Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020)
MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
Khi mới 25 tuổi, Đặng Văn Việt từng hạ cờ quẻ ly của triều đình nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại và kéo cao cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Huế. 75 năm đã trôi qua, sau bao biến động thời cuộc và bao trải nghiệm bản thân, từng “nếm mật nằm gai” ở các chiến trường trong thời kỳ đánh Pháp và bận rộn tại các công sở, sự kiện đó vẫn còn sống động trong tâm hồn ông tới từng chi tiết. Ngồi trên tàu hỏa xuôi vào Huế cùng đoàn làm phim “Người lính già viết lịch sử chống xâm lược”, ông cứ nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc; dường không kìm lòng được, ông lại quay người kể cho chúng tôi nghe những chuyện từng xảy ra ở đất Thần Kinh.
Câu chuyện bắt đầu từ cụ thân sinh ông - phó bảng Đặng Văn Hướng. Thời đó, cụ Hướng được Chính phủ Trần Trọng Kim mời tham gia công việc của chính quyền. Năm 1942 khi cụ làm tuần phủ Hà Tĩnh, “cậu ấm” Đặng Văn Việt đậu tú tài toàn phần ở trường Khải Định, sau đó thi đậu Trường Đại học Y khoa Đông Dương ở Hà Nội. Tháng 3 đến tháng 8/1945, khi cụ Hướng làm tổng đốc Nghệ An thì ông đã là sinh viên tham gia phong trào cứu quốc tại Hà Nội. Vì cụ Hướng có công giúp chuyển giao chính quyền cho cách mạng, nên vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Bộ trưởng Không bộ, phụ trách ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh cho đến năm 1953. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Trường Đại học Y khoa Đông Dương đóng cửa, chàng trai Đặng Văn Việt cùng 42 sinh viên miền Trung quay về quê. Biết Nhật sẽ đảo chính Pháp, nên luật sư Phan Anh (lúc đó là một trong 16 thành viên nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim) và GS. Tạ Quang Bửu (cố vấn đặc vụ ủy viên Bộ Thanh niên) thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế thu hút ngay số sinh viên miền Trung này. GS. Tạ Quang Bửu vốn là thầy giáo cũ đã viết thư khuyên ông Việt và bạn học gia nhập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế.
Trước tấm bia ghi lại di tích lịch sử về Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, ông Việt đã say sưa kể lại tỉ mỉ về những hoạt động của tổ Việt Minh 5 người của trường mà ông là một trong số đó. Đây là thời kỳ ông Việt và các sinh viên Việt Minh thường xuyên liên lạc với Ủy ban kháng chiến Trung bộ ở Huế. Sáng 20/8/1945, ông Việt được Tổ chức giao cho một lá cờ Tổ quốc rất lớn, với nhiệm vụ treo lên cột cờ lớn trước cửa Ngọ Môn, thay cho cờ quẻ ly, vào đúng sáng 21/8. Và rạng sáng 21/8, ông Việt và ông Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha) đã “đóng” bộ ghệt bóng lộn, đầu đội mũ calô, chân đi giày da tựa như hai ngự lâm quân cùng đi thực hiện sứ mệnh vinh quang!
Trước áp lực và khí thế cách mạng, tiểu đội bảo vệ Kỳ đài gồm thầy đội và sáu lính dõng đầy đủ súng ống đã giúp hạ cờ quẻ ly để hai chàng ngự lâm quân thay thế cờ đỏ sao vàng. Thay cờ xong, đội bảo vệ xếp hàng ngang, và ông Việt đứng hô: “Kéo cờ... Chào!” Lính bồng súng, còn hai chàng sinh viên đưa tay chào kiểu nhà binh. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc từ từ được kéo lên cao. Họ đã nghe những tiếng hô vang khắp nơi: “Cờ đỏ sao vàng! Hoan hô cách mạng đã về. Dân ta độc lập, tự do rồi!” Đúng ba hôm sau, ngày 23/8/1945, Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra tại Huế, trên cửa Ngọ Môn, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao ấn tín, kiếm báu cho chính quyền Cách mạng. Cũng trong hôm đó, ông Việt được ông đội kể lại câu chuyện có liên quan tới hai nhân vật lịch sử: Lúc cờ được kéo lên, 120 mũi súng của Đội cận vệ Hoàng gia ở Ngọ Môn đã chĩa thẳng vào hai sinh viên, chỉ đợi lệnh nhà vua để bóp cò. Nhà vua trao đổi qua với hoàng hậu Nam Phương rồi hô to: “Chớ! Không được bắn.” Lúc đó, vua Bảo Đại đã bày tỏ lòng yêu nước của ông - người khi đọc chiếu thoái vị đã nhấn mạnh: Làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ; còn hoàng hậu Nam Phương khi khuyên can nhà vua không đối kháng cách mạng, đã thể hiện là một phụ nữ Việt Nam thông minh, sáng suốt, nhân hậu.
Cũng dưới chân Kỳ đài Huế với ngọn cờ đỏ sao vàng phần phật bay suốt từ tháng Tám lịch sử ấy cho đến nay, ông Việt đã xúc động và trân trọng kể lại bao kỷ niệm về những cuộc gặp gỡ của mình thời thanh niên với các cấp trên - đặc biệt là với luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim, sau là Bộ trưởng Quốc phòng của Chính quyền mới (1946), và giúp chúng tôi sáng tỏ thêm cái điều mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận định khái quát: “Trường Thanh niên tiền tuyến Huế là một bộ phận tiền thân của phong trào cách mạng tại Huế. Sinh viên của trường đều được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Hiện hữu của trường này là một hiện tượng đặc biệt của cách mạng Việt Nam; qua đó làm sáng tỏ một vấn đề xã hội sâu sắc: khi người trí thức giác ngộ cách mạng thì họ sẽ trở thành chủ thể lịch sử triệt để cách mạng hơn ai hết…”*. Cũng từ lòng yêu nước và tinh thần quả cảm hun đúc suốt thời thanh xuân sôi nổi, cộng với những kinh nghiệm quân sự học được từ trường Thanh niên tiền tuyến Huế, khi bước vào cuộc chiến tranh Nhân dân Trường kỳ kháng Pháp xâm lược, ông Việt đã trở thành một vị chỉ huy quân sự tài ba khiến các tướng tá thua trận bên đối phương cũng phải nghiêng mình kính nể.
Năm 2015, sau khi vào Huế cùng một đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình tái hiện lại sự kiện treo cờ trên với tư cách là cố vấn nội dung, trở về Hà Nội ông đã viết cuốn sách “Hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng - sự kiện vĩnh hằng”. Tới lúc đó, ông đã có 17 tác phẩm (trong đó, cuốn Đường số 4 rực lửa đoạt giải nhất Liên hiệp Việt Nam năm 2000, được xếp hàng đầu trong những Hồi ký thế giới do đài BBC công bố tại Paris năm 2005), và đang thai nghén công trình của đời người: “Việt Nam - Bản hùng ca giữ nước”. Trong công trình này, chắc chắn phải có những cảm hứng lịch sử và kinh nghiệm hoạt động quân sự bí mật tại Trường Thanh niên tiền tuyến Huế.
Đêm thanh bình êm ả, ông Việt lần đầu tiên được nghe ca Huế trên thuyền trôi dọc sông Hương. Cảm xúc do hồi ức ban ngày chưa tan hết trong tâm hồn ông như chợt hòa quyện với lời ca đằm thắm bay bổng của các cô gái Huế trẻ duyên dáng. Chất mộng mơ của Huế Đẹp và Thơ sau nhiều năm lặng im tiếng súng như càng làm ngời lên cái bi tráng, anh dũng của một thời chiến tranh mà anh thanh niên Đặng Văn Việt đã trưởng thành từ đó, đã xếp bút nghiên lên đường cùng hành trình gian khổ vĩ đại của cả Dân tộc… Khi một cô gái đưa cho ông chiếc đèn hoa đăng giấy để thả xuống sông đêm, mắt ông rưng rưng lệ trong ánh nến bập bùng; ông bước tới mạn thuyền rồng, trao lại cho một cô gái đi cùng đoàn thả hộ đèn…
Đoàn đưa ông Việt rời Huế trong một sáng sớm, trời se lạnh. Trên sân ga Huế vắng vẻ đợi tàu đến, có lúc ông ngồi một mình yên lặng trên ghế băng nhập nhoạng ánh đèn. Thoạt nhìn ông, nếu không biết, tưởng đâu là hình ảnh của một nhân vật trong vở kịch phi lý “En attendant Godot” (Chờ đợi Godot) của nhà văn đoạt giải Nobel Văn học Samuel Beckett… Nhưng, phải chăng, đó cũng là lúc người cựu chiến binh đang sống trong xúc cảm thơ ca chan chứa về một vùng đất lịch sử, mà một luật gia kiêm thi sĩ đi trong đoàn đã thay mặt nói hộ cả đoàn:
Ngự Bình sáng ánh mây sa
Hương Giang ngọt khúc đàn ca xuôi dòng...
M.A.N.A.T
(TCSH378/08-2020)
................................................
(*)Dẫn theo: Hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng - sự kiện vĩnh hằng. Đặng Văn Việt (Chủ biên) - Nxb. Hội Nhà Văn, 2015.