Góc Hoài niệm
Một hội nghị lịch sử đưa cách mạng Thừa Thiên Huế bước sang giai đoạn mới
14:51 | 08/04/2022

DƯƠNG PHƯỚC THU

Kỷ niệm 75 năm Hội nghị Nam Dương (25/03/1947 - 25/03/2022)

Một hội nghị lịch sử đưa cách mạng Thừa Thiên Huế bước sang giai đoạn mới
Di tích Llịch sử cách mạng địa điểm tổ chức Hội nghị Nam Dương - Ảnh: quangdien.thuathienhue.gov.vn

1. Thừa Thiên Huế trước ngày “Vỡ mặt trận”

Sau gần một năm tạm yên, vào giữa năm 1946, tình hình địch và ta trở nên căng thẳng, nhân dân hết sức kiên trì chủ trương hòa hoãn, tranh thủ thời gian quý báu để xây dựng và củng cố lực lượng, nhưng thực dân Pháp lại càng lấn tới, gây ra những vụ khiêu khích trắng trợn. Khả năng của một cuộc chiến tranh Việt - Pháp không thể nào tránh khỏi.

Tháng 7/1946, Hội nghị cán bộ Đảng tỉnh Thừa Thiên được tổ chức tại trụ sở Ủy ban hành chính Trung Bộ đóng ở Tòa Khâm cũ. Tham dự hội nghị gồm có các đại biểu sáu huyện và thành phố Huế. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Bộ chủ trì hội nghị. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đại diện Trung ương Đảng. Sau khi quán triệt tình hình của đất nước, thấy rõ nhiệm vụ chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết, hội nghị đề ra ba nhiệm vụ lớn: “Cấp tốc kiện toàn các huyện ủy, xây dựng chi bộ cơ sở, đoàn kết nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng”. “Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội chủ lực”. “Bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho các tổ chức quần chúng”. Hội nghị cũng đã tiến hành bầu Tỉnh ủy mới, đồng chí Nguyễn Sơn được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

Sau hội nghị, công tác chuẩn bị kháng chiến càng khẩn trương. Tỉnh ủy đã cử hai đoàn cán bộ về các huyện để chỉ đạo và kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Húng, Tỉnh ủy viên được chỉ định làm Trưởng đoàn về ba huyện phía nam. Đoàn cán bộ các huyện phía bắc do đồng chí Nguyễn Chí Thanh phụ trách. Tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy là “cán bộ bám đất, bám dân, bám cơ sở, kiên quyết tiêu diệt quân Pháp ở Huế khi có lệnh Trung ương”[1].

Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhân dân tự tay đập phá nhà cửa… những nơi mà địch có thể dùng để đóng quân, lập đồn bốt căn cứ… Tất cả quyết tâm đánh thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Ngày 19/10/1946, Hội nghị quân sự toàn quốc nhận định: “Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh ta, ta phải kiên quyết đánh lại Pháp”. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh thành lập các chiến khu trong cả nước. Tỉnh Thừa Thiên đã cử cán bộ nghiên cứu chọn địa bàn lập căn cứ kháng chiến. Tỉnh ủy xác định vùng Trò và Khe Trái sẽ là căn cứ chính của tỉnh. Còn vùng Hòa Mỹ là căn cứ thứ hai.

Trước tình hình chiến tranh sắp xảy ra, cuối tháng 11/1946, Trung ương Đảng quyết định bỏ cấp xứ, giải thể Xứ ủy Trung Bộ, chia Trung Bộ thành hai khu: Khu IV và Khu V; Khu IV gồm sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo sự phân công của Đảng, tháng 12/1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được cử về làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Sơn là Phó Bí thư, đồng chí Hoàng Anh làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Giữa tháng 12/1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh triệu tập và chủ trì hội nghị quân sự với sự tham dự của các đồng chí Trần Hữu Dực, Hoàng Anh, Hà Văn Lâu, Hoàng Xuân Lưu, Lê Chưởng, Trần Quý Hai… Hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng và cấp bách về bố trí các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân, các tiểu đoàn tiếp phòng và cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn. Một số ít cán bộ chính trị, dân sự được chuyển sang lãnh đạo quân sự, tuy giác ngộ cách mạng cao nhưng trình độ chỉ huy quân sự còn hạn chế. Phần lớn cán bộ các cấp của trung đoàn là những cựu binh sĩ khố đỏ, khố xanh, khố vàng mới tham gia cách mạng, chưa kinh qua nhiệm vụ chỉ huy. Đa số chiến sĩ chỉ mới được huấn luyện về đội ngũ và một số kỹ thuật cơ bản, còn chưa được học về chiến thuật. Phối hợp với trung đoàn chủ lực là lực lượng tự vệ có nhiệt tình cách mạng cao nhưng vũ khí trang bị lại rất thô sơ và thiếu thốn. Đồng chí Lê Chưởng được phân công phụ trách tự vệ thành phố[2].

