Góc Hoài niệm
Nhớ một kỳ đại hội văn nghệ giữa rừng
10:11 | 25/04/2023

NGUYỄN QUANG HÀ

                        Hồi ký

Nhớ một kỳ đại hội văn nghệ giữa rừng
Đường nét. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Nói về ý nghĩa văn nghệ đối với đời sống, tôi thích nhất câu danh ngôn này: “Ở đâu không có tiếng hót như ở đó không có ánh sáng mặt trời.” Tôi chưa gặp một khái quát nào về mối tương quan giữa văn nghệ và đời sống sâu sắc hơn thế. Nó không những đúng mà còn chính xác một cách diệu kỳ.

Những ai đã ở trên rừng thời chiến tranh, hẳn không thể nào quên hình ảnh đoàn dân công người Thượng đi trên những nẻo đường rừng xa, chân trần, vai mang lặc lè những thùng đạn, những hòm súng, môi ngậm tẩu tre vắt vẻo, và trước ngực là cây đàn ta-lư, áo ướt đầm, mồ hôi đọng thành giọt trên trán, vậy mà vừa đi, vừa đàn, tiếng đàn tình tang, tinh tang ấm cả cánh rừng.

Một hôm ở thành đội Huế náo nhiệt hẳn lên, truyền cho nhau một cái tin háo hức: “có đoàn văn công về biểu diễn!” Không phải văn công mà là đội văn nghệ xung kích của quân khu. Gọi là đội thì hơi quá, bởi vì chỉ có bốn chàng trai và một cô gái. Ăn mặc như lính. Hành trang của họ chỉ có một cây đàn măng-đô, một ống sáo và mấy ống lồ ô khô. Vậy mà chúng tôi ngồi chật nhà nghe họ hát. Nghe mê man, đắm say. Bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, cô gái hát. Chàng nhạc công hai tay cầm hai ống lồ ô dộng xuống đất “cum cụp cum! cum cụp cum!” Dứt tiếng hát, tiếng vỗ tay bật dậy như sấm. Các tiểu đoàn điện lên tới tấp xin mời đoàn văn công về. Ở đâu các anh cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Cô ca sĩ thì được cưng chiều hết chỗ nói.

Thế mới biết lòng khát khao văn nghệ đến nhường nào.

Văn nghệ không chỉ là nhu cầu như cơm ăn nước uống hàng ngày. Văn nghệ trực tiếp ngay cả trong chiến đấu. Thời kháng chiến chống Pháp, ở Thái Bình, du kích kẻ trên tường khẩu hiệu:

Toàn dân chuẩn bị tổng phản công.

Địch về càn, ghi ngay xuống dưới:

Tổng phản công trông thấy ông thì chạy.

Trở về làng, du kích kẻ tiếp:

Chạy thì chạy cũng có ngày mày phải lạy ông.

Quả thật rồi kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mỹ cũng có chuyện như vậy. Địch càn lên khe nước rỉ. Du kích ta lui để bảo toàn lực lượng. Lính ngụy khắc lên thân cây:

Măng giang nấu với cá khe
 Bắn cho một phát chạy te vô rừng

Địch rút, về lại, du kích khắc tiếp vào thân cây:

Me chua nấu với ngạnh nguồn
 Vô chưa ấm đít đã chuồn tại răng?

Năm 1969 để cản phá giao thông, bộ đội ta về đánh sập cầu Nong, rồi cầu Phú Bài. Một cụ già Hương Thủy đặt câu ca dao:

Mỹ tài mà ngụy cũng tài
 Cầu Nong hôm trước cầu Phú Bài hôm sau.

Đang ức vì cầu sập, chúng bắt luôn ông già vào tù, với cớ: tuyên truyền cho cộng sản.

Các đêm sáp vô sát đồn địch làm công tác binh vận, chương trình nội dung binh vận được chuyển sang ca dao, hò vè, hát. Con đường bằng văn nghệ ấy dễ đi vào lòng địch. Bà con cơ sở ra nói lại: lính ngụy ở đồn khen nức nở: “Con nhỏ Việt Cộng nào đêm qua hò hay quá”.

