Thời sự Văn chương
Tinh thần khai minh
06:59 | 20/03/2014

Ngày nay, nhìn lại chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm nhìn của một người mang khát vọng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh

Tinh thần khai minh

Ý thức được vai trò của trí thức trong việc chấn hưng dân trí, người ta đã lấy tên ông đặt tên cho Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh. Thành quả to lớn trong những năm gần đây là quỹ này đã bước đầu xây dựng được Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, một tủ sách kinh điển nhằm đánh thức cách nhìn của chúng ta về vai trò của tri thức đối với sự phồn thịnh của một dân tộc.

Nhìn vào các đầu sách của Tủ sách Tinh hoa người ta nhận thấy, tinh thần nhất quán của tủ sách này chính là tinh thần khai minh, tinh thần khai sáng dân tộc dựa trên nền tảng vững chắc của trí tuệ, dựa trên những cấp độ tư duy sâu rộng và khả năng sáng tạo vượt bậc đi ra từ căn nền của triết học, khoa học, mỹ học,…

Muốn nhìn xa tất yếu phải đứng trên vai của những người khổng lồ. Chỉ có trên tầm cao ấy đôi mắt của chúng ta mới có thể vén mở được những giới hạn của chân trời. Qua tủ sách Tinh hoa chúng ta được gặp những người khổng lồ Kant, John Dewey, Rousseau, Gustav Jung, Roland Barthes,… Từ đó chúng ta thấy rằng chỉ có bằng con đường của trí tuệ, bằng con đường được khai mở từ tư duy của những bậc thiên tài chúng ta mới có thể thoát ra khỏi những vướng mắc triền miên trong môi trường tụt hậu về mọi mặt. Chỉ có đứng trên nền tảng của tri thức thì mới có thể khai phóng tư duy, khai phóng cách nhìn của chúng ta về thế giới khách quan và thế giới tâm hồn, khỏa lấp những lỗ hỏng đã bị tạo ra từ trước, mới đem lại cho chính bản thân và kể cả cộng đồng những hứa hẹn vén mở.

sách và chân trời 

Từ Tủ sách tinh hoa chúng ta thấy mình sống trong một thế giới đầy xáo trộn. Thực tế ngày nay, chúng ta đang trượt trôi trong một hoàn cảnh mà ngay chính ngôn ngữ của chúng ta cũng không thể diễn giải một cách trọn vẹn và đích xác. Vật lý lượng tử ra đời đã kéo theo những đổ vỡ trong cách chúng ta thức nhận về thế giới khách quan mà trước đây người ta nhầm tưởng đó là những khế ước của lý trí vĩnh cửu. Chúng ta đang lưu trú trong một ngôi nhà mà ngay chính chúng ta không mấy am tường về nó, có nghĩa là chúng ta đang đối mặt với những nguy cơ không thể dự báo. Giới hạn của ngôn ngữ trong việc mô phỏng thế giới ngày nay, theo Werner Heisenberg, có nghĩa là “Người ta còn chưa tìm được một ngôn ngữ dùng để nói về tình hình mới… kỹ thuật thực nghiệm được cải tiến của thời đại ngày nay đã đưa vào trong phạm vi của khoa học những khía cạnh mới của tự nhiên mà không thể mô tả được bằng các khái niệm thông thường. Vậy thì các khía cạnh mới sẽ được mô tả bằng ngôn ngữ nào?”[1] Con người đã tạo ra ngôn ngữ và rồi nương nhờ vào nó để được hiện hữu và sáng tạo, nhưng cuối cùng, chúng ta lại trở nên vấp phải những giới hạn của chính ngôn ngữ. Phải chăng bản thân nội tại ngôn ngữ chưa kịp hình thành những khái niệm mới mà nó vẫn đang nằm trong những quy tắc, quy ước cũ, trong khi thế giới khách quan không ngừng biến thiên theo quy luật vận hành của nó và theo cách mà chính loài người nhìn nhận nó. Do đó ngôn ngữ trở nên mơ hồ và trình ra những hạn định trước việc diễn dịch một thực tại khác.