Hội nghị yêu cầu các địa phương, các ngành trong tỉnh tăng cường nắm tình hình hoạt động của địch, tổ chức động viên nhân dân chuẩn bị kháng chiến. Các kế hoạch tác chiến, bố phòng, chuẩn bị cắm cọc ở các cửa sông, các bãi bằng để phòng địch tiến quân bằng đường thủy và đổ quân bằng đường không, chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến, sơ tán, tản cư… gấp rút được bổ sung và không ngừng hoàn chỉnh. Các lực lượng vũ trang được bố trí sẵn ở các địa bàn cần sẵn sàng đánh địch và ráo riết diễn tập theo kế hoạch tác chiến đã dự kiến. Nhiều nơi bắt đầu thực hiện chủ trương quân sự hóa toàn dân. Tất cả nam, nữ trong độ tuổi đưa vào dân quân. Việc tu sửa đường sá, chuẩn bị phương tiện vận chuyển, tiếp tế được triển khai tích cực. Bộ Chỉ huy Khu IV nhận định: Khi chiến tranh nổ ra thì Huế là mặt trận chủ yếu vì Huế quân Pháp đông, Huế có vị trí chiến lược quan trọng, địch chiếm được Huế sẽ mở rộng chiến tranh ra các tỉnh Bình - Trị - Thiên, thực hiện chia cắt chiến lược đối với miền Bắc và miền Nam nước ta…

Từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp đã chuẩn bị công sự, dự trữ lương thực chờ viện binh chuẩn bị đánh chiếm Huế và Thừa Thiên. Kế hoạch tiến công quân Pháp ở Huế và tổ chức đánh viện binh từ Đà Nẵng ra đã được Hội nghị Khu ủy Khu IV họp ngày 15/12/1946 bàn kỹ. Cũng trong 12/1946, Ủy ban kháng chiến Thừa Thiên được thành lập, đồng chí Hà Văn Lâu, Trung đoàn trưởng Trần Cao Vân được cử làm Chủ tịch kiêm Chỉ huy Mặt trận Huế, đồng chí Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến. Ủy viên Ủy ban kháng chiến gồm các đồng chí Trần Quý Hai, Lê Tự Đồng và một số cán bộ của Mặt trận Việt Minh tỉnh.

Ngày 19/12/1946, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, trước quốc dân đồng bào, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Người khẩn thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc…”[3].

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cả nước nhất tề đứng lên. Chiều ngày 19/12/1946, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị mở rộng khẩn cấp tại thành phố Huế. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì quán triệt chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng và Hồ Chủ tịch; đồng thời triển khai kế hoạch tác chiến của Thường vụ Tỉnh ủy; giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương. Tập trung bao vây, tiêu diệt quân Pháp đóng ở Huế trước khi viện binh của chúng đến.

Ngay trong đêm ngày 19/12/1946, mệnh lệnh khẩn cấp đó được phổ biến đến cán bộ Đảng tại các địa phương trong tỉnh và những đơn vị tham gia mặt trận Huế. Tất cả sẵn sàng chờ lệnh để bước vào cuộc chiến đấu.

Đúng 2 giờ 30 phút sáng 20/12/1946, cuộc chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên Huế bắt đầu nổ súng. Các đơn vị vũ trang đồng loạt tiến công vào các khu vực đóng của địch. Bị đánh mạnh, quân địch rút về những ngôi nhà được xây dựng bằng bê tông cốt sắt để cố thủ.

Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhân dân tản cư lên chiến khu, về nông thôn, các lực lượng vũ trang chấp hành mệnh lệnh của Trung ương nổ súng tấn công quân Pháp trên tất cả các mặt trận. Lực lượng Công an Thừa Thiên bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng vừa làm nhiệm vụ quân báo nắm tình hình địch, vừa làm nhiệm vụ phản gián góp phần đề cao uy lực của Ủy ban kháng chiến các cấp, giữ gìn trị an, giúp dân sơ tán tránh địch trong những ngày bộ đội ta bao vây áp sát các vị trí đóng quân của địch và bố trí lực lượng ngăn chặn viện binh của quân Pháp từ Đà Nẵng ra.

Để nắm chắc tình hình cụ thể ở các huyện, từ đầu tháng 01/1947, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh bí mật đạp xe về các huyện để gặp các đồng chí ở địa phương, đồng thời chỉ đạo, vạch phương án kháng chiến sát với thực tế.

Giữa tháng 01/1947, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh đạp xe về làng Bàn Môn. Tại đây, ngày 24/01/1947, đồng chí triệu tập gấp hội nghị liên tịch cán bộ quân, dân, chính, đảng huyện Phú Lộc, để nhận định đánh giá tình hình, đề ra chủ trương kháng chiến và củng cố phong trào.

Theo hồi ký của Thiếu tướng Trần Chí Cường: “Cuộc họp vừa xong, anh Nguyễn Chí Thanh cho gọi đồng chí Nguyễn Danh Phan, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phạm Thanh Hoài và tôi là Ủy viên Thường vụ đến ngồi cạnh anh bên một ngọn đèn dầu. Với giọng ấm áp đầy thuyết phục, anh Thanh nói: “Tình hình chung mình đã nói rõ tại hội nghị, cần nói thêm mấy ý: Cuộc kháng chiến của huyện ta sắp đến khó khăn nhiều đấy, giặc sẽ chiếm đóng toàn huyện, cơ sở cách mạng, cơ sở kháng chiến tạm thời tan rã. Chính quyền, bộ đội, mặt trận được phép tạm thời rút khỏi huyện để củng cố. Nhưng các cậu là Thường vụ Huyện ủy thay mặt Đảng ở đây, còn dân thì cần có Đảng lãnh đạo. Các cậu không bỏ dân mà chạy dài đi nơi khác. Phải bám dân mà tổ chức lại phong trào”… Tuy còn nhiều nỗi lo lắng nhưng ba anh em chúng tôi xác định phải nghiêm túc chấp hành lời căn dặn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Chúng tôi coi đó là chỉ thị của Đảng và là mệnh lệnh của Tổ quốc. Anh Thanh ôm hôn và tạm biệt chúng tôi[4].

2. Rút khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng

Sau 50 ngày đêm quân và dân Thừa Thiên bao vây địch trong thành phố Huế và tổ chức đánh trả quân tiếp viện Pháp; do tương quan lực lượng giữa ta và địch, hoàn cảnh của chiến trường, Chỉ huy Mặt trận Thừa Thiên Huế quyết định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng và tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Ngày 07/02/1947, quân Pháp chiếm được thành phố Huế rồi đánh phá ra các huyện.

Ngày 08/02/1947, các cơ quan quân, dân chính, đảng, cán bộ, nhân viên Công an Trung Bộ được phân công ở lại Thừa Thiên do đồng chí Trần Việt Châu phụ trách rút khỏi Huế về Quảng Điền. Tại Sịa, đồng chí Trần Việt Châu được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên chỉ định làm Trưởng ty Công an Thừa Thiên. Chấp hành sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Trần Việt Châu nhanh chóng tập hợp lực lượng, lập công an các huyện, các đội, các mũi giao thông liên lạc, xây dựng cơ sở giao liên hợp pháp nội thị phục vụ cho công tác chỉ đạo của tỉnh[5] trước sự tấn công của địch ngày càng ác liệt.

