Góc Hoài niệm
Bông huệ trắng
14:55 | 07/02/2020

HỒ NGỌC DIỆP     

Rất nhiều nhà viết sử, làm văn ao ước một lần được Bác Hồ tiết lộ một chút đời tư, nhưng may mắn đó chỉ thuộc về một người, đó là cố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn Sơn Tùng.

Bông huệ trắng
Ảnh: internet

Nhà báo Sơn Tùng, trước khi làm phóng viên báo Tiền Phong là cán bộ Tỉnh Đoàn Nghệ An. Để phục vụ công tác tuyên truyền, Sơn Tùng thỉnh thoảng tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột của Bác Hồ để khai thác tư liệu. Qua nhiều lần, xâu chuỗi lại, Sơn Tùng đã cung cấp một số tư liệu ít ỏi về mối tình của cô Lê Thị Huệ với Bác Hồ cho bạn đọc gần xa.

Chuyện bắt đầu vào những năm gia đình Bác vào sống ở làng Dương Nổ, thành phố Huế. Tại đây, mẹ mất, rồi em ruột Bác qua đời khi tuổi chưa đầy lên ba. Để nuôi dưỡng Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ đổi lại, khi làm giấy khai sinh để học ở Huế), cụ Nguyễn Sinh Sắc phải mở lớp dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo trong vùng. Nguyễn Tất Thành được cụ cho vào học ở trường Quốc học Huế. Nguyễn Tất Thành học giỏi, chăm ngoan, nhiều người yêu mến. Đức độ của cậu thanh niên học sinh xứ Nghệ ấy đã gây cảm tình đối với một cô gái, học trò của cụ Nguyễn Sinh Sắc, đó là Lê Thị Huệ. Cô vốn là con gái của một người bạn đồng liêu của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Lê Thị Huệ và Nguyễn Tất Thành có cùng một cảnh ngộ là đều mất mẹ. Sự đồng cảm đó khiến hai người xích lại gần nhau hơn. Có lẽ vì thế mà tình yêu đã đến với hai người.

Cùng những năm đó, anh cả Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Sinh Khiêm và chị ruột là bà Nguyễn Thị Thanh tham gia phong trào yêu nước, ủng hộ cụ Phan Bội Châu nên bị giặc bắt cầm tù. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từ giã Huế vào Lục tỉnh. Cụ đã dừng chân lại ở xã Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, mở trường dạy học và bốc thuốc cho người nghèo như từng làm ở Huế.

Năm vua Thành Thái bị đi đày, nhiều quan lại liên quan, hoặc bị bắt, hoặc bị thuyên chuyển. Cha của Lê Thị Huệ cũng nằm trong số đó. Thế là, Nguyễn Tất Thành và Lê Thị Huệ phải chia tay nhau. Trong cuộc chia tay này, có lẽ, hai người đã có những hẹn ước, để rồi, sau đó, dẫu không thể gặp lại, vì mỗi người đang ở trên những đất nước khác nhau, cô Lê Thị Huệ đã tự xem mình như Kiều Nguyệt Nga, thủy chung đợi chờ một Lục Vân Tiên trở về.

Từ giã trường Quốc Học, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã vào Phan Thiết. Tại đây, có ông Hồ Tá Bang vừa là bạn đồng liêu một thời và cũng là đồng hương của thân phụ mình. Ông Hồ Tá Bang giữ riệt Nguyễn Tất Thành lại gia đình. Ông là chủ công ty nước mắm nổi tiếng Phan Thiết, lấy tên là nước mắm Liên Thành. Đồng thời, do nhu cầu của người địa phương, để giúp con em họ có nơi học hành, ông Hồ Tá Bang đã mở trường tư thục Dục Thanh. Ông Hồ Tá Bang chiêu tập thầy giáo về đây dạy học. Sự có mặt của cậu Tú Nguyễn Tất Thành đã giúp ông gỡ được thế bí. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành làm nghề dạy học bắt đầu từ đây. Đã có lần, thầy giáo Nguyễn Tất Thành tìm về Sa Đéc để thăm cha. Sau đó, nghe nói, cô Lê Thị Huệ đang ở Sài Gòn, anh cũng đã đến gặp. Nhưng lý tưởng tìm đường cứu nước thì cứ luôn canh cánh trong lòng anh, nên chi, tình cảm riêng tư đã không níu chân được người thanh niên đang nóng bỏng nhựa sống vì Tổ quốc. Họ chia tay nhau, Nguyễn Tất Thành đi làm công nhân cho một số nhà giàu, và năm 1911, anh đã tìm được việc đầu bếp trên con tàu buôn của Pháp đang đậu bốc hàng ở bến Nhà Rồng. Người ta đã làm căn cước cho anh với cái tên là Văn Ba. Cuộc xuất dương đi tìm đường cứu nước suốt 30 năm ở các phương trời Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi của người thanh niên yêu nước Việt Nam bắt đầu từ đây. Lý tưởng mà Nguyễn Ái Quốc, tức anh Ba tìm được chính là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã nói, chỉ có thứ chủ nghĩa vĩ đại này các dân tộc bị áp bức trên thế giới mới được giải phóng, người lao động trên toàn thế giới mới giành lại được cơm no, áo ấm của mình.

Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc cũng là lúc gia đình anh ở quê nhà có biết bao biến cố. Ông cả Khiêm bị Pháp cầm tù mãi đến năm 1920 mới được ra. Bọn Pháp dã tâm đã tiêm thuốc triệt sản nên khi ra tù, ông cũng chẳng nghĩ đến chuyện gia thất. Bà Nguyễn Thị Thanh thì năm 1922 mới được ra tù và bị quản chế ở xã Kim Luông, thành phố Huế. Khi trong tù, đã có lần, bọn Pháp đã nung đỏ một cái mâm và bắt bà ngồi vào. Bây giờ, ra tù, đau về thể xác, buồn vì cô đơn, bà ở thế cho đến ngày qua đời.

Năm 1929, bà Nguyễn Thị Thanh nhận được điện của ông Hồ Tá Bang từ Sài Gòn đánh ra, báo tin thân phụ là ông Nguyễn Sinh Sắc đã qua đời, tại Hòa An, Cao Lãnh, Sa Đéc. Thế là, vượt mọi khó khăn, bà Thanh đã tìm vào Sa Đéc để chịu tang cha, ở nhà số 3, đường “Ông Đốc Phương”, Sài Gòn. Người nhà của cụ Hồ Tá Bang đã đưa bà Thanh lên huyện Gò Vấp và bảo rằng, hãy đợi ở đây để có người nhà đến dẫn đi thăm mộ. Người nhà là ai, lúc đó, bà Thanh không tài nào nghĩ ra. Chiều hôm đó thì có một cô gái trạc độ ngoài 25 tuổi, cao ráo, khỏe khoắn, đến gặp bà và khóc. Cô gái đó cũng chít khăn tang, và xưng hô với bà Thanh là chị em rất ngọt ngào. Bà Thanh hỏi: “Em là ai?” - Cô gái trả lời: “Em là Lê Thị Huệ, bạn thân của anh Thành”. Chỉ chừng ấy thôi, bà Thanh cũng đã thấy tình cảm của em trai mình và cô Huệ mặn mà lắm. Cô Lê Thị Huệ còn cho bà Thanh biết, cậu Thành từ nước ngoài đã có một lần gửi thư về cho cha. Ông Nguyễn Sinh Sắc đã gọi cô lên và cho xem lá thư đó. Có lẽ đã có những sự dặn dò chu đáo của cậu Thành, nên chi, khi đau ốm, cô Huệ vẫn tìm cách đến để chăm sóc ông và khi ông qua đời, cô Huệ đã thay người thân yêu đi xa bịt tang cho người quá cố.

Trong lần gặp Lê Thị Huệ ở Cao Lãnh, bà Thanh đã hỏi cô Huệ: “Em tính răng, cậu Thành đang bôn ba ở nước ngoài, biết khi mô mới về?” Cô Huệ rắn rỏi trả lời: “Em cứ đợi, anh ấy mà không về được thì em lên chùa, đi tu!”

Ở được 49 ngày tại Sa Đéc, bà Nguyễn Thị Thanh đành chia tay cô Huệ và ra Bắc. Rồi chiến tranh liên miên, bà không còn trở lại Nam bộ thăm mộ cha và gặp lại cô em vợ tương lai của cậu Thành em trai mình nữa.

Chuyện kể của bà Nguyễn Thị Thanh cho nhà báo Sơn Tùng vào năm 1948, đến đây là hết. Để kết thúc, bà dặn nhà báo Sơn Tùng:

- Cháu còn trẻ, còn có dịp đi dây, đi đó. Khi mô đất nước yên hàn, cháu vào Nam Lãnh, thăm mộ của cha o, lúc đó, cháu hỏi, người ta sẽ kể chuyện o Huệ cho cháu nghe.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà văn Sơn Tùng vượt qua những khó khăn của bệnh tật đã tìm về Sa Đéc, nhằm thực hiện những điều mà mình bấy lâu hằng mong ước.

Vào Cao Lãnh, nhà văn Sơn Tùng trú tại nhà ông Nguyễn Thành Mậu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận giải phóng tỉnh Sa Đéc, em ruột ông Nguyễn Thành Tây, một học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành hồi còn ở Phan Thiết. Lần theo lời kể, nhà văn Sơn Tùng đã tìm được nhà của người cháu bà Lê Thị Huệ. Người cháu này đã sốt sắng đưa nhà văn Sơn Tùng đến gặp bà Lê Thị Huệ tại một ngôi chùa cách Sài Gòn khá xa, trên đường xuống Vũng Tàu.

