Góc Hoài niệm
Nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ và câu nói: “HỒ CHỦ TỊCH - NGƯỜI CHA GIÀ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”
09:53 | 04/10/2019


DƯƠNG PHƯỚC THU

Nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ và câu nói: “HỒ CHỦ TỊCH - NGƯỜI CHA GIÀ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”
Huỳnh Ngọc Huệ - Ảnh: baoquangnam

Huỳnh Ngọc Huệ sinh ngày 10 tháng 8 năm 1914, tại làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quang Nam.1 Thuở nhỏ học văn hóa ở trường làng. Tháng 9 năm 1934, sau khi tốt nghiệp, lấy tấm bằng Primaire tại Trường Tiểu học Mỹ Hòa, huyện Đại Lộc, Huỳnh Ngọc Huệ ra Kinh đô thi vào trường Kỹ nghệ Thực hành Huế.

Trường Kỹ nghệ lúc đầu có tên là Bá Công (hay Bách Công) được thành lập ngày 12 tháng 9 năm 1899, theo Chỉ dụ của vua Thành Thái “Muốn cho binh tượng nước nhà am tường cơ khí”, đến năm 1921 Nam triều chuyển cho Chính quyền Bảo hộ Pháp quản lý và đổi tên thành trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Mặc dù là trường nghề nhưng nơi đây sớm có tổ chức yêu nước, năm 1927 đã hình thành cơ sở của Tỉnh bộ Thanh niên Thừa Thiên; năm 1929 là chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng; đầu năm 1930, Đông Dương cộng sản Liên đoàn xây dựng cơ sở tại đây, về sau các tổ chức này thống nhất lại trở thành Đảng Cộng sản. Sau khi Đảng bộ Thừa Thiên được thành lập, giữa tháng 4 năm 1930, ở đây đã nổ ra cuộc bãi khóa của học sinh chống lại tên giám thị Ưng Tập, hay đánh đập chửi mắng và bắt học sinh làm việc ngoài giờ.

Trước các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ngày càng phát triển, địch tăng cường khủng bố mạnh, từ năm 1932 trở đi, các cơ sở ở đây bị đàn áp gần như tan rã, phải rút vào bí mật; đến đầu năm 1936 cơ sở của Đảng ở trường này từng bước được phục hồi. Đúng giai đoạn này những học viên của trường như Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Chấn (sau này lấy tên là Trần Văn Trà, Thượng tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam), Hoàng Trình (sau là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê) chịu ảnh hưởng của Mặt trận Dân chủ Đông Dương chuyển dần hoạt động theo đường hướng của Đảng Cộng sản.

Trong thời gian học ở trường này, Huỳnh Ngọc Huệ bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, năm 1936, Huỳnh Ngọc Huệ tham gia vận động thành lập Hội Ái hữu của trường Kỹ nghệ. Đầu năm 1937, tham gia phong trào đón Godart, phái viên của Chính phủ Bình dân Pháp qua thị sát Đông Dương. Chính nhờ hoạt động cách mạng tích cực, tháng 4 năm 1937, Huỳnh Ngọc Huệ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt ở chi bộ ghép của hai trường Kỹ nghệ Thực hành và Quốc Học Huế2. Cùng thời gian này, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng và sinh hoạt ở Chi bộ ghép của hai trường - Bí thư Chi bộ lúc đầu là đồng chí Trần Tống quê Quảng Nam, về sau đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đảm nhận một thời gian, rồi đến đồng chí Hoàng Trình người Phong Điền làm Bí thư Chi bộ...

Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ và cả Trần Tống đều tích cực tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và được bầu vào Ban lãnh đạo; về sau họ đều trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, những người bạn tâm giao chí cốt trên con đường hoạt động cách mạng đầy chông gai, gian khổ ngay cả ở trong ngục tù cũng như trên đường đời.

Nhờ học giỏi lại thông thạo Pháp ngữ, năm 1937, sau khi tốt nghiệp, Huỳnh Ngọc Huệ được giữ lại trường làm giáo viên một thời gian, sau đó được điều ra dạy nghề ở Thanh Hóa. Ở xứ Thanh, Huỳnh Ngọc Huệ hiệu triệu được đông đảo quần chúng bằng các cuộc diễn thuyết chống chủ nghĩa thực dân, chống áp bức nô lệ, đòi dân sinh, dân chủ. Chính vì những hoạt động công khai chống Pháp mà Huỳnh Ngọc Huệ bị mật thám theo dõi, nhà cầm quyền buộc phải triệu hồi về lại Trường Kỹ nghệ Huế, phân thầy Huệ dạy môn mộc. Đúng lúc này có một số thanh niên cảm tình cách mạng đến học lớp của thầy Huệ - phần lớn trong số đó sau này trở thành đảng viên cộng sản nhờ sự dìu dắt của thầy Huệ.

Thời gian dạy học ở trường Kỹ nghệ, Huỳnh Ngọc Huệ trú tại ngôi nhà bên kia sông An Cựu, phía đối diện với trường hơi chếch lên phía nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, đây cũng là cơ sở của Chi bộ ghép, nơi diễn ra các cuộc họp của Chi bộ cũng như của một số đồng chí lãnh đạo cấp trên. Tại cơ sở này đã làm lễ kết nạp một số đồng chí vào Đảng Cộng sản, trong đó có đồng chí Hoàng Trình.3

Tình hình ở Huế lúc này vô cùng phức tạp, địch khủng bố mạnh, nhiều cơ sở cách mạng tan vỡ, nhiều đồng chí đảng viên cộng sản bị địch bắt, cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ lâm thời phải chuyển ra Nghệ An. Huỳnh Ngọc Huệ phải trốn vào Diêu Trì, Bình Định tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại Diêu Trì, đến tháng 4 năm 1940, Huỳnh Ngọc Huệ bị địch lùng bắt được, chúng cho chuyển về Huế, giam ở lao Thừa Phủ, bị kết án một năm tù giam. Ở nhà lao Thừa Phủ, Huỳnh Ngọc Huệ được Chi bộ nhà tù phân công phụ trách huấn luyện về Chủ nghĩa Mác - Lênin cho anh em tù.

Đầu năm 1941, sau khi mãn hạn tù, thay vì được phóng thích, Huỳnh Ngọc Huệ bị địch tìm cớ tăng án đày lên căng Đắk Lây, căng này đặt ở một vùng núi non hiểm trở, nước rất độc, quanh năm gần như âm u dưới chân núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum. Tại Đắk Lây, Huỳnh Ngọc Huệ gặp lại đồng chí Tố Hữu cũng bị địch tăng án đưa từ Lao Bảo lên giam ở đây.

Bị giam ở Đắk Lây một thời gian, nhờ sự giúp đỡ của bạn tù và các đồng chí cộng sản như Lê Văn Hiến, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân… Trong một buổi đi lao động khổ sai, ngày 14 tháng 3 năm 1942, Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu đã bí mật vượt ngục. Sau một thời gian băng rừng lội suối, trốn tránh những tai mắt của địch, Huỳnh Ngọc Huệ về đến quê nhà Đại Lộc, sau đó ra Đà Nẵng. Đồng chí tìm cách móc nối cơ sở để hoạt động, nhưng bị nhận diện, địch bắt lại, lần này chúng chuyển đồng chí lên giam ở trại Đắk Tô, chỉ cách Đắk Lây chừng 50 cây số về phía bắc; còn Tố Hữu thoát nạn về Huế, tìm đường ra Hà Nội, sau được tổ chức phân công vào hoạt động ở Thanh Hóa…
 

Trang nhất báo Tay Thợ, số 2, số báo Tết Bính Tuấn năm 1946

Trong những ngày bị giam cầm ở Đắk Tô, Huỳnh Ngọc Huệ được phân công phụ trách văn hóa - văn nghệ và báo chí, trực tiếp làm tờ báo tường lấy tên “Tiến” theo chủ trương của Chi bộ nhà tù. Mặc dù làm báo tường nhưng đây chính là môi trường và thời gian ngắn ngủi tập làm báo, rèn luyện kỹ năng viết bài, điều hành một tòa soạn của Huỳnh Ngọc Huệ, để sau này trở thành Chủ nhiệm kiêm Thư ký tòa soạn báo Tay Thợ của giai cấp công nhân Trung Bộ.

Bị giam ở ngục Đắk Tô đến năm 1944, Huỳnh Ngọc Huệ lại cùng các đồng chí Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh, Hà Thế Hạnh bí mật vượt ngục... Cũng như lần trước, Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục trở về quê nhà Đại Lộc một thời gian. Sau đó ra Đà Nẵng móc nối lại cơ sở để hoạt động. Chưa kịp xây dựng cơ sở, Huỳnh Ngọc Huệ lại bị địch bắt. Lần này chúng đưa ra giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó chuyển đồng chí về giam ở nhà lao Con Gà (Đà Nẵng).

Tháng 3 năm 1945, sau khi phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, Huỳnh Ngọc Huệ được ra khỏi nhà tù Đà Nẵng. Ngay lập tức, đồng chí lao vào tham gia tích cực vận động cách mạng ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Tháng 5 năm 1945, Huỳnh Ngọc Huệ được triệu tập tham dự hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam họp ở bến đò Ông Đốc trên sông Thu Bồn, được bổ sung vào Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận.4

Tháng 9 năm 1945, sau khi Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại5, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được cử làm Bí thư, đồng chí Tố Hữu làm Phó Bí thư, Huỳnh Ngọc Huệ làm Ủy viên Thường vụ, phụ trách Cộng vận Xứ ủy Trung Kỳ. Đến tháng 10 năm 1945, Xứ ủy phân công Huỳnh Ngọc Huệ thêm nhiệm vụ mới: Thư ký Hội Công nhân Cứu quốc Trung Bộ.

Tháng 12 năm 1945, Huỳnh Ngọc Huệ được tổ chức giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I; tháng 1 năm 1946, đồng chí đắc cử, trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I, đơn vị Quảng Nam.

Bước qua năm 1946, Tết độc lập đầu tiên của dân tộc, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Thư ký Hội Công nhân Cứu quốc Trung Bộ, Huỳnh Ngọc Huệ được phân công trực tiếp làm Chủ nhiệm kiêm Thư ký6 tòa soạn báo Tay Thợ. Báo Tay Thợ, trên mang sét ghi là Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của công nhân Trung Bộ, xuất bản mỗi tháng ba kỳ, ra vào các ngày 5, 15 và 25 hàng tháng. Số 1 ra ngày 15 tháng 01 năm 1946, khổ 18 x 28cm, mỗi số có 8 trang (có số 12 trang), tòa soạn đóng tại số 15 đường Trần Hưng Đạo7, thành phố Huế. Báo Tay Thợ công bố nhiều chính sách mới của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ, giải thích nhiều từ ngữ, khái niệm mới về người lao động, về giai cấp công nhân và về các tổ chức của công nhân trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tay Thợ phân tích rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người công nhân… ở chế độ mới. Bên cạnh đó, Tay Thợ đăng nhiều bài thơ viết về công nhân, như bài Lòng Thợ của Tố Hữu, Tặng Thợ Thuyền Lao Động Việt Nam của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Nhân dịp năm mới 1946, đón cái Tết độc lập đầu tiên, Tay Thợ gửi lời chúc mừng, lời chào thân ái đến Quốc dân đồng bào, đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến các chiến sĩ ngoài mặt trận một cách trân trọng và trách nhiệm.

Nội dung tư tưởng và chủ đề tùy theo từng số báo gắn với sự kiện văn hóa, lịch sử, chính trị, Tay Thợ phản ánh các hoạt động của giai cấp công nhân, người lao động toàn Trung Bộ, từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận, thi thoảng có bài về tình hình thế giới. Đặc biệt là tấm gương hy sinh của các chiến sĩ Giải phóng quân trên các mặt trận, trong các cơ xưởng sản xuất vũ khí. Có nhiều bài viết trên Tay Thợ ngày nay đọc lại vẫn đầy xúc động. Xin trích nguyên văn một bài viết ngắn: CHẾT VÌ TỔ QUỐC8

“Anh Lý Văn Bé, người làng Thạch Gián, Thái Phiên (Đà Nẵng), thợ máy, chuyên môn làm lựu đạn ở một chiến khu tỉnh LÊ TRUNG ĐÌNH (bí danh tỉnh Quảng Ngãi).

Sau khi người bạn đồng nghiệp Hồ Đảng bị thương nặng vì ném thử lựu đạn, anh Bé tiếp tục công việc, đem những quả lựu đạn ra nghiên cứu và đem ném thử. Trước khi đi anh Bé nói với các bạn khác rằng: “Nếu lần này tôi có bị rủi ro gì thì các bạn cũng phải cố gắng tiếp tục cho đạt được kết quả tốt”.

Ra đến nơi đã định, anh Bé vừa mới đôi quả lựu đạn ra khỏi tay thì đạn nổ liền (lệ thường quả lựu đạn phải nổi sau khi ra khỏi tay độ sáu tiếng tích tắc). Anh Bé chưa kịp nằm xuống, bị những mảnh lựu đạn bắn vào mặt, vào người và nguy hiểm nhất là có một mảnh bắn thấu cổ, máu ra nhiều quá, anh gục xuống và sau vài giờ tận tụy cấp cứu vô hiệu quả của y sĩ, anh Bé từ trần!

Được tin buồn, các vị đại biểu Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban kháng chiến, Ủy ban Quân sự, Việt Minh đến đưa anh đến an nghỉ cuối cùng ở chiến khu.

Anh Bé đã chết vì phận sự, vì Tổ quốc, anh Bé đã chết thay cho biết bao nhiêu chiến sĩ khác ở nhà máy cũng như ở mặt trận và đã để lại biết bao nhiêu kinh nghiệm và việc sản xuất chiến cụ sau này của ta được tốt đẹp”
9.

Tác giả bài viết là “Một người thợ ở Quân xưởng Phan Đăng Lưu”.

Trong quá trình nghiên cứu báo chí yêu nước và cách mạng xuất bản tại Huế, giai đoạn sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chúng tôi tìm thấy trên Quyết Thắng, tờ báo của cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, do đồng chí Lê Chưởng làm Chủ bút, nhà báo Lưu Quý Kỳ làm Thư ký tòa soạn; số 1 ra ngày 1 tháng 10 năm 1945, đăng trang trọng bài thơ Hồ Chí Minh của Tố Hữu với câu đề tặng bên dưới: “Kính tặng người cha của thanh niên Việt Nam”.

Chuẩn bị đón cái Tết độc lập đầu tiên, Huỳnh Ngọc Huệ chủ trương giành hẳn số 2 - ra một số báo mừng xuân Bính Tuất. Ngay trang nhất Tay Thợ in trang trọng chân dung Hồ Chủ tịch qua nét vẽ của họa sĩ Trần Đình Thọ, bên dưới chân dung được ghi câu mỹ tự đầy cảm xúc như một sự khẳng định: “HỒ CHỦ TỊCH - NGƯỜI CHA GIÀ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”. Kèm theo một bài văn ngắn chúc thọ Cụ Hồ thể hiện sự quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước đi theo con đường Hồ Chủ tịch đã chọn:

“Kính Hồ Chủ tịch

“Nhân ngày xuân của vũ trụ của dân tộc, chúng tôi kính mừng Cụ, chúc Cụ sống lâu để điều dắt đàn con lên đường tiến hóa, xây dựng nước Việt Nam tươi sáng.

Chúng tôi nguyện hy sinh quyền lợi riêng, sát cánh với các giới đồng bào, kiên quyết chống ngoại xâm, giữ vững chính quyền Nhân dân, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Việt Nam tân dân chủ muôn năm!
Chính quyền Nhân dân muôn năm!
Hồ Chú tịch muôn năm!”


Theo một số nhà nghiên cứu, thì câu mỹ tự trên bắt nguồn bởi nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu khởi lên từ tấm lòng của những người con trẻ đối với lãnh tụ của mình: “Kính tặng người cha của thanh niên Việt Nam”. Đến Huỳnh Ngọc Huệ được nâng lên tầm cao hơn, ý nghĩa sâu xa hơn, khẳng định công lao to lớn của Người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, được đúc kết lại bằng sự tôn vinh theo một lẽ tự nhiên, Hồ Chủ tịch là “NGƯỜI CHA GIÀ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”. Điều này cho thấy trong suy nghĩ và ngay cả hành động, hai đồng chí, hai nhà cách mạng, hai người bạn chiến đấu cùng chí hướng như Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ có sự gặp nhau trong tư tưởng và hành động. Qua tư liệu này, có thể khẳng định, nhà báo, nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ, nếu không phải là tác giả thì cũng là người quyết định công bố mỹ tự trên lên tờ báo Tay Thợ do đồng chí trực tiếp chỉ đạo nội dung, bên tập - đó chính là sản phẩm tư tưởng của người chủ bút.

Báo Tay Thợ xuất bản được trên 20 số (hiện chúng tôi mới sưu tầm được đến số 20) thì tự đình bản vì lý do chiến tranh sắp bùng nổ. Các cơ quan Trung Bộ chuẩn bị sơ tán ra các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, một số chuyển lên chiến khu miền núi Thừa Thiên và vào Quảng Nam. Huỳnh Ngọc Huệ được tổ chức phân công trở về Đà Nẵng tham gia lãnh đạo và dấn thân vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại… cho đến khi bị bệnh qua đời năm 1949, lúc đồng chí mới 35 tuổi.

Đối với Huế, mặc dù thời gian hoạt động báo chí của Huỳnh Ngọc Huệ chưa nhiều, nhưng đồng chí đã để lại một phong cách riêng về làm báo cách mạng, sự trong sáng của ngôn ngữ báo chí, thông tin rõ ràng, chịu trách nhiệm về những gì công bố trên tờ báo của mình; với tấm lòng đầy tin tưởng hướng ngòi bút vào con đường mà mình đã chọn, chung thủy trước sau, kính trọng lãnh tụ và nhân dân. Một con người vừa có đạo đức cách mạng cao cả, vừa có tấm lòng nhân văn rộng rãi được thể hiện từ hành động đến trang viết vẫn còn nguyên giá trị cho những người làm báo hôm nay.

D.P.T  
(SHSDB34/09-2019)

------------
1. Một số tài liệu ở Huế, như cuốn hồi ký Qua những chặng  đường của Hoàng Trình (2007), một học viên của Trường Kỹ nghệ Thực hành được Huỳnh Ngọc Huệ và Đặng Thí giới thiệu vào Đảng tháng 9/1939 tại chi bộ này, thì Huỳnh Ngọc Huệ sinh năm 1917, chúng tôi theo gia phả của gia đình.
2. Hoàng Trình, Qua những chặng đường (hồi ký), Nxb.  Trẻ, 2007, tr.53.
3. Hoàng Trình, Qua những chặng đường, Sđd, Hoàng Trình  viết: “Nhiều học sinh có cảm tình với thầy Huệ. Anh mời tôi đến nhà chơi, nhà anh ở phía bên kia sông đối diện với trường, chếch về phía Phủ Cam”. “Hạ tuần tháng 9/1939, tôi được kết nạp vào Đảng tại nhà anh Huệ”, tr. 42 và 49.
4. Đúng ra phải gọi là Thành ủy Thái Phiên, tức bí danh của  Đà Nẵng.
5. Hai tháng sau đổi thành Xứ ủy Trung Bộ.
6. Tương đương Tổng Biên tập ngày nay.  
7. Đoạn này về sau đổi là đường Nguyễn Hoàng.  
8. Báo Tay Thợ số 1 trang 5.
9. Tôi không rõ là anh Bé đã được công nhận liệt sĩ chưa?
  



 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng