Góc Hoài niệm
Xóm Cồn Mồ
10:06 | 09/06/2023

NGUYỄN QUANG HÀ
               Ghi chép

Trước, và ngay cả khi vừa giải phóng, vào lúc gần tối, nếu có một người khách nào đón đường gọi xe thồ, xe xích lô xin về làng Thế Lại, thì sẽ bị chủ xe lắc đầu ngay. Bởi chủ xe sợ một điều này: có đi mà không có về. Hoặc ít nhất là cũng về hai tay trắng.

Xóm Cồn Mồ
Ảnh: tư liệu

Làng Thế Lại trước thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà. Sau này nhập về thành phố. Nay là khu phố Một, phường Phú Hiệp.

Làng Thế Lại có một xóm đã từng gây kinh hoàng cho dân quanh vùng, đó là xóm Cồn Mồ. Cư dân đến đây ở như những cánh bèo hoang trôi nổi, lang thang, tấp lại trên mảnh đất hoang dã cạnh khu mồ mả, bên bờ sông Đông Ba, cứ lấy khu mồ mả ấy đặt tên thành xóm Cồn Mồ.

Dân xóm Cồn Mồ ngày ấy nghèo lắm. Không đất đai canh tác. Không tiền vốn chạy chợ. Nhà như những túp lều. Không có tường vách bao quanh, chỉ có mái tranh, không thì che bằng ni - lông. Để sống, để tồn tại, có con đường nào khác là đi ăn trộm, ăn cắp.

Nhắc lại chuyện cũ, người dân ở đây còn nhớ ông Que. Tên thật mộc mạc nhưng được dân phong tặng bằng một cái tên khác vừa đầy thán phục, vừa đầy hoảng hồn: “kẻ trộm tài danh”.

Ngày, hễ thấy ông đi lang thang ở xóm nào, y như rằng đêm ấy xóm mất trộm. Khi buồng cau, khi chiếc nồi, khi hũ gạo... Có khi cả một thúng bánh tét, vừa luộc xong, để ở giữa nhà, sáng dậy mất cả bánh, cả thúng. Ai cũng công nhận rằng: “ông ấy đã muốn lấy cái gì ở nhà nào thì đố có giữ được”.

Có lần ông Que bị lính Com-măng-đô Pháp về làng, bắt ông. Chúng dùng cùm, cùm ông lại, rồi đánh. Đánh tơi bời. Bắt cả những người dân đến xem cũng thả sức đánh ông nữa. Ông gan lì không thèm kêu xin một lời. Trong cảnh thịt nát xương tan ấy, dân làng Thế Lại có giận ông, nhưng lúc này lại thương ông. Tình làng nghĩa xóm nó vậy. Thường ngày có thể không nhìn mặt nhau. Đến lúc hoạn nạn thì lại cưu mang nhau. Lẽ đời ấy tạo nên sự quần tụ của một cộng đồng.

Ông Que có ba người con gái. Ba người con gái sinh cho ông mười bốn cháu ngoại. Cả mười bốn người này đều theo nghề ông. Việc ra tù vào tội đối với họ là cơm bữa. Chả có gì phải bàn. Vào, rồi ra, thế thôi, có làm có chịu. Hết tiền túi lại đi ăn trộm.

Có lần Trần Thông vào một nhà kia. Bị phát giác. Đèn pin lia tứ phía. Thông chui ngay vào gầm giường, dùng cơ bắp của tay chân co lên áp sát người vào sạp giường. Đèn pin lia phía dưới. Ánh đèn loang loáng dưới lưng. May chủ nhà chỉ nhìn dưới đất, không phát hiện ra anh. Chủ đi ngủ, Thông bình tĩnh rút ra, êm lẹ, không ai hay.

Một lần khác, vừa vào đến sân, chó sủa. Ánh đèn pin chộp đúng người anh. Thông nhảy phóc qua hàng rào cao hai mét. Ra đến ngoài đường, anh là người tự do. Thời ấy điện chưa về, đường tối om. Bóng tối là đồng minh, là tri kỷ của anh.

Trần Tý cũng là tay bạo gan, ngạo đời. Công an phường phục mãi không bắt được. Một hôm vừa được tin của mật báo viên. Các anh công an ập tới bất ngờ. Trần Tý đang nằm ngủ mê. Khi Tý giật mình tỉnh dậy, hai tay đã bị còng, đành theo công an về đồn. Hôm sau, công an mở phòng giam anh, Tý đã đi mất. Ô-văng bị lật lên.

Trần Tào thời ngụy đi lính biệt động quân. Vùng vẫy non xanh nước biếc một thời. Về, máu anh hùng hảo hán vẫn không chịu nằm yên, nhập vào nhóm bạo loạn Phạm Lự. Cuộc bạo loạn bất thành. Trần Tào bị đi tù đúng mười năm mới được tha...

Mỗi người cháu ông Que một thành tích riêng. Thật mệt cho một tổ chức chính quyền non trẻ ở phường, ở phố. Chưa hết. Nhóm của Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Hùng lại nổi dậy. Anh nào cũng vỗ ngực mình là “công tử vùng Bậc Lở”. Bờ sông Đông Ba ở phía tây của xóm Cồn Mồ bị lở từng mảng lớn, mất cả đường đi. Lấy sự cố ấy đặt tên. Cũng là các chàng trai anh chị của xóm Cồn Mồ cả thôi. Các đại ca- thi nhau giành quyền lực càng làm cho xóm làng tanh bành.

Một câu hỏi đặt ra làm nhức đầu những người có trách nhiệm trong phố trong phường.

Anh Triện, bí thư chi bộ khu phố Một tâm sự: “Chúng tôi cứ ngồi với nhau phân tích, tìm nguyên nhân. Rồi kết luận: chẳng qua bụng đói thì đầu gối phải bò vậy thôi. Nếu mình đem đến cho họ tình yêu mến, và công ăn việc làm thì chắc sẽ giải quyết được”.

Ý của dân Thế Lại lại khác: “chà, ngựa quen đường cũ rồi”.

Anh Sơn xưa là công an khu vực ở Thế Lại bảo: “Chúng tôi suy luận ngang ngửa. Một cái lý trăn trở rất nhiều chúng tôi là: họ cũng là người. Làm sao cho tính người trở lại họ thì mọi chuyện có thể giải quyết được. Tính người mà chúng tôi nói ở đây là sự tin cậy lẫn nhau, tắt đèn tối lửa có nhau, cảm thông nhau nhất mực”.

Anh Ngà, tổ bảo vệ khu vực Một suốt mười sáu năm nay hiểu rõ từng gia đình, từng con người trong làng Thế Lại, anh nói: “Bên cạnh việc sống cho có tình làng nghĩa xóm, chúng tôi quản lý thật chặt để hạn chế tối đa những cuộc vắng mặt không có lý do của họ”. Anh Ngà nhận xét: “Không thể giàu có bằng nghề ăn trộm, cho nên các gia đình ấy đều nghèo. Đời thứ ba vẫn nghèo”.

Những ý kiến ấy đều thấm thía tình đời. Để giải quyết đời sống trước mắt, những lao động của các gia đình đối tượng ở xóm Cồn Mồ đều được các anh xin việc cho đi làm ở các tổ mộc, tổ nề trong thôn, ở bến bốc vác của anh Thân. Những chị em chân yếu tay mềm được bà Đường có quầy lagim ở chợ Đông Ba đưa hàng cho đi bán rong, tối trả vốn, lấy lãi.

Anh Triện nói:

- Riêng việc kiếm công ăn việc làm này chúng tôi có ba cái lợi. Một là từng bước giải quyết đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hai là sự hòa đồng từ công việc, mọi người hiểu nhau hơn, dần dần mất đi những mặc cảm, tạo cho làng xóm yên ấm hơn. Ba là quản lý được các đối tượng.

Đi theo con đường tình cảm, từng bước một các anh cảm hóa đối tượng của mình.

Đầu tiên là Trần Thông ăn trộm ở Chánh Tây. Tổ bảo vệ của anh Ngà đến tận nhà. Biết Trần Thông nằm trong buồng. Các anh đưa ra những chứng lý vụ ăn trộm của Thông. Rồi hứa rằng nếu Thông chịu đầu thú, tổ bảo vệ sẽ đứng ra bảo lãnh cho Thông khỏi đi tù, nhưng Thông phải cải tà quy chính. Chứ nếu Thông vào lao, vợ con ở nhà biết trông cậy vào ai.

Biết làm như vậy chính quyền địa phương sẽ gánh thêm một gánh nặng. Nhưng để giành giật cho mình một người bản tính không phải xấu, các anh không nề hà. Quả nhiên, sau một đêm vợ chồng bàn bạc. Thông đã ra đầu thú và chịu sự giám sát của tổ bảo vệ.

Việc Thông không bị bắt đi tù đánh một đòn tâm lý vào đối tượng.

Trường hợp Trần Tào khác hơn. Anh đã ở tù mười năm. Về xóm mang nặng ấn tượng sẽ bị mọi người khinh thường, coi rẻ. Đúng lúc anh ở ngã ba đường tâm lý ấy, chính quyền tới mời anh quản lý, trông coi việc xây bến Cồn Mồ có chỗ cho sáu chục gia đình trong xóm giặt giũ, rửa ráy. Buộc lòng Tào phải nhận. Nhưng anh thấy chính quyền đứng ra xin tre kè đất, xin xi măng xây bến. Anh chỉ là người đứng ra vận động bà con tham gia và quản lý thi công. Việc xây bến hoàn thành, tự dưng Trần Tào thấy mình có một vị trí trong xã hội không những không bị từ bỏ mà vẫn được coi trọng. Yên tâm, anh lo xây đắp gia đình.

Trần Cư đơn giản hơn, anh bị bắt quả tang. Tự cảm thấy lưới trời lồng lộng khó đường quay quắt. Được cảm thông, Cư nhận ra con đường mình cần đi. Anh Ngà kể rằng, đêm ấy, mang danh đi thăm các gia đình trong làng, tổ bảo vệ đến đột xuất kiểm tra nhà Trần Cư. Mười một giờ đêm rồi, Trần Cư vẫn chưa về. Các anh đoán, chắc Trần Cư đang đi làm phi vụ gì đây. Giả vờ chào về, song các anh đã ở lại mai phục. Gần sáng, quả nhiên tóm được Trần Cư vác trên vai một bao quần áo, vừa ăn trộm ở An Hòa về. Hết đường chối cãi. Tội danh đã rõ ràng. Một là đi tù, hai là phục thiện. Cư chọn con đường phục thiện.

Có lẽ Nguyễn Văn Chiến là nhân tố khá điển hình. Anh đã từng là đại ca bến tàu Chi Lăng. Có cả một bầy đàn em khá đông đúc. Chiến dạn dĩ đến nỗi dám ăn cắp giữa ban ngày. Anh trèo lên thuyền như một hành khách. Thuyền xuôi dòng chở bà con đầm phá về Tam Giang. Chiến ngồi trên thuyền ngắm nghía, chọn lọc gói hàng nào đáng giá nhất, bất ngờ anh nhào tới, vất hàng xuống sông và nhảy xuống theo. Không một ai dám la ó, đuổi theo, sợ bị trả thù. Cứ thế Chiến sống chức đại ca năm này qua năm khác. Một bước ngoặt đời Chiến là khi anh làm bảo kê cho quán cà phê Kiều. Ở đó có cô bán hàng xinh đẹp. Chiến tán. Bất cứ kẻ nào ngấp nghé cô bé, đều bị Chiến hăm dọa, đánh bạt. Sự si mê chân thành của anh đã làm cô gái ngã lòng, nhận lấy anh làm chồng.

Hạnh phúc mà trớ trêu. Cô gái sinh con. Nhà càng đòi hỏi miếng sống. Chiến càng lao vào con đường tội ác. Vô nghề nghiệp, chỉ có đường đi ăn trộm. Khi vợ anh đẻ đứa thứ hai, Chiến thật sự bị lực lượng an ninh săn đuổi.

Một đêm tổ bảo vệ về tìm Chiến. Bà con hàng xóm chạy sang xin các anh: “Vợ Chiến mới sinh, nếu Chiến bị bắt, vợ con nó sống ra sao”. Bà con xin tổ bảo vệ bảo lãnh, xóm làng sẽ có lời răn dạy Chiến.

