua, hay nghĩ đến con đường này, không kể thời gian và không gian, không kể mùa nắng hay mùa mưa, hình ảnh những tà áo trắng của nữ sinh tung bay trong gió, cùng với những tiếng guốc giày khua trên đường, hòa với tiếng cười nói xôn xao của lủ nam sinh nghịch ngợm, trải dài cả con đường được tái hiện lên trong tâm trí tôi một cách sống động, nhất là mùa tựu trường. Mỗi khi nhắc đến là phải nhớ bài thơ “Tựu trường” của thi sĩ Nguyễn Bính đã sáng tác từ năm 1941:
Những nàng thiếu nữ sông Hương
Da thơm là phấn môi hường là son
Tựu trường san sát chân thon
Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời
Gió Thu cứ mãi trêu ngươi
Đôi thân áo mỏng tơi bời bay lên
Dịu dàng đôi ngón tay tiên
Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường
Tôi thầm cảm ơn ông đã để lại cho những người yêu Huế những bài thơ giản dị nhưng tinh tế khó quên khi đã được đọc qua, mặc dù thi sĩ ở Huế không lâu.
Năm 1974, gia đình tôi chuẩn bị rời xa Huế. Buổi chiều hôm ấy có mưa giông, chắc chắn con đường Lê Lợi sẽ rất đẹp, sẽ rất hoành tráng. Mới sáng hôm qua Công ty Điện lực tư nhân SIPÉA vừa hoàn thành hai hệ thống đèn cao áp trên đường Lê Lợi và đường Trần Hưng Đạo, để dần dần thay thế những ngọn đèn vàng hiu hắt của Huế, một thành phố từng vinh danh Huế đẹp Huế thơ, đang bị chiến tranh vây bủa, tàn phá khốc liệt.
Chưa được mười hai giờ đêm mà con đường Lê Lợi vắng ngắt. Đêm nay hình như thành phố Huế chỉ dành riêng để tiễn chân gia đình chúng tôi: thật âm thầm, lắng đọng và đầy xúc động. Tôi và em cho xe chạy chậm, thật chậm, vì đường Lê Lợi không đủ dài để làm vơi bớt niềm lưu luyến trong chúng tôi. Ánh sáng đèn cao áp mới có lần đầu trong thành phố, nó lộng lẫy làm sao giữa thành phố âm u đèn vàng nhuốm đầy vẻ chiến tranh ảm đạm này. Đèn cao áp mang lại một thứ ánh sáng trong trẻo như ánh trăng rằm, chiếu xuyên qua cành cây kẻ lá, làm cho lá long não bóng loáng thêm lên, cứ trải dài suốt cả con đường chúng tôi đi qua… Thành phố hiu quạnh về đêm, đường Lê Lợi tĩnh lặng, nhưng trông có vẻ vui tươi hơn một chút, như nó đang được tắm đầy một thứ ánh sáng mới lạ lùng.
Có vài tiếng đại bác vang vọng từ xa và ánh sáng của vài trái hỏa châu lập lòe bên chân núi. Không khí chiến tranh như đã gần kề… Tôi và em muốn vội vã trở về nhà để sắp xếp đồ đạc cho chuyến đi ngày mai, nhưng sao cứ vẫn bịn rịn luyến lưu không dứt, như chúng tôi sắp từ biệt mãi mãi nơi chốn ngập đầy những kỷ niệm gió mưa của một thời…
Xa Huế có nghĩa là tôi sẽ xa những cơn mưa bay, mưa bụi lãng mạn nên thơ hay những ngày mưa phùn, mưa dầm gió bấc lê thê nhưng trữ tình và đầy cảm xúc của xứ Huế vào những ngày đầu Xuân các tháng Giêng, Hai; và cũng có nghĩa là tôi sẽ xa cả những mùa mưa bão lũ lụt ngập tràn, mưa “thâm căn cố đế”, làm mất trắng mùa màng vào những ngày Đông giá rét của Thừa Thiên Huế… Nhưng có một điều tôi dám đoan chắc là những kỷ niệm về mưa Huế ấy chẳng bao giờ chịu rời xa tôi, chúng cứ gậm nhấm hồn tôi và đôi khi chúng làm cho tôi nhớ thương Huế quay quắt đến vô cùng… Như hôm nay…
Tháng 9, 1974
T.H.Q
(SHSDB32/03-2019)
............................................
(1) Một loại thực vật giống cây sim nhưng cả hoa, trái và lá đều đầy cả lông tơ.
(2) Tơi lá kè được làm bằng lá của cây kè (palm) phơi khô, lá già thì làm quạt, làm tơi cá, lá non thì để chằm nón và tơi đọt; lá kè thì có rất nhiều ở các vùng như Kim Long, Hổ Quyền, Xước Dũ…
(3) Foehn: Hiện tượng khí nóng từ lục địa châu Á theo chiều quay ngược với chiều quay của quả đất tiến về phía Đông, khi tiếp cận với dãy Trường Sơn, khí nóng được nâng cao lên tiếp xúc với mây lạnh đặc đầy hơi nước trên cao, làm cho hơi nước ngưng tụ lại thành hạt rồi mưa rơi xuống, và cũng theo chiều quay ngược của quả đất ấy, lượng nước mưa rơi xuống hầu hết đổ về phía Đông Trường Sơn, trong đó có ThừaThiên Huế. (Đại học Aix- Marseille bên Pháp đã có một nhóm khoa học gia nghiên cứu quá trình cấu tạo những hạt mưa từ trong mây, sự bùng vỡ của hạt mưa khi rơi xuống và kích cỡ của những hạt ấy theo từng mùa...).
(4) Lũ lụt chỉ có ở miền Trung. Miền Nam có lụt (inondation) mà không có lũ (crue exceptionnelle), lụt miền Nam là do nước chảy tràn bờ dâng cao mà có.
(5) Hồi ấy cầu Tràng Tiền chỉ rộng 6,20m, không có lề bộ hành, sàn cầu làm bằng gỗ lim. Cầu được xây dựng lại năm 1905 và hoàn thành năm 1907, sàn cầu được đúc bằng bê tông cốt thép và vẫn chưa có lề bộ hành; mãi cho đến 30 năm sau, năm 1937, cầu được đại trùng tu mới cho mở rộng và làm lan can lề bộ hành hai bên.
(6) Chỉnh hay tỉn là chiếc ghè bằng đất nung mà miệng nhỏ.
(7) 18-Juin-1815.
(8) Một loại trúc đốt thưa làm cần câu.
(9) Flamboyant.
(10) Camphrier. Người ta trích ly dầu của nó để có dầu naphthalène hay dầu long não.