DƯƠNG HOÀNG
Trải qua những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, nhân dân Thừa Thiên Huế đã từng bước được rèn luyện, thử thách trong gian khó và cùng lớn lên với những tên gọi, những hoạt động, nhiệm vụ cũng thay đổi qua từng giai đoạn để phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tại của phong trào cách mạng.
Sau khi được thành lập vào ngày 23 tháng 5 năm 1945, Mặt trận Việt Minh Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng trưởng thành lên gắn liền với cuộc đấu tranh sôi nổi chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, quyết giành độc lập và chính quyền về tay Nhân dân.
Ngay trong “đêm trước của cuộc cách mạng”, tại Hội nghị ở đầm Cầu Hai, “Mặt trận Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp Nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”.(1)
Trước tình hình thực tiễn của cách mạng, các đoàn thể phải ra sức phát triển cơ sở tổ chức của “Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Nhật - Pháp ở Việt Nam là “Việt Nam độc lập đồng minh”, đồng thời vận động thực hiện “Cao Miên độc lập đồng minh”, và “Ai Lao độc lập đồng minh”. Phải ra sức tìm kiếm các đảng phái cách mạng Việt Nam chưa gia nhập Việt Minh và đề nghị với Việt Minh mở ngay những cuộc đàm phán chính thức với họ đặng thực hiện cuộc liên minh chính thức. Những cuộc đàm phán ấy sẽ lấy chương trình Việt Minh làm căn cứ. Song muốn cho mau đi tới chỗ thỏa hiệp ít nhất phải căn cứ vào 10 điều cốt yếu sau này của Việt Minh:
1. Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập.
2. Thành lập chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam; chính quyền do toàn dân tham dự bằng cách phổ thông đầu phiếu.
3. Quốc hữu hóa tài sản của phát xít Nhật - Pháp ở Đông Dương và của bọn Việt gian, Hán gian.
4. Thực hiện ngày làm việc tám giờ và xã hội bảo hiểm.
5. Giảm địa tô chính và bỏ địa tô phụ, quyền sở hữu về ruộng đất vẫn được coi trọng.
6. Bỏ các thứ thuế khóa và quyên góp do Nhật - Pháp đặt ra và lập một thứ thuế mới thật nhẹ thay vào.
7. Thừa nhận quyền dân tộc tự quyết đối với các dân tộc thiểu số ở Đông Dương.
8. Nam nữ bình quyền.
9. Cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học.
10. Liên minh với các nước dân chủ chống phát xít xâm lược đặc biệt với nhân dân Trung Quốc kháng Nhật”.(2)
Để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, “Mặt trận Dân tộc Thống nhất phải tích cực, khôn khéo vận động các giới: Công vận, Nông vận, Binh vận, Thanh vận, Phụ vận, Vận động phú hào, Vận động dân tộc thiểu số, Vận động Hoa kiều và Vận động văn hóa - Đảng cần phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát xít thụt lùi. Ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, v.v. phải gây ra những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa và trí thức (ví dụ như có thể tổ chức những nhóm “văn hóa tiền phong”, “nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, “nhóm nghiên cứu lịch sử Việt Nam”, “Liên đoàn Văn hóa cứu quốc”...)”, v.v.
Xuất phát từ thực tế của Việt Nam với luận đề “Người An Nam không có tôn giáo theo cách nghĩ của người châu Âu”, rõ ràng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho ta nhận thức về đặc điểm tôn giáo của con người Việt Nam, ở đó không có sự tồn tại của nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đa thần và không có ranh giới rõ rệt giữa đạo và đời, giữa phụng sự Tổ quốc và phụng sự Đức Chúa. Mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc được thể hiện ở một nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy rằng, “dân tộc được giải phóng đất nước mới được phồn vinh, Nhân dân mới có hạnh phúc. Vì vậy, là người Việt Nam chân chính yêu nước phải biết và can đảm đặt tất cả các vấn đề khác trong lợi ích chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc… Cho nên ở Việt Nam, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi nào Tổ quốc được độc lập, dân giàu, nước mạnh thì các tín đồ mới được tự mình làm chủ tôn giáo của mình. Mười ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong một buổi tiếp các đại biểu tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao đài), Người nói: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”.(3)
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong công cuộc kháng chiến cứu nước cũng như xây dựng đất nước sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn động viên, khuyến khích, tạo mọi cơ hội cho các chức sắc tôn giáo tham gia vào công việc đất nước và kịp thời khen ngợi, biểu dương những chức sắc tham gia tốt công việc của cách mạng. Người đã mời Thượng tọa Thích Trí Dũng, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn và Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo cho Chính phủ và nhận Giám mục Lê Hữu Từ là bạn thân của Người. Sự chủ động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tích cực với các chức sắc tôn giáo thể hiện sự tôn trọng các chức sắc tôn giáo, tin tưởng các chức sắc tôn giáo không quay lưng lại với dân tộc. Trong nhiều bài viết và bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến hình ảnh “tốt đời, đẹp đạo” với mong muốn sao cho mọi sinh hoạt tôn giáo và đời sống của Nhân dân ngày một phù hợp và phát triển, sao cho đất nước được độc lập, Nhân dân không phải chịu đói, mặc rét đi lễ, mà muốn vậy thì phải khơi dậy lòng yêu nước, động viên họ tích cực tham gia đồng thời vào hai công việc chiến đấu và sản xuất. Bên cạnh đó, Người cũng thường dạy rằng, muốn cho dân no ấm phần xác, thong dong phần hồn thì phải giúp họ sản xuất ra của cải vật chất và cả đời sống xã hội lành mạnh, yên vui. Trong quá trình thực hiện chiến lược quan trọng là xây dựng khối đoàn kết toàn dân, Người đã rút ra bài học quan trọng, đó là: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”.
Kính Chúa gắn liền với yêu nước, tốt đời với đẹp đạo.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không mâu thuẫn nhau. Một người Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính, cũng như những kẻ chống lại dân tộc, đồng thời cũng chính là kẻ phản Chúa, chúng không chỉ là “Việt gian mà còn là giáo gian”, là những kẻ “phản Chúa, phản dân, phản nước”…(4).
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám vừa giành được chính quyền ở Thừa Thiên và thành phố Huế, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các nhân sĩ, trí thức, nhiều công chức, binh lính của chính quyền cũ. Đồng bào lương giáo đoàn kết, tích cực góp phần bảo vệ, xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống mới của nền dân chủ cộng hòa. Nhiều người trong Hoàng tộc cũng hăng hái tham gia vào các hoạt động do Mặt trận Việt Minh Thừa Thiên tổ chức và nhiều người về sau trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của Mặt trận.
Về xây dựng Mặt trận và các đoàn thể, sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh Trung Bộ, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển mạnh mẽ, cơ sở quần chúng được xây dựng ở nhiều địa phương. “Ngoài Hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Liên đoàn văn hóa cứu quốc, còn thành lập các hội như Việt Nam cứu quốc, Giáo chức cứu quốc, Chức nghiệp cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Phật giáo cứu quốc, Hướng đạo cứu quốc…”(5).
Để phục vụ công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các tín đồ tôn giáo ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, cầu nguyện giữ vững nền độc lập dân tộc: Hội Phật giáo cứu quốc xuất bản tờ báo Giải thoát, do Thượng tọa Thích Mật Thể, đại biểu Quốc hội khóa I đơn vị Thừa Thiên làm chủ nhiệm, tòa soạn đóng ở chùa Từ Đàm; Công giáo cứu quốc ra tờ Tổ quốc do ông Nguyễn Xuân Dương làm chủ bút, và tờ Liên đoàn Công giáo Trung Bộ, do ông Trương Văn Huế làm chủ nhiệm, cả hai tờ này tòa soạn đóng ở 36 đường Khải Định, Thuận Hóa; Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên xuất bản tờ Đại chúng, do giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ làm chủ bút, tòa soạn đóng ở số 35 Hàng Bè, đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay và tờ Reo, do Đỗ Hữu Phú làm chủ bút, tòa soạn đóng ở số 13 đường Lê Thái Tổ, nay là Lê Lợi. Cả năm tờ báo đã tập hợp một đội ngũ trí thức hùng hậu lúc bấy giờ ở Huế hướng về cách mạng, như Phan Thị Nga, Đào Duy Anh, Vương Tứ Ba, Đào Duy Dếnh, Tố Hữu, Tế Hanh, Dương Kỵ, Đào Duy Kỳ, Nguyễn Lân, Lưu Trọng Lư, Trần Thanh Mại, Phan Nhân, Hoài Thanh, Hải Triều, Phan Thao, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Dương, Nguyễn Văn Thích, Hải Chí, Bùi Tuân, Thanh Sơn, Trường Xuân, Linh Thao, Minh Sơn…(6).
Nhiều vị chức sắc như Thượng tọa Thích Mật Thể, Thượng tọa Thích Đôn Hậu, Thượng tọa Thích Trí Thủ và đông đảo đồng bào Phật tử ở Thừa Thiên Huế đã hăng hái tham gia đoàn thể cứu quốc của Phật giáo.
Sau khi Đoàn Việt Nam Trung Bộ Phật giáo cứu quốc thành lập “Ngày 19/9/1945, Ban Trị sự Sơn môn tăng già của Ban Trị sự Hội Việt Nam Phật học ở Thuận Hóa đã nhóm họp để thành lập Đoàn Việt Nam Phật giáo cứu quốc, mục đích đoàn kết tất cả Phật giáo, để theo tinh thần của Phật chống ngoại xâm và giữ vững nền độc lập của nước nhà. Sau khi bàn việc, toàn thể đã quyết định một chương trình hành động và cử một Ban Chấp hành lâm thời để tiến hành công việc. Ban Chấp hành lâm thời sau khi nhận việc đã tổ chức một cuộc tổng biểu tình vào ngày 30/9/1945, tại chùa Từ Đàm để cầu nguyện cho nước nhà được độc lập, ủng hộ Chính phủ, Nhân dân, tỏ lòng cương quyết chống ngoại xâm. Hôm đó có đọc lời tuyên ngôn của Đoàn Việt Nam Trung Bộ Phật giáo cứu quốc và diễn văn Phật giáo với quốc gia. Ủy ban lâm thời ngoài việc khuếch trương công việc cứu quốc… còn có nhiệm vụ hô hào cổ động thành lập các đoàn cứu quốc ở các tỉnh thuộc về Trung Bộ để đi đến sự thành lập Đoàn Phật giáo cứu quốc toàn quốc.(7)
Ở Nam Bộ, Cách mạng Tháng Tám vừa giành chính quyền “chưa đủ thời gian nhận mặt” thì đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã quay trở lại đánh chiếm Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã nổ ra. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Hồ Chủ tịch về việc ủng hộ sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến, Mặt trận Việt Minh Thừa Thiên Huế đã mở một đợt tuyên truyền, vận động trong các đoàn thể cứu quốc. Phong trào Nam tiến đã diễn ra sôi nổi, rầm rộ. Công nhân trong các xí nghiệp, tự vệ trong các nhà máy, hội viên các đoàn thể ở các địa phương đã tình nguyện tham gia đông đảo. Trong các nhà thờ Thiên Chúa và Sơn môn Phật giáo ở Thừa Thiên Huế đã đồng loạt tổ chức lễ cầu nguyện giữ vững nền độc lập, đánh tan ngoại xâm. Thanh niên học sinh trong các trường học hưởng ứng phong trào “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Nhiều hành động ủng hộ phong trào Nam tiến rất thiết thực và cụ thể. Công nhân nhà ga xe lửa Huế đảm bảo cho các đoàn tàu chở quân Nam tiến được an toàn, thông suốt. Các hội viên của Hội Phụ nữ cứu quốc ở thành phố Huế lập các quán cơm Nhân dân phục vụ đoàn Nam tiến...(8)
Trên mặt trận cứu đói, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biện pháp trước mắt được thực hiện trong toàn tỉnh là phát động phong trào “nhường cơm xẻ áo”, đồng cam cộng khổ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau để vượt qua đói kém. Một phong trào quyên góp cho “Ngày đồng tâm”, “Hũ gạo cứu đói” được phát động mạnh mẽ khắp cả tỉnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, số lương thực cứu đói thu được khá nhiều, không chỉ giúp đồng bào tại chỗ mà còn gửi ra cứu trợ đồng bào miền Bắc.
Để giải quyết những khó khăn của nền tài chính quốc gia, Mặt trận Việt Minh các cấp trong tỉnh đã hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, phát động các đoàn thể tham gia tích cực “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, và “Tuần lễ khoai”…
Chiều ngày 17 tháng 9 năm 1945, “Tuần lễ vàng” đã khai mạc tại Sở Tuyên truyền số 43 đường Trần Hưng Đạo, Thuận Hóa. Dưới sự chủ tọa và sau lời kêu gọi của ông Trần Hữu Dực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trung Bộ và ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên “đồng bào hãy bỏ vàng ra giúp nước”, liền đó Ban tổ chức mở hộp quyên. “Bà Vĩnh Thụy (cựu Hoàng hậu Nam Phương) tiến lên tháo chiếc kiềng ở cổ và đôi xuyến ở tay bỏ vào hộp. Bà còn cúng thêm một gói to vàng nữa. Đại biểu Chính phủ gắn dấu hiệu “Tuần lễ vàng” cho bà. Đồng thời máy phát thanh loan báo cái cử chỉ ấy và công chúng hoan hô nhiệt liệt”.
Noi gương bà, “Sau cựu Hoàng hậu Nam Phương, số người lên khán đài cúng vàng cũng khá đông. Phần nhiều là đồ của phụ nữ và hầu hết các đồ cúng là đồ nữ trang: kiềng, vòng, xuyến, chuỗi hột, bông tai”.
“Nhiều cử chỉ làm cho công chúng rất cảm động: có em bé “hy sinh” cả chiếc kiềng quý giá của mình, có chị buôn vặt giao tất cả vòng xuyến, số tiền lời gom góp mấy năm nay, có bà già từ quê tới xin cúng mấy chỉ vàng, có anh lao động đưa cúng cả nhẫn đeo tay… và nhiều người vô danh nữa”…
Một điều đặc biệt ai cũng nhận thấy trong buổi khai mạc “Tuần lễ vàng” này hầu hết số vàng cúng là đồ nữ trang. Các bạn gái ở Thuận Hóa đã tỏ ra rằng về tinh thần cứu quốc, các bạn không thua kém các chị em ở Hà Thành”(9)
Trước sự tham gia tích cực của đông đảo hội viên Hội Phụ nữ cứu quốc, bà Vĩnh Thụy (cựu Hoàng hậu Nam Phương), đã tích cực ủng hộ và đóng góp rất nhiều cho Hội: “Sau khi đã quyên một số tiền lớn và rất nhiều vàng vào Quỹ Phụ nữ cứu quốc và hứa sẽ may và gửi quà áo quần cho trẻ em mặc trong mùa lạnh sắp đến, bà Vĩnh Thụy nói rằng: “Chúng tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động được Chính phủ Dân chủ Cộng hòa đối đãi rất tử tế với chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến bộ một bước rất chóng trên con đường cứu quốc”.(10)
Ngoài ra bà Vĩnh Thụy còn đảm nhận làm Cố vấn Tối cao cho Liên đoàn Công giáo toàn quốc Việt Nam. Nhân buổi ấy, bà có tuyên bố “hiệp tác với hàng Giáo sĩ và giáo dân Việt Nam để kiến thiết quốc gia theo tinh thần Phúc âm, và xây dựng nước nhà trên nền tảng bác ái và công bình, hầu cho Tổ quốc Việt Nam được hoàn toàn độc lập và được hưởng hạnh phúc đầy đủ cả tinh thần và vật chất. Chúc Liên đoàn và tất cả anh chị em Công giáo hưởng ứng tiếng gọi của Liên đoàn hầu làm trọn nhiệm vụ người Công giáo và công dân Việt Nam.”(11)
Chỉ trong vòng một tuần lễ (từ 17 đến 24/9/1945), với sự hưởng ứng tích cực của bà con lương giáo và các hội viên cứu quốc ở Thừa Thiên Huế, hàng chục kg vàng, hàng chục tấn đồng đã được đóng góp vào ngân quỹ của chính quyền, thiết thực khắc phục sự eo hẹp của nền tài chính đất nước, trước mắt là dùng để mua sắm, chế tạo vũ khí, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến. Tiêu biểu nhất đợt này ở Thuận Hóa có gia đình “ông Ưng Quang ở làng Kim Long hôm trước đã giúp Quỹ Độc lập 8.500 đồng và 20 lượng vàng. Nghĩa cử ấy đã được đồng bào hoan hô nhiệt liệt. Nay con gái ông là cô Công Tằng Tôn Nữ Thị Vinh ở 122 đường Gia Hội lại giúp Quỹ Độc lập 5 lượng vàng mười”.
“Giúp nhiều như thế đã là quý; lại giúp vàng chứ không phải giúp tiền gạo, nên càng quý thêm. Vì tiền gạo chỉ để nuôi “Giải Phóng quân” chứ phải có vàng thì “Giải Phóng quân” mới có thể đánh tan mọi mưu mô xâm lược. Vì phải có vàng mới mua được súng đạn”. Đồng bào những ai có vàng hãy noi gương sáng của ông Ưng Quang và cô Công Tằng Tôn Nữ Thị Vinh”.(12)
Những thắng lợi bước đầu trên mặt trận chống “giặc đói”, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố hệ thống chính trị của Nhà nước cộng hòa dân chủ vừa mới ra đời.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã minh chứng cho một chân lý là: Người Việt Nam dù là tín đồ của tôn giáo nào, dân tộc gì thì ý thức về độc lập và ước vọng về chủ quyền quốc gia vẫn là yếu tố nổi trội, thường trực trong mỗi con người. Sự kiện lịch sử năm 1945 cho ta thấy rõ điều đó. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trừ một số giáo sĩ thừa sai, còn lại mọi người dân nước Việt Nam đều vui mừng trước sự kiện lịch sử trọng đại này. Khắp nơi trên cả nước, người Công giáo đều tự hào là tín đồ của một tôn giáo ở một nước độc lập. Ví dụ như ở Thái Bình, ngày 10/10/1945, 20 ngàn giáo dân kéo tới hoan hô Hội đồng linh mục địa phận gồm các linh mục người Việt. Nhiều khẩu hiệu được kết băng phấp phới trước gió như “Giáo hội Việt Nam hoàn lại cho người Việt Nam”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm”. Khối quần chúng giáo dân với lòng yêu nước của mình đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc và xây dựng một nước Việt Nam độc lập.
Các vị chức sắc Phật giáo, các vị giám mục, linh mục và tín đồ Công giáo Việt Nam đều một lòng ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh và cùng chia sẻ niềm hân hoan, phấn khởi với toàn dân về Nhà nước còn non trẻ của mình. Lòng tự hào dân tộc không chỉ dấy lên trong lòng tín đồ Công giáo trong những ngày đầu nước nhà độc lập mà ngay cả đối với giáo sĩ cao cấp. Giám mục Nguyễn Bá Tòng đã nhân danh Giám mục và đồng bào Công giáo Việt Nam gửi Sứ điệp cho Giáo hoàng Piô XII vào ngày 23/9/1945, trong đó có đoạn viết: “Nhân dân Việt Nam yêu quý của chúng con muốn nhờ trung gian bốn vị Giám mục của họ dâng lên Đức Thánh cha ban phúc lành, tỏ lòng rộng lượng và cầu nguyện cho nền độc lập mà nhân dân chúng con mới giành lại được và quyết tâm bảo vệ mọi giá. Chính phủ chúng con cũng đã ra một nghị quyết tốt đẹp và nhân ái, chọn ngày Quốc khánh cho cả nước trùng với lễ kính các vị tử đạo Việt Nam”. Toàn thể Nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo, mừng lễ Độc lập với một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt chưa từng có. Những cuộc biểu tình to lớn và náo nức ấy, chứng tỏ toàn dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo hay không đều quyết tâm bảo vệ chính quyền non trẻ của mình.(13)
Để củng cố nhà nước về mặt pháp lý và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên được tổ chức trong cả nước theo chế độ phổ thông đầu phiếu, không phân biệt trai, gái, dân tộc, tôn giáo. Mặt trận Việt Minh Thừa Thiên Huế và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động hội viên từ 18 tuổi trở lên tham gia bầu những đại biểu vào cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do đó, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cao trên 90%. Tất cả ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao…
Sau thành công của đợt bầu cử Quốc hội, tháng 3 năm 1946, việc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp trong tỉnh được tiến hành. Tự hào với vị thế mới của người dân một nước độc lập, đông đảo bà con lương giáo, nhân sĩ, trí thức, trong đó có nhiều hội viên các đoàn thể cứu quốc đã phấn khởi tham gia bầu cử. Sau bầu cử, vào sáng ngày 10/5/1946, “Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp phiên đầu tiên tại Duyệt Thị Đường ở Đại Nội để bầu ra Ủy ban Hành chính tỉnh chính thức. Ông Hoàng Anh được bầu làm Chủ tịch, ông Hoàng Phương Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch, ông Lâm Mộng Quang làm Ủy viên Thư ký”. Tại Hội nghị này, “đại biểu Việt Minh Trung Bộ” đã vạch ra một số nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ vững nền độc lập của đất nước.(14)
Trên phạm vi cả nước, tình hình chính trị ngày càng diễn biến phức tạp có nhiều ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế. Để mở rộng hơn nữa lực lượng đoàn kết toàn dân “Kháng chiến kiến quốc”, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) tuyên bố chính thức thành lập tại Hà Nội đã nhất trí cử Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng và cụ Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng. Mục đích của Hội Liên Việt là đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. “Mặt trận Việt Minh từ nay cũng là một thành viên của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam”(15)
Cũng vào thời gian này, tại Thừa Thiên Huế, Hội Liên Việt được thành lập, do ông Nguyễn Đình Ngân, nguyên Kiểm giáo trường Quốc Tử Giám Huế, tham gia hoạt động từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, được cử làm Hội trưởng. Thành phố Huế ra mắt Ban Trị sự lâm thời do ông “Ngô Văn Ngộ làm Hội trưởng, ông Phạm Đình Ái và bà Võ Thị Thể làm Hội phó; ông Nguyễn Xuân Dương và Nguyễn Đình Ngân làm Cổ động viên; ông Trần Đình Giám làm Thư ký. Tham gia Hội Liên Việt Thuận Hóa có đại biểu Việt Minh, ông Nguyễn Chí Thành, đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng có ông Nguyễn Trung Thuyết, đại biểu Dân chủ đảng có ông Phan Hiền, đại biểu Phật giáo có ông Đặng Ngọc Sách. Chỗ làm việc của Ban Trị sự lâm thời đặt ở Nha Địa chính Trung Bộ (Bộ Công cũ)”.(16)
Bên cạnh Mặt trận Việt Minh với lực lượng hùng hậu, có uy tín lớn, Hội Liên Việt Thừa Thiên Huế được thành lập đã mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Với phương châm “Ủng hộ Chính phủ giữ vững quyền tự chủ để đi đến hoàn toàn độc lập... Giúp Chính phủ thực hiện các phương pháp để quyền tự do tín ngưỡng được hoàn toàn tôn trọng khắp các địa phương... Tất cả các đảng phái đều được tự do hoạt động trong phạm vi luật lệ... Phải triệt để ủng hộ những phần tử có công tâm, tài năng và nhiều kinh nghiệm ra đảm đương các công việc hệ trọng để thay thế những người thiếu tài năng và lọc lực lượng trong các cơ quan hành chánh...”.
Giữa năm 1946, quan hệ giữa ta và Pháp trở nên căng thẳng, thực dân Pháp lộ rõ dã tâm muốn cướp nước ta một lần nữa. Trước tình hình ấy, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẩn trương đề phòng, chuẩn bị các mặt để sẵn sàng và “kiên quyết tiêu diệt quân thù khi có lệnh của Trung ương”.