Tổ bảo vệ vừa về đến trụ sở thì anh sở trưởng phường công an dẫn quân tới bắt Chiến. Tổ bảo vệ đứng ra bảo lãnh cho anh. Biết chuyện ấy, đi “làm ăn” về, Chiến chạy tới anh Ngà: “Tôi chỉ quậy nơi khác thôi, chứ có dám quậy ở làng xóm đâu, xin các anh bảo lãnh, tôi sẽ sửa”. Anh Ngà hỏi: “Để trở lại làm người lương thiện, Chiến cần chúng tôi giúp đỡ gì?” “Chỉ xin các anh chiếc xe đạp để tôi đi thồ”. Chính quyền địa phương giúp Chiến chiếc xe, rồi giới thiệu anh vào làm ở tổ nề Thế Lại.

Chiến khá dần lên. Anh xin vào tổ dân phòng. Và Chiến đã lập công. Bữa ấy đi tuần tra ở đường Ôn Như Hầu, tổ dân phòng phát hiện có kẻ vào ăn trộm ở nhà máy Ti-tan. Chiến cho cả tổ về. Một mình anh mai phục lại: “thế nào bọn chúng cũng quay lại tìm đồ”. Quả nhiên đúng như dự đoán của Chiến, toán trộm quay lại tìm đồ ăn trộm khi vội trốn đã vất dưới chân tường nhà máy. Chiến tóm gọn nhóm quấy rối an ninh với đầy đủ tang chứng. Anh được giám đốc công an tặng bằng khen. Bây giờ Chiến đã là tổ trưởng của tổ dân phòng ấy.

Lều xưa của Chiến không còn. Cây dừa sau nhà mỗi khi công an tới, Chiến trèo lên đó trốn cũng không còn. Nhà mới của anh xây vách, lợp tôn. Ba đứa con của anh đi học ba chiếc xe đạp. Anh đi làm thợ nề bằng Hon-đa. Sáng chở vợ đến nấu ăn ở nhà máy xi-măng Lúc-va-xi, tối đến đón vợ về. Cũng có thể gọi đó là một gia đình hạnh phúc. Cái đích mà Chiến tìm đã đến, không bằng con đường ăn trộm, không bằng chức đại ca, mà bằng đôi bàn tay và tấm lòng cởi mở của mình.

Xóm Cồn Mồ bây giờ đã khác xưa. Khác đầu tiên là những con người.

Nguyễn Văn Chiến làm tổ trưởng dân phòng. Một tổ dân phòng mạnh của thành phố Huế.

Trần Tào làm tổ trưởng an ninh của xóm Cồn Mồ. Trần Tý làm tổ phó.

Bà Đường đã xây lầu hai tầng khang trang. Kho xi-măng của anh Thân không còn. Nhưng con đường lầy lội xưa suốt dọc xóm Cồn Mồ đã được thay bằng đường nhựa khang trang. Ngôi trường cũ của thôn Thế Lại hai phòng, ba phòng học nhờ trong đình, nay đã xây mười phòng, đủ chỗ cho con em trong làng đi học.

Đi dọc xóm Cồn Mồ, cố tìm ra một mái tranh xưa, mái ni - lông tạm bợ thôi cũng không còn. Nhà xây san sát. Nhà Trần Tào, nhà Nguyễn Văn Chiến cũng đã lên vách cả rồi.

Đêm xóm Cồn Mồ không còn hoang vắng, mồ mả không là nơi tụ điểm của những thời bất chính nữa. Điện đã kéo về, trong nhà ngoài ngõ sáng trưng. Nhìn ba đứa con của Nguyễn Văn Chiến ngồi chăm chú học bài dưới ánh điện, cũng ở cái tuổi này, Chiến đang đầu đường xó chợ, đủ thấy cuộc sống mới đã bắt đầu.

Anh Triện, bí thư khu vực Một vui vẻ:

- Năm năm nay Thế Lại không còn trộm cắp nữa. Bà con thương yêu nhau. Tết Đinh Sửu Chiến tặng tôi mấy gói Jét: “để anh hút Tết”. Tôi nhận ở Chiến một tấm lòng.

Lại Thế đã lấy tấm lòng để cảm hóa những tấm lòng. Đó là con đường gần nhất. Dân tộc nhất. Cứ đặt lại giả thiết, nếu Lại Thế cứ cứng nhắc lấy nhà tù, lấy phạt lao động để giải quyết vấn đề, liệu có được như bây giờ chăng.

Để được những tấm lòng, trước tiên mình phải có một tấm lòng trước đã.

N.Q.H
(TCSH109/03-1998)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng