Góc Hoài niệm
Nữ quyền và những dư luận ở đầu thế kỷ XX
14:41 | 21/06/2023

CÁT LÂM

Bình đẳng giới, nữ quyền, những vấn đề tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng thực chất vấn đề này đã được luận bàn từ những năm đầu của thế kỷ XX.

Nữ quyền và những dư luận ở đầu thế kỷ XX
Ảnh: internet

Những tư tưởng, quan điểm về nữ quyền được thể hiện trên sách báo đương thời đã được Lại Nguyên Ân và Nguyễn Kim Hiền sưu tầm và biên soạn trong cuốn Dư luận nữ quyền tại Huế (1926-1929) trên sách báo đương thời. Đây là một trong những cuốn sách nằm trong tủ sách Phụ nữ tùng thư (tủ sách Giới và Phát triển) của Nxb. Phụ Nữ Việt Nam công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ, cũng như đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và phát triển bền vững của đất nước.

Những quan điểm nữ quyền tại Huế

Năm 1926, trong khi nhật báo, những trang tin tức chưa thịnh hành thì Nữ công học hội ở Huế được thành lập, cùng với đó là những dư luận về nữ quyền được phát biểu tại Hội nằm trong các trường ở Huế. Những quan điểm về nữ quyền được các chí sĩ yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Bội Châu, Đạm Phương nữ sử phát biểu.

Theo đó, phụ nữ cần được đối xử ngang hàng với nam giới, phải được tôn trọng và được thực hiện các quyền bình đẳng với nam giới, từ lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt cho tới việc học hành, sinh hoạt trong các hội nhóm và vươn mình, đồng hành cùng sự phát triển của xã hội.

Để làm rõ vấn đề này, trong bài diễn thuyết tại trường Đồng Khánh ở Huế, cụ Phan Bội Châu đã so sánh về cái nhìn đối với phụ nữ ở một số nước từ phương Tây tới phương Đông: “Tôi hằng ngày vì chị em mà trộm nghĩ thầm lo, tấm lòng tôi có khi đứt đôi đoạn, giọt lệ tôi có khi nhỏ đôi hàng. Khi tôi còn ở đất nước nhà, tôi những nghĩ ngược nghĩ xuôi muốn suy cho ra cái cớ vì sao như thế. Nhưng tôi chưa xét được rõ ràng. Đến khi tôi đi ra ngoại quốc, tôi thấy như nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, nước Đức, nước Anh cho đến nước Trung Hoa, nước nào cũng có trường học cho con gái. Trường học gái có lẽ nhiều hơn trường học trai, danh giá các nữ học sinh so với nam học sinh cũng không chút gì thua kém...”.

Thông qua đó, người phụ nữ được nhìn nhận một cách trực diện từ những phẩm chất cao quý như đức hy sinh cho tới khả năng tự chủ, gồng gánh cuộc sống không thua kém đấng mày râu. Hơn thế, phụ nữ chính là những con người góp phần quan trọng cho sự phát triển của xã hội mà theo Đạm Phương nữ sử: “... một cái xã hội tốt hay là xấu là do tại gia đình tốt hay xấu, mà gia đình tốt hay xấu là do sự giáo dục của mỗi gia đình đối với mỗi cá nhơn mà tạo ra, đàn bà vẫn có một phần trách nhiệm trong cuộc tạo nhân kết quả ấy. Vì vậy mà gây dựng một cái gia đình tốt không gì bằng xây dựng một nền đạo đức luân lý cho phụ nữ thật hoàn toàn.”

Ngoài ra, các bài phát biểu đều nhằm khích lệ tinh thần người phụ nữ bỏ qua sự rụt rè, sợ hãi trước kia mà dấn thân vào đời sống mới cởi mở hơn, cổ vũ họ sống bằng lý trí, quan điểm của chính mình, nói lên tiếng nói của chính mình. Đưa ra các phân tích lý lẽ về thời cuộc, khoa học kỹ thuật, sự tiếp thu văn hóa phương Tây ảnh hưởng tới xã hội ra sao, bản thân người phụ nữ thế nào. Rồi rằng văn hóa phương Đông có nhiều điểm đã không còn phù hợp nữa. Nghĩa vụ của người phụ nữ là không thể ngồi im đợi thời đại xoay vần mà họ cần tham gia vào cuộc xoay vần của thời đại. Họ được tự do làm chủ cuộc đời mình, chịu trách nhiệm về quyết định mình đưa ra mà không phụ thuộc vào ai.

Những quan điểm ấy đã phá vỡ đi những suy nghĩ cũ mòn rằng phụ nữ phải chịu đựng phục tùng chồng con, ở nhà làm việc nhà, v.v.

Quan niệm nữ quyền trên báo Tiếng Dân (1927-1929)

Trước tình hình đất nước còn nhiều rối ren, báo Tiếng Dân xuất hiện với vai trò cập nhật tình hình chính trị trong nước lẫn quốc tế. Đây cũng là tờ báo cập nhật tình hình của cụ Phan Bội Châu khi bị Pháp giam lỏng ở Huế.

Các bài viết về nữ quyền thường được đăng trong mục “Phụ nữ diễn đàn”, “Độc giả luận bàn”. Một số tin tức liên quan tới phụ nữ được đăng trong mục “Việc trong nước”.

Liên quan tới vấn đề nữ quyền, không thể không kể đến những cái tên như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Đạm Phương nữ sử, Hoàng Khuê Bích, những người có công không nhỏ trong việc duy trì và phát triển cũng như lan tỏa tờ báo Tiếng Dân.

Ở các mục, các bài viết đã đi thẳng vào những vấn đề cụ thể đưa ra phương hướng nhằm cải lương, khẳng định vị trí của người phụ nữ. Và điều ấy được thể hiện rõ nét từ nhan đề của bài viết như: “Chị em ta nên có phụ nữ tạp chí”, “Chị em chốn thôn quê nên đọc báo và xem sách”, “Địa vị phụ nữ trong xã hội ngày nay”, “Phụ nữ đối với hòa bình”, “Đòi nữ quyền thế nào là chính đáng”, “Hiện tượng và tiền đồ của nữ giới nước ta”, “Đàn bà ta có đi xe đạp được không?”, “Chữ trinh”, “Phụ nữ có nên giải phóng không”, “Đàn bà Việt Nam có nên cúp tóc không?’, “Phụ nữ ta có nên sợ những lời mỉa mai không?”, “Chị em ta bây giờ đã nên hoàn toàn tự do kết hôn chưa?”, “Đàn bà An Nam có nên bỏ hẳn tục nhuộm răng không?”…

Không chỉ có các bài phát biểu, báo chí, thời gian này ở Huế cũng có cuốn sách nói về nữ quyền ở các nước là Phụ nữ vận động, do Dã Lan nữ sĩ (Đào Duy Anh) biên dịch. Cuốn sách giới thiệu các trào lưu lớn về phụ nữ ở một số nước như Anh, Pháp, Mỹ… Rồi việc phụ nữ tham chính ở Đức, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nam Phi, Ấn Độ… Phụ nữ với xã hội, một phụ lục của sách Xã hội do Quan Hải Tùng thư xuất bản.

Những quan điểm trên báo Tiếng Dân nói riêng và dư luận trên sách báo về nữ quyền được đưa ra tại Huế đầu thế kỷ XX nói chung, vẫn rất tân tiến và có tính ứng dụng cao cho tới cả ngày nay.

C.L
(TCSH411/05-2023)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Xóm Cồn Mồ (09/06/2023)