Gặp nhà văn Sơn Tùng, ban đầu bà Lê Thị Huệ từ chối không tiếp xúc. Nhưng khi nhà văn Sơn Tùng đưa ảnh mình chụp chung với Bác Hồ ở Hà Nội, bà Lê Thị Huệ mới chấp nhận. Bà thân tình, hỏi rất kĩ lưỡng nhà văn Sơn Tùng:

- Ông nói cho tôi nghe thật thiệt, cụ Hồ đã qua đời thật rồi sao?

Bây giờ đến lượt nhà văn Sơn Tùng nghi ngờ cả chính mình khi được nghe câu hỏi ấy. Bà Lê Thị Huệ, chắp hai tay trước ngực nói:

- Nam mô A Di Đà Phật, cụ Hồ thật sự đã qua đời rồi à? Bấy lâu tôi vẫn nghe người ta nói, nhưng tôi đâu có tin, nay có ông đây, biết hết chuyện gia đình cụ Hồ, thân chinh vào tận đây tìm tôi, tôi mới tin. Nhưng mà ông tìm được tôi để báo cái tin ấy là tôi cảm ơn ông. Còn tôi, tôi đã làm những gì đã nói khi cụ Hồ từ giã tôi mà ra đi.

Năm 1980, nữ sư Lê Thị Huệ qua đời. Do bệnh tình tái phát, nhà văn Sơn Tùng không thể vào để thắp nén hương, lòng ông càng nhiều nỗi khổ tâm. Và ông đã quyết, làm một cái việc vô cùng ý nghĩa, là viết một cuốn tiểu thuyết ký sự để nói về một mối tình đẹp của lãnh tụ Hồ Chí Minh ở cái tuổi thanh niên chứa đầy nhiệt huyết. Người thanh niên ấy đã yêu, nhưng có một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu Tổ quốc. Vì thế, anh đã ra đi, sắt son một lời thề, sẽ trở về khi đã tìm ra cái lẽ sống cho dân tộc. Mọi riêng tư, anh đều gác lại, để chờ ngày trở về, gặp lại người yêu xưa. Cô gái, người yêu anh thì thủy chung đợi chờ và mong lên cõi Niết Bàn khi người yêu ra đi không thể trở lại. Làm như thế là cố để giữ trọn tiết hạnh với người ra đi. Tình yêu ấy, đẹp, trắng thơm như Bông Huệ trắng.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Trong những ngày chống Mỹ ác liệt, đã hai lần Bác đề nghị Bộ Chính trị sắp xếp để Bác vào Nam thăm đồng bào, đồng chí. Nhưng ý nguyện của Bác không thể nào đạt được vì tình hình chiến sự vô cùng ác liệt, gay go. Miền Nam trong tim Bác có lẽ vừa có nỗi chung, vừa có tình riêng. Tình cảm ấy đẹp, trắng trong như thể sắc Bông Huệ trắng.

Chuyện đời tư thiêng liêng ấy của Bác Hồ là một bài ca trầm lắng về lòng chung thủy, đạo đức trong sáng. Ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão (1963), trước thềm cấp cuối cùng để bước lên tết Giáp Thìn, Bác Hồ (trong trang phục ông già địa phương) đi chợ tết Đồng Xuân - Hà Nội. Đến một bà bán hoa huệ trong dãy chợ, Bác ngồi xuống ngắm rất lâu những bông hoa và hỏi để mua một bông hoa huệ. Người cận vụ rất hiểu nỗi niềm của Bác nên đã làm hết trách nhiệm của mình. Ngày nay, trên bàn làm việc trong nhà sàn, nơi Bác từng sống, làm việc, luôn được cắm hoa huệ. Và trong khu lăng của Người, hoa huệ trắng cũng luôn được những người chăm sóc, bảo vệ lăng chăm chút để hoa luôn tươi tắn.

Còn nhớ, ngày 2/9/1970, đúng một năm sau ngày Bác mất, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tuổi 25”, để diễn tả nỗi niềm và ý chí của toàn dân đối với sự nghiệp cách mạng của mình trước hương hồn vị lãnh tụ tối cao kính yêu của dân tộc. Nhà thơ đã miêu tả thiên nhiên, sinh cảnh trong ngày ấy cũng là sự thể hiện kín đáo nỗi niềm sâu lắng của Bác:

“Hoa huệ trắng nở trong vườn, lặng lẽ
Nắng thu say bưởi chín vàng cành…”


Bác Hồ và hoa huệ. Ôi! Hình ảnh diệu vợi làm sao!

H.N.D
(TCSH372/02-2020)

-----------------
Sinh thời nhà văn Sơn Tùng đổ công nhiều năm, tìm hiểu tư liệu, những sự kiện lịch sử rồi công bố điều ấy trong một số cuốn sách và nhiều bài báo của mình. Bài viết này, tư liệu chủ yếu chúng tôi dựa vào những công bố đó của ông.  




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Ngất ngưởng (22/01/2020)