Trong quá trình tự hoàn thiện, chúng ta luôn luôn đối mặt với những giới hạn và lao vào những vùng mờ của tư duy. Tủ Sách tinh hoa, ở một khía cạnh nào đó, đã giúp chúng ta nhận biết thực tế là mình đã hiểu được những gì về hiện thực trong một thứ hiện thực “bất định, mơ hồ và hoài nghi.”[2] Từ khoa học luận của Gaston Bachelard chúng ta thấy rằng lý trí đã dìu dắt chúng ta như thế nào và vì sao những giới hạn của nó lại đẩy chúng ta lâm vào những “chướng ngại nhận thức”[3]. Và để vượt qua những giới hạn chúng ta cần hướng đến một “tinh thần khoa học phải được hình thành trong sự đối nghịch, tinh thần khoa học phải tự hình thành bằng cách tự cải tạo… Thấu đạt vào khoa học chính là sự cải lão hoàn đồng nhận thức, chính là chấp nhận sự thay da đổi thịt đột ngột, có ý nghĩa phủ định quá khứ.”[4]

Trong nghệ thuật, chúng ta luôn tự hỏi vì sao mình cứ mãi loay hoay rồi trở nên an lòng với lối nghệ thuật mô phỏng thực tại. Vì sao sáng tạo của chúng ta chưa thể đi trước những phám phá của vật lý. Chúng ta quá nghèo nàn trước sự phóng tưởng sáng tạo của Kafka, Boger, Bùi Giáng,…  Có lẽ bởi vì chúng ta chưa thấy được sự khai mở và tính chất vận động thực sự trong bản chất của thực tai. Chúng ta luôn tin vào những gì mình thấy mà ít khi hoài nghi chính tri giác của mình. Hay nói như David Bohm “là vì chúng ta đã quá quen thuộc với trật tự hiện, đã nhấn mạnh nó quá mức trong tư duy và ngôn ngữ của mình…”[5] Sáng tạo của chúng ta đang mắc cạn trong vô vàn những hạn định. Trong khi hiện thực đã trở nên phân mảnh và rạn nứt thì chúng ta vẫn tin tưởng và bám víu vào một thứ hiện thực chết cứng trong niềm tin tuyệt đối, niềm tin cũ kỹ của quan niệm và của tri giác. Cần khơi mở những dạng thức thực tại mới mà nghệ thuật hậu hiện đại gọi là những simulacrum[6] (vật thể giả tạo), những dạng thức hiện thực của phóng tưởng sáng tạo, nằm trong quá trình truy tìm những ảnh tượng trong miền sâu của trí tưởng tượng, của một dạng trật tự nào đó chưa được đặt tên. Hiện thực khách quan đang giấu giếm chúng ta những gì? Tri thức khách quan mà lý tính đem lại cho chúng ta đã phản ảnh được bao nhiêu so với biển trời ngoại giới? Trong khi đó, ngay chính ở bản thân mỗi cá thể đơn lẻ chúng ta lại đang chứa ẩn cả một thế giới vô thức, tiềm thức mênh mông.

“Quả thật cho đến hôm nay, ta vẫn còn là một ốc đảo cách biệt rất xa với đại dương mênh mông của tri thức nhân loại, cả cổ điển lẫn đương đại, đó là điều không thể và cũng không nên cố tìm cách chối cãi.”[7] Đây là một sự thật đáng buồn không phải bất cứ người Việt nào cũng có thể thức nhận và bằng lòng chấp nhận.

Gần đây, nhiều người kỳ vọng vào một nền học thuật mới mẻ, một sự làm chủ tri thức thật sự của người Việt trong một tương lai gần khi nhìn vào tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri Thức. Nhưng không hẳn thế. Chúng ta, những người có ước vọng về một nền văn hóa đọc vững chắc cho dân tộc, sẽ không tránh khỏi đau lòng khi nghe giáo sư Chu Hảo nói về tình trạng ế ẩm của tủ sách tinh hoa trong cuộc tọa đàm thông báo về giải thưởng Phan Châu Trinh 2012: "Mỗi một cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được trên 2.000 cuốn trên 84 triệu dân. Tôi nói như vậy chắc ai nghe cũng đau lòng. So sánh với những cuốn sách có thị hiếu văn hóa như nhiều người nói là không cao, chúng cũng bán được 10.000-15.000 bản".[8]

Khát vọng của tủ sách tinh hoa là chấn hưng dân trí, và sự thật là chúng ta thấy rõ được điều đó qua các đầu sách mà tủ sách này lựa chọn để tổ chức dịch thuật và xuất bản, quảng bá. Nhưng với sự thật đau lòng này thì liệu đến bao giờ dân trí mới được chấn hưng.

Không ai được phép xem thường trí thông minh của giới trẻ hiện nay, nhưng họ cần sự định hướng của những người đi trước. Một ai đó từng nói rằng kinh nghiệm thật ra chỉ là tên gọi của những sai lầm. Phải giúp tuổi trẻ nhìn thấy sai lầm của người đi trước.

Chúng ta an lòng phần nào khi con cái mình bước tới nhà sách thay cho việc thức thâu đêm để chờ đợi rồi hôn lên những chiếc ghế của các thần tượng ca nhạc, thời trang, điện ảnh và khóc lóc, gào thét khi không chạm được vào tay thần tượng của mình.

Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết con cái chúng ta sẽ lựa chọn những cuốn sách nào trong một rừng sách ngút trời ở đó, khi quanh chúng nhan nhản những cuốn tiểu thuyết diễm tình của văn học Trung Quốc, những câu chuyện ướt át bởi tình dục, những cuốn có nhan đề giật gân đánh vào tâm lý tò mò của giới trẻ mà vì lợi nhuận nên các nhà sách ồ ạt cho ra lò mà không nghĩ đến sự nguy hại của chúng.

Trong khi đó, những cuốn như Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon, Chính thể đại diện của John Stuart Mill, Những huyền thoại của Roland Barthes, Vật lý và triết học của Werner Heisenberg, Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard, Luận về biếu tặng của Marcel Mauss,... vẫn nằm im lìm trên các giá sách mặc cho sự cô đơn của cả một thế giới kiến thức khổng lồ, sâu rộng và những lý giải học thuật nghiêm xác, bổ ích bên trong chúng.

Ngoái nhìn phương Tây, khoa học và nghệ thuật của họ luôn có những bước đột khởi bởi họ dựa trên những căn nền vững chắc dưới sự tài trợ của những nhà kinh tế lớn. Còn chúng ta, phải chăng phần lớn đang mải mê với những cuộc chơi khác mà ở đó sách vở và tri thức không thể dự phần?

                                                                                                         LÊ MINH PHONG



[1] Xem Werner Heisenberg, Vật lý và triết học – cuộc cách mạng trong khoa học hiện đại, Phạm Văn Thiều, Trần Quốc Túy dịch, Nxb Tri thức 2009, tr232.

[2] Xem F.David Peat, Từ xác định đến bất định - Những câu chuyện về khoa học và tư tưởng của thế kỷ 20, Phạm Việt Hưng dịch, Nxb Tri thức, 2011.

[3] Chữ của Gaston Bachelard, trong công trình Sự hình thành tinh thần khoa học (Góp phần phân tâm luận về sự hiểu biết khách quan), Hà Dương Tuấn dịch, Nxb Tri thức 2009.

[4] Xem Gaston Bachelard, Sự hình thành tinh thần khoa học (Góp phần  phân tâm luận về sự hiểu biết khách quan), Hà Dương Tuấn dịch, Nxb Tri thức 2009. tr42.

[5] Xem David Bohm, Cái toàn thể và trật tự ẩn, Tiết Hùng Thái dịch, Nxb Tri thức 2011.

[6] Về thuật ngữ này xin xem thêm Nguyễn Minh Quân, Chủ nghĩa hậu hiện đại, những khái niệm căn bản. Tạp chí Việt, số 7. Hoặc xem Nguyễn Minh Quân, Chủ nghĩa hậu hiện đại, những khái niệm căn bản, in trong Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội nhà văn & Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2003, tr165.

[7] Nguyên Ngọc, Một sự nghiệp lớn và cấp thiết, in trong Tinh thần khai minh (Diễn từ nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh), Nxb Tri thức 2012, tr40.

[8] Xem http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/114387/sach--chan-hung-dan-tri--bi-ghe-lanh-nhu-the-nao-.html

 

Các bài mới
Các bài đã đăng