DƯƠNG HOÀNG
Một chiều cuối năm 1945, ông Nguyễn Sinh Khiêm, thường gọi Cả Khiêm hay thầy Cả Đạt chợt nhận ra người trong tấm ảnh treo trên xà nhà trông “giống chú Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành”, bây giờ là vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời và mang tên mới Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Cái tên mới làm ông do dự. Ông cứ ngờ ngợ, ngồi ngắm nhìn thật lâu rồi bất chợt khẳng định một cách chắc chắn người này đúng là em trai mình rồi. Lòng ông hân hoan trong niềm vui mới, mong mỏi sớm được gặp người em sau nhiều năm xa cách!
Khoảng ba tuần trước Tết Bính Tuất năm 1946, ông Nguyễn Sinh Khiêm khăn xếp áo dài đi chào bà con xóm giềng, từ giã những người thân quen và bà Nguyễn Thị Giáng cùng nhân dân khắp thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, những người đã bao năm chở che đùm bọc để ông về đây yên tâm dạy học, bốc thuốc cứu người và bí mật hoạt động yêu nước… lên tàu khởi hành ra Hà Nội thăm Hồ Chủ tịch. Từ ga Hiền Sĩ, một ga nhỏ ở phía bắc Huế đi suốt ra thủ đô. Hành lý ông Cả Khiêm mang theo chỉ một túi xách gồm khoảng chục cuốn sách, hai bộ áo quần, cái ô, chiếc khăn xếp… và không quên mang theo bức vẽ truyền thần cụ Nguyễn Sinh Sắc cuộn trong tấm vải điều, để trên giá sách hàng chục năm qua.
Theo sự phân công của Huyện ủy Quảng Điền, cùng đi với thầy Cả Đạt có anh Nguyễn Hữu Đà (còn gọi là Tạo), con ông Nguyễn Hữu Hiệp ở thôn Nam Dương (gọi ông Nguyễn Hữu Hoàng bằng bác, ông Hoàng là thân sinh bà Nguyễn Thị Cúc về sau là vợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) và anh Hà Hữu Thừa, con trai cả của bà Giáng, người thường gọi ông Cả Đạt là thầy, là bố dượng. Anh Hà Hữu Thừa đã sống với thầy Cả Đạt từ năm 1930 cho đến đầu năm 1946. Trước khi lên ga xe lửa Hiền Sĩ để ra Hà Nội, bà Giáng không quên chuẩn bị cho ba thầy trò một mo cơm nếp thật ngon, một gói thịt gà chiên và một gói muối tiêu.
Sau hơn một ngày một đêm, con tàu đến ga Hàng Cỏ lúc trời vừa sáng, vào khoảng 9 giờ, ông Cả Khiêm và hai thanh niên tháp tùng cùng đi đến Phủ Chủ tịch. Cả ba bước vào phòng khách, anh cán bộ thường trực mời ba thầy trò ngồi đợi ở đấy, anh ta trao đổi cùng ông Cả Khiêm độ chừng một phút, rồi vào báo cáo với Hồ Chủ tịch.
Năm phút sau, anh cán bộ thường trực bước ra mời ông Cả Khiêm vào gặp Hồ Chủ tịch còn hai thanh niên tháp tùng ông Cả Khiêm thì vẫn ngồi ở phòng khách đợi!
Sau hơn một giờ hai anh em thầy Cả Khiêm gặp nhau; ba thầy trò ra phố dạo chơi, ở lại Hà Nội một hôm nữa rồi mới mua vé lên tàu về Vinh. Về tới nhà thầy ở làng Kim Liên, Nam Đàn thì vừa áp Tết. Không khí vui vẻ, cảm động về quê ăn Tết lần này, thầy Cả Khiêm đã không quên kể lại với cô Thanh: “Anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng, mắt rưng rưng lệ”. Ông Cả Khiêm không nén nổi xúc động, ôm chầm lấy Hồ Chủ tịch nói: “Chú Cung! Chú có khỏe không? Anh em mình xa nhau lâu quá!” Bác Hồ áp chòm râu lên má người anh ruột nói: “Anh đã ra thăm em… đáng lẽ em phải về thăm anh trước… Anh có khỏe không?”. Hai người ôm nhau, lặng đi trong giây lát. Sau một lúc chuyện trò, ông Cả Khiêm tặng Bác Hồ mấy quả cam Xã Đoài. Đó là món quà quê hương mà ông đã chọn mua ở Vinh khi tàu tạm dừng ở đấy!
Sau cuộc gặp gỡ lịch sử ngắn ngủi nhưng đầy cảm động giữa hai người. Ra khỏi phòng khách, chúng tôi thấy mắt thầy Cả Khiêm còn đỏ hoe… Đấy là cuộc gặp gỡ vô cùng xúc động của hai anh em sau hơn 35 năm xa cách.
Cô Thanh thường hay đi đây đó. Nhưng thời gian gần đây cô vẫn ở tại làng Kim Liên, lần này ông Cả Khiêm về quê ăn Tết, cuộc hội ngộ vui mừng chị em có dịp hàn huyên bao chuyện, nhất là chuyện hai anh em Bác Hồ gặp nhau ở Phủ Chủ tịch… Hai chàng trai được giao nhiệm vụ tháp tùng thầy Cả Khiêm từ làng Phú Lễ bên dòng sông Bồ xứ Huế lần đầu tiên được cùng thầy về thăm quê hương Bác Hồ, được gặp cô Thanh và những người thân yêu của Bác thật sự là chuyện như mơ ngoài tưởng tượng.
Sau cái Tết độc lập đầu tiên ở Kim Liên, ông Cả Khiêm về Vinh mua vé tàu cho Hà Hữu Thừa và Nguyễn Hữu Đà vào Huế, còn ông ở lại quê nhà Nam Đàn. Trước lúc chia tay, thầy Cả Khiêm dặn dò: “Hai đứa trở về trong nớ gắng tham gia hoạt động và học tập cho tốt. Hữu Thừa về nói với mạ con, thầy có việc ở lại chưa vô được!”. Nói đến đó chúng tôi thấy mắt thầy ngấm lệ, giọng nghẹn lại. Và lúc chia tay thầy cũng không nói khi nào sẽ trở về Huế lại.
Từ sau cái Tết năm 1946, thầy Cả Khiêm ở lại Nghệ An; rồi chiến tranh khốc liệt lan ra cả nước vì thế thầy chẳng có dịp nào vô Huế nữa, thầy ở lại sống những ngày cuối đời ở quê hương nghĩa nặng tình sâu…
Nhớ lời thầy Cả Khiêm dặn, chàng thanh niên Hà Hữu Thừa về Huế vài tháng sau thì gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi vào Vệ quốc đoàn, cuối đời ông mang quân hàm Đại tá giữ chức Cục trưởng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Còn anh Nguyễn Hữu Đà, trước khi tháp tùng thầy Cả Khiêm ra Hà Nội, anh đã gia nhập Đảng Cộng sản rồi. Tháng 12 năm 1946, Nguyễn Hữu Đà nhận nhiệm vụ chỉ huy Trung đội Quyết tử của huyện Quảng Điền; Chính trị viên Huyện đội rồi Huyện ủy viên phụ trách củng cố cơ sở khu B gồm 4 xã: Xuyên, Vinh, Thắng, Lợi.
Tháng 3 năm 1949, sau khóa huấn luyện cấp tốc do Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức, Nguyễn Hữu Đà được chỉ định tham gia Tỉnh ủy, được cử giữ chức Bí thư Huyện ủy Quảng Điền.
Do yêu cầu của cách mạng trước tình hình mới, cuối năm 1949, Nguyễn Hữu Đà lên đường ra Việt Bắc tham dự lớp huấn luyện chính trị giành cho cán bộ lãnh đạo các địa phương tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương đóng ở làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Một buổi chiều cuối tuần, cùng với tập thể cán bộ và học viên của trường, Nguyễn Hữu Đà - người con ưu tú của quê hương Quảng Điền đã có vinh dự được đón Hồ Chủ tịch đến thăm trường với lời dặn dò: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Sau lớp huấn luyện lý luận chính trị này, Nguyễn Hữu Đà lại được cử đi học một khóa về công tác quân sự ở nước bạn, học xong trở về nước, cuối năm 1951, Nguyễn Hữu Đà tham gia phục vụ chiến dịch Hòa Bình.
Sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang gian đoạn mới. Trung ương Đảng ra quyết định tăng cường cán bộ ưu tú cho quân đội nói chung, ngành tình báo quân đội nói riêng. Theo Chỉ thị 07 của Ban Bí thư Trung ương đã nêu rõ: Mỗi tỉnh chọn những đồng chí Tỉnh ủy viên ưu tú có nhiều kinh nghiệm vào hoạt động trong ngành tình báo. Ngày 15/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 42-SL thành lập tại Thủ tướng Phủ một Nha Liên lạc - Tên gọi bí mật của cơ quan tình báo chiến lược. Thời điểm đó, Nguyễn Hữu Đà là người duy nhất của tỉnh Thừa Thiên được điều động sang ngành tình báo quân sự. Ông bí mật nhận nhiệm vụ trở về hoạt động tại vùng Bình Trị Thiên, phụ trách “Trạm liên lạc Thừa Thiên”. Ít lâu sau, theo điều động của Đảng, Nguyễn Hữu Đà xâm nhập vào hoạt động trong lòng địch đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Sau tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève ký kết, nước ta tạm thời chia làm hai miền. Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thiết lập bộ máy cai trị, ra sức đàn áp dã man các phong trào yêu nước. Nắm rõ âm mưu của kẻ thù, để dẫn dắt và giữ phong trào cách mạng, từ rất sớm, Đảng ta đã chủ trương bí mật lưu lại miền Nam những cán bộ ưu tú để giữ vững phong trào. Nguyễn Hữu Đà là một cán bộ trong số đó. Cùng đồng đội của mình, Nguyễn Hữu Đà thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt trên trận tuyến thầm lặng từ Trị - Thiên vào Đà Nẵng, Tây Nguyên, Sài Gòn. Vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, trải bao cuộc đấu trí căng thẳng với sự thông minh, quyết đoán, bằng bản lĩnh vững vàng, sự hy sinh thầm lặng Nguyễn Hữu Đà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng, củng cố và giữ vững hoạt động của mạng lưới cơ sở tình báo chiến lược ở miền Nam.
Do phải di chuyển nhiều địa bàn, năm 1958, Nguyễn Hữu Đà bị mật vụ của Ngô Đình Diệm theo dõi và phục bắt ngay tại Cầu Bông, Sài Gòn. Để khai thác tin tức, chúng đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn cốt buộc ông phải khuất phục. Không moi được gì, chúng chuyển ông từ Sài Gòn ra Huế, giao cho bạo chúa Ngô Đình Cẩn xử lý, chúng giam ông tại trại Thừa Phủ, sau đó đưa lên tử ngục Chín Hầm - địa ngục trần gian khét tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ.
Ở tử ngục Chín Hầm, dù trong cơn đau đớn tột cùng, Nguyễn Hữu Đà vẫn luôn nhớ lời Bác Hồ dạy người cán bộ cách mạng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”…Và ông đã học như thế, đã trở thành một trong những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thà hy sinh tính mệnh vẫn quyết bảo vệ cơ sở tình báo, bảo vệ sự sống còn của Đảng, của đồng đội. Sự trung kiên, anh dũng của Nguyễn Hữu Đà làm cho quân thù khiếp sợ và chúng đã tìm cách sát hại. Ngày 3 tháng 2 năm 1961, Nguyễn Hữu Đà qua đời tại tử ngục Chín Hầm.
Để ghi nhớ công lao to lớn của nhà tình báo chính trị, người cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Hữu Đà, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã công nhận ông là “Cán bộ tiền khởi nghĩa”, truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến công và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác. Sự cống hiến cao cả của liệt sĩ Nguyễn Hữu Đà đã được các nhà làm sử trân trọng chép vào Lịch sử tình báo quốc phòng Việt Nam. Tại quê hương Quảng Vinh, thầy và trò một ngôi trường Trung học cơ sở xã tự hào mang tên nhà tình báo Nguyễn Hữu Đà từ năm 2013.
Nhờ đồng chí, đồng đội, di cốt Nguyễn Hữu Đà đã được đưa về hương khói và an nghỉ vĩnh hằng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế.
D.H
(Nguồn: Gia đình Nguyễn Hữu Đà cung cấp)
(TCSH396/02-2022)