Trong tình hình ấy, ngày 12/03/1947, tại xã Quảng Tín (nay là Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy phiên đầu tiên sau ngày rút khỏi thành phố. Hội nghị đánh giá tình hình: “Trước sức tấn công ào ạt của địch, tình hình kháng chiến trong tỉnh đang đứng trước những khó khăn lớn. Tỉnh ủy chưa liên lạc được với huyện Phú Lộc và cán bộ trong thành phố. Nhiều cán bộ, đảng viên hoang mang dao động, không dám trở về địa phương hoạt động hoặc nằm im không dám nhận công tác, một số bộ đội còn tản mát ở các nơi, chưa tập hợp được. Nhưng nhìn chung cơ sở kháng chiến trong tỉnh vẫn vững vàng. Nhiều huyện ủy bám sát địa phương, giữ vững liên lạc với nhiều xã. Nhiều xã liên lạc với nhau, dựa vào nhau để chống giặc hoặc tìm liên lạc với cấp trên, vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Nhiều đơn vị bộ đội và tự vệ cố gắng giữ vững đội ngũ, giữ được vũ khí. Nhân dân nhiều nơi giữ vững lòng tin vào Đảng, hết lòng ủng hộ bộ đội. Chúng ta cần phải ra sức phát huy những ưu điểm nói trên, từng bước phục hồi và phát triển phong trào kháng chiến. Sau khi đánh chiếm các vùng xung yếu, đường giao thông trong tỉnh, quân địch đang ra sức tuyển mộ ngụy quân, lập bộ máy ngụy quyền”[6]. Hội nghị đã kịp thời xác định phương hướng hoạt động là phải động viên cán bộ, đảng viên và các đoàn thể quần chúng cứu quốc giữ vững vị trí của mình, bám đất, bám dân mà chiến đấu; tổ chức bắt liên lạc với các huyện và thành phố Huế; tiến hành củng cố tổ chức đảng, chính quyền; phát động chiến tranh du kích; lập đội công an vũ trang lấy tên là “Đội danh dự”, tiến hành diệt tề, trừ gian; nhanh chóng tập hợp bộ đội, dân quân, tự vệ, chọn những người gan dạ lập đội “Quyết tử quân”[7]; tổ chức đánh ngay một trận, quyết không để tắt tiếng súng kháng chiến; hội nghị quyết định lấy vùng Hòa Mỹ làm căn cứ kháng chiến của tỉnh. Đồng chí Hà Văn Lâu được phân công tiếp tục chỉ huy Trung đoàn Trần Cao Vân[8].

Thực hiện chủ trương của hội nghị cán bộ chủ chốt ngày 12/03/1947, một đơn vị biệt động của Trung đoàn Trần Cao Vân do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sanh Thí chỉ huy, ngày 24/03/1947, cải trang, bí mật lọt vào thành phố Huế, bất ngờ tiến công vào đồn Hộ Thành nhanh chóng tiêu diệt địch (diệt 03 tên Pháp và 20 tên Việt gian), quân ta rải truyền đơn rồi rút về căn cứ. Trận đánh bất ngờ đã gây ảnh hưởng lớn về chính trị trong thành phố Huế và lan đi nhanh chóng tới các phủ, huyện, gây lo sợ cho địch và tạo thêm niềm tin và phấn khởi trong nhân dân[9].

Cũng trong những ngày đầu kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, Thừa Thiên Huế đã nhận được sự chi viện kịp thời của chiến trường Khu V. Tháng 03/1947, Khu V đã đưa một đại đội thuộc Trung đoàn 96 ra phối hợp đánh địch ở nam Phú Lộc; cung cấp 05 cán bộ trong đó có 02 cán bộ đại đội cùng với một số vũ khí, đạn dược. Khu V còn cung cấp cơ sở vật chất giúp xây dựng căn cứ Khe Ong (giáp Quảng Nam) làm chiến khu cho huyện Phú Lộc. Sự giúp đỡ kịp thời đó là sự động viên tinh thần to lớn đối với cán bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế.

 

Cắt băng khánh thành nhà bia Nam Dương (tháng 4 năm 2013) - Ảnh: quangdien.thuathienhue.gov.vn

3. Hội nghị lịch sử Nam Dương

Từ ngày 25 đến ngày 27/03/1947, tại làng Nam Dương, tổng Thanh Cần (nay thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) - một làng quê hiền hòa nằm ngay sát sau lưng địch, chỉ cách Huế chừng 20 cây số, đã diễn ra hội nghị Tỉnh ủy mở rộng (hội nghị cán bộ toàn tỉnh) với sự tham dự của các đồng chí Tỉnh ủy viên, bí thư các huyện ủy, thành ủy, cán bộ phụ trách các ngành và nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên trong đó có các đồng chí Nguyễn Sơn, Hoàng Anh, Trần Thọ, Lâm Mộng Quang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Lạc (Lạc Cò), Trần Quý Hai, Nguyễn Biện… dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Hội nghị họp trong nhà bà Trần Thị Sành, một cơ sở yêu nước và cách mạng tại làng Nam Dương nên về sau thường gọi là “Hội nghị Nam Dương”. Bà Trần Thị Sành là thân mẫu của các ông Nguyễn Hữu Hoàng (tức Ấm Hoàng), Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Quế. Ông Nguyễn Hữu Hoàng (thường gọi Ấm Hoàng) là một nhà doanh thương giàu lòng yêu nước, tích cực đóng góp tài chính ủng hộ các nhà duy tân chống Pháp; ông Hiệp từng tham gia các phong trào yêu nước ở quê nhà (ông Hiệp có người con trai là Nguyễn Hữu Đà, vào Đảng Cộng sản cuối năm 1945, giữa năm 1949 làm Bí thư Huyện ủy Quảng Điền); ông Nguyễn Hữu Quế là một thanh niên thông minh, học giỏi, ham mê võ nghệ, có thời gian khá dài ông Quế là học trò cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự. Năm 1935, ông Quế mắc bệnh nặng phải về nhà chữa trị. Thương người học trò hiếu đễ, cụ Phan nhiều lần đi thuyền từ Huế về thăm và ở tại nhà bà Sành. Tại đây, cũng theo lời dặn của cụ Phan, bà Sành và các con trai đã mời và đón cô Nguyễn Thị Thanh, thầy Nguyễn Tất Đạt, tức bác Cả Đạt (sau này mới biết là chị và anh ruột Bác Hồ) về ở cùng và chăm lo, săn sóc như người thân trong nhà. Ở làng Nam Dương, cô Thanh hàng ngày đi chợ trong vùng để bán trầu cau, thuốc nam chữa bệnh cứu người và để hoạt động. Còn bác Cả Đạt cũng từ làng này mỗi sáng đi bộ lên làng Phú Lễ bắt mạch kê toa cho người bệnh nghèo lấy thuốc nam ở quầy thuốc của ông Ấm Hoàng, nơi đây chị Nguyễn Thị Cúc có thời gian ngồi bán hàng và hoạt động cách mạng… Nói rõ hơn một chút về chị Nguyễn Thị Cúc là con gái ông Ấm Hoàng, cháu nội cụ Trần Thị Sành, người đồng chí, người vợ thân yêu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh.

Trong hồi ký có đoạn viết về Hội nghị Nam Dương, Trung tướng Trần Quý Hai kể lại: “Chúng tôi họp trong nhà một cán bộ cơ sở. Không có bàn ghế, không có cờ, ảnh, khẩu hiệu gì. Chúng tôi, người ngồi trên giường tre, người ngồi trên ghế đẩu, có người ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào cột nhà. Anh chị em du kích canh gác, bảo đảm an toàn cho hội nghị”[10].

Mở đầu cuộc họp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đọc lá thư của Bác gửi cho đồng bào toàn quốc (lá thư đề ngày 05/03/1947), cho các đại biểu nghe. Đại ý trong thư, Bác khuyên chúng ta “không nên hoang mang, phải nhẫn nại, phải cương quyết”. Bác phân tích: Địch càng rải ra nhiều nơi thì lực lượng địch càng mong manh. Ta càng sẵn cơ hội đánh du kích tiêu diệt nó dần dần để đi đến thắng lợi cuối cùng. “Bác nói thêm: Địch đến đâu thì nó giết hại, tàn phá đến đó. Dân ta không khỏi cực khổ, gian nan. Nhưng có tạm thời khổ rồi mới sướng sau…”[11].

Sau khi đọc xong thư của Bác, anh Thanh nói: “Lời giáo huấn của Bác đã mở đường cho chúng ta đi. Bây giờ chúng ta nên kiểm điểm lại công tác trong thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm trong thành công cũng như trong thất bại”. Với giọng nghiêm khắc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận xét: “Bộ đội ta rất anh dũng, rất gan dạ. Đồng bào ta có tinh thần cách mạng rất cao, rất thiết tha với cách mạng, muốn theo Đảng, theo Chính phủ chiến đấu để giành độc lập, tự do. Điều đáng trách là chúng ta không biết cách tổ chức, huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc. Chúng ta không biết cách động viên toàn dân chiến đấu”[12].

Trước tình hình chiến sự giữa ta và địch ngày càng ác liệt, Hội nghị đã đề ra những quyết sách quan trọng: Tiếp tục tiếng súng kháng chiến, phá chính sách bình định của giặc, tiến hành trừ gian, phá tề. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cất giấu lương thực, tăng cường canh gác để cho dân làm ăn, tiếp tế cho chiến khu. Củng cố xây dựng lại cơ sở, đưa cán bộ, đảng viên trở về địa phương cũ để hoạt động, nắm lấy quần chúng nhân dân để kháng chiến, chấn chỉnh quân đội, dân quân tự vệ; chỉnh đốn chính quyền, kiện toàn sự lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: Phải nhanh chóng bám cơ sở, đánh địch bằng cách đánh du kích; cán bộ, đảng viên, bộ đội kiên quyết trở lại đồng bằng, bám đất, bám dân, nhanh chóng khôi phục lực lượng kháng chiến. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh: “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần phải tranh thủ từng thôn, từng người dân, chúng ta không thể mất dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng”. Các thành viên tham dự Hội nghị đều thống nhất với ý kiến của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và nghiêm túc tự nhận thiếu sót của mình. Hội nghị cũng đã quyết định xây dựng chiến khu Hòa Mỹ làm căn cứ kháng chiến cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh và là nơi tập trung các đơn vị bộ đội, bố trí lại các huyện ủy, củng cố Trung đoàn Trần Cao Vân và chủ trương tổ chức một số trận đánh để gây tiếng vang.

Sau hội nghị này tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được củng cố, từ các địa phương đã dấy lên phong trào sôi nổi trở về cơ sở, trở về đồng bằng, trở về với dân. Giữa vòng vây của quân thù, việc trở về với đồng bằng của cán bộ, đảng viên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng từng bước đã khôi phục được phong trào, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, bắt mối xây dựng lại cơ sở, củng cố tổ chức dân quân, tự vệ, từng bước tạo dựng lại niềm tin của nhân dân vào cán bộ, vào kháng chiến.

Hội nghị Nam Dương là cuộc họp đầu tiên của Tỉnh ủy mở rộng sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng có ý nghĩa quyết định trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ, kịp thời ngăn chặn bước đi xuống của phong trào kháng chiến, đưa cuộc kháng chiến ở Thừa Thiên từng bước đi lên.

Nhớ về Hội nghị Nam Dương, Trung tướng Lê Tự Đồng viết: “Hội nghị như một luồng ánh sáng soi rọi tâm trí mọi người, sưởi ấm lòng tin, nâng cao ý chí. Rõ ràng hội nghị đã có một giá trị lịch sử trước bước ngoặc của tình hình”[13].

Vai trò nổi bật và câu nói nổi tiếng tại Hội nghị Nam Dương của đồng chí Nguyễn Chí Thanh: Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần phải tranh thủ từng thôn, từng người dân, chúng ta không thể mất dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng. Điều này khẳng định chắc chắn như một chân lý bất biến trở thành phương chân hành động thực tiễn không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn được vận dụng một cách cụ thể vào chiến trường Bình - Trị - Thiên và cả nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này.

Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 29/03/1947, Trung đoàn Trần Cao Vân cử một bộ phận tiến công đồn Đất Đỏ, phá tan đồn án ngự của địch ở cửa ngõ vào chiến khu Hòa Mỹ. Đơn vị do đồng chí Hà Văn Lâu, Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ đạo. Kết quả, ta đã tiêu diệt một trung đội lính Pháp, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí: (bao gồm 05 súng cối 60mm, 03 đại liên, 02 trung liên, 03 tiểu liên, 12 súng trường, 06 súng ngắn, 150 viên đạn, nhiều quân trang, quân dụng. Ta phá đồn và giải thoát số đồng bào bị bắt đi phu ở đây). Chiến thắng giòn giã của trận Đất Đỏ mở đầu cho việc thay đổi cách đánh địch trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, kết hợp chặt chẽ với xây dựng cơ sở kháng chiến trong lòng địch. Chiến thắng đồn Đất Đỏ đã được Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp (sau là Bộ trưởng Quốc phòng) biểu dương: “Chiến thuật ta lúc này cũng phải tranh thủ tiến công… Trong tấn công của ta phải đánh tiêu diệt. Trận Đất Đỏ là một trận tiêu diệt”[14]. Các trận đánh đồn Hộ Thành và Đất Đỏ có tiếng vang về quân sự, có ảnh hưởng lớn về chính trị, mang lại niềm tin tất thắng cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ vào Đảng, vào kháng chiến theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Chí Thanh: “Nổ lại tiếng súng kháng chiến để đem lại tin tưởng cho đồng bào”. Chiến khu Hòa Mỹ lúc đó là biểu tượng của tinh thần kháng chiến. Nhân dân nhìn vào chiến khu để gửi gắm niềm tin, gởi gắm cả con em, cả thóc lúa… cho kháng chiến. Địch không diệt được chiến khu Hòa Mỹ thì Việt Minh vẫn còn đó và cuộc kháng chiến vẫn tiếp tục đến ngày thắng lợi…

75 năm trước, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng họp tại làng Nam Dương[15] và chiến thắng trận Hộ Thành, đồn Đất Đỏ tháng 03/1947, đã mở ra một bước ngoặc lịch sử cho cách mạng ở Thừa Thiên Huế, bước ngoặt từ thế bị động chuyển sang thế chủ động quật khởi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Bình - Trị - Thiên và cả nước.

D.P.T
(TCSH397/03-2022)

 



[1] BCH Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 227, 228, 229.

[2] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh TT. Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, 2015, tr. 59.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG - ST, Hà Nội, 2012, tr. 534.

[4] Thiếu tướng Trần Chí Cường, Đường lên phía trước, Nxb. QĐND, 2005, tr. 62.

[5] Công an Thừa Thiên Huế, Biên niên lịch sử Công an Thừa Thiên Huế (1945 - 1954), Nxb. CTQG, 2001, tr. 40, 41.

[6] Hoàng Anh, Quê hương và cách mạng, Nxb. Thuận Hóa, 2001, tr.279.

[7] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945 - 1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.143.

[8] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh TT. Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, 2015, tr. 62.

[9] Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945 - 1954), Sđd, tr.143.

[10] Trung tướng Trần Quý Hai, Những ngày khói lửa (hồi ký), Nxb. Thuận Hóa, 1984, tr.58, 59.

[11] Trung tướng Trần Quý Hai, Những ngày khói lửa (hồi ký), Nxb. Thuận Hóa, 1984, tr.58.

[12] Trung tướng Trần Quý Hai, Những ngày khói lửa (hồi ký), Nxb. Thuận Hóa, 1984, tr.58, 59.

[13] Trung tướng Lê Tự Đồng, Tình dân biển cả (hồi ký), Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr.74.

[14] Huyện ủy Phong Điền, Truyền thống lực lượng vũ trang huyện Phong Điền, Nxb. Thuận Hóa, 2009, tr.37.

[15] Để ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị Nam Dương, ngày 29/10/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 2466/QĐ-UBND xếp hạng Di tích Lịch sử Cách mạng cấp tỉnh cho địa điểm tổ chức Hội nghị Nam Dương, tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền.

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng