NGUYỄN ĐÌNH HỒNG
Tiếng súng của Nam Bộ - Sài Gòn đi đầu chống thực dân Pháp làm nức lòng cả nước, sôi sục căm thù bọn xâm lược.
Lời kêu gọi của Bác Hồ và Trung ương Đảng hồi đó thật vang vọng núi sông "Kháng chiến toàn dân, toàn diện". Đêm 19 tháng 12 năm 1946 hợp đồng động tác với chiến trường, quân dân thành phố Huế nhất tề nổi dậy, chủ động tấn công, nổ súng vào các đồn lũy của giặc. Khẩu đại bác 75 ly của Pháp mà Huế ta giành lại được từ tay giặc Nhật, đêm đó, cũng phóng đạn nện lên đầu giặc theo kế sách gậy ông đập lưng ông. Nhưng rồi, nòng súng bị hỏng, phải cho kéo ra An Hòa phục hồi lại. Nghe vắng tiếng đại bác của ta, giặc Pháp hí hửng reo mừng, chúng bắn súng cối và bô-pho, nổ lung tung vào nhà cửa vườn tược của đồng bào.
Nhưng chỉ mấy hôm sau, giặc Pháp lại kinh hoàng hốt hoảng, chẳng hiểu mô tê gì, bom đạn đâu mà nổ ầm oàng vào đồn lũy của chúng lắm thế. Tiếng nổ to hơn, công phá nhiều hơn. Mãi về sau chúng mới biết, Huế ta đã dùng súng thần công từ đời Tôn Thất Thuyết còn lại, để phóng bom diệt chúng.
Bọn xâm lược xưa nay thường vậy, gần chết, nết chưa chừa. Việt Nam này, giặc đến nhà, đàn bà, trẻ già đều đánh, gậy tầm vông và súng thần công cũng đánh giặc nữa là... Nợ nước tình nhà, đâu chịu khoanh tay. Nghĩ vậy anh thanh niên Phan Quốc Sắc, người học trò vừa tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ, đang cầm súng chiến đấu trong hàng ngũ Giải phóng quân, liền xin phép từ giã tiểu đoàn 10 đang đóng quân giữa khu vực Nam Giao với núi Ngự Bình, anh vòng về Vỹ Dạ - Đập Đá, băng qua Thành nội, vào tận dinh cơ Bảo Đại tìm đồng chí Hoàng Tường đang phụ trách binh công xưởng ở đó, để bàn bạc luận chứng dùng súng thần công phóng bom. Đồng chí Hoàng Tường là người am hiểu kỹ thuật hơn, đã từng bị giặc Pháp đày giam tận Tây Nguyên, Lao Bảo từ cao trào 31-45, nên rất tích cực hưởng ứng. Đêm khuya giá rét, bất chấp mưa đạn, đồng chí Hoàng Tường đã giúp anh Quốc Sắc mày mò đo đi tính lại thật chính xác quy cỡ từng loại bom ta đã giành được trong kho giặc Nhật, đo lại từng loại nòng súng thần công, tính toán thật chi ly từng công thức... chiều dài đoạn giây nổ chậm “Cor-đông-bik-pho", nối liền từ ngòi châm lửa vào "Đề-ton-na tơ", tính lại liều lượng thuốc nổ "Ni-tờ-rô-xen-luy-lô" độn vào nòng súng, tính quy cỡ những "cua-roa" xiết chặt thân bom, tính góc độ chênh giữa nòng súng với mặt đất và bệ phóng, tính lực chịu đựng sức dật lùi của nòng súng và tính bảo đảm an toàn khi phóng bom đi... sao cho mỗi quả bom, phóng ra rồi, phải bay đúng vòng cung, vượt qua sông Hương, rơi vào các toạ độ thật chính xác và phải nổ ngay khi mới rơi xuống đất để giặc trở tay không kịp. Bài toán hóc búa nhất lúc bấy giờ là lính Pháp và quân ta đóng xen kẽ bên nhau. Chỉ tính sai một ly, bom bay chệch một tý, là rơi vào đội hình của ta rất nguy hiểm, vì mặt trận Huế, lúc bấy giờ, giặc Pháp như ở giữa lòng chảo, bốn bề bị ta bao vây, chúng chỉ đóng quân ở giữa bờ Nam sông Hương và Bắc sông An Cựu, từ Cầu Ga, qua cầu Nam Giao, Bến Ngự, Phú Cam, Kho Rèn, vòng ra đến cầu Trường Tiền, có những đồn lũy của lính Pháp chỉ cách doanh trại quân ta một con đường vài chục mét, nó đóng ở trong Trường Nhà dòng Pel-Iơ-rin và trường Quốc Học Khải Định, ta lại ở Trường Nữ Đồng Khánh và Trường Kỹ nghệ, nó đóng ở "Sáp-phăng-giông", "Mô-rin-phơ-re" ta lại đóng ở "Đờ-cuốc-suy" và Trung bộ Phủ, tức Toà Khâm sứ cũ...
Tính toán xong xuôi, đồng chí Hoàng Tường nhờ anh Tửu là một công nhân lão luyện, cho binh xưởng tiện thử mấy chiếc "cua-roa", lắp xiết chặt vào quả bom, bỏ thử vào nòng súng thật khít khao, để không khí không lọt vào, bảo đảm cho sức ép và lực đẩy của liều lượng "Ni-tơ-rô-xen-luy-lô" đủ sức phóng bom đi đúng cung độ. Thực nghiệm công thức xong, anh Quốc Sắc lại chạy ra tìm Ban Quân giới, trước đây đóng ở An Đô (Hương Trà) và Long Thọ (Hương Thủy) nay đang di chuyển ra ở Quảng Điền, Phong Điền, mãi tận quê hương các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Tố Hữu. Ban quân giới Trung đoàn giao thêm kế hoạch này cho các anh Nguyễn Tấn Thiệu, Phan Văn Phó và Sơn Hoàng. Hì hục mất một hôm, anh em đã kéo được khẩu thần công, đặt ngay trước mặt góc Tam Tòa, phường Thuận Thành, để phóng thử bom đi. Bom bay xa hơn 3 km, chui sâu xuống đất gần 1 mét (đương nhiên, ta đã tháo ngòi nổ "Đề-ton-na-tơ" trong bom và cho bom rơi thử xuống khu đất trống của vườn Canh Nông cũ). Thử vài lần thấy đúng, các anh mang luận chứng báo cáo lên cấp trên và được các đồng chí Hoàng Anh lúc ấy là Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch Tỉnh Thừa Thiên cùng đồng chí Hà Văn Lâu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cao Vân (101) đồng ý, thế là hàng loạt súng thần công, cùng phóng bom đi một lúc, từng đợt, từng đợt, rơi đúng mục tiêu, tiếng nổ vang rền, giặc Pháp kinh hồn khiếp vía, hoang mang tột độ, còn bên ta, vào những đêm khuya cuối năm 1946, giữa cái Tết Bính Tuất và Xuân Đinh Hợi, nhìn trên bầu trời sông Hương, những loạt bom bay, đan chéo nhau tạo nên nhiều tia chớp lấp lánh như ánh sao băng, phấn khởi reo hò, cầm những chiếc bánh tày, những đòn bánh tét của các cô gái áo tím xứ Huế đem tặng tận nơi, mà hả lòng hả dạ, bom bay lại tiếp tục phóng đi nhiều nơi, diệt giặc nhiều hơn.
Hoà lẫn với tiếng nổ của bom bay là súng liên thanh của anh em bộ đội Giải phóng quân, Vệ Quốc quân, là gươm là mác của cảm tử quân, là rơm xông với ớt cay của anh chị em Tự vệ, và với nhiều vũ khí của Quân giới ta tự chế tạo ra, tất cả xông vào sào huyệt giặc, bắt được nhiều tù binh... Với niềm tin kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi. Mặt trận Huế lúc bấy giờ, quân ta đang ở thế chủ động tiến công, ép giặc vào thế tử địa, co cụm, chờ ngày đầu hàng.
Từ dáo mác, lựu đạn, Huế đã trưởng thành trong khói lửa.
"Từ Huế ra đi làm chiến sĩ
Đánh tan Pháp, Mỹ nay trở về...
Nhìn sông Hương, núi Ngự hùng vĩ...
Thần công Huế đó... vẻ uy nghi"
Bao nhiêu súng thần công còn ở quanh Thành phố Huế, đặc biệt còn 9 khẩu to như vua chiến trường, đang xếp thành 2 dãy ở gần cột cờ Ngọ Môn, bên này 5 khẩu, bên kia 4 (vì giặc Pháp đã cướp mất 1 khẩu mang về nước). Nòng súng nào cũng vươn lên với tư thế oai hùng, kiêu hãnh... cũng như những chàng trai xứ Huế mới năm nào đang độ tuổi mười tám, đôi mươi, kết bạn với súng thần công phóng bom diệt giặc, nay súng thần công chưa chịu vào bảo tàng, cũng như những chàng trai đó... Hoàng Tường, Phan Quốc Sắc, Nguyễn Tấn Thiệu, Phan Văn Phó... tóc đã bạc, mà chí còn xanh, họ đang say sưa với nhiệm vụ xây dựng quê hương, đất nước mình.
N.Đ.H
(TCSH52/11&12-1992)