Góc Hoài niệm
Nỗi đau còn đó
16:27 | 01/06/2023

NGUYỄN QUANG HÀ

Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Quảng Điền ở mãi dưới sâu, phải mượn địa bàn của xã Phong Sơn huyện Phong Điền làm chiến khu.

Nỗi đau còn đó
Ảnh: internet

Cả huyện ủy, ủy ban, huyện đội, trạm xá, bưu điện Quảng Điền đều nằm xây quanh chân núi 673. Và Phong Điền cho Quảng Điền mượn luôn cả làng Đồng Lâm làm địa bàn. Đồng Lâm mua gạo mua cơm cho Quảng Điền, che giấu cho cán bộ Quảng Điền, cho con em mình thoát ly cùng Quảng Điền đánh giặc. Chỉ riêng việc “nhượng địa” suốt mấy chục năm ấy, Đồng Lâm đã xứng đáng là một đơn vị anh hùng.

Đêm đêm cán bộ Quảng Điền ra cửa rừng, tắt qua Ồ Ồ, băng qua xã Phong Sơn, tới làng Đồng Lâm. Ở đây nghe cơ sở báo tin tình hình hoạt động của địch trong ngày, từ đó hoạch định kế hoạch cho một đêm hoạt động. Từ Đồng Lâm băng qua quốc lộ, vượt trảng cát về Triều Dương, Vĩnh Nậy, xuống Quảng Thái, Quảng Lợi, Sịa. Một cánh vào Hiền Lương ngủ lại Hiền Lương một ngày, đêm sau về tít mãi Quảng Thọ, Ninh-Hòa-Đại.

Thời ấy dân chính hay quân sự đều trang phục như nhau, hầu như tất cả đều mặc quân phục. Đầu đội mũ tai bèo. Súng khoác trên vai.

Mỗi khi họp hành, đại hội, hay báo cáo thường kỳ, anh em lại lục đục từ vùng sâu lên rừng. Trên lưng người nào cũng gạo, muối lặc lè, tiếp tế lương thực cho chiến khu.

Đêm đêm, chừng bốn giờ sáng địch ở Tứ Hạ bắn pháo lên cửa rừng Phong Sơn, hòng “cả cái” lực lượng ta từ dưới sâu lên. Vì vậy anh chị em từ đồng bằng qua Đồng Lâm lấy gạo muối xong, lên Đồi Thông dừng lại. Gọi là đồi thông, nhưng lúc ấy cả đồi chỉ có ba bốn cây thông thôi. Người nào người nấy trải ni-lông trên cỏ, lấy gùi làm gối, ngả lưng. Có lúc trai gái nằm túm tụm với nhau, chuyện trò không to, thì thầm thôi nhưng rất rôm rả. Nhất là những đêm trăng thanh, gió mát, không có địch, Đồi Thông vui như hội. Cứ nằm đó đợi cho đến khi pháo địch bắn xong, tất cả lục tục dậy, thu vén gọn gàng, xóa dấu vết, rồi nhắm cửa rừng đi tới. Thường thường đến cửa rừng, nơi trạm giao liên đóng quân, trời đã tờ mờ sáng. Ngồi tựa lưng gùi gạo, nghỉ lấy sức, chờ trời sáng hẳn, luồn trong bóng cây rừng, vượt dốc về chiến khu.

Nói thì dễ như vậy. Song con đường từ chiến khu về sâu, từ sâu lên chiến khu là con đường máu lửa. Có lần tôi với Tân vừa chia tay nhau ở chiến khu chiều nay, sáng mai đã nghe tin Tân bị phục kích chết, địch đem phơi xác ngoài đường quốc lộ. Tôi chỉ ở chung một hầm với Hiệp, và Do ở Hiền Lương, hai anh vượt đường về Ninh-Hòa-Đại, chỉ chưa đầy một tuần, cả Hiệp và Do ra đi mà không bao giờ trở lại. Các anh bị phục kích dọc đường. Hai người chết chỉ cách nhau mấy hôm. Tôi chỉ lên rừng ít bữa, khi quay lại Hiền Lương thì cả hai người bạn thân của tôi là Phúc và Cạnh đã hy sinh. Hai nấm mồ chôn hai nơi, cả hai đều chưa xanh cỏ... Sự hy sinh như vậy diễn ra từng ngày.

Tôi nhớ hôm ra họp với chi đoàn thanh niên trạm giao liên, anh chị em hát hò rất vui vẻ. Có một tiết mục rất đặc sắc của Trần Thị Thu. Thu xin hát bài “qua đường quốc lộ”. Tôi ngồi chờ một tiếng hát cất lên. Nhưng Thu cứ đứng im, mắt đảo qua đảo lại như chớp. Một phút rồi hai phút qua đi. Bỗng dậy lên tiếng vỗ tay đột ngột. Tôi bỗng hiểu ra, qua đường quốc lộ là phải ngậm tăm như thế, và mắt quan sát định tình cũng phải nhanh nhẹn, khẩn trương như thế. Không là chiến sĩ giao liên, không cùng cảnh, thật khó có thể được giao cảm kỳ diệu của một vở kịch câm như thế.

Đã đành con đường huyết mạch ấy không bao giờ ngừng. Nhưng có một đêm kinh hoàng, tôi không bao giờ quên được. Lúc này đây nhắc đến cái đêm kinh hoàng ấy tôi thấy toàn khung cảnh ấy hiện lên trước mắt.

Đó là đêm 31 - 12 - 1971. Lẽ ra tôi cũng dính vào đêm này. Nhưng nể bạn bè, tôi đã lên rừng vào đêm 30.

Kế hoạch của huyện ủy là, nhân cuối năm dương lịch, lần lượt gọi anh em dưới vùng sâu về, gặp gỡ nhau đầu năm, ăn tết mồng một, mồng hai họp triển khai tình hình nhiệm vụ mới. Nên tất cả lần lượt lên rừng.

Đêm 31- 12 là đêm rét. Các ngả về gặp nhau ở Đồng Lâm. Bà con đã mua sắm cho anh em nếp, gà, đậu, sữa và một vài nhu yếu phẩm khác cho ngày tết chiến khu thêm phần rôm rả. Nghĩ cuộc vui ngày mai nên ai cũng cố gắng gửi thêm một chút hàng.

Cuối năm mưa dài, đường đi đầy nước, lép nhép, bước trượt, bước trơn. Đến đồi thông, dừng lại nghỉ. Cũng đúng quy luật, 4 giờ sáng pháo Tứ Hạ bắn vào cửa rừng xong, anh chị em lại hối hả lên đường. Ai cũng mừng ngày mai sẽ gặp nhau đông đủ ở huyện, tha hồ tâm tình sau những tháng dài xa cách.

Suốt buổi chiều bà con Đồng Lâm quan sát, không thấy lính lên phục kích. Đường mới mưa, nước lõm bõm, chủ quan, anh em bám sát nhau đi.

Đến gần mương nước giữa đồng, bỗng mìn clây-mo từ hai bên đường đồng loạt nổ vào. Clây-mo là mìn định hướng của địch, có sức sát thương lớn. Tiếng mìn clây-mo vừa dứt thì lựu đạn mỏ vịt từ mương nước quăng lên như mưa, thi nhau nổ. Chớp lửa lòe lên chấp chới.

Suốt nửa giờ đồng hồ tiếng nổ mới ngừng hẳn.

Sáng hôm sau bọn địch ra chỗ phục kích, gạo nước tung tóe. 17 người cả nam, cả nữ hy sinh, chúng lật ngửa từng người ra phơi xác giữa đồng. Thương nhất là các cô gái. Cả 5 cô đều thanh tân, chưa cô nào biết thế nào là bàn tay nóng hổi của một chàng trai. Bọn lính Mỹ và ngụy lột trần các cô, không còn một mảnh vải trên người. Dã man hơn, chúng lấy cây nhọn chọc vào từng âm hộ của các cô, và để nguyên đó.

Liền hai đêm hôm sau chúng cho người lên phục kích. Và cài lựu đạn dưới lưng từng xác người kia để nếu anh em mình ra lấy xác, không cẩn thận, hy sinh tiếp là chuyện thường.

Đêm 31-12 ấy đoàn cán bộ ở sâu lên 21 người. 17 người hy sinh. Chỉ có 4 người đi sau, ở ngoài tầm của clây-mo, nên chạy thoát được. Rúc bờ ngủ bụi suốt một ngày, đêm hôm sau mới lên được chiến khu.

Phơi xác chiến sĩ ta giữa đồng xong, lính Mỹ ngụy quay trở về làng Đồng Lâm bắt tất cả từ đứa trẻ lên ba cho tới ông già tóc bạc ra tập trung. Chúng chỉ hỏi một câu:

- Đứa nào tiếp tế cho cộng sản?

Hỏi và không cần trả lời. Cứ gậy trên tay, chúng nhảy bổ vào những người dân tay không, đánh tới tấp, đánh cho tới khi mỏi rã rời, không cầm nổi cây gậy nữa mới thôi.

Có một tên lính Mỹ rất thâm hiểm. Nó cởi một chiếc gùi. Thấy trong đó có một nắm xôi bọc lá chuối. Nó cầm mảnh lá chuối ấy đi khắp làng Đồng Lâm, đến gốc từng cây chuối, xem cái lá nào đã bị xé để gói xôi. Sau mấy tiếng đồng hồ nó đã tìm được cây chuối cần tìm. Giở mảnh lá chuối gói xôi kia, đo đúng vào lá chuối bị xé. Lấy đó làm nhân chứng, coi chủ nhân vườn chuối là kẻ tiếp tay cho cộng sản. Lại thêm một phen nhả đòn.

Nắng trên trời như đổ lửa. Xác người nửa dầm trong nước, nửa phơi ra giữa nắng trời. Phải tới đêm thứ ba địch không phục kích nữa anh em ta mới ra lấy được xác đồng đội. Bạn bè thịt đang còn thơm trong ký ức đã bắt đầu mủn ra. 17 người được bốc lên võng, đưa vào cửa rừng. Tắm rửa cho đồng đội xong, lấy quần áo sạch mặc cho từng người. Rồi khâm liệm, và lấy ni lông làm áo quan, mai táng cho từng đồng đội của mình.

Chiến khu Quảng Điền năm ấy đã sống những ngày nặng nề, đầy đau thương.

Mảnh đất Phong Quảng không rộng này biết bao oán hờn. Bọn Mỹ ngụy đã đan rọ thả người trên sông Bồ, đã đào hầm chôn sống tập thể ở Cổ Bi đã tàn sát đẫm máu ở Mỹ Xuyên. Mới đây, lại phát hiện bên cạnh nhà lao cầm cố cũ của ngụy hàng trăm đầu lâu trong một hầm... và cuối 1971 lại thêm một vụ Đồi Thông, Ồ Ồ.

Chỉ tính riêng hai xã Phong Sơn và Quảng Thái đã có tới 1250 liệt sĩ.

Biết bao máu xương đã đổ cho hôm nay. Vâng. “Máu người không phải nước lã”. Kẻ nào phụ máu xương ấy chắc mặt không phải mặt người.

N.Q.H
(TCSH101/07-1997)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng