NGUYỄN QUANG HÀ
Năm 1947 có hai chiến sĩ được cử về công tác tại chiến khu Ba Lòng. Đó là Trần Quốc Tiến, quê Quảng Trị và Hải Bằng, quê Thừa Thiên.
Vừa gặp, hai người đã thân thiết với nhau, trở thành đôi bạn tri âm tri kỷ. Hải Bằng đã làm thơ về họ:
Mi Tấn Hoài tức là Trần Quốc Tiến
Tao Văn Tôn rồi cũng gọi Triều Dương
(khổ thơ 18)
Họ sống quấn quýt với nhau, với chiến khu tràn đầy kỷ niệm. Năm năm sau, chiến khu Ba Lòng đã phát triển, Phòng Chính trị Phân khu Bình Trị Thiên, giữa mùa hè 1952 chuẩn bị rời đây để đến chiến khu khác. Hải Bằng và Trần Quốc Tiến cũng chuẩn bị về Trung đoàn 95 theo mùa chiến dịch.
Xúc động vì phải chia tay chiến khu, hai người bạn đã hẹn nhau: mỗi người viết một bài thơ với đầu đề chung là Trăm năm rừng cũ, rồi cho bài thơ ấy vào hũ sành chôn xuống ở bờ sông Ba Lòng. Mong sau này con cháu đào lên sẽ hiểu về chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) và những chiến khu khác… thời kháng Pháp như thế nào:
Phanh áo ra, bên suối chiều vội viết
- Rừng trăm năm sau, rừng trăm năm sau…
Chữ vội gieo, thương lòng ta chẳng khép
- Rừng trăm năm sau, rừng trăm năm sau…
(khổ thơ 2)
Trăm năm sau, con cháu tìm và đào được hũ sành đựng hai bài thơ, đọc lại thơ, ông hy vọng người trẻ sẽ theo thơ, cùng về Ba Lòng với ông như bấy giờ:
Đây Ba Lòng, nhớ những chiến khu hùng vĩ
Mái nhà sàn, tiếng cối gạo chuyền tay
Nắng Câu Nhi lọc đêm trăng Hòa Mỹ
Đeo chiếc gùi xanh biếc ngọn tàu bay…
(khổ thơ 7)
Hình ảnh nhà sàn, giã gạo bằng tay, không có ba lô, mà đeo cái gùi ngụy trang bằng ngọn tàu bay. Gọi là chiến khu, không có gì hiện đại, không có điện, cũng không có đồng hồ, mà:
Đêm đã khuya lửa còn âm ỉ cháy
Chim từ quy còn gõ mõ cầm canh
Có tiếng gì trong tim ta thức dậy
Lá động rừng lay tấm áo thêm xanh.
(khổ thơ 11)
Gọi là chiến khu, sống trong hầm hố và một mái lều tranh, nên rất lo thời tiết, lo mưa trút xuống ngập rừng:
Ở đây lo bao mùa mưa lũ
Xa Ba Lòng mấy bận, tạm chia tay
Đò Bến Trấm đưa ta lên rừng cũ
Nắng “tơ hồng” bắc nhịp tiếp đường dây…
(khổ thơ 12)
Mưa ngập đường phải lên “rừng cũ” bằng đò, đủ biết cuộc sống ở chiến khu thời ấy vất vả như thế nào. Đến với mô tả của Hải Bằng và Tấn Hoài, chúng ta sẽ hiểu thêm: Chiến khu là một tổ chức hành chính và quân sự của một địa phương, không tự lo được về kinh tế. Cuộc sống phải tính toán từng bữa ăn, không có gạo, chỉ có sắn khoai:
Ta thương nhau nặng tình khoai sắn
Bằng bài thơ lửa trại chiến công qua
Áo trấn thủ đã thay mùa nắng ấm
Đêm Ba Lòng cất nỗi nhớ cho ta…
(khổ thơ 19)
Đến nỗi nhớ cũng phải cất đi thử hỏi còn tâm trạng gì sâu sắc trong lòng nữa. Bài thơ Trăm năm rừng cũ có kể tới nhiều bữa ăn, nhưng không nói bữa nào nấu cơm bằng gạo, chỉ có khoai sắn thay cơm. Ăn đã vậy, đến cái mặc cũng rất bộn bề:
Ta thả bóng chảy ngầm trên sông tạnh
Suốt trời sao gợn ánh nước dòng xuôi
Áo ta rách, trăng khâu từng mảnh
Thơ lại về trôi dọc bến yên vui…
(khổ thơ 22)
Bộ đội chúng ta ở chiến khu áo thì rách, chân không có giày để đi, chỉ có duy nhất một thứ hỗ trợ cho bàn chân, đó là dép cao su. Tác giả đã không quên nhắc tới chi tiết này:
Sương lên men, núi bốc tràn hương rượu
Ta với rừng bừng cháy giữa thiên nhiên
Dép cao su bền bước đi vĩnh cửu
Thúc đường dài mau đến tận niềm tin
(khổ thơ 28)
Khó khăn và vất vả tràn đầy, nhưng bộ đội không một ai rời bỏ đội ngũ của mình. Niềm vui của người lính lúc này là tình cảm quân dân rất tha thiết. Giấc ngủ của các anh bên tiếng cót két của võng đưa vẫn êm đềm:
Tạm chia tay mẹ nghèo bên Khe Trữa
Ta mãi hòa tiếng võng đẫy rừng trưa
Bà ru cháu, gió ru bà bên cơ thể
Gọi ta vào giấc ngủ thuở xa xưa
(khổ thơ 26)
Các anh coi làng xóm trong chiến khu thân thiết như quê hương của mình, dù lúc đó là chiều hay đêm khuya. Nhìn mái nhà xiêu của người dân, trái tim các anh đập mạnh. Đúng như các anh ví von: dân như nước quân như con cá bơi lội trong dòng nước ấy:
Đây Đá Nổi qua sông thuyền độc mộc
Đây Đá Nầm chiều lạnh tiếng mang kêu
Đây Làng Hạ vui khi trăng vừa mọc
Và nơi đây - đâu nữa - mái nhà xiêu…
(khổ thơ 13)
Bóng dáng người thiếu nữ vẫn là niềm vui của các anh. Dẫu chỉ là một cái tên gọi cũng đủ làm các anh xúc động. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy thôi đủ biết các anh yêu cuộc đời rất nồng nàn. Các cô gái ở đây được các anh gọi là Tiên nữ:
Hỡi Phong Thanh! Tên bến đò hay tên em đó?
Ta mãi nghe tiếng lửa hát bập bùng
Mây trôi sông tỏa bóng bầy tiên nữ
Lọc lá ngàn, dòng trổ nắng chiều lưng
(khổ thơ 14)
Dẫu trong hoàn cảnh nào các anh cũng rất tự hào về bản chất người lính của mình:
Dấu chân đi, dọc ngang đường kháng chiến
Ta lớn lên trong sức mạnh chiến trường
(khổ thơ 18)
Dép cao su bền bước đi vĩnh cửu
Thúc đường dài mau đến tận niềm tin
(khổ thơ 28)
Giữ vững niềm tin ấy là lúc nào các anh cũng nhớ về người mẹ của mình. Đúng như một nhà thơ có viết: “Nếu không có tình yêu của mẹ/ Trái đất này không hiểu sẽ ra sao”. Tình mẹ như một lẽ sống:
Những đêm xa, thương mẹ già thao thức
Nghĩ gì ta, qua bao tiếng thở dài
Chiều xuống bến, nhìn theo dòng nước
Mơ bông rừng lấp lánh sóng mây trôi…
Chúng con nguyện giữ nguồn tin của mẹ
Đến ngày về mang lời hẹn về theo
Xiết tay nhau, Bình Trị Thiên hùng vĩ
Núi Ba Lòng nuôi ánh mắt tin yêu
(khổ thơ 9, 10)
Mẹ là máu thịt của mình, song chính mẹ là nhân dân vậy. Cái vĩ đại của nhân dân là cống hiến hết thảy cho Cách mạng. Con lớn lên thì cho con vào bộ đội. Đóng thuế để lấy gạo nuôi quân. Những người dân ở vùng du kích thì nuôi quân du kích, làm trinh sát cho du kích. Có những người mẹ trở thành mẹ anh hùng. Hiểu điều đó cho nên Hải Bằng và Trần Quốc Tiến ca ngợi nỗi nhớ mẹ, nhớ nhân dân và nỗi nhớ chiến khu thiêng liêng của người chiến sĩ:
Ba Lòng ơi! Rừng cho ta nỗi nhớ
Núi cho ta ngang tầm vóc cuộc đời
Ta đón nhận như hứng vầng trăng tỏ
Tất cả về, căng buồm rộng ra khơi…
(khổ thơ 32)
Với Hải Bằng ông còn muốn gởi cho thế hệ tương lai nhiều hơn trăm năm, không quên dặn dò con cháu, cháu chắt cùng ông nối tiếp tô bồi thế hệ:
Cháu chắt ơi! Cố là Tôn - thi sĩ
Của rừng xanh từ độ ấy - trăm năm
Hãy nối đuôi để tô bồi thế hệ
Cho kiếp sau thơ chẳng phai tàn
(khổ thơ 34)
Hũ thơ Trăm năm rừng cũ chôn bên bờ sông Ba Lòng đã 70 năm, đến nay vẫn chưa được đào lên. 70 năm qua, Hải Bằng và Trần Quốc Tiến đã trở thành nhà thơ, nhà văn, họa sĩ và nay cả hai đều về cõi vĩnh hằng, khát vọng của các anh đang còn đó - vẫn còn đó.
Tổ tiên ta dạy rằng “ôn cố tri tân”. Rất mong người Ba Lòng tìm thấy hũ thơ bên bờ sông, đọc đầu đề chung là Trăm năm rừng cũ để nối hành trình từ thuở khai thiên đến chiến khu xưa và một Ba Lòng rạng rỡ như hôm nay, cũng để thỏa mãn khát khao của thi sĩ:
Chuyện tâm tình giao ngày xanh ngọn lá
Trăm năm sau quả vẫn toả hương nguồn
Rừng hãy đợi ta về bên
Râu bạc phờ tựa bóng cả hoàng hôn…
N.Q.H
(TCSH409/03-2023)