Góc Hoài niệm
Gánh ca Huế Đồng Thanh bị bắt tù
14:57 | 14/01/2025

VĂN LANG
          Hồi ký

Kinh tặng, hương hồn nghệ sĩ Châu Thành

Gánh ca Huế Đồng Thanh bị bắt tù
"Lối lên Đông Ba" - Mực nho TRẦN QUỐC TIẾN - Ảnh: tư liệu SH

Tối ngày 30-12-1941 tại rạp hát thị xã Thà Khẹt miền Trung nước Lào, gánh ca Huế mang tên Đồng Thanh (do anh Châu Thành lập nên và làm chủ) sẽ trình diễn vở "Nỗi héo tim Hồn lao động". Kịch bản do anh Châu Thành soạn. Lúc đó, tôi cứ đinh ninh là anh đã soạn theo như kịch bản "Hồn lao động" của tôi mà gánh ca Huế Đô Thành đã từng diễn những năm trước đó. Cho nên, chiều hôm ấy, tôi đã viết tờ tuyên truyền quảng cáo theo nội dung như kịch bản của tôi là chống áp bức bóc lột, đề cao tinh thần cao quý của phái Bình Dân, những người công dân, lao động nghèo khổ rồi cho in bằng thạch xoa để đi cổ động.

Vào hồi 18 giờ 30, dân chúng đã lũ lượt đến mua vé. Lúc đó, tôi vừa bị một cơn sốt rét nhẹ, đang còn nằm trùm chăn. Bỗng, cô Phi Yến (diễn viên, chị ruột cô Kim Oanh) đến đánh thức tôi và bảo: "Anh Văn Lang ơi, không biết có việc gì mà Tây nó đến đó tề!?" Tôi vùng dậy, thấy một thằng Tây to mập mang trên mình một chiếc băng tam tài và khẩu súng lục. Đi theo hắn là một người Việt Nam chừng trên dưới 30 tuổi. Ra đó là tên chánh mật thám Pháp, còn người Việt Nam kia là phiên dịch. Các cửa ra vào đều có cảnh sát và mật thám đứng gác. Chúng đuổi khán giả ra khỏi rạp. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ngoài cổng rạp, dân chúng kéo đến xem ngày càng đông.

Tên chánh mật thám ra lệnh: "Ai có rương hòm phải mở ra rồi lên đứng hết trên sân khấu. Không ai được đi lại". Không biết việc gì sẽ xảy ra. Nhưng tất cả anh chị em trong gánh ca đều im lặng làm theo lời hắn.

* * *

Về đến Sở mật thám, chúng giam tất cả đào kép và anh em khác vào chung một phòng. Còn anh Châu Thành và tôi, chúng giam cách ly mỗi người riêng một phòng. Anh Châu Thành là chủ gánh nên chúng hỏi cung đầu tiên. Tôi nằm áp tai sát khe hở của cánh cửa, cố ý lắng nghe lời anh Châu Thành khai báo, định để sau đó tôi nói cho thống nhất. Nhưng không tài nào nghe được. Chỉ trong chốc lát, tôi đã nghĩ ra một bài thơ tám câu:

Đồng Thanh ca Huế bỗng liên can
Một vụ xôn xao rối trị an
Ngẩng mặt nhìn trời đâu ánh sáng?
Úp lòng thấy đất tối mênh mang!
Gẫm cười bình địa cơn giông tố.
Phút chốc khi không gió phũ phàng.
Xã hội hay là vì cuộc sống?
Làm người nào có sợ gian nan.

Giữa lúc tôi đang lẩm nhẩm để nhớ kỹ mấy vần thơ thì chúng mở cửa gọi tôi ra. Tên chánh mật thám chỉ chiếc ghế mây trước mặt, với vẻ lịch sự mời tôi ngồi. Tiếp đó, một người bồi bưng ra ba cốc cà phê nóng. Tên chánh mật thám đẩy một cốc ra trước mặt tôi:

- Anh uống đi. Đêm nay, tôi sẽ làm việc lâu với anh.

Một thoáng hương thơm cà phê bốc lên. Tôi cầm cốc cà phê đưa lên nhấp một tý rồi đặt xuống. Từ đó, tôi không nhấp thêm tý nào nữa. Tên chánh mật thám cầm tờ giấy in thạch xoa đưa lên, hỏi:

- Anh viết tờ truyền đơn nầy phải không?

- Vâng, tôi viết.

- Thế sau khi viết xong, anh có đưa cho ông chủ gánh xem không?

Tôi thành thật trả lời:

- Trước khi ông chủ tôi ra sân đá banh như thường lệ mọi chiều, ông có đến chỗ tôi cầm tờ quảng cáo tôi vừa viết xong lên xem, rồi tự tay ông viết thêm bên góc trái phía trên hàng chữ "Đón xem, có ma-gi ảo thuật".

Nghe vậy, tên chánh mật thám lập tức bảo người phiên dịch vào mở phòng đưa anh Châu Thành ra. Tôi biết ngay là lời khai giữa hai chúng tôi đã có chỗ khác nhau. Tên chánh mật thám cau mày nhìn anh Châu Thành:

- Sao lúc nãy ông bảo là ông không hề đọc tờ truyền đơn?

Không để anh Châu Thành kịp trả lời, tôi vội nói đỡ đòn:

- Thưa ông, tôi nói là ông chủ tôi cầm tờ quảng cáo lên xem. Nhưng vì vội đi đá banh nên ông chủ tôi chỉ xem lướt qua rồi ghi thêm dòng chữ ảo thuật để câu khách. Còn ông có kịp đọc nội dung hay không thì tôi không biết.

Rất bất ngờ, nó tát vào mặt tôi một cái. Tôi phản ứng:

- Có sao tôi nói vậy. Sao ông lại đánh tôi?

Lại một cái "bốp" nữa như trời giáng bởi bàn tay hộ pháp của nó.

- Dù anh có muốn che giấu gì cho ông chủ anh, thì ông ấy vẫn phải chịu trách nhiệm... Anh hiểu chứ?

Tên chánh mật thám bảo người phiên dịch đọc một đoạn trong tờ quảng cáo do tôi viết: “... Nỗi héo tim Hồn lao động" là một vở ca Huế mang trong mình những tiếng kêu cứu của thời đại, thời đại kẻ giàu hiếp người nghèo, kẻ mạnh hiếp người yếu, ví như con nai béo ăn con thỏ gầy, cá lớn nuốt cá bé... Câu chuyện nhằm ca ngợi phái Bình dân, tinh thần đấu tranh bất khuất của công nhân, của những người bần cùng nghèo khổ cùng nhau hiệp lực đồng tâm đứng lên chống lại cường quyền, chống áp bức bóc lột trong cái xã hội đầy rẫy những bất công để giành lấy sự sống...”

- Anh đừng có lợi dụng nghề ca hát. Bằng những lời lẽ ấy, anh đã cố ý tuyên truyền ca ngợi Mặt trận Bình dân, và hô hào dân chúng đứng lên chống chính phủ Pháp, chống mẫu quốc - Tên chánh mật thám hạ giọng, tiếp - Anh đừng bào chữa vô ích. Chứng cớ rành rành ra đây, làm sao xóa hay nói khác được?

* * *

Gánh ca Huế Đồng Thanh bị bắt giam, nhân dân ở thị xã Thà Khẹt xôn xao bàn tán và càng tỏ ra có nhiều cảm tình đối với chúng tôi hơn. Họ gởi quà cho chúng tôi, nhưng chúng tôi chẳng biết là của ai gởi. Đặc biệt, anh em xích lô (có lẽ họ đã góp nhau tiền) mua một, hai gói thuốc lá cô-táp tìm cách gởi biếu chúng tôi (vì họ biết chúng tôi thích hút loại thuốc ấy).

Sau một thời gian tạm giam, chúng mở phiên tòa xử án chúng tôi. Tại đây, chúng kết án: Toàn bộ anh chị em đào kép mỗi người 6 tháng tù; Hai anh Lê Văn Bụi (đánh trống quảng cáo trên các đường phố) và Nguyễn Văn Yêm (in thạch xoa tờ quảng cáo và rải quảng cáo dọc đường) mỗi người 2 tháng; anh Châu Thành và tôi mỗi người 18 tháng. Những người khác như bán vé, soát vé, nấu ăn, hậu đài v.v... được tha. Riêng em bé Kim Oanh (diễn viên) cũng được tha vì chưa đến tuổi thành niên. Ngay hôm đó, chúng tôi thống nhất chống án ra Tòa thượng thẩm ở Hà Nội.

Chừng một tháng sau - trừ số đào kép được ở lại Thà Khẹt, bốn chúng tôi (Bụi, Yên, Châu Thành và tôi) được đưa ra Hà Nội đại diện cho gánh ca để dự phiên tòa chống án.

Đến Hà Nội, chúng tôi được "ưu ái" cho ăn ở tại "khách sạn" lớn nhất Đông Dương. Đó là "khách sạn" nổi tiếng mang tên Hỏa Lò.

Mấy hôm sau, chúng tôi nhận được điện tín của vợ anh Châu Thành báo tin là đã mời được trạng sư Pháp Du-nơ-za nhận lời sẽ bào chữa cho chúng tôi. Nhưng sau đó, ông ta đánh điện báo tin là ông xin rút lui. Lại có điện của chị Châu Thành cho biết là đã mời một trạng sư Pháp khác là ông Di-lơ-man. Qua đó, chúng tôi được biết là chị Châu Thành ở ngoài đã tận tình vì chồng, vì gánh ca mà lo lắng, chạy chọt ráo riết lắm. Nhưng rồi cũng chỉ là công cốc mà thôi! Sắp đến ngày ra tòa, ông Di-lơ-man lại đánh điện tin cho chúng tôi biết là ông thôi không bào chữa nữa.

Không biết việc của chúng tôi sẽ như thế nào mà tình hình có vẻ rắc rối nghiêm trọng thế!? Thế là chúng tôi hết hy vọng về trạng sư bào chữa. Mặc dù vậy, chúng tôi chẳng có ai tỏ ra bi quan.

Phiên tòa thượng thẩm xét xử theo yêu cầu chống án của chúng tôi thật là vắng lạnh. Nhìn khắp cũng chỉ thấy mấy vị quan tòa áo đen áo đỏ, vài người lính và bốn chúng tôi, chẳng còn ai khác. Sau khi đọc bản án của tòa án Thà Khẹt, một tên quan tòa hỏi chúng tôi có ý kiến gì không? Tôi vội đáp: “Thưa tòa, mọi việc đều do tôi gây nên. Tờ tuyên truyền quảng cáo chính tay tôi viết. Tôi vừa là kép diễn, vừa biên soạn tuồng và làm thầy tuồng. Tất cả đào kép đều phải phục tùng sự điều khiển, chỉ dẫn của tôi, không ai được quyền cưỡng lại. Cho nên, đào kép là hoàn toàn vô tội. Họ bị kết án 6 tháng tù là sai, là vô lý. Vậy tôi xin chịu tội một mình và yêu cầu tha hết cho anh em đào kép”.

Tôi nói liền một mạch, đĩnh đạc và khẳng khái. Bọn chúng đều im lặng. Sau 15 phút tạm nghỉ, chúng trở ra tuyên bố: "Hai anh Lê Văn Bụi và Nguyễn Văn Yêm, mỗi người 18 tháng tù, hai anh Nguyễn Châu Thành và Trần Văn Lang, mỗi người 24 tháng tù. Tất cả đào kép được tha bổng".

Thế là chúng đã tăng thêm cho bốn chúng tôi mỗi người 6 tháng tù. Không biết các bạn tôi nghĩ sao. Riêng tôi, dù có bị tăng án, cũng lấy làm vui mừng vì anh chị em đào kép đã được trắng án. Thế là tôi khỏi mang điều ân hận.

Sống trong Hỏa Lò, ngày ngày quẩn quanh trong bốn bức tường “cung cấm”. Đêm đêm, xuyên qua cổng sắt, ánh điện nhợt nhạt lạnh lùng hoặc thỉnh thoảng cô Hằng mới để mắt ngó nghiêng nặng nề... buồn bã... Bị buộc phải sống trong một không gian chật hẹp như thế, thì u uất biết bao! mòn mỏi đến nhường nào!

Chúng tôi bàn nhau là phải xin đi phát vãng đâu đó, dù có bị bắt làm nặng nhọc, tâm hồn được thanh thoát dễ chịu hơn. Mấy hôm sau, gặp dịp chúng lấy phạm nhân đi Sơn Tây, chúng tôi bèn tình nguyện ghi tên đi chuyến đầu tiên. Thật ra, không tình nguyện đi thì trước sau chúng cũng bắt đi phát vãng nơi này hoặc nơi khác, chứ chúng không để cho phạm nhân ăn không, ngồi rồi bao giờ. Nghĩ thế, nên chúng tôi càng yên tâm với sự "tình nguyện" của mình.

Đến Sơn Tây, chúng tôi được đưa đến ở tại nhà lao ở thị xã. Chúng tôi đinh ninh sẽ được ở đó lâu dài. Không ngờ, sáng hôm sau chúng tập trung phạm nhân ra sân phát cho mỗi người một chăn chiên, một chiếc chiếu con, một bộ quần áo, một cái bát, đôi đũa, một cái tơi và cái nón lá. Rồi chúng cho biết là sẽ đi Ba Vì để phá rừng làm đường, xây nhà cho bọn Pháp nghỉ mát.

Ở Ba Vì, nhà lao chưa xây. Tù nhân phải ở các trại tre nứa. Ban ngày đi làm trong rừng rậm. Nhiều ngày sương mù. Có khi chỉ cách mươi lăm bước là không trông thấy nhau. Đó là những điều kiện thuận lợi cho tù bỏ trốn. Vì vậy, quan đồn ra lệnh: mỗi lính chỉ dẫn từ 5 hoặc 6 tù nhân đi làm. Dù làm gì, tù nhân không được đi cách nơi mình làm quá 5 mét. Ai đi quá cự ly ấy, lính được quyền bắn chết. Lính nào để tù trốn - bất kể hoàn cảnh nào - đều phải ngồi tù từ 1 đến 3 tháng.

Thế là bọn lính coi tù ở đây đã được quan thầy của chúng trang bị cho cái quyền được giết người vô tội vạ. Chuyện xảy ra như sau:

Hôm ấy, kíp tù anh Châu Thành có 5 người nhận nhiệm vụ vào rừng chặt nứa để về sửa sang lán trại dưới quyền trông coi của tên lính nớp-xón-keng (975). Gặp dịp thuận lợi, một người tù tìm cách chạy trốn. Đến khi tên lính phát hiện thiếu tù thì đã mất tăm bóng dáng. Tên lính nghĩ cách che giấu khuyết điểm của mình. Muốn vậy hắn phải bắn chết một người tù (trong số 4 người còn lại) để có cớ khai là 2 thằng trốn chạy đã bắn chết 1. Nhưng bắn ai bây giờ? Hắn bèn bảo anh Châu Thành: "Mầy vừa chạy vừa hô hoán lên là có tù chạy trốn. Tao sẽ bắn một phát súng chỉ thiên..." Nhưng anh Châu Thành đã bình tĩnh khôn khéo đứng nép sát bên cạnh tên lính, không dám rời hắn nửa bước. Sắp đến giờ tan tầm. Tên lính sốt ruột giục: "Chúng bây vừa chạy vừa la lên chứ! ông lại nện cho mỗi đứa mấy báng súng bây giờ. Mau lên!".

Một người tù quá vô tâm, vừa kêu la vừa chạy lên cách tên lính chừng mấy bước thì tên lính đã đưa súng lên bóp cò. Người tù chỉ kịp rên một tiếng, quay lại nhìn tên lính với đôi mắt như trút hết nỗi căm thù, rồi gục mình lên tảng đá, máu tuôn xối xả...

Mọi công việc ở Ba Vì đều là bắt đầu. Phá rừng, đục đá, nổ mìn, san nền, xây nhà, chặt cây, lấy gỗ và còn bao nhiêu việc nặng nề khác. Ăn uống thường xuyên thiếu đói, kham khổ, mỗi tuần được vài miếng thịt trâu dai như quai guốc, chủ nhật mới được một miếng thị heo mỏng bằng hai ngón tay, còn những bữa khác thì rau muống, đậu phụ luộc chấm muối đều đều, cơm mỗi người chỉ được hai lưng bát. Lại thêm, hàng ngày bị roi vọt, báng súng của bọn lính ốp làm việc quá sức. Tình hình như vậy đã giục giã tù nhân tìm cách tự hủy hoại thân mình để tìm con đường sống.

Có một thời gian, một số tù nhân bỗng đua nhau chặt đứt các ngón tay (lấy cớ là đi chặt cây, vô ý chặt phải vào tay) để được đưa về xuôi nằm nhà thương chữa trị. Chữa xong sẽ được ở lại Sơn Tây hoặc đi nơi khác đỡ khổ hơn. Về sau, bọn chúng biết được mánh khoé ấy của tù nhân, nên sau khi chữa khỏi tay, chúng tống lên Ba Vì để tiếp tục hành hạ.

Có một chuyện thật đau lòng. Một tù nhân vì không chịu nổi cảnh đày đọa khổ cực ở đây, nên đã quẫn trí trèo lên cây rồi ở lỳ luôn trên đó. Lính bảo thế nào cũng không xuống. Bọn lính ra lệnh chặt cây. Cây đổ anh ngã theo, rơi xuống vực thẳm mà chết.

Thời gian đầu, số tù nhân ở đây có độ vài trăm do tên Mê-sa (Méchard) đồn trưởng trông coi chung. Tên đồn trưởng nầy là Tây lai, rất ác. Cái mặt nó lúc nào cũng phừng phừng. Mỗi lần nó xuống đường đi kiểm tra là tù và lính thường bị những trận mưa rào roi vọt. Nó đánh lính, lính lại đánh tù.

Về sau, để công việc được nhanh chóng, chúng tăng thêm tù thêm lính, và tăng cường thêm một đồn trưởng (người Pháp chính cống) tên là Gờ-ri-mô (Grimaud). Hai tên đồn trưởng trông coi hai đầu - chủ yếu là làm cho xong con đường ô-tô chạy từ dưới cốt 600 lên, và từ trên cốt 1000 xuống. Công việc càng khẩn trương. Tù nhân càng bị lính ốp làm không kịp thở. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lính và tù ở Ba Vì mỗi ngày càng nhiều.

Tôi không bao giờ quên là đã bị một trận đòn chí tử. Hôm ấy, bọn lính lấy tù nhân đi khiêng gạo (từ cốt 600 lên), trong đó có tôi và anh Châu Thành. Thật không may, tên lính đi trông coi chúng tôi lại gặp đúng tên ác ôn nớp-xón-keng (975). Tôi và anh Châu Thành phải khiêng một bao gạo 100kg. Đối với chúng tôi, mỗi người 50kg là quá nặng. Đã khiêng nặng còn phải leo dốc, lại càng nặng gấp bội. Chao ôi, cái thân hình thư sinh, nghệ sĩ như chúng tôi làm sao khiêng nổi!? Chỉ cần đi vài chục bước là đã è cổ ra rồi. Tôi không tài nào lê thêm được nữa - mặc dù báng súng cứ nện tới tấp vào lưng, vào hông tôi. Tôi cố gắng khiêng đi, nhưng đôi vai càng đau rát như bỏng lửa, không tài nào chịu nổi. Hắn cứ việc đánh. Tôi vẫn không lết thêm được bước nào nữa. Và cuối cùng đành chịu lăn kềnh, buộc lòng tên 975 phải lấy một tù nhân khác thay.

Hôm đó, về trại nằm suốt đêm, tôi bị ê ẩm, nhức nhối cả mình mẩy.

Do số lượng người tăng, công việc cũng tăng theo nên chúng tôi cũng may mắn được chúng bố trí làm cái việc đỡ phải dầm mưa dãi nắng. Anh Bụi nấu cơm, anh Yêm có nghề may nên được thu xếp cho may vá áo quần tù nhân, anh Châu Thành làm lao công ở kho chuyên phát và thu các dụng cụ cho tù nhân đi làm hằng ngày. Tôi được làm thư ký điểm danh tù nhân sáng đi chiều về, và ghi chép sổ sách kho tàng vật dùng. Từ đấy, chúng tôi thoát được cảnh lao động khổ sai.

Gần ngày mãn hạn tù (18 tháng), không may anh Lê Văn Bụi vốn trước đây khỏe như trâu cày, nay bị ốm nặng phải chở về nhà thương Sơn Tây điều trị. Nhưng vì suốt một thời gian khá dài, anh đã bị nhiễm quá nhiều sương gió, lao động kiệt sức, nên đau đớn thay, anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách quê người với một nấm mồ không ai hương khói. Chúng tôi vô cùng thương xót. Ôi, một số phận con người - một con người nghèo khổ, lam lũ đi theo gánh hát mong ngày kiếm hai bữa, sống lương thiện mà vẫn không được sống trọn đời!

Tôi viết đến đây, bất giác trong lòng trào lên một cơn xúc động. Đôi mắt gờn gợn long lanh. Trước mặt tôi, hình ảnh anh Bụi hiện lên rõ nét: một con người khoẻ mạnh, hiền lành có nước da ngăm ngăm đen của miền biển xứ Quảng sông Trà. Anh Bụi ơi! Anh mất đi đến nay vừa tròn nửa thế kỷ, đã để lại cho bao niềm thương nhớ không nguôi cho anh em cùng hội cùng thuyền.

Hai năm trôi qua... chậm chạp... Anh Châu Thành và tôi hết hạn tù. Hôm gọi tên cho về, chúng tôi như trút được gánh nặng, người nhẹ hẳn ra. Bỗng nhiên, tôi sực nhớ lại hai câu mở đầu của bài diễn ca đặt từ trong nhà lao Thà Khẹt hai năm về trước: "Đời chiến sĩ dừng chân giải khát. Nơi lao tù nghỉ mát ít lâu"... Tôi mỉm cười thầm. Nếu chúng tôi không được bố trí việc làm công việc nhẹ, thì riêng tôi ắt sẽ được "nghỉ mát" không phải ít lâu mà là vĩnh viễn cùng với người bạn hiền Lê Văn Bụi rồi.

Trên con tàu chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn, chúng tôi được trở về Huế thân yêu. Mới hai năm xa cách, thế mà khi đến ga Huế, tôi cảm thấy xúc động, bàng hoàng nửa như lạ như quen. Tại đây, ông Trần Phương, chủ gánh ca Huế Việt Hưng mới thành lập đã chờ sẵn đón nhận chúng tôi để đi Ban Mê Thuột biểu diễn.

Khi vào đến Khánh Hòa, vì một tình cảm sâu sắc riêng tư, buộc tôi phải rời ông Phương mà đi với gánh ca Tân Tiến của chị Nghè Minh đang diễn ở đó - gánh ca duy nhất đã tổ chức một tối diễn lấy tiền mua quà gởi tặng tôi khi tôi còn ở Ba Vì. Món quà tuy không nhiều, nhưng đó là cả tấm lòng quí báu của anh em đồng nghiệp.

Nhưng rồi, tôi thấy nghệ thuật vẫn không có gì mới. Tôi thấy cần thiết phải có sự thay đổi. Thế là, tôi cùng với hề Đàng từ giã gánh ca Tân Tiến, tạm biệt anh chị em, ra đi để thực hiện ước mơ của mình.

Trước cảnh chia tay ấy, không biết ông trời có động lòng không mà cũng lất phất, sụt sùi... ngấm lạnh cả hai vai tôi.

Về đến Huế, chúng tôi xoay xở, vận động các Mạnh Thường Quân giúp đỡ thành lập gánh ca Huế Sông Hương. Những ngày đầu còn nghèo nàn, thiếu thốn. Chúng tôi vẫn quyết tâm tổ chức biểu diễn đợt đầu tiên tại rạp hát Vỹ Dạ. Lúc đó vào đầu năm 1945.

Sau đợt biểu diễn ở Vỹ Dạ, chúng tôi đưa gánh Sông Hương ra Đông Hà rồi lên Lào. Lần này, chúng tôi có dịp sẽ trả được món nợ với bà con Việt kiều ở thị xã Thà Khẹt. Lúc đó, Nhật đã đảo chính Pháp và đang ra sức tuyên truyền khối đại Đông Á. Chúng tôi bê nguyên xi hai bài thơ "Nàng vú em" và "Giọt mồ hôi" của Tố Hữu viết to lên dựng trước rạp để tuyên truyền cho vở Hồn lao động, một vở diễn cách đây 3 năm quần chúng lao động ở Thà Khẹt đã bị xem hụt, vì sự kiện gánh ca Huế Đồng Thanh bị bắt trước giờ mở màn.

Hai bài thơ của Tố Hữu quả có sức hút người đến xem càng đông, các áp phích, pa-nô quảng cáo khiến người ta vốn đã háo hức muốn xem lại càng háo hức hơn. Thật vô cùng phấn khởi. Từ ngày tôi gia nhập làng nghệ thuật ca Huế, chưa lần nào thấy một vở diễn hai tối liền như lần ấy. Tối nào người xem cũng đông nghịt. Vé hết sớm. Hết vé ngồi, người ta yêu cầu được mua vé đứng, vé đứng mà không nhìn thấy được diễn viên thì xin mua vé đứng để nghe cũng được. Khán giả vỗ tay rào rào không ngớt. Cái gì đã lôi cuốn, hấp dẫn người xem đến kỳ lạ thế? Chắc chắn không phải chỉ vì vở diễn hay. Mà chính là vì bà con Việt kiều ta lúc bấy giờ đang mong muốn cho đất nước quê hương mình được sớm xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, mà họ hy vọng sẽ tìm thấy sức chứa tiềm tàng ước mơ chính đáng ấy trong vở diễn...

Huế 30-5-1992
V.L

(TCSH59/01-1994)

 

 

Các bài đã đăng
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)