Góc Hoài niệm
Thôn Vỹ ngày đó...
08:56 | 25/10/2011

KIM THOA

Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
      
                   (Hàn Mạc Tử)

Thôn Vỹ ngày đó...
Cây đa già trên đường về thôn Vỹ - Ảnh: LVT
Cái thời đi học ở trường tiểu học Thế Dạ rồi trung học Đồng Khánh, ngày hai buổi ôm cặp đi về, tôi thường ngắm nhìn những ngôi nhà ẩn mình sau những chòm cây xanh ngắt, dõi mắt theo bóng dáng các tiểu thư khuê các ẩn hiện sau hàng rào chè tàu được xắp thẳng tắp hoặc thơ thẩn dưới những giàn hoa màu tím, màu xanh thiên lý.

Thiếu nữ, cây lá, nắng hoa, tiếng đàn, lời ca đã đưa tôi vào mộng.

Cái thuở chui hàng rào các khu vườn để hái hoa bắt bướm, bơi dọc theo dòng sông sau nhà hái những trái mâm xôi chín mọng ở bến nước, tôi đã làm quen và lần hồi biết tên các cô gái trong những ngôi nhà kín cổng cao tường.

Qua khỏi thôn Hô Lâu, ngôi nhà vườn đầu tiên của thôn Vỹ Dạ có kiến trúc khá đặc biệt. Nhà quay mặt ra bờ sông. Đi ngoài đường nhìn vào chỉ thấy bức bình phong chè tàu cao, lối vào nhà hẹp, sâu với hai hàng rào chè tàu được cắt tỉa gọn gàng. Vài cây cau, cây chay mọc đây đó không thẳng hàng. Bức tường sau nhà loang lổ rêu phong. Vườn sau hình như không được chăm chút. Chủ nhân ngôi nhà có lẽ muốn quay lưng lại với con đường, với người qua lại, với cuộc đời. Mỗi khi đi qua cổng nhà này tôi thường đi thật chậm mong nhìn thấy bóng dáng một người con gái thanh mảnh, tóc dài, áo trắng thấp thoáng giữa những bờ rào xanh. Mãi sau này tôi mới biết tên người con gái ấy là Lai Huyền Lục. Từ đó tôi gọi khu vườn hoang liêu này là khu vườn Lai Huyền Lục. Cô Lai Huyền Lục rời căn nhà đi xa lúc nào tôi không biết, còn lại trong tôi cái tên thật đẹp và lạ.

Cạnh vườn nhà cô Lai Huyền Lục là vườn nhà của cụ Ưng Úy. Đây là khu nhà vườn với vạt cỏ tranh rộng. Giữa vườn là một bức bình phong chè tàu cao quá đầu người, hai bên là hai gốc mai cổ thụ, mùa xuân hoa nở rộ vàng rực cả một mảnh trời. Ngôi nhà có hai người con gái: Á Nam và Lục Hà. Chị Á Nam trang lứa với chị tôi. Tôi thường nhìn thấy chị đạp xe đi học về, hình như lúc nào cũng muốn vội vào nhà. Tôi đứng bên kia đường ôm cặp nhìn chị với tà áo dài trắng, tóc không thả bồng bềnh mà lại được buộc gọn gàng sau vành nón, chị đạp xe vào nhà rất nhanh, tôi chưa lần nào thấy rõ ràng nét mặt chị. Thấp thoáng và rất nhanh là hình ảnh chị Á Nam trong mắt tôi. Đôi lần vào buổi chiều bơi dọc theo dòng sông, qua khu bến nhà chị, tôi thấy chị ngồi cúi đầu mài gót chân trên đá. Lúc bấy giờ tóc chị thả bồng bềnh, gió và nắng chiều trên mái tóc, người và ráng chiều. Tôi thầm hát một mình: “Đàn chim tung cánh xa khuất mờ, chiều thu lưu luyến màu thương nhớ, nhớ mái đầu ai nhuộm nắng vàng...”. Và cứ thế mà tôi mơ mộng.

Đối diện vườn nhà tôi là khu dân cư từ các nơi về cư trú họp thành một xóm nhỏ với con hẻm dài chạy thẳng ra đồng Vỹ Dạ. Theo lời người quanh xóm kể lại, đây là khu đất của phủ Vy Dã đã suy tàn từ lâu, con cháu chia đất phủ ra từng mảnh nhỏ và bán cho người tứ xứ.

Bên cạnh khu dân cư chòm xóm này là khu vườn bề thế của cụ Tả (dân quanh đây hay gọi là vườn ông Tả, có lẽ gọi theo chức vị Tả quân). Đây là khu dinh cơ của cụ thượng thư Tôn Thất Ngân. Khu vườn với những hàng cau, hàng ổi được trồng ngay hàng thẳng lối. Một vài gốc mai cổ thụ gần hiên nhà. Mấy gốc sứ trắng sần sùi bên cạnh bức bình phong xi măng khắc hình con hổ đang vờn ở chính giữa sân. Hai cây vú sữa cuối sân tỏa bóng mát cho một dãy hành lang dài.

Bên cạnh vườn cụ Tôn Thất Ngân cũng có một khu mả Ông Trạng. Khu mả này rộng hơn khu mả trước nhà chị Dạ Hương. Trong khu mả còn có một miếu thờ. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 5 âm lịch, làng tổ chức cúng âm hồn. Sau Mậu thân, cây cối không có người chăm sóc, khu vườn trở nên điêu tàn. Một cụ già còng lưng chống gậy đi lui đi tới trong sân dưới những gốc mai hay tàng vú sữa là hình ảnh tôi thường thấy những năm tháng này.

Đối diện vườn cụ Tả, cạnh vườn nhà tôi là một khu đất bỏ hoang chỉ có cỏ tranh mọc. Một mái nhà tranh nhỏ giữa vườn là nhà của đôi vợ chồng già làm nghề thợ rèn. Hàng ngày bà thụt bệ phụ ông rèn các dụng cụ làm nông như cuốc, xẻng và đôi khi rèn cả dao rựa. Vì không có con nên hai vợ chồng người thợ rèn già này rất thích tôi sang chơi. Những buổi trưa trốn ngủ, tôi thường chui hàng rào qua ngồi thụt bệ giúp bác gái và nghe bác kể chuyện đời xưa giữa những tiếng đe tiếng búa. Câu chuyện bác thợ rèn gái kể rất hấp dẫn đối với tuổi thơ của tôi. Từ ông Thánh Gióng đến Hùng Vương, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung. Từ giặc Ân qua giặc Pháp. Bác đã dẫn dắt câu chuyện thế nào mà tôi nghe say sưa không muốn dứt. Bác gái hay để dành cho tôi những quả ổi chín, mấy trái hạnh đào thơm ngọt, mấy trái chay vàng bác hái từ cây trồng quanh túp lều. Bác thợ rèn trai biết bện những bông trang màu trắng thành những con thú nhỏ. Bác đã chỉ dẫn cho tôi nhưng tôi chẳng tài nào học được. Từ bệ than lò rèn tôi cảm nhận được cái ấm cúng thương yêu của đôi vợ chồng lao động già: vài củ khoai nướng, ấm chè xanh hãm nóng bên than hồng. Dù mới 12, 13 tuổi tôi đã ao ước được sống như vậy. Hồi đó tôi nói với ba me tôi lớn lên tôi sẽ làm nghề thợ rèn, ngồi thụt bệ cho chồng bên bếp than hồng. Giấc mơ tuổi nhỏ đó của tôi làm cả nhà ai cũng cười và bảo: “để rồi xem”. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng thấy buồn cười, đồng thời cũng thấy xao xuyến nhớ nhung về một mối quan hệ thân thương đã trở thành dĩ vãng.

Bên cạnh khu vườn yên ắng, tĩnh mịch của cụ Tả là một ngôi vườn cây trái xanh tươi nhưng nhỏ bé hơn. Đó là khu nhà vườn của nhạc sĩ Hồng Nhân. Khu vườn có mặt tiền không rộng, khoảng cách từ đường cái với hành lang nhà ngắn, nên trông ngôi nhà gần đường hơn các ngôi nhà khác. Tôi gọi khu nhà vườn này là “vườn âm nhạc”, vì hầu như tối nào tôi cũng nghe tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng hát vang vọng từ sân thượng.

“Khu vườn âm nhạc” có hai người con gái có tên rất ấn tượng đối với tâm trí ngây thơ của tôi: Chi Điền và Ngọc Cầm. Không hiểu tại sao lúc đó tôi rất thích hai cái tên này. Tôi thường bảo me tôi sao không đặt tên cho tôi là Chi Điền hay Ngọc Cầm. Me tôi chỉ cười và bảo tên của con cũng hay đấy chứ!

Thuở đó tôi làm gì có casette, có đĩa để nghe, lâu lâu mới được nghe chương trình âm nhạc thiếu nhi của đài Sài Gòn từ chiếc ra đi ô Phillip của ba tôi. Vốn ưa nghe nhạc nên mỗi lần nghe tiếng sáo tiếng đàn từ bên kia đường vọng lại, tôi vội ra ngồi ở gốc cây khế đầu vườn nghe cọp và miên man nghĩ về hai cái tên Chi Điền, Ngọc Cầm. Tôi phác họa khuôn mặt của hai chị trên hoa Cát Đằng giống như khuôn mặt của nàng công chúa trong tâm hồn non dại của tôi.

Thế rồi một ngày kia khu “vườn âm nhạc” của tôi lặng thinh, bởi vì chiến tranh đã đến. Tôi không còn nghe tiếng đàn tiếng hát. Các chị Chi Điền, Ngọc Cầm bỏ thôn Vỹ ra đi. Trong vườn, có lẽ cũng như tôi, hoa lá đang buồn và nhớ nhung những người con gái một đi không trở lại.

Thôn Vỹ Dạ còn có khu vườn của các chị Phương Chi, Phương Thảo. Hai người con gái sống trong một ngôi nhà vườn vắng vẻ có ngôi mộ cổ phía trước và một người đàn ông trung niên đãng trí thường hay đi về trên con đường làng mỗi buổi chiều, miệng lẩm bẩm đọc thơ và nói tiếng Pháp.

Hai chị Phương Chi và Phương Thảo là bạn thân của chị cả tôi. Chi Phương Chi rất hiền và lặng lẽ, giọng nói nhỏ nhẹ, lúc nào đến tôi cũng thấy chị cầm một cuốn sách trên tay. Chị Phương Thảo thì ồn ào vui nhộn, lúc nào cũng ca hát. Cả hai chị đều rất yêu các con mèo của họ.

Một hình ảnh mà cư dân hai bên đường Vỹ Dạ khó quên được là vào những tối thượng trung tuần, hai người thiếu nữ cùng có chữ lót phản phất hương thơm ấy (phương) ôm hai con mèo đi dạo dưới ánh trăng. Trong tâm thức non dại của tôi ngày ấy: Phương Chi, Phương Thảo chính là hai nhân vật bước ra từ truyện Liêu trai, và Vỹ Dạ chính là miền cổ tích của tuổi thơ tôi.

Có một điều nghịch lí là hai nhân vật cổ tích, liêu trai Phương Chi, Phương Thảo lại có một mặt thứ hai của đời họ rất ư là hiện thực. Trong khu vườn rộng thênh thang của gia đình, ngoài những cây trồng như nhiều khu vườn Vỹ Dạ khác, còn có một phần đất trồng cây lá gai. Giống lá cây gai mà người Huế đã dùng để làm bánh ít đen. Bánh ít đen hay còn gọi là bánh ít lá gai là một đặc sản của Huế kinh kỳ.

Bánh ít lá gai là sản phẩm chính của nhà này. Mẹ và dì của hai chị làm các thứ bánh bán cho các hàng bánh bên chợ Đông Ba. Hai người con gái thường nói chuyện văn chương chữ nghĩa và chơi với mèo còn là hai lao động cần mẫn phụ giúp việc cho mẹ và dì. Ngoài bánh ít lá gai họ còn làm thêm các loại bánh măng, bánh mận, bánh su sê (bánh phu thê). Đến gần tết tôi còn thấy các chị ngồi cả ngày gói bánh phục linh xanh đỏ đủ màu và cần mẫn nặn bánh sen tán thành các loại hoa. Tôi cũng học được ít nhiều về cách làm bánh từ mẹ, bà dì và của cả hai chị. Năm 1968 người cậu đãng trí qua đời, cả nhà chuyển vào Nam sinh sống. Ngôi nhà đóng cửa im lìm, hoang lạnh cùng ngôi mộ cổ ngày một thấp dần.

*

Phủ Tuy Lý Vương - Ảnh: LVT


Nhắc đến Vỹ Dạ mà không nhắc phủ Tuy Lý Vương là một điều thiếu sót.

Dân ở đây không gọi là Phủ Tuy Lý mà gọi nôm na là phủ Ba Cửa, vì giữa một vùng đất rộng, cỏ mọc um tùm quanh năm, chỉ còn cái cổng có ba cửa ra vào đứng hoang liêu với nắng sớm mưa chiều.

Trong vườn phủ cũng đầy cỏ mọc, một ngôi nhà cổ, vài ba cây sứ cổ thụ bông trắng chơ vơ. Khung cảnh tiêu điều vắng vẻ làm ái ngại người viếng thăm. Nhà phủ luôn đóng cửa, thỉnh thoảng mới thấy người đến thắp hương.

Thuở chị Phùng Thăng mang thai, chị về đây tịnh dưỡng. Mẹ tôi thường sai tôi đem biếu chị vài thức ăn nên tôi có dịp ra vào phủ. Quang cảnh nơi đây quá cô liêu, bước chân vào không thể nào không nhớ hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Phủ chỉ còn lại một ngôi nhà thờ rêu phong, quanh vườn vài cây sứ chơ vơ và chỉ có thế. Phủ ngăn cách vùng đất dân cư chung quanh bởi những bờ rào cây dại và cây keo. Vùng đất phía sau phủ đã trở thành vùng dân cư chòm xóm, có nhà đã lên mái ngói, có nhà chỉ là túp lều tranh.

Qua khỏi phủ Ba Cửa, phía bên kia đường, ngôi nhà tôi hay đứng lặng để nhìn, để chờ trái thị rơi, chờ con khỉ già ngủ gật, là nhà của cụ Bửu Đáp. Đây cũng là một ngôi nhà vườn khá đặc biệt của thôn Vỹ Dạ. Nhà không quay mặt ra đường (hướng chính Đông) mà quay về phía Tây Nam. Nhà xây hai tầng nằm trong một khuôn viên cây cối um tùm. Một nhà lục giác nằm ở góc vườn chung quanh trồng các bụi hồng lựu và bạch lựu. Trên tường có khảm hình một bầu rượu và hai câu đối chữ Hán mỗi câu bốn chữ (tôi không đọc được những chữ này). Đây là chỗ ngâm thơ uống rượu của các cụ.

Nhà cụ rộng rãi nhưng vắng người, vật dụng trong nhà bày biện đơn giản nhưng rất ngăn nắp. Vườn cụ không trồng hoa, chỉ duy nhất một gốc mai lớn ở giữa sân, cụ thường bảo trồng hoa phải chăm bón nhiều mà cả hai cụ đều lớn tuổi không đủ sức chăm bón kỹ được thì tội cho hoa. Tôi yêu lời nói này biết chừng nào...

Cách đây hai năm tôi có trở lại nơi này, ngôi vườn trở thành nơi buôn bán vật liệu xây dựng, cát sạn, xi măng, gạch ngói ngổn ngang trên một bãi đất lầy lội từ đường cái ra đến bến sông. Cái nhà lục giác được xây lại to hơn, bình rượu trên tường được đắp lại to hơn, hai câu đối mỗi câu bốn chữ nay còn lại ba chữ. Tôi hỏi người chủ nhà, chị hồn nhiên vui vẻ đáp: ông cụ còn chắc vui lắm vì nhà được xây lại hai tầng bề thế, các câu đối, bình rượu to hơn. Tôi hỏi sao câu đối mỗi vế còn ba chữ thôi, chị bảo khi xây lại thợ nề nó bỏ quên mỗi câu một chữ, nhưng trông cũng đẹp đấy chứ. Tôi gật gật đầu rồi chào chị ra về, lòng cảm thấy băn khoăn chẳng biết hương hồn cụ Bửu Đáp có chia sẻ suy nghĩ của cô con gái hay không?

*
Càng đi lần về phía chợ, từ Phủ Ba Cửa đến đường xóm đi vào chùa Phước Huệ, các khu vườn hình như hẹp hơn, có lẽ chủ nhân không phải là danh gia vọng tộc. Phía bên kia đường cũng vậy, nhiều nơi đã trở thành khu dân cư chòm xóm.

Cấu trúc vườn, nhà và cả cây trồng không giống khu vực phía trên. Đa số các vườn không trồng cây lưu niên mà trồng các giống cây ngắn ngày mới du nhập về như: táo trái nhỏ cành có gai, trướng gà, trứng cá (hay gọi là cây cheri), thơm victoria, chuối Đồng nai... và các loài hoa cũng mới du nhập như: móng bò, tử vi, trúc đào, hoa giấy (đa phần cổng nhà nào khu vực này cũng trồng hoa giấy màu đỏ tím, màu trắng). Có nhà đã xây theo kiểu mới mái bằng, hoặc xây gian nhỏ kề nhau hình ống.

Con gái ở đây cũng có những cái tên mới lạ hơn: Xuân Lộc, Xuân Đài, Mỹ Liên, Mỹ Linh, Việt Anh, Mỹ Anh...

Nhà cô Hoàng Thị Kim Cúc, cô giáo dạy gia chánh trường Đồng Khánh (nàng thơ của Hàn Mạc Tử), cũng ở trong khu vực này. Nhà cô ở phía bờ sông cạnh rạp hát tuồng Vỹ Dạ. Thời đi học tôi hay về nhà cô. Đây là khu vườn nhà vừa phải không bề thế cũng không rộng. Vì ở cạnh bức tường lớn của rạp hát nên nhà cô kém vẻ xanh mát (thế nhưng dưới mắt nhà thơ, nơi ở của người đẹp vẫn “mướt quá xanh như ngọc”). Trong sân nhà cô, tôi nhớ nhất là một gốc dương liễu già xù xì, hai cây trứng gà mọc hai bên lối đi vào. Nhà cô Hoàng Thị Kim Cúc không trồng cau nhưng trồng nhiều loại hoa nho nhỏ trông rất đáng yêu: Hoa tỷ muội, hoa tiểu cúc (cúc vàng loại nhỏ), hoa yên chi...

Hàn Mạc Tử trong bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vỹ Dạ” mô tả nàng thơ trong bối cảnh đặc thù và không gian chung của thôn Vỹ chứ không mô tả cảnh vườn nhà cô Cúc. Vườn nhà cô Cúc không có nắng hàng cau, không có lá trúc che nghiêng, không có hoa bắp lay, càng không có bến sông trăng... Cô Cúc ngoài khuôn mặt chữ điền và những nét đẹp đã nhập thể trong từng câu, từng chữ của bài thơ như thi sĩ đã cảm nhận, còn nổi tiếng trong cư dân Vỹ Dạ là “người con gái tinh khôi” luôn mặc áo trắng, áo lam, từ dáng đi, giọng nói, cử chỉ luôn thể hiện vẻ khoan thai, từ tốn, dịu dàng, đoan hậu của một nữ cư sĩ Phật giáo. Cô Cúc còn nổi tiếng có kiến thức sâu rộng về ẩm thực Huế và tài nấu nướng và sắp xếp việc nhà (cô đã xuất bản hai tập “Những món ăn nấu lối Huế” tập I và tập II, nhà in Tân Dân 41 đường Gia Hội năm 1945).

Bắt đầu từ cầu Hương Lưu bắt qua cồn Hến, đến chợ Mới (nay là chợ Vỹ Dạ), khu vực này đã phố thị hóa, nhà mặt tiền thường là các cửa hàng hay tiệm buôn nhỏ. Ở đây thời bấy giờ có một tiệm sửa đồng hồ, một tiệm sửa xe đạp, một nhà may, một tiệm thuốc bắc, đến khu chợ thì có thêm nhiều nhà bán hàng tạp hóa, một gian hàng guốc mộc, đôi ba quán rượu lẻ và thuốc cẩm lệ. Khu vực này không có vườn.

Những người con gái nơi đây đã có những cái tên bình dân, gọn gàng dễ gọi như Hồ Thị Quảng, Nguyễn Thị Thới, Nguyễn Thị Thân, Lê Thị Bưởi, Hầu Thị Thiếu...

*

Hàng cau xanh bên nhà vườn ở thôn Vỹ Dạ - Ảnh: LVT


Thôn Vỹ Dạ còn một ngôi nhà vườn nổi tiếng không những vì vườn đẹp mà chủ nhân ngôi nhà lại là một thi nhân, đứng đầu Hương Bình thi xã: cụ Ưng Bình Thúc Giạ. Vườn nhà cụ đối diện với chùa Ba La Mật. Đây là ngôi nhà rường có sửa sang đôi chút, nhà chính có ba gian hai chái với cột kèo bằng gỗ, chạm khắc, sơn son thếp vàng. Các đố vách chung quanh được thay bằng tường xây và trổ cửa sổ. Nền nhà được nâng cao và lát gạch hoa. Thập niên 1960 ngôi nhà được trông nom bởi bác Bửu Kỉnh, con trai của cụ Ưng Bình. Nhà quay mặt về hướng Tây Nam thay vì hướng chính Đông như hầu hết các ngôi nhà ở đây.

Cổng và hàng rào phía trước là một hàng tre la ngà, thân cây màu vàng tươi và lá thì xanh thẫm. Trong vườn, ngoài những cây cổ thụ như nhãn, vải, vú sữa, còn có những cây mảnh mai hơn như lựu, hồng, táo... Vườn còn trồng nhiều loại hoa: Mai, Hải đường, Cúc vàng... Cảnh quan nơi đây đầy màu sắc tựa khu vườn trong Bích Câu kỳ ngộ:

Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông.

Nhắc đến vườn nhà của một nhà thơ đã từng là chủ soái một Tao đàn nổi tiếng khắp vùng sông Hương núi Ngự mà chẳng ghi lại một bài thơ là “tội” không thể tha thứ. Tôi chắp tay cầu xin hương hồn cụ Ưng Bình lấy tấm lòng rộng lớn của một vị trưởng giả, một cư sĩ Phật giáo mà xá tội cho một nữ nhân hậu thế thô thiển, vô tình, chỉ cảm nhận được đôi phần của sự việc mắt thấy tai nghe.

K.T
(272/10-11)
 

-----------------------------
*Lời người viết: Tôi xin gởi đến các vị chủ nhân những cái tên, những ngôi nhà, những khu vườn tôi đã trân trọng và quí mến nhắc đến trong mấy trang ký ức lời xin lỗi vì đã không xin phép.






 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Xóm Ngự Viên (01/09/2011)
Huế (01/06/2010)