Do nhu cầu khẩn thiết ấy của cuộc sống, Hội Văn học Nghệ thuật khu Trị Thiên ra đời. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Khánh Thông, Nguyễn Hữu Vấn khoác ba lô lên đường đi đại hội. Sau đại hội Điềm, Xuân, Tường ở lại sáng tác một thời gian. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, Nguyễn Khoa Điềm viết “Cửa thép”, Đắc Xuân có truyện ngắn “O Thắm”.

Mang không khí hừng hực từ quân khu về, Ngô Kha đề nghị thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế! Anh Tống Hoàng Nguyên, trưởng ban tuyên huấn tỉnh đồng ý ngay. Nhưng anh đề nghị cụ thể: “Phải làm sao kiếm được con heo cho xôm trò”. Nghĩ một lát, Ngô Kha bảo: “Tuyên huấn có con heo đó anh, ta xin con heo đó cho đại hội”.

Cũng cần kể lai lịch con heo này một chút. Số là Ngô Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường được cử đi dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân khu. Khi về, hai anh ghé thăm tuyên huấn khu, chỗ anh Trần Hoàn. Bữa chia tay, anh Trần Hoàn cho bắt con heo chừng 5 cân đưa cho Ngô Kha và Ngọc Tường: “Các cậu đem về tuyên huấn tỉnh nuôi làm vốn”. Tường hơi ngại ngùng. Cái sĩ của một anh trí thức Huế mà. Nhưng Ngô Kha thì đồng ý ngay. Phân công, mỗi anh đèo một ngày. Ngô Kha đèo trước. Ngày hôm sau Tường đèo. Ai dè ngang đường, Tường gặp bạn trí thức từ Huế lên. Họ đứng giữa đường nói chuyện. Đúng lúc ấy con heo sau lưng Tường “tè”. Tường cố nghiêng người để tránh dòng nước đái heo tưới ướt sau lưng. Ai dè mùi khai cứ xông lên. Sau cuộc gặp ấy, Tường thở dài: “Cái con heo này hạ nhục mình quá. Suốt buổi nín hơi, đến lúc mình tiếp khách thì nó bĩnh ra”.

Dầu sao 5 ngày sau cũng đưa con heo về đến tuyên huấn tỉnh, nuôi thả rông. Đêm đêm ủn ỉn vào xí một chỗ bên bếp lửa rồi chui vào ngủ khi dưới gầm võng người này khi dưới gầm võng người kia. Hai tháng sau đã lớn được chừng 12 cân, đúng lúc được nó đưa ra bàn về đại hội văn nghệ tỉnh. Ngô Kha hơi ngại anh Thuận An quản lý chặt chẽ, anh đang là phó ban tuyên huấn cùng anh Tư Sơn, nếu anh không quyết thì đại hội sẽ trở ngại. Không ngờ anh ủng hộ ngay: “Được phục vụ cho đại hội thì còn gì bằng”. Nhớ bữa một người cầm miệng bao, một người gọi heo vào bắt. Con heo kêu eng éc, anh Thuận An vui vẻ: “Nào hãy vui lên chú mày để đi phục vụ đại hội”.

Bấy giờ đã vào tháng 12 năm 1970. Trời rất lạnh. Lương thực cực kỳ khan hiếm. Các đơn vị quân đội hầu như ở giai đoạn “cắm trại” luyện quân, chờ qua mùa mưa. Có lẽ đó là thời kỳ thuận lợi nhất để hoạt động mang tính nội bộ. Vì vậy đại hội được khẩn trương tiến hành.

Tân Khoa và Khuông đi qua bên thành ủy về, bảo tôi:

- Không khí đại hội bên thành ủy náo nức lắm.

Tôi hỏi:

- Náo nức thế nào?

- Đã gửi hết giấy mời về các đơn vị.

- Thực phẩm cũng đã lo xong.

- Thực phẩm lo được những gì?

- Hai gùi sắn và một con heo 12 cân.

Ngày đại hội đã đến. Các đại biểu từ các cơ quan thành ủy, từ các quận miền núi, từ các đơn vị quân đội đã có mặt đầy đủ. Tổng cộng được ba chục người. Mượn cơ quan trường Đảng của thành ủy làm địa điểm tụ hội.

Một hội trường vách nứa, mái tranh. Cũng có bàn đại biểu, cũng có ghế hàng hàng. Tất cả bằng những cây gỗ, lớn nhỏ, đủ cả. Anh Tống Hoàng Nguyên đọc diễn văn khai mạc.

Ngô Kha báo cáo điểm lại tình hình văn nghệ trên chiến khu. Hoàng Phủ Ngọc Tường kể về hoạt động văn hóa văn nghệ của học sinh, sinh viên dưới thành phố Huế... Ai cũng thấy đã đến lúc nhu cầu văn nghệ không thể thiếu được trong cuộc sống sôi động hiện tại.

Một ban chấp hành gồm 9 người đã được đại hội bầu ra:

- Tống Hoàng Nguyên - chủ tịch

- Ngô Kha - ủy viên trực.

- Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nhà văn

- Nguyễn Đắc Xuân - Nhà văn.

- Nguyễn Hữu Vấn - Nhạc sĩ

- Lê Khánh Thông - Họa sĩ

- Doãn Yến - Nhà thơ

- Nguyễn Quang Hà - đại diện quân đội

- Nguyễn Văn Phúc - đại diện quân đội.

Suốt một ngày chúng tôi ca hát, đọc thơ và kể chuyện cho nhau nghe. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh hai đại biểu của quận 4 lên tham gia văn nghệ. Hát rất say sưa. Lạc cả phách cả đàn. Tiếng hát và tiếng đàn chẳng ăn nhập gì với nhau. Hát một đằng đàn một nẻo. Gọi là đàn cho oai. Thực ra là một vỏ hộp cá, với cái cần đàn vót sơ sơ, chẳng biết các anh tìm đâu ra hai cái dây sắt, tinh tang tinh tang. Song lòng nhiệt tình thì không kể đâu cho xiết.

Đêm ấy năm sáu bếp lửa được đốt lên. Từng tốp từng tốp quây quanh bếp lửa. Không còn nhớ những gì chúng tôi nói với nhau đêm ấy, chỉ nhớ ai cũng sống hết mình, suốt đêm không hề chợp mắt. Sáng hôm sau ăn một bữa cuối cùng rồi bịn rịn chia tay.

Tôi, Phác (C3), Tân Khoa (đại đội cối), Khuông (tiểu đoàn pháo), Khải (đặc công), vừa về đến thành đội, anh Một ra đón tận cửa:

- Chào các nhà văn nhà thơ. Các anh định cho chúng tôi những hy vọng gì nào?

Câu hỏi thật khó trả lời. Bởi nào chúng tôi đã viết lách được gì. Sau ngày ấy, Phác vừa về đến đơn vị, anh bị bom na-pan. Phác chết cháy. Có lẽ đó là tác phẩm văn học đầu tiên sau đại hội. Tác phẩm đó là: hy sinh xương máu mình cho mảnh đất Thừa Thiên - Huế này.

Chỉ một ngày đại hội. Khí thế văn nghệ bừng lên. Tôi, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm đi dự trại viết của khu ủy.

Ngô Kha phụ trách tờ tập san, đã ra được Văn nghệ Thừa Thiên - Huế số 1.

Một loạt các bài thơ ra đời được sự đón chào nồng nhiệt của đồng đội.

Ngô Kha có: Đưa em về

Doãn Yến có: Gạo mẹ Phú Vang

Sĩ Thái có: Trung đội trưởng 1

Hoàng Phủ Ngọc Tường có: Ta chôn mộ mày ở bản Đông.

Rồi: Mặt đường khát vọng,Tiếng gà trên điểm chốt của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Quang Hà ra đời.

Tất cả những cái mốc ấy của một thời văn nghệ trên rừng thật khó quên.

Từ bấy đến nay đã 27 năm. Hàng loạt bạn bè ngày ấy đang ngập ngừng trước cửa văn chương bây giờ đã thành danh. Những tác phẩm của họ viết, dẫu đề tài này, đề tài kia, vẫn hằn nét dấu ấn của một thời máu lửa anh hùng.

Ngày ấy chúng tôi tâm đắc một câu thơ của Tố Hữu:

“Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
 Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”.

Trước khi cầm bút, chúng tôi là một người lính. Bây giờ ngẫm lại, vẫn thấy mình vẫn đang xứng đáng là “một cây chông” thời nào.

Để một cây chông thành một cây bút, quả thật chúng tôi rất cần có một tổ chức gọi là Hội Văn Nghệ. Có thể gọi đó là cái nôi văn chương của chúng tôi vậy.

N.Q.H
(TCSH98/04-1997)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Anh hùng ca (30/12/2022)