Tại thành phố Huế, quân và dân ta được tiếp nhận các thông tin về sự bội ước của thực dân Pháp, về chủ trương tích cực luyện tập quân sự, đào hào, đắp ụ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, sẵn sàng tiêu diệt quân Pháp ở Huế khi có lệnh của Trung ương; nhân dân chuẩn bị phương án tản cư khi chiến sự xảy ra. Nhiều cơ sở giáo dục, văn hóa tạm thời nghỉ học, nhiều tăng ni đã đi vào mặt trận chống giặc. Tiêu biểu như các vị: Thích Trí Diệm, Thích Trí Tăng, Thích Trí Hải, Thích Tâm Kiên sau này đều tập kết ra miền Bắc. Thích Trí Thuyên tham gia kháng chiến, bị giặc Pháp giết hại.(17)
Trước những công việc chuẩn bị khẩn trương, nhiều chị em phụ nữ các tôn giáo cũng tích cực tham gia các công việc xã hội. Toàn thể ni cô Thuận Hóa đã ra lời kêu gọi chị em Phật tử “dưới lá cờ đỏ sao vàng, đồng thanh niệm Phật, cầu Phật gia hộ cho nước nhà được an hưởng thái bình hạnh phúc. Phụ nữ Công giáo cũng kêu gọi chị em “sung vào các đội quân riêng dành cho phụ nữ: tiếp tế cứu thương, khâu vá… Không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải tham gia vào công việc xã hội. Mà muốn được đắc lực, ta phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, không còn phân biệt giàu có sang hèn; bây giờ không luận giai tầng cao thấp. Một lòng một ý, tay bắt tay vào công việc theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Đoàn kết mới đủ sức mạnh diệt kẻ thù chung. Hỡi chị em đồng bào Công giáo yêu nước yêu nòi, chết vì Tổ quốc, hy sinh vì bảo vệ lãnh thổ, ta phải có phần trong ấy, ta phải chiếm một địa vị trong ấy”...(18).
Với nhiều năm trên cương vị là người lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bằng những kinh nghiệm thực tiễn, ông Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ VI, cho rằng: Là người Việt Nam “Dù theo đạo nào, nhưng trước hết đó là người Việt Nam. Đã là người Việt Nam thì trước hết phải yêu nước, phải đứng lên chống quân xâm lược và bè lũ bán nước. Hễ ai chăm lo quyền lợi cho Nhân dân Việt Nam, bất kể người Việt Nam đó là Kinh hay Thượng, theo Thiên Chúa giáo hay đạo Phật hoặc theo cộng sản… thì đó là người cách mạng, ai xâm lược, bán nước và bóc lột người Việt Nam thì phải chống lại”.(19)
Và trong thực tế, có rất nhiều nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo và đông đảo bà con có đạo đã làm như vậy với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Huế, họ tập hợp đoàn kết chung quanh Mặt trận Dân tộc Thống nhất Thừa Thiên Huế, với quyết tâm giữ vững nền độc lập.
D.H
(TCSH391/09-2021)
-----------------------
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tập VII, tr.149.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tập VII, tr.292, 293.
(3) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 3, tr.10.
(4) Tôn giáo với dân tộc và CNXH, PGS.TS Nguyễn Đức Lữ, Nxb. CTQG, 2013, tr. 160 -162.
(5) Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Sđd, tr.124.
(6) Tạp chí Đại Chúng, số 2 ra ngày 1/4/1946.
(7) Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Sđd, tr.126, 127.
(8) Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Sđd, tr.129.
(9) Báo Quyết Chiến số 21 ra ngày 18/9/1945.
(10) Báo Quyết Chiến số 21 ra ngày 18/9/1945.
(11) Báo Liên đoàn Công giáo Trung Bộ, số 1 ra ngày 25/7/1946.
(12) Báo Quyết Chiến số 19 ra ngày 15/9/1945.
(13) Tôn giáo với dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Sđd, tr.268, 269.
(14) Báo Quyết Chiến số 210 ra ngày 11/9/1945.
(15) Những sự kiện lịch sử Đảng (1945 - 1954), Nxb. Sự thật, 1979, t.2, tr.66.
(16) Báo Quyết chiến số 266 ra ngày 15/7/1946.
(17) Báo Quyết chiến số 266 ra ngày 15/7/1946.
(18) Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Sđd, tr.136.
(19) Báo Quyết Chiến số 79 ra ngày 24/11/1945.
(20) Nguyễn Văn Linh, Tuyển tập (1986 - 1998), Nxb. CTQG-ST, 2011, t. II, tr. 965.