Góc Hoài niệm
Về sự ra đời của hội đồng hương Quảng Ngãi ở Huế năm 1935
09:09 | 13/08/2021


ĐỖ MINH ĐIỀN

Về sự ra đời của hội đồng hương Quảng Ngãi ở Huế năm 1935
Bia Bắc Kỳ Châu phổ nghĩa trang bi ký ở chùa Tập Thiện

1. Quảng Ngãi đồng châu hội, từ quá trình thành lập đến cơ cấu tổ chức

1.1. Châu phả hội: mô hình các hội đồng hương đầu thế kỷ XX


Gần 145 năm với tư cách là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, Huế là vùng đất quy tụ tinh hoa khắp mọi miền của đất nước. Xuất phát từ vai trò và vị thế chính trị vốn có của mình, Thừa Thiên chính là địa bàn kết tập hàng loạt giai tầng trong xã hội, từ quan lại, binh lính, thợ thủ công,… đến đội ngũ dân thường. Chọn Huế làm “quê hương thứ hai” định cư sinh sống, làm việc; nhu cầu kết nối, thắt chặt tình làng nghĩa xóm trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của không ít người xa hương lạc xứ lúc bấy giờ. Tuy vậy, phải đến đầu thế kỷ XX, mới bắt đầu xuất hiện những tổ chức đồng hương đúng nghĩa. Hiện diện sớm nhất trong số tổ chức đồng hương tại Huế, có lẽ phải kể đến “Bắc Kỳ Châu phả hội”.

Bắc Kỳ Châu phả” (về sau cải danh thành Bắc Kỳ Tập thiện phả) là một tổ chức “đồng hương tự nguyện”, được thành lập vào năm 1923(1), gồm “những người quán ở Bắc Kỳ, hoặc tổ quán ở Bắc Kỳ hiện trú tại các tỉnh Trung Kỳ, nay lập nên một phả gọi là Bắc Kỳ trú Trung Kỳ Châu phả”(2). Theo “Chương trình Điều lệ của Châu phả người Bắc Kỳ hiện trú ở các tỉnh Trung Kỳ lập để tương tư tương trợ nhau” (từ đây xin viết tắt BKCP), cuốn sách do nhà in “Đắc Lập” ấn hành vào năm 1923, cho biết tôn chỉ mục đích của hội như sau: [1] Giúp đỡ những phả viên lâm thời đau ốm, cần túng [túng thiếu cấp bách] phải nhờ đến phả; [2] Trợ cấp cho những cô nhi quả phụ của những phả viên; [3] Trợ cấp cho những người quán ở Bắc Kỳ mà hiện trú ở Trung Kỳ không có phương kế sinh nhai; [4] Nhận quản lý sở Bắc Kỳ Nghĩa trang mới lập tại tỉnh Thừa Thiên với lại các sở nghĩa trang của viên nhân Bắc Kỳ sẽ lập ra ở các tỉnh Trung Kỳ(3).

Để thiết lập nơi gặp gỡ, hội họp, gần một năm sau ngày thành lập, BKCP đã xây dựng một ngôi chùa mang tên “Tập Thiện” (tọa lạc tại đường Ngự Bình, thành phố Huế). Hiện nay, trước sân chùa Tập Thiện vẫn còn tấm bia đá, thuật rõ lý do ra đời và phương danh tất cả quan lại, viên chức,… phát tâm cúng dường. Tấm bia này được khắc ở hai mặt, do Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Hộ sung Cơ Mật viện đại thần là Phạm Văn Thụ (協 佐 大 學 士 領 戶 部 尚 書 充 機 密 院 大 臣 范 文 樹) soạn và Chánh, Phó Hội trưởng ban Trị sự hội viên phụng tạo vào năm 1924.

Bia “Bắc Kỳ Châu phổ nghĩa trang bi ký” (北 圻 州 譜 義 庄 碑 記) vẫn còn lưu lại tên tuổi của rất nhiều vị đại thần triều Nguyễn lúc bấy giờ: Hiệp tá lãnh Tổng đốc Nam Ngãi trí sự Từ Thiệp (協 佐 領 南 義 總 督 致 事 徐 涉), Tuần phủ Trị Bình Vương Tứ Đại (治 平 巡 撫 王 賜 大), Bố chánh Quảng Bình Khiếu Tam Lữ ( 廣 平 布 政 叫 三 侶), Hồng lô Tự khanh Trần Đức (鴻 臚 寺 卿 陳 德),… và đông đảo nhân sĩ trí thức (chẳng hạn Tiến sĩ Luật khoa Phan Văn Trường); giới kinh doanh, thương mãi; viên chức trong chính quyền Bảo hộ (Biên tu tòa Công chánh, Chủ sự Hỏa xa, Chủ sự trường Bách Công, Thị giảng tòa Điện báo…).

Sau mấy năm hoạt động, uy tín của BKCP đã gây một tiếng vang rất lớn. Trên “Hà Thành ngọ báo”, số 661 (ra ngày 16 tháng 10 năm 1929) đưa tin về việc hội Trí Hòa (Hà Nội) sẽ tổ chức buổi hát tại Hải Phòng nhằm gây quỹ cho hội Bắc Kỳ Châu phả ở Huế. Bài báo có đoạn: “các bạn đọc báo tất cũng rõ hội Bắc Kỳ Châu phả ở Huế là một hội thiện lập ra để giúp anh em người bắc ở Huế. Ai ốm đau, không có tiền thì hội nuôi nứng [nấng], trông nom thuốc thang. Ai bất hạnh, chết thì hội trưởng trông nom việc an táng. Anh em lao động vào kiếm việc ở Nam Kỳ, khi về thường khốn đốn lắm, phần nhiều lang thang ở dọc đường, đến Huế nhờ có Bắc Kỳ Châu phả cứu giúp và cấp tiền cho về đến bắc. Hội đã lập được Hội quán có chỗ cho anh em qua lại Huế tiện nơi ăn nghỉ. Hội có nghĩa trang riêng. Vì hội cần có tiền để làm việc nghĩa, nên hội nhạc Trí Hòa định tối 26 Octobre 1929 này sẽ xuống Haiphong [Hải Phòng] hát để lấy tiền giúp cho Bắc kỳ Châu phả ở Huế”.

Được thành lập với sự vận động của các quan lại cấp cao và bảo trợ tài chính của các thương nhân, có thể nói, hội BKCP là một trong những hội tiên phong trong phong trào thiện nguyện, thường xuyên tổ chức các buổi diễn thuyết, kêu gọi sự hỗ trợ tài chính, nhằm ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, cứu tế những trường hợp nghèo khó. Trong chừng mực nào đó, thì hội BKCP chính là tiền thân của các hội, nhóm Đồng hương sau này.

Trở lại với Quảng Ngãi đồng châu hội. Trong khoảng 30 năm đầu của thế kỷ XX, tiếp nối “mô hình” của Bắc Kỳ Châu phả hội, các tổ chức đồng hương ở miền Trung cũng lần lượt chính thức “chào đời”, như: “Quảng Nam đồng châu hội”, Bình Định đồng châu hội. Việc hình thành các châu phả đã góp phần tác động mạnh mẽ đến tất cả thành viên là những người sinh quán ở Quảng Ngãi, thường trú tại Huế. Qua đó, họ thấy rõ sự cần thiết để tiến tới thành lập một hội, nhóm trên cơ sở cam kết pháp lý chung. Trải qua một thời gian dài vận động, với sự hỗ trợ và tán dương tích cực của cụ Lưu Văn Mậu (Đề đốc Hộ thành), Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, một hội đồng hương khác trên đất Huế mang tên “Quảng Ngãi Quan viên Đồng châu Tương tế phổ” (từ đây xin viết tắt: QNĐC) được thành lập. Căn cứ bản “Tấu” của bộ Lại “về việc xin cho lập hội Quảng Ngãi quan viên đồng châu tương tế phổ”, thì QNĐC được vua Bảo Đại và Khâm sứ chuẩn y, cho phép hoạt động vào năm 1935(4). Nội dung của bản “Tấu” như sau:

“Ngày 16 tháng 03 năm Bảo Đại thứ 10 (18 Avril 1935)
Nam triều Lại bộ
Số hiệu: N0 74

Lại bộ thần đẳng cẩn Tấu: Bộ chúng tôi có tiếp Hộ thành Đề đốc thần Lưu Văn Mậu tư xin cho phép lập hội Quảng Ngãi quan viên đồng châu tương tế phổ (Association de Secours mutuels entre les fonctionnaires originaires de Quảng - Ngãi en Annam).

Bộ chúng tôi duyệt trong dạng bản quy trình của hội ấy, không có sự gì trở ngại, đã thương quý Khâm sứ đại thần ý hiệp, xin nên y cho. Vậy dám xin đem dạng bản quy trình của hội ấy định theo sau nầy, kính tâu lên Hoàng thượng hậu phụng Chỉ - Chuẩn lục tuân.

Nay phụng cẩn Tấu.
Phụng Châu phê: “Chuẩn y. B. Đ. Khâm thử
Thần: Thái Văn Toản, Hà Xuân Hải
Ngự tiền Văn phòng cung lục: Thương tá Hoàng Yến
Lại bộ cung lục, Hộ Thành nha tuân phụng
Phụng khảo Nguyễn Thúc (Lang trung bộ Lại)
Hộ Thành nha cung lục, Quảng Ngãi quan viên đồng châu tương tế phổ tuân phụng”.

Bản tấu của bộ Lại về việc thành lậpQuảng Ngãi Quan viên Đồng châu Tương tế phổ


1.2. Điều lệ, tôn chỉ

QNĐC là hội “không thuộc về tôn giáo”, một tổ chức “chính trị, xã hội, nghề nghiệp” có đầy đủ tư cách pháp nhân, được thừa nhận bởi chính quyền hiện hành, cơ cấu tổ chức chặt chẽ và có ngân sách riêng. Tương tự như một số hội nhóm thành lập tại Huế trước năm 1945, yêu cầu đầu tiên của các hội là phải soạn thảo một bản điều lệ, xác định rõ tôn chỉ, mục đích cũng như phương hướng hoạt động. Bản Điều lệ này chính là cơ sở pháp lý để Khâm sứ Trung Kỳ duyệt y.

Bản “Điều lệ” của hội QNĐC gồm 49 điều khoản, với các phần chính yếu: Mục đích của phổ (khoản thứ 1, 2); Hội viên của phổ (khoản thứ 3); Ban Trị sự (khoản thứ 4 đến khoản thứ 14); Tài liệu của phổ (khoản thứ 15 đến khoản thứ 19); Đại hội đồng thường niên (khoản thứ 20 đến khoản thứ 23); Xin vào phổ, xin ra phổ, xin vô phổ lại (khoản thứ 24 đến khoản thứ 27); Bổn phận hội viên đối với phổ (khoản thứ 28 đến khoản thứ 34); Các khoản chi tiêu của phổ (khoản thứ 35 đến khoản thứ 44); Sổ sách của phổ (khoản thứ 45 đến khoản 46) và Các điều kiện khác (khoản 47 đến khoản 49)(5).

Hội QNĐC ra đời không phải vì mục đích về kinh tế, không phục vụ lợi ích cá nhân, cốt yếu để xây dựng “khối đại đoàn kết cộng đồng”. Trong phần đầu của bản Điều lệ, các thành viên thống nhất hướng đến một lý tưởng chung, đó là [1] gây tình liên lạc trong các hội viên; [2] giúp đỡ người đồng châu bất kỳ lúc nào và tùy theo tài liệu [điều kiện] của phổ(6).

1.3. Cơ cấu tổ chức, quyền lợi hội viên

Hội viên của hội bao gồm 3 dạng hội viên: Danh dự hội viên, Ân nghĩa hội viên và Thực hành hội viên. Ân nghĩa hội viên được xác định là những người có lòng hảo tâm “biếu tặng” cho hội một số tiền là 30$00, nhưng không đòi hỏi quyền lợi từ phổ. Thực hành hội viên là những hội viên được thừa hưởng quyền lợi trực tiếp từ phổ và chỉ có hàng quan viên mới đủ điều kiện vào được Thực hành hội viên. Theo quy định của hội, ban Trị sự của QNĐC tổng cộng tất cả 7 người, với cơ cấu nhân sự như sau: Chánh Phổ trưởng, Phó Phổ trưởng, Chánh Thư ký, Phó Thư ký, Chánh Thủ quỹ, Phó Thủ quỹ, Kiểm sát. Nhiệm kỳ của ban Trị sự có thời hạn 1 năm và được bầu thông qua “bỏ phiếu kín”. Hàng năm Đại hội đồng tổ chức họp 1 lần, cụ thể là ngày Chủ nhật sau ngày Đông chí.

Căn cứ quyết định được ban hành vào ngày 16 tháng 03 năm 1935, Ban Trị sự Tạm thời của hội, gồm có: Nguyễn Hữu Tiễn (Chánh Phổ trưởng), Lưu Văn Mậu (Phó Phổ trưởng), Lưu Đức Phương (Chánh Thư ký), Nguyễn Tấn Lang (Phó Thư ký), Nguyễn Phú Phu (Chánh Thủ quỹ), Nguyễn Phú Hoán (Phó Thủ quỹ), Nguyễn Hữu Duyên (Kiểm sát). Có thể dễ dàng nhận thấy những cái tên đã rất quen thuộc trong danh sách ban Trị sự Tạm thời của QNĐC. Đặc biệt hơn là sự góp mặt của một trong những danh tướng khá nổi tiếng dưới hai triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn, đó chính là Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn.
 

Di dung cụ Nguyễn Hữu Tiễn

Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống võ nghiệp, Nguyễn Hữu Tiễn (阮 有 諓) là con trai của Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Hữu Thảng và bà Đặng Thị Thạnh. Theo một số tư liệu cho biết, ông sinh vào năm 1884, tại Chánh Lộ, phủ Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Năm 1903, ông “sánh duyên” cùng Công chúa Nguyễn Phúc Hỷ Hỷ (Ngọc Sơn công chúa), con gái vua Đồng Khánh và bà Tiệp dư Hồ Thị Quy(7).

Trải gần 60 năm dấn thân chốn quan trường, Nguyễn Hữu Tiễn lần lượt thăng thưởng, đảm nhận các chức vụ trọng yếu khác nhau: Phò mã Đô úy (1905), Phó quản Cơ (1912), Quản Cơ (1913), Phó Vệ úy (1915), Lãnh binh (1916), Chưởng vệ (1919), Thống chế (1920), hầu Ngự giá như Tây (1922), Thống chế vệ Tả tam (1923), Đô thống (1926), Trung quân Đô thống (1935). Năm 1939, dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng được triều đình đặc cách lưu thêm một năm, vẫn đảm nhận chức vụ “Trung quân Đô thống lãnh Thân binh vệ” (đợt này còn có cụ Ưng Trình, kiêm nhiếp Tôn Nhơn phủ đại thần; Lê Nhữ Lâm, Tổng tài Quốc Sử quán; Nguyễn Phiên, Tổng đốc Bình Định)(8).

Với những huân công và đóng góp to lớn đó, ông được chính quyền Nam triều, chính phủ Bảo hộ phong thưởng Đại Nam ngân tiền (1918), Tam hạng Kim tiền (1918), Ngũ hạng Long Bội tinh (1918), Nhị hạng Kim khánh (1919), Ngũ hạng Bắc Đẩu Bội tinh (1922), Nhất hạng Ngân tiền (1924), Nhị hạng Kim tiền (1925), Nhất hạng Kim tiền (1934), Tam hạng Long Bội tinh (1939)(9). Ông mất vào ngày 23 tháng 11 năm 1958, hưởng thọ 75 tuổi. Ngôi nhà vườn tuyệt đẹp nằm ở địa chỉ số 31, đường Nguyễn Chí Thanh (phường Phú Hiệp, Thành phố Huế) chính là phủ thờ của Công chúa Ngọc Sơn và Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn. Đây cũng là tư gia của ông Phan Thuận An - nhà Nghiên cứu Văn hóa Huế.

Hội QNĐC không phân biệt tuổi tác, sang hèn, ai muốn gia nhập hội thì làm đơn xin ông Chánh Hội trưởng và trình ban Trị sự xem xét. Hội không chấp nhận những thành phần nhân danh hội để mưu cầu chính trị, đả kích tôn giáo hoặc những ai đã can án tù tội thì nhất quyết không cho gia nhập. Về bổn phận, quyền lợi của hội viên, căn cứ trên bảng lương và thu nhập của từng hội viên, QNĐC quy định cụ thể số tiền nộp hội phí, “Thực hành hội viên lương 100$00 trở lên thì góp mỗi tháng 1$00, một quý là 3$00; lương mỗi tháng 25$00 trở lên thì góp mỗi tháng 0$40, mỗi quý là 1$20; còn lương 25$00 trở xuống thì góp mỗi tháng 0$20, một quý là 0$60”(10).

Tất cả số tiền này sẽ do viên Thủ quỹ chịu trách nhiệm cất giữ, chi dùng vào dịp “lễ cúng các vị tiền bối đồng châu”, “chăm lo việc hiếu, hỷ” và “giúp người đồng châu trong khi có xảy ra tai nạn [sự cố bất thường]”(11). Theo quy ước của hội, khi một người Quảng Ngãi bất kỳ đi đường mà chẳng may bị trộm cướp hoặc đau ốm hết tiền, không có tiền về lại quê hương thì ban Trị sự “phải cấp tiền” và cấp đủ số tiền chi phí ăn uống, tiền tàu xe. Đối với những người lao động nghèo, thu nhập thấp nếu bị bệnh thì hội phải lo liệu việc liên lạc với người nhà và hỗ trợ tiền thuốc thang. Trong trường hợp có người đồng châu qua đời tại Huế, thì hội sẽ đứng ra chu toàn việc mai táng(12). Có thể nói, đây là một “nghĩa cử” hết sức nhân văn, mà cho đến thời điểm hiện tại, giá trị của nó là điều mà không một ai có thể phủ nhận.

2. Thay lời kết

Quá trình khai sinh của các tổ chức đồng hương tại Huế trước năm 1945, hầu như được khởi xướng bởi tầng lớp quan lại, nhân sĩ trí thức,… đó là những thành phần có quyền lực chính trị, điều kiện kinh tế lúc bấy giờ. Quan trọng hơn, trong bối cảnh đất nước đang bị lệ thuộc chặt chẽ bởi người Pháp, họ sớm nhận ra sự cần thiết của việc hợp tác, đoàn kết dân tộc. Mỗi một châu phổ đều có một chí hướng riêng, song tôn chỉ nhất quán đều vì lợi ích chung, nhắc nhở nhau gìn giữ tình yêu quê hương bản quán, một lòng hướng về cội nguồn.

QNĐC được hình thành dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, không áp đặt, không mang màu sắc tôn giáo, chính trị và hoàn toàn “phi lợi nhuận”. Đây là địa chỉ sinh hoạt của tất cả các hội viên; qua đó, gắn kết và hỗ trợ lúc khó khăn hoạn nạn, sẵn sàng đùm bọc lẫn nhau nơi đất khách quê người, trên tinh thần “ly hương bất ly tổ”. Dẫu rằng, QNĐC tồn tại trong một khoảng thời gian khá ngắn, nhưng có thể nói đây là dấu mốc vô cùng đặc biệt.

Đ.M.Đ
(SHSDB41/06-2021)

------------------------
1. Bắc Kỳ Châu phả được thành lập theo quyết định vào ngày 27 Juin 1923, với thành phần Ban Trị sự tạm thời: Trần Đức (Chánh Phả trưởng), Bùi Cung (Phó Phả trưởng), Trần Đức Thuận (Thủ quỹ), Trần Quang Khải, Trịnh Đình Tạo (Thư ký), Nguyễn Văn Lư, Vũ Nghĩa Ký, Đào Kinh Huyến, Nguyễn Văn Hậu, Mai Văn Mạnh làm Cố vấn Trị sự viên.
2. Bắc kỳ Châu phả. (1923). Chương trình Điều lệ của Châu  phả người Bắc Kỳ hiện trú ở các tỉnh Trung Kỳ lập để tương tư tương trợ nhau. Nhà in Đắc Lập, Huế xuất bản. tr. 1.
3. Bắc Kỳ Châu phả. (1923). Sđd, tr. 1.  
4. Quảng Ngãi đồng châu hội. (1935). Quảng Ngãi Quan viên  Đồng châu Tương tế phổ điều lệ. Nhà in Đắc Lập, Huế xuất bản. tr. 1.
5. Quảng Ngãi đồng châu hội. (1935). Quảng Ngãi Quan viên  Đồng châu Tương tế phổ điều lệ. Sđd. tr. 13 - 22.
6. Quảng Ngãi đồng châu hội. (1935). Quảng Ngãi Quan viên  Đồng châu Tương tế phổ điều lệ. Sđd. tr. 13.
7. Phan Thuận An. (2008). Huế xưa và nay, di tích và danh thắng. Nxb. Văn hóa Thông tin. tr. 140, 141.
8. Tràng An báo. (1939). Xuân thủ đàm ân. Số 398, ra ngày  24 tháng 02 năm 1939. tr. 1.
9. Souverains et Notabilités d’ Indochine. Editions du  Gouvernement Général de l’Indochine. Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O). Hà Nội. 1943. p. 90.
10. Quảng Ngãi đồng châu hội. (1935). Quảng Ngãi Quan  viên Đồng châu Tương tế phổ điều lệ. Sđd. tr. 19.
11. Quảng Ngãi đồng châu hội. (1935). Quảng Ngãi Quan  viên Đồng châu Tương tế phổ điều lệ. Sđd. tr. 19.
12. Theo lời kể của bác Trần Như Phong (96 tuổi), hiện đang  sinh sống tại Canada, thì trước đây hội có mua một sở đất để làm Nghĩa trang chung cho tất cả người Quảng Ngãi và xây dựng một ngôi chùa. Rất tiếc, do điều kiện sức khỏe, bác không thể nhớ rõ chính xác vị trí. Hy vọng, sau bài viết này, quý độc giả có ai tỏ tường về khu Nghĩa trang, cũng như Ngôi chùa của QNĐC xin hãy hoan hỷ chỉ dẫn thêm cho chúng tôi.  




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Vinh dự lớn lao (18/05/2021)